No icon

lang-dong-long-mach-o-ha-noi-nhieu-nguoi-chet-tuoi

Làng “động long mạch” ở Hà Nội nhiều người chết tươi

Mấy năm nay, người dân làng Vân Gia (phường Trung Hưng, TP. Sơn Tây, Hà Nội), sống trong hoang mang cực độ, vì cứ thi thoảng “thần chết” lại hỏi thăm một gia đình, dòng họ nào đó trong làng, cướp đi một vài mạng người.

Những người bị tử thần tước đoạt mạng sống đều còn trẻ và chẳng có bệnh tật, ốm đau gì. Những cái chết rất bất ngờ, khó hiểu và bí ẩn.

Tất cả người dân trong xóm đều tin rằng, người dân trong làng đã phá vỡ long mạch, nên phải chịu hậu quả nặng nề: Hàng loạt thanh niên khỏe mạnh, có đức tính tốt, người trụ cột trong gia đình, trai đinh trong các dòng họ bị tước mất mạng sống.

Cán bộ thôn xóm, nhà chùa, đại diện người cao tuổi, và toàn thể nhân dân đã nhất trí mời cao tăng đắc đạo đến tận nơi trấn yểm long mạch, rồi người dân đeo bùa chú, dán bùa khắp nơi, những mong tình trạng chết bất đắc kỳ tử sẽ không còn nữa. Thế nhưng, tình trạng chết bất đắc kỳ tử vẫn diễn ra.

Chuaphuclam.com đăng vấn đề này lên, và cùng với các nhà khoa học vào cuộc, tìm ra lời giải, để tránh dư luận hoang mang.

Kỳ 1: Ngôi chùa cổ và đuôi rồng bí ẩn

Một lần, trong bữa nhậu giữa Hà thành, anh bạn ở Sơn Tây kể rằng, quê anh, làng Vân Gia, có một hiện tượng kinh dị: Hàng loạt người chết bất đắc kỳ tử. Nguyên nhân là do động long mạch.

Anh cứ khẳng định chắc nịch rằng, chỉ trong 3 năm, chết 40 đến 50 người gì đó, toàn là thanh niên và người trung tuổi, toàn là đàn ông. Tuyệt nhiên không chết thằng trộm cắp, nghiện ngập, chỉ chết người ngoan hiền, thành đạt, trụ cột của gia đình, dòng họ.

Tôi vốn không tin mấy chuyện ma mãnh, nhảm nhí, song với số lượng người chết trẻ lên đến hàng chục như thế, quả thực khiến tôi tò mò, phải thử tìm đến làng Vân Gia xem sao.

Làng Vân Gia vốn thuộc xã Trung Hưng, ven đô, nơi có Đền Và thờ Đức Thánh Tản giữa vườn lim trăm tuổi nổi tiếng. Xã Trung Hưng giờ đã thành phường, nhưng từ trạm xá, UBND và các cơ quan đoàn thể, ngoài cổng vẫn đề là xã. Trông nó giống làng xã hơn là phố thị, vì hầu hết người dân vẫn sống bằng nghề nông.

Làng Vân Gia nằm nữa cánh đồng mấp mô cao thấp. Con đường xuyên qua cánh đồng, qua Đền Và dẫn đến Vân Gia.

Quả thực, khung cảnh vào làng đã tạo cảm giác rờn rợn. Bao quanh làng là những nghĩa địa. Tôi cứ thắc mắc, sao có mỗi cái làng nhỏ xíu, bao quanh bởi những khóm tre rậm rì, mà lắm nghĩa địa đến vậy.

Mồ mả cả cũ và mới ngập kín mấy nghĩa địa, tràn xuống cả giữa ruộng. Ngay đầu bờ, ven mương, cũng có những nấm mồ mọc lên. Nhiều nấm mồ còn khói hương nghi ngút, vòng hoa còn tươi. Xa xa, có mấy nhóm người hí húi đào bới, khăn tang trắng đầu, làm lễ cải táng.

Nghĩa địa làng Vân Gia, nơi chôn cất hàng chục người chết bí ẩn.

Tôi trò chuyện với người dân quanh xóm, ai ai cũng tỏ vẻ mặt sợ hãi, khi nghĩ đến chuyện hàng loạt người chết bất đắc kỳ tử. Chỉ một tuần nữa, là lại đến ngày 22 âm lịch, ngày mà người dân nơi đây gọi là “ngày đen tối”. Bởi vì, trong ngày đó, rất có thể, sẽ có người trong làng mất mạng.

