bi-an-giac-mo-cua-nhung-nguoi-tung-chet-di-song-lai
Bí ẩn giấc mơ của những người từng ‘chết đi sống lại’
- bởi tamthuc --
- 13/04/2013
Hiện tượng “chết đi sống lại” khá hiếm gặp nhưng từng được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới và cả ở Việt Nam. Không ít tôn giáo và những người theo theo thuyết tâm linh cho rằng đó là biểu hiện của “thế giới sau khi chết”.
Theo y học, đây được coi là những trường hợp mới chỉ chết lâm sàng và sau đó đã tỉnh lại. Tuy nhiên có hiện tượng trùng hợp khiến nhiều người tò mò tại sao phần lớn những người “chết đi sống lại” thường kể lại những giấc mơ khá giống nhau sau khi tỉnh dậy. Không ít tôn giáo và những người theo theo thuyết tâm linh cho rằng đó là biểu hiện của “thế giới sau khi chết”.
Những ca chết đi sống lại điển hình
Năm 2012, cô gái có tên Trần Thị Bé Năm, con của một gia đình nông dân ở xã An Bình Tây, huyện Ba Tri. Bé Năm từng thi đậu vào Trường Trung cấp Kinh tế Âu Việt (khoa Du lịch) năm 2007.
Đến năm 2008, các bác sĩ phát hiện cô mắc căn bệnh ung thư xương hiểm nghèo, nhưng Bé Năm vẫn tiếp tục theo học và tốt nghiệp năm 2009. Vào giữa năm nay, bệnh của cô càng trầm trọng, gia đình phải đưa đi điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh quá nặng, gia đình đã đón Bé Năm về nhà bằng băng ca, cơ thể lạnh toát, nằm mê man không biết gì.
Tất cả mọi thứ chuẩn bị “hậu sự” từ chiếu, quần áo, nơi chôn cất… đều được người nhà chuẩn bị xong. Họ hàng, chòm xóm cũng đến đông đủ. Tuy nhiên đến sáng ngày thứ 3 thì Bé Năm tỉnh dậy và đi đứng được trong sự ngỡ ngàng của người thân và hàng xóm.
Dù sự việc không có gì đáng ầm ĩ nhưng người dân vẫn đồn thổi với màu sắc ly kỳ, bảo rằng cô gái đã chết 3 ngày rồi sống lại. Nhiều người hiếu kỳ khắp nơi kéo về khiến gia đình Bé Năm phải vất vả giải thích.
Bà Bùi Thị Hợp, mẹ Bé Năm cho biết: Chuyện “sống lại” Bé Năm chính là nhờ nghị lực phi thường, sống lạc quan và không từ bỏ bất cứ hy vọng nào mới có thể sống tới ngày hôm nay. Còn Bé Năm cũng nói: “Em chỉ đỡ hơn chút ít thôi chứ thật sự không hết bệnh”.
Trường hợp khác tại Anh. Anh Rob Waggett, 31 tuổi, đã ngừng thở sau khi bị 1 cơn đau tim tấn công. Khi đó cô Diana, vợ anh, đã nghĩ anh không còn có thể tỉnh lại. Tuy nhiên, một điều kỳ diệu đã đến với Rob. Nhờ sự giúp đỡ không ngừng nghỉ của các y bác sĩ, sau 18 phút ngừng thở, anh Rob đã thở trở lại. Các bác sĩ cho biết, thời gian để có thể sống sót sau khi đã ngừng thở tối đa là 4 phút và trường hợp của anh Rob quả là một “điều kỳ diệu”.
Cô Diana chia sẻ: “Tôi đã nói lời tạm biệt và nói rằng tôi yêu anh ấy, rồi tôi chứng kiến anh ấy qua đời trong tay mình. Thật không tin nổi rằng anh ấy đã sống lại.”
Những giấc mơ chưa từng gặp
Tại Việt Nam đã từng ghi nhận nhiều trường hợp “chết đi sống lại” khá nổi tiếng được báo chí đăng tải. Điều đặc biệt hơn là nhiều trường hợp “chết đi sống lại” khi tỉnh dậy thường kể lại những câu chuyện khá giống nhau. Thứ nhất, họ có cảm giác như mình đang ngủ mơ và trong những giấc mơ thường xuất hiện một ông tiên râu tóc bạc phơ phúc hậu dẫn họ đến một khung cảnh chưa từng gặp trong cuộc đời.
