chuyen-la-o-khu-du-lich-tam-linh-bac-nhat-viet-nam
Chuyện lạ ở khu du lịch tâm linh bậc nhất Việt Nam
- bởi tamthuc --
- 22/11/2012
Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Quang Thuận – Viện trưởng Viện Khoa học – Công nghệ – Viễn thông, tác giả “ Thi vân Yên Tử”, tập thơ thiền nổi tiếng đã được gửi đi Thụy Điển dự giải Nôben văn học năm 2009 gọi điện mời vợ chồng tôi đi tham quan khu du lịch tâm linh bậc nhất Việt Nam. Hơn 6h sáng, ô tô khởi hành từ Hà Nội đi Ninh Bình.
Chùa Bái Đính
Đón chúng tôi ở khách sạn Hoa Lư là chị Phạm Thị Lan, “bà chủ” của khu du lịch tâm linh nổi tiếng Tràng An – Bái Đính. Chị Lan là vợ của doanh nhân Nguyễn Văn Trường. Nghe nói vợ chồng chị đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng khu du lịch tâm linh này.
Tôi đã nhiều lần đến cố đô Hoa Lư , vào thắp hương ở đền thờ vua Đinh, vua Lê, rồi đi thuyền vào một vài hang động ở nơi được coi là vịnh Hạ Long trên cạn kỳ thú này. Dẫu vậy, trở lại cố đô lần này, tôi thực sự ngạc nhiên. Nơi xưa kia là ruộng hoang mọc đầy cỏ lác nay là con đường nhựa phẳng lỳ. Những khoảng đất hai bên đường bạt ngàn những cây bồ đề mới trồng. Chị Lan cho hay, đất ở đây nếu phân lô bán cũng lên tới bảy, tám tỷ đồng mỗi lô. Như vậy, có thể thu hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng, vợ chồng chị không bán mà trồng cây bồ đề.
Đây là rừng bồ đề lớn nhất Việt Nam. Cây bồ đề của nhà Phật lên xanh ở vùng đất thiêng. Ngồi trên xe ô tô tôi ngỡ như ngồi trên con thuyền đang rẽ sóng đi giữa vịnh Hạ Long. Một vùng non xanh nước biếc linh thiêng tưởng như đã ngủ quên ngàn năm đang thức dậy .
Câu chuyện nàng công chúa Phất Kim thời nhà Đinh bị gả cho phiên bang đã bị chồng hành hạ, xẻo tai, rạch mặt… được kể lại bên giếng Ngọc. Khi nàng trốn được, trở về nhà, đến bên giếng soi mình, nhận ra những vết sẹo ngang dọc trên gương mặt xinh đẹp ngày xưa, nàng khóc, nước mắt như mưa, không chịu nổi, nàng đã nhảy xuống giếng trẫm mình. Nước giếng trong xanh như ngọc cho đến tận bây giờ, sau một ngàn năm.
Đứng bên giếng Ngọc, chúng tôi bái vọng lên chùa Bái Đính. Ngôi chùa linh thiêng có tự ngàn năm. Theo sử sách, Bái Đính cổ tự, do Thiền sư Nguyễn Minh Khuông dựng lên. Sách “ Đại Việt sử ký toàn thư có ghi “Quốc sư Minh Khuông… rất linh ứng, phàm khi có tai ương, hạn hán, cầu đảo đều nghiệm cả”. Chùa thờ Phật, thờ Mẫu, tọa lạc trên một ngọn núi cao 187 mét. Khi kinh lý qua đây Vua Lê Thánh Tông tự tay đề bốn chữ: Minh đỉnh danh lam. Theo người đời truyền lại, Bái Đính có nghĩa là cúng bái trời đất, tiên Phật ở trên cao.
Chúng tôi đến khu chùa Bái Đính mới. Thực ra, đây là một quần thể được tọa lạc trên các quả đồi, từ thấp lên cao chia làm 5 cấp theo đường chính đạo: Từ Tam quan nội, đến tháp chuông, điện Quan thế Âm Bồ Tát, điện thờ Phật Tổ và trên cùng là tòa Tam Thế.