Những câu chuyện không đầu, không cuối của người dân khiến tôi thấy rối như bè rau muống. Người này kể anh này chết treo cổ trên cửa sổ, người kia lại xen vào kể ông kia chết tai nạn giao thông, người nọ lại kể có anh chết vì ngã khi leo cây cao có 1m…

Mọi người chỉ tôi vào nhà ông Phùng Văn Tuấn, trưởng thôn 8. Làng Gia Vân gồm thôn 5,6,7 và 8, trong đó, thôn 6 và 8 chết nhiều nhất và chính dòng họ nhà ông trưởng thôn 8 gặp tai ương nhiều nhất.

Chùa Vân Gia – nơi bắt đầu câu chuyện bí ẩn và kinh hoàng.

Nhà ông Tuấn nằm ngay đầu làng, tường cao, cổng kín. Tôi gọi cửa, không thấy tiếng ai, nên tự kéo khóa đi vào. Gọi mấy câu, thì thấy một người phụ nữ khó nhọc đi ra. Bà giới thiệu là vợ ông Tuấn. Lâu nay bà ốm nặng, mới trở dậy được.

Tôi hỏi chuyện “thánh vật”, bà tỏ ra không vui. Bà bảo, đúng là có chuyện bà ốm nặng, nằm bẹp mấy ngày, nhưng dân làng cứ đồn thổi ầm ầm, là bà gặp tai họa, sắp bị… “thánh vật”, khiến bà rất bức xúc.

Bà bảo, đúng là có chuyện rất nhiều người trong gia đình bà gặp tai họa, các cháu chết trẻ, song bà không muốn kể chuyện tai họa này, vì nó đau lòng lắm. Bà bảo, muốn hỏi gì thì gặp chồng bà. Rồi bà cho số điện thoại để tôi gọi cho ông Tuấn.

Tượng bồ tát trên ngọn đồi có thế long chầu.

Tôi giới thiệu là nhà báo, ông Tuấn tỏ ra ngại ngùng. Ông bảo, ông đang bận việc cải táng cho người chết trong họ, chưa về được. Ông yêu cầu tôi ra xã làm việc, xong xuôi thì chiều về gặp ông.

Thế nhưng, đến giờ hẹn, tôi vào nhà ông Tuấn, ông vẫn chưa về. Gọi điện, ông bảo: “Tôi đang chỉ đạo cải táng cho người nhà ở nghĩa địa, tôi nhìn thấy chú đi vào nhà tôi rồi, nhưng tôi không về được, mong chú thông cảm”.

Ông Tuấn đang chỉ đạo cải táng cho một người thân.

Vợ ông Tuấn bảo: “Chú muốn tìm hiểu gì, cứ ra ngoài chùa, sư thầy và các bà vãi sẽ kể hết, không thiếu chuyện gì. Mọi chuyện, từ nhà tôi, đến làng xã, nhà chùa đều nắm được hết”.

Nghe theo chỉ dẫn của vợ ông Tuấn, tôi vòng vèo đường làng tìm đến chùa Viên Quang. Ngôi chùa u tịch nằm trên một quả đồi thấp. Cổng chính hoành tráng, nhưng đang xây dựng dở dang thì để đó, mốc thếch, gạch ngói xếp chặn.

Cổng chính ngôi chùa cổ Viên Quang đang xây dựng dở dang.

Tôi vòng ra phía cửa phụ, đi vào lối cổng nhỏ. Bên trong sân chùa, phụ nữ, trẻ em, người già, gồm mấy chục người chuẩn bị lễ, khói hương nghi ngút, lần lượt vào tòa Tam Thế thắp hương, cúng vái.

Cụ bà Nguyễn Thị Xuân mang dáng vẻ và khuôn mặt phúc hậu ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Bà bảo, sư trụ trì chùa là thầy Thích Minh Tĩnh. Nhưng mấy ngày nay thầy có việc đi xa, để lại chùa cho các vãi trông nom, hương khói.

Chuyện động long mạch, mấy chục mạng người trong làng chết hàng loạt, theo khẳng định của bà Xuân, và tất thảy mọi người có mặt trong chùa hôm tôi tiếp xúc, là có thật. Tất tật mọi người trong làng đều tin như vậy.

Khấn vái xin “thần chết” tha mạng cho gia đình tại chùa Viên Quang.

Nói rồi, bà Xuân dẫn tôi vòng ra sườn đồi phía Tây chùa Viên Quang. Tại đây, cả một góc đồi đã bị múc đi, vết gầu xúc cào nham nhở, vẫn lộ đất đỏ au.

Bà Xuân khoát tay chỉ một vòng đồi và kể: “Đồi thì rộng, nhưng đất nhà chùa chỉ có hơn một héc-ta. Quanh ven đồi là đất của người dân, nên người ta muốn trồng trọt, xây nhà, hay đào đất bán là việc của người ta, nhà chùa không can thiệp được. Chính vì thế, mới xảy ra đại họa”.