Theo ông Trần Đức Thịnh – Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) cho biết, điểm chung nhất của những người “chết đi sống lại” là đều có cảm giác linh hồn “lìa” khỏi cơ thể của mình, sau đó bay lơ lửng, ngày càng bay cao dần. Bên cạnh đó cũng có nhiều người thấy những cảnh tượng kì lạ như ông tiên tóc trắng vẫy gọi hay cảnh núi rừng, hoa lá, cây cối, sông suối… rất đẹp hiện ra trước mắt. Cũng có người lại nhìn thấy một cây cầu mà dường như nó nối giữa sự sống và cái chết. Bởi họ thấy ở bên kia cầu như có những người thân đã mất của mình đang đứng đón. Khi đối diện với những sự “mời gọi” của ông tiên tóc trắng, sự cám dỗ của những khung cảnh tuyệt đẹp hay người thân đã mất đứng bên kia cầu vẫy gọi thì những người “chết đi sống lại” thường có hai kiểu phản ứng tâm lý: Thường là cảm thấy sợ hãi nhưng cũng có người lại muốn đi theo sự “mời gọi” của một thế giới chưa từng biết đến. Cũng có không ít trường hợp lại thấy linh hồn mình bay ra khỏi thể xác, đi vào một vùng ánh sáng trắng hoặc có một đường hầm ánh sáng sâu hun hút… Tại những nơi đó, họ nhận thấy hình dáng của những người thân đã mất đang đứng đón mình”.
Anh Rob Waggett
Ông Thịnh cho biết: “Qua rất nhiều tài liệu mà tôi đã nghiên cứu thì vấn đề “cận tử” (tên khoa học NDE) thường xảy ra với những người bị tai nạn, ốm nặng… Ngoài ra, với những người có rèn luyện về nội công, yoga, thiền… đạt đến độ thâm hậu thì cũng có thể tự mình làm ngừng sự hoạt động của các cơ quan chức năng hay còn gọi là giả chết. Hoặc là cái chết tự nhiên do ngất đi không do va đập hay chấn thương nào thì khi người ta “chết” đi cũng có cảm giác “xuất hồn”.
Ông Thịnh cho biết, một trong những trường hợp “cận tử” nổi tiếng nhất trên thế giới là TS. Eben Alexander, một bác sĩ phẫu thuật não của Mỹ đã chết lâm sàng trong 7 ngày (năm 2008) sau khi nhiễm bệnh viêm màng não. Vốn là một chuyên gia về phẫu thuật não tức cũng là một chuyên gia về lĩnh vực cận tử nên vị tiến sĩ này đã có một trường hợp thực nghiệm không thể tốt hơn. Sau khi tỉnh dậy, TS Eben Alexander kể rằng, trong quá trình hôn mê, vùng não điều khiển suy nghĩ và cảm xúc của ông ngừng hoạt động. Sau đó ông trải qua cảm giác cận kề cái chết và gặp một phụ nữ đẹp với đôi mắt xanh dương to tại một nơi đầy những đám mây trắng. Sau lần “chết đi sống lại” ấy, Alexander đã tin vào sự tồn tại của ý thức của con người sau khi cái chết đến về mặt thể xác, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn sau đó, điều mà ông đã từng trải qua.
Dẫn chứng về trường hợp vị tiến sỹ người Mỹ, ông Thịnh giải thích rằng: “Con người có thể xác, cơ thể thần thức tạo ra một sự cân bằng nghiêm ngặt. Và khi sự cân bằng mất đi sẽ dẫn đến cái chết. Có một số nhà tâm lý học theo chủ nghĩa tâm linh đặt giả thuyết, chết không phải là hết, nó chuyển từ trạng thái hữu hình sang vô hình. Và đằng sau cuộc sống vật chất thì còn có cuộc sống tinh thần – chính là linh hồn của con người. Điều đó lý giải việc những người chết sau đó sống lại, người ta cảm nhận rất rõ điều này. Người chết lâm sàng rơi vào trạng thái hôn mê, người ta có cảm giác đứng trước viễn cảnh thiên đường và thực tại.
TAMTHUC
Comment