Bước vào hành lang La Hán, tôi thực sự ngạc nhiên. Hành lang bằng gỗ chạy dài từ chân đồi lên đỉnh đồi thật kỳ vĩ. Đông nghịt người đến với khu du lịch tâm linh Bái Đính. Có ngày lên tới 40, 50 nghìn người. Hai hành lang với 500 pho tượng La Hán ngự tọa, mỗi tượng cao 2,5 mét, nặng 5 tấn bằng đá xanh được tạc thật sinh động “mỗi người mỗi vẻ mặt con người… Cuộn cuộn đau thương chảy giữa đời” như nhà thơ Huy Cận đã viết: “Tôn Ma ni Bảo; Tôn tuệ quảng Tăng;
Tôn ca na Diếp; Tôn ca na đê Bà; Tôn giả kiên trì Tam Tự… 500 vị La Hán đầy đủ họ tên, như đang hiện hữu quanh ta, như đang cùng ta sống cuộc sống thường nhật với mọi vui buồn trần thế! Tôi nhìn lên pho tượng Di Lặc bằng đồng cao 10 mét, ngự trên đỉnh đồi cao 93 mét bên phải tòa Tam Thế và nhớ tới hai câu thơ:
No nê, vui vẻ với đời
Kìa ông Di Lặc đang cười với ta.
Có phải triết lý nhà Phật và triết lý dân gian đã giúp ông cha ta vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống bể dâu?
Chúng tôi lên thắp hương ở điện thờ Phật Tổ và Tòa Tam Thế. Gióng một hồi chuông. Tiếng chuông trầm mặc ngân xa. Tận cùng những hang động. Tận cùng của lòng người, của sự thành tâm, thành ý, nơi linh thiêng ngàn năm, nơi vị hoàng đế đầu tiên – Đinh Tiên Hoàng đã đúc đồng tiền đầu tiên với niên hiệu “Thái Bình” của một Nhà nước tập quyền độc lập đầu tiên: Đại Cồ Việt.
Buổi trưa, chúng tôi ăn cơm chay ở tầng trệt tòa Tam thế. Nhà ăn cho cả ngàn người. Ngồi trên bộ tràng kỷ, tôi đọc cuốn sách “Chào mừng quý khách đến Tràng An – Bái Đính”. Mười ngàn tượng Phật bằng đồng, mười lăm ngàn người tham dự đại lễ cung nghênh ngọc xá lợi Phật, một ngàn xe tham gia lễ rước, một ngàn bộ tràng kỷ cho khách ngồi… Tôi đọc 13 kỷ lục Việt Nam của chùa Bái Đính và hỏi chị Lan số tiền bỏ ra mua vàng giát tượng? Chị cười. Rồi tôi cũng biết 5 pho tượng Phật dát vàng, mỗi pho bỏ ra 7 tỷ tiền mua vàng. Tiền bạc phù vân, nhưng giá trị văn hóa, tâm linh là trường tồn.
Đến phủ Khống nơi thờ vị Đinh Công tiết chế và bảy vị quan trung thần của nhà Đinh cũng là nơi có hang Khống, để bắt đầu cuộc hành trình bằng thuyền đi qua 13 hang động kỳ bí dài 13 cây số. Cô lái đò kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cách đây một ngàn năm. Khi vua Đinh bị tên phản tặc Đỗ Thích dùng thuốc độc hãm hại, rồi băng hà, triều đình biến loạn, có bảy vị quan trung nghĩa đã đúc 100 cỗ quan tài bằng đồng khâm liệm và chôn cất vua. Sau đó họ cùng nhau tuẫn tiết, để lại bí mật muôn đời về ngôi mộ thật của vua Đinh. Một vị Đinh Công đã lập bát nhang cho bảy vị trung thần, rồi nhân dân lập đền thờ. Nơi đây còn có cây thị tương truyền là hậu duệ của cây thị linh thiêng ngàn năm tuổi, có quả thị tròn và những quả thị dẹt trên cùng một cây. Thị tròn để thờ Trời Phật, thi dẹt để thờ thánh thần!
Trước phủ Khống là một hồ nước rộng với cả ngàn con thuyền san sát đợi khách. Con thuyền chở chúng tôi đi qua đền Trình, qua hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu… Thực là tiên cảnh. “Với địa thế núi là Thành, sông là đường, hang động là Cung Điện, Tràng An mê hoặc lòng người, bởi một hệ thống hang động, những thung nước liên hoàn, tạo thành một vòng tròn khép kín mà đường đi lối về trong một hành trình tham quan không hề gặp nhau”. Tôi đọc một đoạn trong cuốn sách giới thiệu khu du lịch tâm linh Tràng An – Bái Đính.