Bà Xuân chỉ chỗ người dân đào đất làm đứt long mạch.

Theo lời bà Xuân, dù ngọn đồi này thấp, song có thế rồng chầu, voi phục. Bên phải chùa là gò Ngọc Nương, có đầm nước chảy thủy tụ minh đường. Bên trái chùa là đuôi rồng, nơi dân làng sinh sống.

Vào năm 2007, người dân phía bên trái chùa tiến hành đào đất bán cho địa phương, khi địa phương tiến hành xây dựng sân vận động ở ngay cánh đồng đối diện chùa.

Để lấp đầy những mảnh ruộng trũng, phải cần tới hàng ngàn xe tải đất đá. Những chiếc máy xúc vươn gầu múc, xe tải ật ưỡng chở đất suốt ngày đêm. Sư thầy Thích Minh Tĩnh nhìn cảnh người ta múc “đuôi rồng” đi, phá vỡ cảnh quan của chùa mà đau lòng lắm, nhưng chẳng biết phải làm thế nào, vì đất đó là của người ta, có sổ đỏ đàng hoàng, người ta thích làm gì thì làm.

Ngày nào cũng có người đến chùa làm lễ xin thánh thần bảo vệ.

Câu chuyện sẽ chẳng có gì nghiêm trọng, nếu không có chuyện, ngay khi chiếc gầu xúc ngừng hoạt động, thì xóm làng không còn bình yên nữa. Rất nhiều người chết bất đắc kỳ tử, đám ma ai oán diễn ra liên tục trong làng, không khí tang tóc đau thương trùm khắp xóm…

Kỳ 2: Ở làng chết, trốn ra nước ngoài vẫn chết

Tình hình chết chóc ở làng Vân Gia khủng khiếp quá, liên tiếp diễn ra cảnh lá vàng đưa tiễn lá xanh, khiến nhiều người tính đến cảnh động viên con cháu tạm thời rời khỏi làng. Sự thực, đã có nhiều thanh niên bỏ làng đi làm ăn xa, với mục đích tránh ngôi “làng ma ám” này càng xa càng tốt.

Theo lời bà Nguyễn Thị Xuân, là vãi trông chùa Viên Quang, vì người dân trong làng phá vỡ long mạch đất thiêng, phạm đến “ngài”, nên “ngài” mới trút thịnh nộ lên đầu dân làng.

Vào năm 2007, khi cơn thịnh nộ của “ngài” giáng xuống, người dân trong làng Vân Gia (Trung Sơn, Sơn Tây, Hà Nội) vẫn không biết gì. Những cái chết bất đắc kỳ tử, tai nạn giao thông cướp đi mạng sống của những người trẻ chỉ được coi như là vận hạn, đen đủi.

Thế nhưng, những cái chết trẻ kiểu bất thình lình cứ diễn ra liên tiếp, lại thường xuyên xảy ra vào “ngày đen tối” 22 âm lịch hàng tháng, đám ma nhiều hơn đám cưới, khiến dân làng bắt đầu lo lắng, sợ sệt. Các câu chuyện chết chóc bí ẩn được đem ra mổ xẻ, bàn tán râm ran nơi đầu làng cuối xóm.

Bà Xuân (trái) cho rằng vì người người dân làm đứt long mạch, nên “ngài” phạt vạ dân làng.

Nhà có người chết lo lắng, đi cúng bái xem bói đã đành, những gia đình vẫn bình an vô sự cũng cúng bái tứ phương, tìm thầy giải hạn. Với tình hình hàng xóm liên tiếp chết bất đắc kỳ tử như vậy, thì không ai dám vỗ ngực mà rằng thần chết kiêng nể mình.

Chẳng hiểu kết quả bói toán có đúng không, nhưng ai đi xem bói về cũng đều kể thầy bói phán như đinh đóng cột: Làng bị động long mạch. Nếu không cúng vái, làm lễ giải, trấn trạch long mạch, thì sẽ chết cả nhà, cả họ, cả làng, cả xã.

Cô giáo Minh dâng lễ ở chùa Viên Quang, cầu cho linh hồn em rể

và 2 người em con chú (được cho là nạn nhân của vụ động long mạch) siêu thoát.

Tôi ngồi ở chùa Viên Quang ghi chép tẩn mẩn từng vụ chết người và nếu cứ đúng như người dân và các bà vãi kể, thì thấy vụ nào cũng rùng rợn, quái đản, lạ lùng. Sau khi sàng lọc, thống kê số vụ người chết trẻ, thì tôi thấy nổi lên 2 thôn có nhiều người chết trẻ nhất, gồm thôn 8 và thôn 6 (làng Vân Gia gồm thôn 5,6,7,8).

