nguoi-vo-trong-tien-kiep-
Người vợ trong tiền kiếp.
- bởi tamthuc --
- 01/09/2012
(tamthuc.com)-Vào một ngày mùa hè năm 72, Sinh đang thi môn thể dục cho kỳ thi tú tài một tại trường Bác Ái học viện trên đường Nguyễn Trãi. Đứng giữa sân vận động của trường, Sinh thấy một đám học trò nữ sinh trong đồng phục áo trắng, quần jupe mầu xanh đang nô đùa trên một góc sân trường trông rất vô tư và vui nhộn. Sinh lần mò đến gần và hỏi thăm vị thầy giám thị của trường, ông thầy cho biết trường Bác Ái có hai chương trình học là chương trình tiếng Hoa theo bậc trung học của Đài Loan và chương trình Pháp. Sau môn thi thể dục thì đến ngày thi viết, Sinh cũng thi tại trường Bác Ái vì hội đồng thi của Sinh mượn trường nầy. Sau ba ngày thi, khi Sinh rời khỏi khu sân trường, không biết nghĩ sao? Sinh giơ tay chỉ vào đám học sinh con gái trong ngội trường và thề rằng: – Người vợ tương lai của mình sau nầy sẽ là một trong những cô học sinh đang nô đùa, leo trèo trên một cây phượng trong sân của ngôi trường nầy.
Sau hai kỳ thi tú tài một Nông lâm súc và tú tài một phổ thông. Sinh bị đánh rớt bên Nông lâm súc vì vào thi trễ giờ, còn phổ thông thì bị trượt do không đủ điểm. Khoãng một tháng sau thì nhận được giấy kêu gọi nhập ngũ từ Quân vụ thị trấn. Trong lúc nầy thì Sinh cũng làm đơn tự nguyện gia nhập Quân chủng Không Quân qua khoá Dự bị Hạ sĩ quan kỹ thuật. Đơn được chấp thuận, thế là Sinh từ bỏ chiếc áo thư sinh lên đường nhập ngũ vào quân lực VNCH. Hơn một năm rưởi trong quân trường, Sinh được đưa về đơn vị SD5KQ tại Tân Sơn Nhất.
Cuộc sống tình cảm cũng êm đềm trôi qua với một cô học sinh trung học Bắc kỳ dễ thương với những hẹn hẹn hò hò. Nhờ ở gần Sài Gòn, Sinh cũng ghi tên học tối lớp 12 ban A để thi khóa tú tài phổ thông IMB niên khóa 73-74 đầu tiên của Bộ Giáo Dục.Sinh đã đậu khóa nầy (bộ Giáo Dục của VNCH lúc đó bắt đầu bỏ kỳ thi tú tài I và II, chỉ còn danh xưng là Tú tài phổ thông sau khi học hết lớp 12 trung học phổ thông). Sinh thấy tương lai mình rộng mở phía cuối con đường hầm. Sinh ghi tên vào đại học, nhờ công việc trong phi trường một ngày làm, một ngày nghỉ nên Sinh có dịp đến trường.
Niềm vui cho tương lai không bao lâu thì một cơn hồng thủy vội ập đến. Bắc quân ồ ạt xâm lăng miền Nam, Nam quân cố gắng chống cự, phản công nhưng vì cái Hiệp định Paris 73 bất lợi cho người dân miền Nam, cùng với người bạn đồng minh tham lợi bỏ tình bỏ nghĩa , cắt bỏ mọi sự trợ giúp như hứa hẹn. Trong khi đó Bắc quân với một chủ nghĩa bạo tàn được trợ giúp tối đa của tên giặc ngoại xâm Trung Cộng và quan thầy Nga Sô. Trước một tình hình bi đát với một tấm lòng chiến đấu kiên cường của Nam quân thì cũng đành thất thủ vì có súng mà không đạn dược, có phi cơ xe tăng nhưng không xăng nhớt thì cũng đành bất lực nhìn giặc Bắc xâm lăng từng giờ từng phút. Miền Nam kiên cường đành thúc thủ vì người lính Nam quân bị trói buộc cả chân tay.
Nước mất thì nhà phải tan nát. Sinh theo dòng người di tản ra khắp nơi trên quả địa cầu. Sinh trôi dạt vào Hoa kỳ rồi cuối cùng là Canada, một vùng đất tạm dung xa xôi trên tận Bắc cực. Mối tình đầu cũng nát tan theo vận nước, lang thang trên xứ người với đôi bàn tay trắng. Sinh làm mọi thứ nghề từ rửa bát trong nhà hàng tới lau nhà lau cửa trong các khách sạn để mưu sinh. Cũng may lúc trong quân đội đã vượt qua trong những tuần huấn nhục và từng là một huynh trưởng hướng đạo ngành Thiếu, với châm ngôn Sắp Sẵn nên lúc nào cũng vui vẻ khi gặp khó khăn trên bước đường tha hương.