Bỗng mọi người trên thuyền kêu lên: Chim phượng hoàng! Một con chim tuyệt đẹp cánh trắng, mỏ vàng bay lướt qua rặng cây ven suối. Tôi đưa máy ảnh lên chụp nhưng không kịp. Cánh chim thần đã lẩn vào xa xanh. Chúng tôi lùi thuyền lại chờ đợi. Những quả gấc rừng chín đỏ, thức ăn của chim phượng hoàng rủ xuống ven suối. Vẫn không thấy phượng hoàng trở lại. Cô lái đò bảo: Thế là các anh may mắn lắm rồi, mấy ai nhìn thấy phượng hoàng xuất hiện. Long, Ly, Quy, Phượng, bốn loài thiêng, được dân ta tạc vào đền chùa cúng tế. Quả thực, đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy chim phượng hoàng. Cảm giác thật lạ cứ dâng lên trong tôi!
Con thuyền chở chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình vào những hang động kỳ bí. Hang Trần, hang Quy Hậu, hang Khống, hang Sơn Dương, hang Seo lớn, rồi hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt… Câu chuyện về chàng công tử yêu cô công chúa xinh đẹp thời nhà Đinh, thật cảm động. Khi công chúa bị mang đi cống Hồ, chàng công tử vô cùng đau khổ, chàng sắm sửa sính lễ, đến ngọn núi thiêng này, cầu cho nàng tai qua nạn khỏi, chàng khóc, ba giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống đất tạo nên hang động kỳ bí này. Suốt một ngày trên thuyền cuối cùng chúng tôi cũng đến được đảo Si. Đây là hòn đảo giữa trời nước biếc xanh mọc toàn si. Tương truyền rằng, khi vua Đinh bị sát hại, triều đình biến loạn, có một vị tướng mang 1.000 quân sĩ trốn vào đây mong khôi phục nhà Đinh, nhưng đã bị bao vây, bị giết hết, máu chảy thành vũng gọi là vũng Thắm, trên mỗi nấm mồ tướng sĩ người ta cắm lên một cành si, đảo Si có từ đấy, tự ngàn năm.
Dãy hành lang La hán
Chúng tôi dừng lại nơi linh thiêng nhất: đền Trần. Đền Trần dựng bên vách đá cao ngất, phía trước là một hồ nước trong xanh bốn bề núi dựng. Đền Trần thờ một vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, Thánh quý Minh Đại Vương và phu nhân. Đền được Vua Đinh tiên Hoàng xây từ thế kỷ thứ X, với mong muốn mượn uy danh của ngài để trấn trạch 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Năm 1258, Vua Trần Nhân Tông sau khi dẹp giặc Nguyên – Mông đã vào đây tu hành và sửa lại.
Chị Lan nói rằng suốt một tuần qua, ngày nào chị cũng nhờ người sắm lễ, dâng hương cầu cho anh Hoàng Quang Thuận có được một tập thơ về chốn linh thiêng này. Chúng tôi mang đồ lễ, một gam giấy trắng, bốn cái bút máy. Tôi rút ra 141 tờ giấy khổ A4, ký tên mình phía dưới góc, Hoàng Quang Thuận cũng vậy. Chúng tôi để giấy, bút đồ lễ lên khay, dâng lên bàn thờ rồi thắp hương. Cầu mong được bình an và đêm nay ở lại ngôi nhà sàn ven hồ nước sẽ có thơ ứng nghiệm!
Trời khá nóng bức. Bốn bề im phăng phắc. Bỗng gió nổi lên, lá cây bay rào rào… Người coi đền bảo: ứng nghiệm rồi các anh ạ!
Sau bữa cơm tối đạm bạc, chị Lan ra đò trở về thành phố. Chúng tôi nghỉ lại trong ngôi nhà sàn chỉ có hai phòng. Vợ chồng tôi ở buồng bên phải, một mình Hoàng Quang Thuận ở buồng bên trái ngôi nhà. Gần 12h đêm, tôi qua phòng, vẫn thấy Hoàng Quang Thuận ngồi bên chiếc bàn gỗ, xấp giấy trắng, hai cây viết vẫn để nguyên trên bàn. Tôi hỏi Thuận đã làm được bài thơ nào chưa? Hoàng Quang Thuận lắc đầu. Tôi trở về phòng, mệt quá, ngủ thiếp đi. Gần 5h sáng, tỉnh dậy, mơ màng một lúc, trong đầu tôi hiện ra 4 câu thơ.
Tôi sang phòng Hoàng Quang Thuận định đọc cho anh nghe, chợt nhìn thấy ngoài cửa căn nhà sàn bóng ai đi lại như người mộng du trong làn sương sớm. Tôi gọi. Hoàng Quang Thuận giật mình. Rồi anh kêu lên: Anh Dương Kỳ Anh… Em làm được 121 bài thơ đêm qua, lạ lắm! Lạ lắm anh ạ!