Đứng đầu bảng chết chóc oan nghiệt là thôn 8. Thôn này có gần 200 hộ, nhưng chỉ trong vài tháng cuối năm 2007 và đầu 2008, thời điểm vừa phá đồi lấy đất, có tới hơn chục người chết.

Sau thời điểm “ngài” nổi giận lôi đình đó, lượng người chết bất đắc kỳ tử có giảm, song vẫn rải rác diễn ra. Tính đến thời điểm này, theo thống kê của người dân, tôi ghi nhận được số người chết lạ lùng (không kể chết bệnh và chết già) là 25 trường hợp.

 

Người phụ nữ này cầu an cho con trai. Cậu con trai của chị mới ngoài 20 tuổi, rất ngoan ngoãn, tự dưng treo cổ tự tử.

Số liệu 25 người chết bất đắc kỳ tử mà tôi thống kê cũng được ông Phùng Văn Tuấn, trưởng thôn 8 xác nhận qua cuốn sổ tử của mình. Ông là trưởng thôn 8, phụ trách nhiều mặt cuộc sống, phụ trách cả việc ghi sổ người chết, điều hành xe đòn, nên ông nắm rất rõ từng trường hợp chết trong thôn.

Từ cuốn sổ tử của ông, so sánh với các cuốn sổ trước đó của các trưởng thôn khác, chưa từng ghi nhận thời kỳ nào có nhiều người về thế giới bên kia như thế. Điều đau xót hơn cả là ông Tuấn đã có tới 6 lần rơi nước mắt khi viết tên những người thân yêu, những đứa cháu ngoan hiền, đẹp đẽ của ông vào sổ tử.

 

Ngôi mộ mới của làng Vân Gia.

Cuối năm 2007, tình hình chết chóc ở làng Vân Gia khủng khiếp quá, liên tiếp diễn ra cảnh lá vàng đưa tiễn lá xanh, khiến nhiều người tính đến cảnh động viên con cháu tạm thời rời khỏi làng. Sự thực, đã có nhiều thanh niên bỏ làng đi làm ăn xa, với mục đích tránh ngôi “làng ma ám” này càng xa càng tốt. Chỉ khi nào tình trạng “thánh vật” không còn nữa, thì mới nghĩ đến chuyện về làng.

Thế nhưng, những người chạy trốn tử thần cũng không thoát được. Năm 2008, người cháu ruột của ông Tuấn, con ông Toại, gần 30 tuổi, công tác mãi trong TP. HCM, cũng bị tử thần bắt đi.

Ông Tuấn và cuốn sổ tử.

Theo người dân trong làng, anh này rất khỏe mạnh, thông minh, giỏi giang, chẳng có bệnh tật gì. Anh làm trong một cơ quan lớn, là chỗ dựa cho cả nhà về mặt tinh thần và kinh tế.

Thế nhưng, một ngày, họ hàng nhà ông Tuấn bỗng nhận được tin dữ, rằng đứa cháu ông đang làm việc ở cơ quan thì tự dưng lăn đùng ra chết. Cái chết của người cháu ông Tuấn không có gì khó giải thích, mà người ta đổ ngay cho là “ngài” bắt đi. Buổi nhận xác người cháu ở sân bay thấm đẫm nước mắt.

Giữa lúc họ hàng nhà ông Tuấn còn đang bối rối với tang ma, với các lễ cúng đầy tháng, trăm ngày, thì lại có một tin dữ chuyển về: Đứa cháu ruột ông, con trai ông Lập, đi lao động xuất khẩu ở mãi Malaixia, cũng về thế giới bên kia.

Mọi người chỉ có thể nói cậu ta chết vì cảm, nhưng trong bụng ai cũng nghĩ đến cái long mạch bí ẩn, kỳ quái ở phía Tây chùa Viên Quang. Một chàng trai khỏe mạnh, hoạt bát, từng là bộ đội, được rèn luyện thân thể, sức khỏe trong quân ngũ, không có tật bệnh gì như thế, chẳng có lý do gì mà đang ở nhà trọ lại tự dưng lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử.

Đền thời Thành Hoàng ở làng Gia Vân.

Những cái chết liên tiếp của người nhà ông Tuấn, của các hộ gia đình xóm 8 khiến cả cái xóm nhỏ này thêm u ám. Đã vậy, xóm 8 lại nằm ngay cạnh mấy nghĩa địa của làng. Hàng ngày, nhìn cảnh khói hương nghi ngút ngoài nghĩa địa, những vòng hoa trắng, người dân xóm 8 lại thêm hoang mang.

