nhung-cau-chuyen-ly-ky-xung-quanh-ngoi-den-khai-long
Những câu chuyện ly kỳ xung quanh ngôi đền Khai Long
- bởi tamthuc --
- 21/11/2012
Đền Khai Long
Đặt chân tới xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, hỏi về đền Khai Long, người dân nơi đây đều nghiêng mình kính lễ mới được phép nói. Cụ Nguyễn Thị Huệ, 85 tuổi cho biết: “Đền Khai Long rất thiêng. Điều kỳ lạ về ngồi đền, nhiều người dân mắc bệnh có thể đến đền xin là khỏi, hoặc ai đi xa đến cầu khấn đều thượng lộ bình an, gặp nhiều may mắn”.
Chúng tôi lấy dũng khí, theo chân cụ Huệ, trước khi làm lễ, cầu xin chúng tôi mới dám bước chân vào ngôi đền. Diện tích khu vực ngôi đền rộng chừng 3-4ha.
Theo như các cụ cao niên trong làng kể lại, đền Khai Long tồn tại hàng trăm năm. “Khai” là (mở), “Long” là (nước), trước đây, khu vực này là đồi núi rậm rạp, muông thú tập trung rất nhiều, chưa có một bóng người. Trải qua biến cố thời gian, các cuộc chiến tranh, tài liệu lưu giữ về ngôi đền đã không còn nữa. Nhưng người đời truyền tụng nhau rằng, vào một đêm khuya thanh vắng, bỗng dưng xuất hiện một con rồng trắng uốn lượn trên đỉnh núi, sau đó phát ra một luồng sáng lan tỏa cả bầu trời rồi biến mất.
Từ núi đá trơ trọi, nắng nóng, đất đai khô cằn,… sau khi rồng xuất hiện, núi đá bỗng dưng mọc nhiều cây quý hiếm như: lim, sến, trắc, gụ…, đất đai dưới chân núi cũng trở nên màu mỡ, cây cối xanh tươi. Kỳ lạ hơn, xuất hiện một mạch nước ngầm trong xanh, mát rượi, không bao giờ cạn, uống nước có thể chữa được bệnh.
Sau những sự việc đó, người dân đến sinh sống ngày một nhiều, bởi nghĩ là “thần linh” đã “ứng” vào khu vực này để cứu nhân thế. Được trời ban “lộc” nên người dân đã lập đền thờ để tạ ơn. Người dân trong xã đã chọn ngày mồng 1 và ngày rằm đưa lễ đến đền cầu nguyện.
Cụ Nguyễn Thế Trung, 83 tuổi kể: Đền Khai Long có Thượng viện, Trung viện và Hạ viện. Đền được làm toàn bằng gỗ lim, cột to cả một người ôm. Phía trên được lợp bằng ngói vẩy cá nung từ đất sét (chỉ vùng Đô Lương mới làm được), phía dưới kê bằng một tảng đá trắng quý được các thợ giỏi trong làng tạc nên với hoa văn rất tinh xảo. Thượng viện đặt bàn thờ bài vị, bình hương và lễ vật khách đến cầu nguyện. Trung viện đặt lọng, gươm, đao, giáo, mác, có long bào, đồ đồng, gốm, sứ quý. Hạ viện đặt hai con ngựa đá trắng (cao 1m) đứng chầu. Cổng Tam quan có binh lính tháp tùng.
Cụ Nguyễn Thị Loan, 80 tuổi, sống gần ngôi đền cho biết: “Từ khi tôi sinh ra, ngôi đền đã có rồi. Trong vùng này có rất nhiều đền, nhưng đền Khai Long là lớn và linh thiêng nhất. Đền không chỉ tồn tại hàng trăm năm mà còn là đền có dấu tích gắn liền với lịch sử của làng”.
Đền Khai Long với nét kiến trúc độc đáo, làm bằng lim được điêu khắc hoa văn tinh xảo, thể hiện được nét văn hóa thời cổ xưa.
Đền Khai Long trải qua biến cố thời gian, thăng trầm lịch sử nên không còn nguyên vẹn như trước. Nhưng các câu chuyện kỳ lạ vẫn được người đời truyền tụng cho đến hôm nay.
Trong đền vẫn còn nhiều hiện vật quý hiếm, nhiều cột, xà lim, gạch, gói, đá trắng,… Nhưng bất kỳ ai động chạm tới hay mang về nhà thì hậu họa sẽ ập đến với gia đình, trâu bò nếu chăn thả phóng uế bừa bãi cũng bị chết.
Trường hợp ông Trần Anh C một lần uống rượu say đi qua đền đã ghé vào bê mấy khúc lim về nhà. Đúng sáng hôm sau ông C lăn ra ốm, không ăn, không uống được gì, rồi chuyển sang điên dại, chửi bới, đập phá, la hét, suốt ngày đi lang thang không biết đường về nhà. Mặc dù được người nhà tận tình chạy chữa, thuốc thang nhưng không khỏi rồi sau đó thì chết.
Trường hợp ông Nguyễn L, đánh cược với mọi người sẽ vào đền lấy tảng đá trắng về nhà làm bệ rửa chân mà không bị gì. Chỉ ngày hôm sau ông L phát nóng, phát rét, chân tay run bần bật, toàn thân sưng tấy, được người nhà đưa đi BV nhưng bác sỹ không tìm ra nguyên nhân. Bà con trong xóm báo cho gia đình là ông L bị thần linh ở đền quở. Bất cứ một thứ nhỏ nhất ở đền, nếu vì mục đích tư lợi cá nhân thì thần linh trừng phạt đến cùng. Bởi thế, gạch, ngói, cột, kèo,… nằm rơi vãi vẫn không ai dám lấy.
Đầu năm bà con trong xã làm lễ cầu Đạo “cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân giàu, nước thịnh”. Con cháu trong làng mỗi khi đi làm ăn xa đến đến cầu nguyện cho “thuận buồn xuôi gió”, làm ăn gặp nhiều may mắn. Con em đi thi đến cầu xin đỗ đạt cao. Đền còn là phép linh nhiệm, nhiều người bị bệnh: đau bụng, đau đầu, dạ dày,… chỉ hái một nắm lá vào đền cầu xin thần linh sau đó uống trực tiếp tại chỗ thì bệnh khỏi. Bà Nguyễn Thị Nhâm (người trong làng) cho biết: “Tôi bị đau dạ dày đã nhiều năm, uống bao nhiêu là thuốc đều không đỡ. Nhưng khi tôi hái lá cây vào đền Khai Long xin thần linh uống vào là khỏi hẳn. Linh nghiệm lắm các cháu à”.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Cúc, Trưởng thôn cũng là người trông coi ngôi đền cho biết: Ngôi đền Khai Long tồn tại rất lâu, đặc biệt đền này rất linh thiêng, người dân trong xã đến cầu Đạo, cầu xin làm ăn, cầu xin thuốc chữa bệnh là có thật. Tuy nhiên, ngôi đền hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, việc tu sửa còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ kiến nghị với chính quyền xã để trùng tu, tôn tạo cho bà con trong, ngoài xã đến lễ thuận lợi”.
Comment