nguoi-dieu-khien-am-binh-o-dao-ly-son
Người điều khiển “âm binh” ở đảo Lý Sơn
- bởi tamthuc --
- 12/02/2015
Lý Sơn có bao nhiêu ngôi mộ? Hòn đảo trên 2 vạn người sống này đã từng xác lập kỷ lục về số người chết không có thi thể trong mộ phần. Xác của họ hòa tan vào đại dương như thể thức hải táng. Nơi đây được gọi là quê hương của những ngôi mộ gió…
Pháp sư Võ Văn Nhành là con trai của ông Võ Văn Toại, người xưa nay vẫn xuất hiện trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn. Ông Toại truyền nghề cho con trai và họ là 2 vị pháp sư giữ vai trò khiển binh chiêu hồn cho những ngôi mộ gió trên đảo. Ngư dân vốn rất tín tâm. Khi bắt đầu rút neo ra khơi, bao giờ họ cũng sửa lễ cúng thần linh, cầu mong cho chuyến đi suôn sẻ, an toàn, sản vật đầy khoang. Lúc đó, họ mời pháp sư Võ Văn Nhành tới cúng ngay trên tàu. Dù vậy, không ai dám chắc, trời yên biển lặng từ khi họ khởi hành tới khi tàu về cập cảng.
Cứ thỉnh thoảng hòn đảo với đa số dân ngư phủ này lại có người bỏ mạng mất xác ngoài khơi. Sóng lớn, bão biển, nỗi lo đối phó với tàu kiểm ngư Trung Quốc, tàu cướp biển không rõ quốc tịch, hoặc đơn giản là hụt chân ngã xuống biển trôi đi mất dạng…
Người ra đi trôi xa hàng trăm hải lý khiến người ở lại thường trực một nỗi hoang vắng khôn nguôi. Lúc đó, ông Võ Văn Nhành lại có việc để làm. Đáp lại thắc mắc của tôi về đôi mắt lúc nào cũng vằn đỏ của mình, ông Võ Văn Nhành trả lời, không biết bao đêm, ông thức trắng để lên núi lấy đất sét, về nhào nặn, tạc thành hình người, bỏ vào quách, cúng vong chiêu hồn. Chừng ấy việc phải hoàn thành trong bóng đêm, trước khi rạng đông. Lâu dần, sự mất ngủ liên miên ấy khiến ông có vẻ ngoài giống một âm công (từ thường gọi người làm công của thế giới tâm linh).
Có lẽ không có hòn đảo nào lại dày đặc những ngôi mộ xen lẫn trong các khu dân cư như ở Lý Sơn. Mộ xen giữa các luống tỏi, trên núi, dưới ruộng, trong vườn nhà, trong khuôn viên các gia đình. Trong đó, phần lớn thật sự không có di cốt, một số là mộ gió (hoàn toàn không có gì, chỉ chôn theo vật dụng của người chết) và một số lượng không nhỏ mộ chiêu hồn. Những ngôi mộ chiêu hồn có chứa hình nhân bằng đất sét, có cốt bằng thân cây dâu tằm và đất lấy từ núi Giếng Tiền nhào nặn mà thành.
Trong một gia phả của dòng họ trên đảo Lý Sơn ghi rõ: Tục cúng vong chiêu hồn vào hình nhân bằng đất đã có từ 200 năm trước, khi Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng các binh phu Hoàng Sa ra khơi và mất tích trên biển. Triều Nguyễn làm lễ chiêu hồn cho các hùng binh, đã cùng pháp sư lấy đất sét trên núi Giếng Tiền giã nhuyễn, nặn thành hình người, gọi vong nhập tượng rồi an táng. Phong tục này truyền lại cho đến nay và ở đây đồng thời tồn tại nghề có một không hai là nghề nặn hình nhân, cúng vong chiêu hồn theo cách của người xưa.
Với một quốc gia có dải bờ biển dài và cả hàng trăm làng chài lớn nhỏ, hàng vạn ngư phủ mưu sinh ngoài khơi, chuyện bỏ xác trên biển không phải hiếm gặp, nhưng chỉ có ở Lý Sơn, tục thờ phụng những ngôi mộ chiêu hồn đã trở thành một thể thức văn hóa tâm linh truyền đời. Cũng vì thế, pháp sư Võ Văn Nhành là một nhân vật được trọng vọng ở trên đảo.
Ông có khả năng kết nối người sống và người chết, xoa dịu nỗi đau mất người thân của gia đình những ngư phủ, xét về một quan điểm thần giáo đã tồn tại lâu đời ở đây thì vị pháp sư này còn có thể khiển âm binh, triệu hồn con dân của Lý Sơn lang bạt trên sóng nước Hoàng Sa về với quê hương. Pháp sư Võ Văn Nhành nối nghiệp cha từ khi ông còn nhỏ, ngược núi Giếng Tiền để lấy đất sét và giờ ông đã 45 tuổi, khi người cha đã ngoài 80, mắt mờ chân chậm, không còn minh mẫn nữa. Học từ cha cách nắm bắt nhân tướng học, pháp sư Nhành giờ còn thông thạo và tháo vát hơn cả cha mình.
Những ngôi mộ chiêu hồn trên đảo Lý Sơn.
Tôi lặng lẽ chứng kiến ông làm từng công đoạn của công việc chiêu hồn nhập cốt, công đoạn nào cũng phải thành kính, cẩn trọng và đặc biệt thanh tịnh. Vị pháp sư vót từng cành cây dâu tằm thành những lóng nhỏ, tương ứng với xương sống, xương cánh tay, chân… của hình nhân. Ông cẩn thận lấy những cành nhỏ hơn, vót kỹ và đặt vào làm những dẻ xương sườn. Cứ như vậy, khối đất sét được nhào nhuyễn trộn với bông gòn nặn thành hình dung tướng mạo của người chết, được lồng vào hết những thân cây dâu tằm giả cốt. Lòng đỏ trứng gà đặt vào chỗ trái tim, tro than của cây sầu đâu đặt vào chỗ ruột gan. Việc này xong trước 3 giờ đêm. Sau đó, pháp sư bày lễ cúng, bắt đầu khiển âm binh chiêu hồn nhập tượng. Về phía người còn sống, phải tuyệt đối tin tưởng vào tay nghề của pháp sư. Họ vây xung quanh ngôi mộ với vẻ thành kính, những mong việc chiêu hồn thành công, linh hồn người thân được trở về đất quê hương, phù hộ cho thân nhân bình yên. Từ khi làm nghề này, pháp sư không khi nào đòi hỏi chi phí, người nhà của người chết vong hồn tự trả thù lao cho ông, bao nhiêu cũng xong.
Hòn đảo dù không có nghề nuôi tằm dệt lụa, ấy vậy mà những cây dâu tằm vẫn mọc hiển nhiên và hữu dụng trên những vùng đất thiêng. Những chỗ pháp sư Nhành thường tới lấy đất sét giờ ít có người lui tới làm kinh động. Những ngôi mộ chiêu hồn càng ngày càng nhiều thêm trên hòn đảo cát trắng. Đi dạo về chiều ở đảo, cứ thỉnh thoảng lại gặp những ngôi mộ phẳng bên đường, không đắp cao nhưng được xây ngay ngắn, hoặc chí ít cũng đắp điếm cẩn thận bằng những viên đá ba zan đen. Và thỉnh thoảng, pháp sư Võ Văn Nhành vẫn trò chuyện với tôi qua điện thoại về công việc mà ông đang làm. Điều đó hẳn nói lên niềm tự hào của ông với nghề, dù với nhiều người, nó nhuốm màu huyền bí, hư ảo…
Comment