Nhiều gia đình ở xóm 8 chẳng còn thiết làm ăn, đi lại nữa. Họ đóng cửa ở trong nhà suốt ngày. Các ông bố, bà mẹ không cho con ra đường vì sợ đụng xe, cũng chẳng dám mắng mỏ con cái, vợ chồng chẳng dám cãi nhau, vì rất nhiều trường hợp tự dưng treo cổ tự tử mà chẳng có lý do chính đáng.

Người người, nhà nhà đi cúng vái cầu xin thánh thần tha mạng, rồi sắm bùa ngải dán khắp nhà, đeo vào tay, tròng vào cổ để xua đuổi tà ma.

Nhiều người ở Gia Vân không dám ra đường nữa.

Tình trạng trong các gia đình, làng xóm căng thẳng đến nỗi chính quyền xóm, đoàn, hội đã phải vào cuộc. Họ không đi mời các nhà khoa học về tìm hiểu thực trạng mà lại tổ chức một buổi cúng lớn ở Đền Và.

Đền Và là di tích nổi tiếng đất Sơn Tây, thờ Đức Thánh Tản, nằm ngay đầu làng Vân Gia. Hàng ngày, xe cộ biển số Hà Nội và các tỉnh xa nối đuôi nhau xếp dọc đường để đi lễ Đền Và.

Buổi cầu cúng ấy có tới 50 người, đại diện các đoàn hội, các gia đình, dòng họ trong thôn. Lễ lạt đầy đủ, hương khói nghi ngút, từng ấy con người xụp lạy khấn vái, những mong Đức Thánh Tản giang tay cứu độ dân làng thoát khỏi cảnh đau thương.

Thế nhưng, Đức Thánh Tản cũng không cứu được người dân Vân Gia khỏi thảm cảnh chết chóc. Những cái chết đầy ẩn ức vẫn diễn ra đều đều.

Cả chục thầy bói, thầy cúng, thầy phong thủy đã được người dân, nhà chùa mời về Vân Gia cứu độ chúng sinh. Thế nhưng, đến mảnh đất này, nhìn cái long mạch bị đứt, các thầy đều lắc đầu quầy quậy bảo không thể cứu được.

Kỳ 3: “Ngày 22 đen tối” và những trai đinh chết thảm

Làng Vân Gia (Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội) gồm 4 thôn, thì thôn 6 và thôn 8 chết bất đắc kỳ tử nhiều nhất. Riêng thôn 8, đã có sự ghi nhận 25 người chết từ nửa cuối năm 2007 đến nay.

Số lượng người chết đột ngột, mà dân làng nghi do “thánh vật” ở thôn 6 tuy chưa thống kê hết, song cũng không kém thôn 8 là bao. Theo người dân, thôn 6 và 8 chết nhiều nhất vì nằm sát cạnh ngôi chùa cổ Viên Quang, nơi bị coi là động long mạch. Thôn 5 và 7 cũng thuộc làng Vân Gia nhưng chết ít hơn vì nằm cách chùa Viên Quang vài trăm mét.

Sau một hồi hỏi han lòng vòng, tôi cũng tìm thấy nhà bà K. (xin được giấu tên và chức vụ vì bà ngại phát ngôn), cán bộ thôn 6. Tuy nhiên, bà K. họp chi bộ ở nhà ông Long, trưởng thôn. Tôi tìm đến nhà ông Long thì cuộc họp chi bộ cũng vừa kết thúc.

Hỏi chuyện động long mạch, bà K. và ông Long đều có vẻ ngại ngùng. Tuy nhiên, là người khá gần gũi, nên trò chuyện một lúc, bà trở nên cởi mở hơn.

Bà K. kể về cái ngày đặc biệt của làng, là ngày 22 âm lịch hàng tháng, mà một số người gọi là “ngày đen tối”. Sở dĩ, người Vân Gia gọi tên cái ngày đó như một bộ phim kinh dị, vì vào ngày đó, thường xuyên xảy ra chết chóc. Đó cũng là ngày “tử thần” về làng bắt một ai đó đi theo.

Bà K. ngồi ngẫm nghĩ, tính toán một lát, rồi thống kê rằng, trong thời gian từ đầu năm 2008 đến đầu năm 2009, trong làng liên tục diễn ra hiện tượng chết vào “ngày đen tối”.

Bà K. kể về “ngày đen tối” ở làng Vân Gia.

Cứ đến 22 âm lịch hàng tháng, trong làng lại có người chết. Dù cố gắng lắm, song vào ngày này, người dân không thể tránh được chuyện chết chóc. Toàn những cái chết khó hiểu.

