than-cung-atsuta-truyen-thuyet-ve-thanh-bao-kiem-kusanagi
Thần cung Atsuta – Truyền thuyết về thanh bảo kiếm Kusanagi
- bởi tamthuc --
- 13/07/2017
Những ai tới du lịch thành phố Nagoya ở Nhật Bản nhất định sẽ đến thăm “Thần cung Atsuta” nổi tiếng. Theo truyền thuyết kể lại, người Nhật cổ có ba thần khí lớn là chiếc gương Yata no Kagami, viên ngọc Yasakani no Magatama và thanh kiếm Kusanagi no Tsurugi đều được cất giữ ở Thần cung này.
Người ta không rõ Thần cung Atsuta được xây dựng vào thời gian nào, ban đầu ngôi đền thờ này có tên là “Thần xã Atsuta”, nơi đây luôn được Hoàng gia Nhật xem trọng. Thần xã này nằm phía sau Thần cung Ise, năm 1868 mới đổi tên thành Thần cung Atsuta.
Thanh kiếm Kusanagi cất giữ trong thần cung còn được gọi là Thiên Tùng Vân Kiếm, Thần cung Atsuta nổi tiếng bởi thần khí của thanh kiếm này. Vị thần được thờ trong Thần cung Atsuta có quan hệ mật thiết với thanh kiếm Kasanagi.
Thần cung Atsuta đã thờ thanh kiếm Kusanagi được 1.900 năm, thần thoại này bắt nguồn từ rất lâu rất lâu về trước. Có một con rắn tám đầu quấy nhiễu trong nhân gian, vị thần Susanoo-no-Mikoto (cũng có bản ghi chép là Susanoo) gặp một cặp vợ chồng đang rất đau buồn bởi vì 7 người con gái của họ đều đã bị Bát Kỳ Đại Xà ăn thịt rồi, bây giờ nó muốn ăn thịt luôn người con gái cuối cùng của họ là Kushinadahime.
Susanoo-no-Mikoto đã dùng ba thùng rượu để dụ dỗ ác xà, nhân lúc Bát Kỳ Đại Xà uống say rồi lấy mạng nó. Susanoo-no-Mikoto cắt đuôi của nó, trong đó có một cái đuôi không thể nào cắt được, mà khi dùng kiếm cắt một lỗ hổng thì mới phát hiện thấy bên trong cái đuôi này có một thanh bảo kiếm, Susanoo-no-Mikoto gọi đây là kiếm Thiên Tùng Vân, sau đó đã tặng cho Thần mặt trời Amaterasu.
Amaterasu là vị thần cổ xưa nhất của Nhật Bản, đây cũng là thần cao nhất lúc bấy giờ. Amaterasu đã dùng Thiên Tùng Vân kiếm do Susanoo-no-Mikoto tặng làm biểu tượng của ngôi vị, vô cùng xem trọng bảo vật này và truyền lại cho Thiên Hoàng. Truyền đến đời Thiên Hoàng thứ 12 Keikō. Thiên Hoàng Keikō có hai người con trai sinh đôi, con lớn là hoàng tử Oousu, người thứ hai là Yamato Takeru. Yamato Takeru có thân hình vạm vỡ, sức khỏe cường tráng. Vào thời điểm đó khắp nơi rối ren, Thiên Hoàng Keikō đã giao Thiên Tùng Vân Kiếm cho Yamato Takeru, cử ông đi dẹp loạn.
Trên đường đi ngang qua Owari, Yamato Takeru đã gặp người phụ nữ ông đem lòng yêu thương là Miyazuhime, sau này hai người kết hôn và Yamato Takeru đã chỉ định anh trai của vợ là Takeinadane Inochi làm phó tướng quân cùng ông đi dẹp yên chiến tranh loạn lạc.
Có một lần mắc bẫy suýt nữa bị thiêu chết, Yamato Takeru đã dùng Thiên Tùng Vân Kiếm chặt cây cỏ mở đường chạy thoát, bởi vì có thanh kiếm này nên mới tránh được cửa tử, từ đó Thiên Tùng Vân Kiếm được gọi là Kusanagi (Thảo Thế Kiếm).
Trong cuốn sách “Nihon Shoki” (Nhật Bản Thư Kỷ) có một số ghi chép được lấy khá nhiều từ “Cổ Thư Ký” giống như giai thoại dân gian, các nhà sử học Nhật Bản cho rằng đây là thần thoại, không được xem là chính sử của Nhật Bản. Dù cho 1.900 năm trước đã xảy ra việc gì thì trong thế kỉ 21 hiện tại, Thần cung Atsuta thật sự tồn tại như một ngôi nhà cổ, đồng thời bởi vì có truyền thuyết về thanh bảo kiếm Kusanagi nên đã thu hút rất nhiều du khách đến đây.
Những vị thần được thờ ở đại điện trong Thần cung Atsuta là các Đại thần Atsuta như Amaterasu, Susanoo-no-Mikoto, Yamato Takeru, Miyazuhime và Takeinadane Inochi. Đại thần Atsuta được xem là “Thần thể” của thanh kiếm Kusanagi, nói cách khác thì Đại thần Atsuta là chính là linh hồn của thanh kiếm. Những vị thần được thờ đều là những nhân vật có liên quan mật thiết với bảo kiếm Kusanagi.
Thần cung Atsuta có diện tích 190.000 m2, là một vùng đất phủ đầy cây xanh ở Nagoya, không khí trong lành, màu xanh bát ngát. Dạo bước ở đây sẽ nhìn thấy những cảnh vật rất hiếm gặp, rừng cây hàng nghìn năm tuổi và những cây mai chỉ nở hoa không có quả.
Bên trong Thần cung Atsuta còn có thần xã nhỏ khác, nếu muốn bạn cũng có thể đến viếng thăm như thần xã Kamichikama, Shimochikama, Hakkengu… và tận hưởng cảm giác yên bình ở nơi đây.
Cùng dạo bước quanh Thần cung Atsuta qua những bức ảnh dưới đây:
TAMTHUC
Thanh Trúc
(Ảnh: japanhoppers.com)
TAMTHUC:
Comment