Hoàng Quang Thuận chạy vội vào phòng mang ra một tập giấy khổ A4 đã kín chữ. Tôi nhận ra chữ ký của mình ở phía dưới góc mỗi tờ giấy. Chúng tôi vào nhà. Cả một tập thơ mới viết. Vợ chồng tôi ngồi nghe Hoàng Quang Thuận đọc thơ. Những bài thơ về vị hoàng đế đầu tiên của nước ta, vừa lên ngôi đã khẳng định chủ quyền dân tộc. Những bài thơ về các địa danh lịch sử, những chốn linh thiêng, những hang động như tiên cảnh… “Cờ lau, tập trận ở thung lau, ai biết làm vua kẻ chăn trâu…” “Bỏ luôn niên hiệu của Bắc Phương, trời Nam một cõi đấng quân vương, Thái Bình niên hiệu vua Đinh đặt…” “Hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt, chuyện tình công tử nước mắt rơi…” “Trăm hoa thiền mộng giữa ban ngày…”… Tôi xin chép nguyên một bài thơ bốn câu, bài 101 của anh:
Xiêm y tiên nữ bỏ quên rồi
Bầu vú căng tròn, sữa vẫn rơi
Sư Tử chầu bên, không lay động
Voi thiền, mắt nhắm, nước sông trôi.
Cao hứng, Hoàng Quang Thuận bốc máy điện thoại di động gọi chị Lan, gọi cả vợ anh (đang ở Sài Gòn) dậy, đọc thơ cho họ nghe…
Thật lạ lùng, có hàng chục địa danh trong những bài thơ mới làm của anh chúng tôi chưa bao giờ được biết, phải nhờ bác Thanh đang trông coi đền Trần chú giải suốt cả buổi sáng.
Hoàng Quang Thuận kể: Em ngồi từ 9h đến 12h đêm, không viết được một bài nào. Bỗng, em thấy mát lạnh trong người, như có một luồng gió thổi qua, rồi cứ thế những vần thơ tuôn trào. Em viết như một người mộng du… Khi ngửng lên, đồng hồ treo tường đã chỉ 4h sáng. Nhìn tập giấy trắng đã kín chữ, em ngớ ra một lúc, mình đã làm được cả một tập thơ, em thầm kêu lên, rồi bỏ bút, lăn ra giường ngủ. Tỉnh dậy đã 5h sáng. Em mở cửa, đi ra ngoài…
Tôi cầm bản thảo tập thơ trên tay, tự hỏi, vào lúc nửa đêm, buồn ngủ rũ người, tôi có thể chép lại được một tập thơ như thế này trong 4 tiếng đồng hồ không? Không thể! Chép cũng không được huống chi làm! Một sự lạ mà tôi chưa thấy bao giờ. Nếu tôi không tự tay ký vào dưới góc những tờ giấy trắng, có thể tôi sẽ nghĩ Hoàng Quang Thuận đã chép một tập thơ của anh làm, hay của ai đó rồi mang đi!
Tôi quen Hoàng Quang Thuận đã nhiều năm, anh là một nhà khoa học, điều đó nhiều người biết. Anh là hậu duệ của một thái y chuyên chữa bệnh cho các vua nhà Nguyễn, vợ anh, chị Thanh cũng là người của hoàng tộc, một gia đình tri thức có tâm. Khi có người gọi anh là nhà thơ, anh nói ngay, gọi tôi là thái y Thuận, tôi đâu phải nhà thơ! Tôi có cảm tưởng anh là người quảng giao, sống thành thật, trong sáng, say mê thơ thiền.
Hôm sau, về Hà Nội, anh tổ chức một bữa cơm thân mật, có chị Hằng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mấy vị Bộ trưởng, Thứ trưởng quen biết, vợ chồng tôi và nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Hoàng Quang Thuận mang tập thơ cho mọi người xem và kể lại xuất xứ, làm mọi người hết sức ngạc nhiên…
Tôi không biết những nhà thơ nổi tiếng, những thi tiên, thi thánh như Lý Bạch, Đỗ Phủ thời xưa có được nhập đồng về thơ, có làm được một đêm hàng trăm bài thơ không? Cũng chưa biết tập thơ “Hoa Lư thi tập” đang được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp của Hoàng Quang Thuận – Tập thơ được làm trong một đêm ở khu du lịch tâm linh nổi tiếng Bái Đính sau khi xuất bản được đón nhận thế nào? Tôi chỉ biết đó là một chuyện lạ mà không dễ gì lý giải được!
Như ở đời có bao nhiêu chuyện tâm linh, có bao nhiêu chuyện lạ chúng ta từng được biết.
TAMTHUC
Comment