Đau nhất là dòng họ Y. (xin được giấu tên, họ, để tránh gây đau lòng) trong thôn. Theo bà K., dòng họ này mất mát quá lớn. Toàn trai đinh, trai trưởng, trụ cột trong gia đình, trong họ bị chết bất đắc kỳ tử. Những người chết đều ở tuổi 30-40, khỏe mạnh, làm ăn khấm khá, thậm chí giàu có.

Hiện tại, chỉ còn mỗi trai đinh trong dòng họ này là anh V., con trưởng ông G., cháu trưởng ông cả X. Dòng họ này thực sự đang sống trong lo sợ, hoang mang. Chẳng biết “lưỡi hái tử thần” có tha mạng cho anh này không, khi đã cướp đi của họ quá nhiều mạng sống.

Họ Y. mất nhiều người nhất vào “ngày đen tối”.

Người đầu tiên chết kỳ lạ, cũng là con trưởng của dòng họ Y, là anh Văn Tr. Anh Tr. chết vào ngày 22-3-2008.

Hôm đó, làng cạnh có việc dựng nhà, vướng cây dừa, nên nhờ anh Tr. sang đốn hạ giúp. Anh Tr. vốn khỏe mạnh, xốc vác, đốn cây rất giỏi, nên mọi người hay nhờ, rồi tặng anh số củi đó.

Bình thường, anh Tr. leo cây như sóc. Anh chỉ nhảy phốc vài cái là lên tận ngọn cây cau bé xíu đung đưa theo gió, chứ nói gì cây dừa thấp tè này.

Thế nhưng, vừa trèo lên độ 2m, anh rơi cái phịch xuống đất. Cú ngã của anh thật quá đơn giản, trẻ con cũng chẳng việc gì. Thế nhưng, mọi người lay mãi anh không dậy, chỉ thở phì phò. Hãi quá, mọi người đưa anh đi viện, nhưng không kịp nữa, anh đã tắt thở tự lúc nào.

Trong con mắt của dân làng, cái chết của anh Tr. là sự đen đủi, là vận hạn giời ơi đưa đến. Âu cũng là bài học để dân làng rút kinh nghiệm, chẳng nên leo trèo nữa.

Trăm ngày anh Tr. chưa đến, thì một sự việc đau lòng lại diễn ra với họ Y., đó là cái chết của em M.

Đám cải táng của một người họ Y. làng Vân Gia mất 3 năm trước.

Hôm tôi lang thang ở chùa Viên Quang, cũng gặp chị L. là mẹ M. Người phụ nữ gầy còm, khắc khổ kia chẳng nói được lời nào. Tôi cứ định hỏi, chị lại chực ứa nước mắt.

Sắp đến “ngày đen tối”, chị lại sắm lễ ra chùa, cầu mong thánh thần bảo vệ, nâng đỡ linh hồn con trai và cả gia đình chị. Sự mất mát với chị là quá lớn.

M. là đứa con cực kỳ ngoan hiền, được học hành tử tế dưới Hà Nội. Thương bố mẹ, nên hôm đó M. tranh thủ từ Hà Nội về giúp bố mẹ gặt lúa.

Bố mẹ dậy từ sớm, trong khi M. vẫn còn ngủ. Thương con, không nỡ làm mất giấc ngủ của con, nên người mẹ chỉ lay nhẹ con dặn rằng: “Lát nữa con dậy thì nhớ ăn sáng, rồi ra đồng thồ lúa về giúp bố mẹ”. M. dạ vâng rồi tiếp tục ngủ.Vợ chồng chị L. gặt đến khi mặt trời đã đứng bóng, mà vẫn không thấy M. ra. Nghĩ con bị ốm, nên vợ chồng tự chất lúa lên xe, rồi chồng thồ, vợ đẩy về nhà.

Về đến nhà, vẫn thấy cổng cài, cửa khóa. Gọi không thấy con đâu, chị L. kéo khuy cổng và đẩy cửa. Chị đã rú lên, rồi lăn đùng ngất xỉu, khi chứng kiến cảnh con mình treo cổ chết trên khung hoa cửa sổ.

M. dùng dây điện của ấm nước buộc lên khung hoa cửa sổ, rồi quàng cổ vào dây. M. chết treo cổ trong trạng thái chân vẫn dẫm dưới đất.

Bố M. hoảng hồn hạ con xuống, làm hô hấp nhân tạo nhưng không kịp nữa rồi. M. đã chết từ lâu, mặt mày thâm tím. Khi đó, M. chưa đầy 23 tuổi.

Cứ nghĩ đến đứa con, chị L. lại đau xé lòng.

