tai-sao-lai-kieng-phu-nu-xong-dat-dau-nam
Tại sao lại kiêng phụ nữ xông đất đầu năm?
- bởi tamthuc --
- 06/02/2015
Trong dân gian của chúng ta thường vẫn hay kiêng phụ nữ xông đất đầu năm, vậy nhiều người hỏi nguyên cớ làm sao lai vây?
Theo các cụ xưa nay vẫn kiêng phụ nữ xông đất vì phụ nữ tính âm, mà xông đất đầu năm cần dương khí vào nhà, thì năm đó gia đình sẽ được mạnh khỏe, làm ăn phát tài.
Nếu phụ nữ xông nhà, nên đi theo đoàn có đủ ngũ hành để tạo thành vòng bổ sung cho mệnh chủ.Ví dụ mệnh chủ hành Hỏa, Thái tuế hành Kim, phụ nữ hành Thổ (Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim) thì nên bổ sung cả người hành Thủy – Mộc thành vòng khép kín sẽ tốt hơn.
Trong văn hóa Việt thì trẻ con là con trai hay đi xông nhà và thường thì đến mỗi nhà đều được gia chủ mừng tuổi, chia cho bánh kẹo ngụ ý là cảm ơn người đến xông đất.
Đàn bà, con gái không được xông nhà?
Chỉ bởi vì một lẽ rất đơn giản: Tôi là con gái. Tôi có 9 vía. Mà vía của đàn bà thì không tốt. Không may mắn bằng vía đàn ông.
Ngày bé, tôi vô cùng ấm ức vì lúc nào em trai tôi cũng được các bác, các chú trong nhà và cả bạn bè của bố mẹ tôi nữa, dặn dò nó sáng mùng 1 tết tới thật sớm để xông nhà cho họ. Trong khi đó, tôi không bao giờ có được cái vinh hạnh ấy. Xông nhà thì cũng chẳng có gì. Nhưng điều quan trọng là nó bao giờ cũng được nhiều tiền mừng tuổi hơn tôi. Điều ấy khiến tôi ghen tị.
Lớn lên, trong khi em trai và bố được đi chúc tết, đi xông nhà cho họ hàng, hàng xóm từ khi trời vừa sáng sớm. Nhà ai gần, bố và cậu em tôi còn đi từ lúc sau giao thừa. Còn tôi và mẹ lúc nào cũng phải ở nhà, cơm nước để cúng các cụ. Tôi không ngại làm việc nhà, vì đó là thiên chức của phụ nữ mà. Có điều là tôi bực mình vì thấy mình bị phân biệt đối xử.
Tôi cũng học hành giỏi giang. Tôi chẳng quá xinh đẹp, nhưng tôi cũng dễ thương và duyên dáng. Vậy tại sao tôi chẳng thể đi xông nhà. Chỉ bởi vì một lẽ rất đơn giản: Tôi là con gái. Tôi có 9 vía. Mà vía của đàn bà thì không tốt. Không may mắn bằng vía đàn ông.
Tôi không tin, thực sự tôi không tin và vô cùng bất bình vì điều ấy. Tôi nung nấu một lần đi ngược lại cái tập tục có tính truyền thống này. Đàn bà, con gái thì có làm sao kia chứ. Tôi quyết chứng minh rằng, con gái cũng hoàn toàn có thể đi xông nhà, xông đất như ai.
Kế hoạch của tôi chín muồi vào tết năm tôi học đại học năm 2. Khi tôi định sẽ là người đầu tiên xông đất nhà mình. Năm đó, tôi đi xem bắn pháo hoa cùng các bạn tới qua 12h đêm mới rục rịch về. Thực ra, chuyện đi chơi, tôi cũng không khoái lắm. Vì tết năm đó trời rét vô cùng và lại còn mưa phùn nữa. Nhưng vì “sự nghiệp” đấu tranh đòi lại công bằng cho bản thân và cho phái nữ tôi quyết tâm đi thật khuya.
Pháo hoa bắn xong là lúc 12h30 đêm. Tôi tức tốc bắt thằng bạn thân đèo về nhà để thực hiện cho kì được ý định của mình. Nhưng đúng lúc đó, bố tôi gọi điện thoại. “Con ơi, nhà mình chưa có ai xông nhà. Con là con gái, đừng có về giờ này nhé. Cứ cùng bạn bè xem bắn pháo hoa đi. Rồi lên chùa thắp hương, xin quẻ đầu năm đi nhé. Nửa tiếng nữa anh Hưng xuống xông nhà mình xong thì con hãy về nhé!”
Người tới nhà mình sớm nhất trong ngày đầu tiên của năm mới được gọi là người xông nhà… (Ảnh minh họa)
Bố nói xong, không chờ tôi “Dạ” một tiếng đã cúp máy luôn. Tôi bực dọc vô cùng vì ý định của mình thế là tiêu tan thành mây thành khói. Nếu như tôi cố tình phớt lờ lời bố thì có lẽ mọi chuyện cũng sẽ xong. Nhưng tôi biết, bố tôi gia trưởng và truyền thống lắm. Nếu tôi mò về nhà như dự định thì thể nào tết này tôi cũng sẽ chẳng yên lành với ông. Tôi chẳng thể viện cớ “không biết” vì bố tôi đã gọi điện báo trước. Bố sẽ chẳng mắng, chẳng đánh vì như thế tôi sẽ mất dông cả năm. Nhưng tôi sợ sự im lặng, ánh nhìn giận dữ của bố.