Đến năm bảy mươi tám thì Sinh đã có một việc làm nhất định tại công ty Bendix Aviation Ltd. Với đồng lương của một technician thì cuộc sống cũng tạm ổn và giúp được phần nào cho gia đình còn kẹt lại bên quê nhà. Trong những ngày tháng nầy, Sinh cũng có quen vài cô, nhưng đều không đi tới đâu. Hình như có một cái gì ngăn chia những cuộc tình đó, làm tan rã rất nhanh chóng. Rồi một ngày kia trong lúc Sinh chuẩn bị sắp ngỏ lời cưới với một cô bạn bên Hoa kỳ sang thăm, thì một cú điện thoại của một người con gái khác sống gần nơi Sinh ở xin đến thăm chàng, Sinh xin khuất lại một dịp khác. Khi người bạn gái trở lại Hoa Kỳ, thì mọi chuyện im lặng đi vào hư vô, không còn tin tức gì nhau.
Người con gái điện thoại cho Sinh là Phượng, Sinh gặp tình cờ trong một rạp xi nê. Phượng đang bán hàng trong rạp hát. Nhân dịp Sinh đi mua cây kẹo, thấy Phượng hao hao giống người mình yêu bõ lại ở Sài Gòn, Sinh ngỏ lời làm quen và cho Phượng số điện thoại. Sinh không ngờ Phượng lại điện thoại cho Sinh. Sau đó thì hai người phát sinh tình cảm và sau khi quen nhau, Sinh mới biết Phượng là con gái út của ông chủ rạp xi nê. Quen nhau được vài năm, thì Sinh bảo lãnh được mẹ Sinh qua Canada, lúc đó Sinh mới đưa mẹ đến gia đình Phượng xin hỏi cưới Phượng . Ba má Phượng bằng lòng sau đó thì hai người thành hôn với nhau.
Khoảng sáu tháng sau khi cưới, tình cờ trong lúc Sinh lướt trên web, thì đột ngột Phượng hỏi Sinh thử lên trang web của trường Bác Ái học viện có được không? Sinh chợt giựt mình và ngạc nhiên vì từ lúc quen nhau, Sinh chỉ biết Phượng đang học tại Canada vì Phượng qua Canada lúc đó còn nhỏ, nên Sinh ít khi hỏi Phượng về những gì Phượng lúc ở Việt Nam vì nghĩ rằng Phượng chỉ là một cô học trò bé nhỏ mà thôi. Sinh hỏi Phượng là có học ở đó sao? Phượng trã lời là có học ở đó đến lớp tám trung học của chương trình Pháp tại trường Bác Ái học viện. Sinh hỏi thêm Phượng có biết cây phượng trong sân trường không? Phượng trã lời là biết rất rõ cây phượng đó vì thường hay cùng lũ bạn leo trèo trên cây phượng nầy, có lần Phượng đả rơi từ trên cây phượng vì ngịch ngượm leo trèo và bị trật tay với cây phượng trong sân trường.
Sinh chợt nhớ lại cái lời thề năm xưa khi Sinh đi thi trong ngôi trường đó! Không ngờ lời thề của mình lại ứng nghiệm với mình như thế. Quen nhau và lấy nhau đã ba mươi năm, đôi lúc nhìn vào vợ mình, rồi nhớ lại lời nguyện thề năm xưa, Sinh tưởng chừng như người vợ của mình yêu thương từng đã quen nhau từ tiền kiếp. Chắc vì một lý do nào đó đã bị chia cắt, cho tới bây giờ hai người được gặp lại nhau trên bước đường tha hương. Sinh cũng ngồi ngẫm nghĩ suốt con đường tha hương hình như Phượng đã nếu kéo bảo vệ mình trong suốt chặng đường đi tìm tự do, với những sự trùng hợp xảy ra như sau: Phượng dùng phi cơ rời phi trường TSN qua Thái Lan, thì Sinh cũng dùng phi cơ qua Thái sau một tuần, Khi Phượng qua Guam thì đúng một tuần sau thì Sinh cũng qua đến Guam. Rồi tiếp đến qua Hawaii, vào Camp Pendleton ở Cali., sang Canada, thì Sinh cũng đi theo trong khoảng cách chừng một đến hai tuần. Phượng và Sinh không bao giờ gặp nhau trên suốt cuộc hành trình đó, mặc dù hai người đều ở trong một khoảng cách thật ngắn. Hình như có một cái gì ngăn trở chưa đúng lúc để gặp nhau. Bây giờ ngồi nhớ lại, Sinh cũng thấy là các cô Sinh quen biết đều có một khuông mặt đều hao hao giống Phượng vợ của Sinh bây giờ. Phải chăng Sinh đã có một duyên tình trong tiền kiếp với Phượng, nên các người con gái khác đến với Sinh trong kiếp nầy đều phải ra đi, đều bị một sự ngăn trở vô hình với Phượng.
Bây giờ thì Sinh và Phượng đang sống chung với nhau, với một gia đình bình thường như bao nhiêu người khác. Phượng không đua đòi, không son phấn, lúc nào cũng chăm lo gia đình và con cái. Hai người không bao giờ cải vã nhau vì Sinh lúc nào cũng cho Phượng là một người vợ hiền trong tiền kiếp của mình, nên Sinh phải đi cho trọn hết cuộc tình trong cuộc sống tha hương nầy…..
Liên Châu
Comment