Cái chết của em M. khiến cả làng náo động. Đến bây giờ, vợ chồng chị L., cả dòng họ, làng Vân Gia vẫn không hiểu vì sao M. lại tự tử. Vợ chồng chị L. chẳng mắng con bao giờ, cậu con cũng không bệnh tật, rất hiếu thảo với cha mẹ. M. cũng chưa yêu ai, nên không vướng bận chuyện tình cảm. M. ra đi tức tưởi, không để lại một lời nào, khiến gia đình hết sức đau lòng.

Cái chết ly kỳ của em M. vào đúng ngày 22, đúng một tháng sau cái chết lãng xẹt của ông chú Văn Tr. khiến dân làng bắt đầu bàn tán rỉ rả.

Khi người dân còn đang bàn tán về cái chết của em M. và ngày 22 định mệnh, thì đúng một tháng sau, tức ngày 22-5, trong làng xảy ra hai vụ chết chóc, gồm cái chết của anh C. (40 tuổi) và anh Đ. Văn P. (30 tuổi).

Anh C. là cháu trưởng của cụ R. Trong dòng họ Y. Anh C. mắc bệnh đã lâu nhưng lại chết đúng vào ngày 22, cũng tạo nên sự lạ. Còn anh P. chẳng bệnh tật gì, chỉ uống mấy chén rượu, bỗng lăn đùng ra chết đúng vào ngày đó, thì quả là gây chấn động.

Chị L. khấn vái thánh thần phù hộ cho vong linh con trai

Cơn thịnh nộ mang tên “ngày đen tối” tiếp tục kéo sang ngày 22-6-2008 âm lịch với cái chết của anh Y. Văn D.

Cái chết của anh D. vô cùng đáng tiếc và đau lòng. Anh D. là cháu trưởng của họ Y. trong thôn. Anh là thợ tay nghề cao, chuyên sửa chữa máy xúc, máy kéo. Có tay nghề cao, nên hễ xe ủi, xe xúc ở đâu hỏng nặng, người ta lại phải nhờ vả anh.

Hôm đó, con gái nhờ bố chở xuống Hà Nội ôn thi đại học, vì vừa tốt nghiệp PTTH. Anh đã thoái thác con vì không muốn ra đường đúng vào ngày 22. Khi đó, dân làng đã bắt đầu rì rầm về cái “ngày đen tối” này, vả lại những cái chết liên tiếp đổ lên đầu dòng họ anh, nên anh cũng thấy hãi. Thôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành, cứ ở nhà cho chắc ăn.

Thế nhưng, mặt trời vừa ló khỏi rặng tre, thì có một chiếc xe sang trọng đỗ ở ngõ. Hóa ra, đó là một khách hàng quen, nhờ anh xuống Hà Nam sửa gấp cho chiếc máy xúc. Nghĩ đến ngày 22, anh chẳng muốn đi, nhưng vì là chỗ quen biết, mà công việc của họ đang bức xúc, họ lại lên tận nơi đón, nên anh chẳng thể thoái thác.

Trên xe có tài xế và 3 người nữa, anh D. tranh ngồi ghế sau và giữa xe. Anh nói vui: “Họ tớ trai đinh chết hết rồi, tớ ngồi giữa xe cho chắc ăn”.

Thế nhưng, “lưỡi hái tử thần” đã nhắm anh rồi, nên không thể thoát được. Khi xe đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, thì một chiếc xe tải cướp đường đã đâm vào một xe khác, tiếp tục đụng vào giữa chiếc xe con mà anh D. ngồi.

Cú đâm khá mạnh, khiến xe móp méo, nhưng cả 4 người trên xe chỉ bị thương nhẹ, còn anh D. thì thương rất nặng. Anh đã chết trên đường đưa đi cấp cứu. Bệnh viện kết luận anh bị vỡ tim.

Cái chết tức tưởi của anh D. vào đúng ngày 22 liên tiếp đã khiến dân làng sợ hãi đến tột đỉnh. Cho đến tận bây giờ, cứ vào ngày đó, dân làng lại không dám ra đường nữa, để tránh tai nạn giao thông.

Thế nhưng, không chết vì tai nạn giao thông, chết ngã cành cây, thì lại chết bất đắc kỳ tử, không rõ nguyên nhân. Nhiều trường hợp cứ tự dưng lăn đùng ra chết, đang ngủ cũng chết, và người ta chỉ có thể đổ cho nguyên nhân cái chết đó là cảm.

Vào “ngày đen tối” không ai dám đi đâu xa.