Tôi vừa ức, vừa tủi thân như kiểu mình bị cấm về nhà. Trong khi tôi đang tức sôi gan và bực mình thì bọn bạn tôi sung sướng vì chúng nó có thể kéo tôi đi thêm vài tăng nữa. Trong đầu tôi lúc ấy giận bố lắm. “Tại sao lại như thế được cơ chứ. Mấy trò mê tín vớ vẩn. Con gái thì sao chứ. Con gái cũng là người chứ có phải là ma đâu?” Tôi đi cùng bạn bè, miệng vẫn cười nhưng trong lòng thì bức xúc cực kì.
Thế là ý định quyết đòi lại sự bình đẳng của tôi đã không thể thực hiện được. Cứ như là bố đã đi guốc trong bụng tôi. Biết được hết kế hoạch của tôi. Chưa bao giờ lòng tự ái của một đứa con gái trong tôi lại lớn đến thế. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua vì tôi chẳng thể nào giận bố lâu được. Tuy nhiên, tôi đem sự bức xúc này kể cho mẹ tôi nghe.
Mẹ bảo tôi ương bướng quá. Không phải là trọng nam hay khinh nữ gì ở đây. Giờ hiện đại rồi, bố mẹ không thế. Mà bình thường bố mẹ cũng cưng chiều tôi hơn cả thằng em trai nối dõi của các cụ.
“Tất cả là tập tục, là truyền thống của ông bà ta từ ngàn đời nay. Chẳng ai có thể bằng những lí lẽ khoa học mà chứng minh rằng con trai xông nhà thì tốt hơn con gái. Nhưng đây là một nét văn hóa của người Việt Nam. Bao đời nay vẫn vậy. Nó thuộc về những điều kiêng kị. Mà đã là kiêng kị thì không thể nào vi phạm” – mẹ tôi nói.
Tôi chỉ nghe mà không phản ứng gì. Tôi chưa bị thuyết phục nhưng đã bắt đầu lung lay vì những điều mẹ nói. Mẹ kể rằng, ngày tôi mới 4, 5 tuổi. Bố mẹ đưa tôi và em trai tới nhà bác gái chúc tết. Chẳng hiểu sao năm đó, nhà tôi lại là tới nhà bác ấy chúc tết đầu tiên. Tôi lon ton chạy vào nhà bác trước tiên, trong khi bố mẹ và em còn đang ở ngoài cổng. Năm đó, nhà bác gái tôi làm ăn kém may mắn, thua lỗ nhiều. Đôi lợn nái đang chửa đẻ bỗng lăn đùng ra chết, vụ mùa thì thất thu… Và bác bảo đó là do năm ấy tôi – đứa cháu 9 vía của bác tới xông nhà. Bác phàn nàn điều này nhiều lần với mẹ tôi. Nhưng vì tôi còn quá bé, chưa biết gì nên mẹ không hề nói lại.
Nhiều người còn cẩn thận tới mức phải đi xem bói để chọn người xông nhà phù hợp
(Ảnh minh họa)
Tôi vẫn bán tín, bán nghi điều mẹ nói.
Sau này, khi đã trưởng thành, được học thêm nhiều tri thức mới. Tôi mới hiểu và thấy những gì mẹ nói thật đúng. Chắc hẳn, sẽ không ít người có tâm lí như tôi, nhất là khi tuổi trẻ nông nổi. Đúng là tập tục, con gái không được xông chỉ đơn thuần là những điều kiêng kị, một nét văn hóa của người Việt.
Những điều ông bà ta ngàn đời nay kiêng kị, là những điều “đáng sợ”. Kị húy, kị gọi tên cúng cơm… Các cụ bảo không được nói đến chết chóc, vì cái chết là cái đáng sợ với tất thảy mọi người. Xưa, người bình thường không được gọi tên của các bậc vua chúa, hoàng thân quốc thích vì như thế là phạm tội khi quân. Vua thì ai mà chả sợ…
Dần dần, những điều ấy đã đi vào tiềm thức của con người Việt Nam. Việc con gái kiêng đến nhà người khác vào những thời khắc đầu tiên của năm mới cũng nằm trong số đó. Nó cũng tương tự như việc người ta bảo ra đường gặp đàn bà, con gái là điều không tốt. Chẳng có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều ấy. Nhưng một khi những điều kiêng kị đã trở thành nỗi “ám ảnh” thì tốt nhất nên kiêng.
Một lí do nữa để giải thích cho hiện tượng này đó là lí do tâm lí. Nghĩa là, với người Việt Nam thì nhất nhất, người xông nhà xông đất phải là cánh mày râu 7 vía. Có người cầu kì hơn lại còn tìm người hợp tuổi để cậy nhờ khai xuân nhà mình. Có như thế, tâm lí họ mới được thoải mái, vì phút đầu tiên của năm mới, mọi chuyện của nhà họ đã được hanh thông. Và tâm lí tốt, năm đó, họ cũng sẽ tự tin mà làm ăn tốt.
Còn ngược lại. Nếu như chẳng may có ai là đàn bà con gái mà nhỡ là người đầu tiên tới nhà họ trong ngày đầu tiên của năm mới. Hoặc ai đó, xung tuổi, xung mệnh với gia chủ thì tâm lí họ sẽ vô cùng nặng nề. Mà tâm lí không tốt từ ngày đầu tiên của năm, họ sẽ bị ám ảnh cả năm sau đó. Như một lẽ hiển nhiên, tâm lí không tốt thì làm việc gì cũng sẽ không xong.
Giờ tôi đã “ngộ” ra cái chân lí đơn giản này. Tôi sẽ không còn cảm thấy ấm ức, ghen tị với thằng em tôi nữa. Chỉ đơn giản tôi là con gái. Và tôi không thể nào có thể làm thay đổi văn hóa, tập tục ngàn đời nay của người Việt Nam.
Theo Eva
Tác giả: Xuân Giao(sưu tầm)
Comment