Bà K., cán bộ thôn 6 kể rằng, cứ đến “ngày đen tối”, ra đường chẳng thấy đàn ông, con trai. Chỉ có phụ nữ bưng lễ lên chùa, cầu xin tử thần tha mạng cho những người đàn ông trong nhà. Nhiều người sợ hãi, cứ nằm trên giường, thậm chí trùm chăn kín mít, cầu khẩn thời khắc ngày 22 qua đi thật nhanh.

Kỳ 4: “Rắn thần” khiến cả nhà chết thảm

Một tháng sau vụ con rắn rơi xuống giếng, ông B. con trai bà R., 60 tuổi, sống cùng bà R. chẳng biết vì cớ gì tự dưng nhảy xuống giếng tự tử.

Những ngày lang thang ở làng Vân Gia (P. Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội), tôi gặp rất nhiều hoàn cảnh đau xót, thương tâm. Thú thực, tôi chẳng tin chuyện ma mãnh, thánh vật ở trên đời. Chẳng có vị thánh nào đi vật người dân hiền lành, chân chất. Nếu cứ đổ cho thần thánh vật người tốt, thì quả thực quá oan uổng cho các vị thánh thần vốn được người đời thờ phượng.

Tuy nhiên, không khí u ám, đau buồn trùm khắp xóm Vân Gia khiến tôi phải suy nghĩ. Có lẽ, những lời đồn đại, khiến những đại họa vô tình đã trở nên huyền bí, khủng khiếp hơn. Nỗi khủng khiếp đó đã ám thị vào suy nghĩ, hành động của người dân khiến cuộc sống, tâm lý của nhân dân thêm phần nặng nề.

Trong số những gia cảnh éo le do chết chóc, thương tâm nhất là gia đình cụ Đ. Thị R. (xin được giấu tên, họ gia đình để tránh gây đau buồn).

Mấy bà vãi ở chùa Viên Quang dắt tôi ra triền đồi chỉ ngôi nhà lúp xúp dưới những rặng tre cách chùa không xa và bảo đó là nhà cụ R., gia đình bị đồn là “thánh vật” đến kiệt quệ.

Cụ R. tin rằng “thần rắn” đã hại gia đình cụ.

Tôi tìm vào nhà cụ R., gọi mãi mà không thấy ai thưa. Tôi đẩy cửa vào nhà, thì thấy một cụ già nằm bẹp trên giường. Thấy khách lạ, cụ lọ mọ dậy tiếp.

Cụ R. năm nay đã 90 tuổi, già yếu, hom hem lắm. Nhưng trời cho cụ trí nhớ minh mẫn, hoạt bát, nên cụ kể rành mạch mọi chuyện liên quan đến gia đình cụ.

Câu chuyện về gia đình cụ mang màu sắc mê tín, liên quan đến “rắn thần”. Sau khi nghe cụ kể, tôi mang sự hoài nghi đi xác minh qua một số cán bộ thôn, thì họ đều khẳng định chuyện đó là có thật. Các bà vãi ở chùa, rồi người dân quanh xóm cũng đều khẳng định như vậy. Chuyện này lan truyền khắp xóm, đồn đại ầm ĩ.

Chuyện rằng, vào năm 2008, khi những vụ chết chóc gây hoang mang khắp xóm, thì cụ R. nhìn thấy một con rắn rất lớn bò lên giếng rồi nằm vắt ngang miệng giếng sưởi nắng.

Cụ R. kể: “Hôm đó, tầm 11 giờ trưa, mặt trời trên đỉnh đầu, tôi ngồi vặt lạc ở hiên nhà. Tôi già nhưng không yếu, mắt vẫn sáng lắm, làm được nhiều việc lặt vặt. Vẽ lạc chứ xâu kim tôi vẫn làm được. Tự dưng, tôi nghe thấy tiếng loạt xoạt, nhìn ra giếng thấy một con rắn rất lớn bò lên giếng, rồi vắt ngang miệng giếng phơi nắng.

Nhìn con rắn to tướng, thân to bằng cái điếu cày, dài hơn cái đòn gánh, nằm vắt vẻo trên miệng giếng, tôi hãi lắm, trống ngực đập thình thịch, không há được miệng ra nữa. Tôi định thần lại một lát, rồi lò dò ra ngoài ngõ kêu giời kêu đất cả lên.

Ôi trời ơi! Tôi sống bằng này năm trên cõi đời, có mắt mà như đui, thánh thần đến nhà, mà tôi không biết, không cúng vái để ngài độ trì, mà lại đi gọi con cháu giết ngài. Tôi đui, tôi mù, nên gia đình tôi phải đền tội. Tội này rất lớn, lẽ ra tôi phải hứng chịu, nhưng nào ngờ, toàn là con và cháu tôi phải chịu tội thay. Thật đau đớn quá!”.

Thấy con rắn to quá, cụ R. liền đi gọi đám con cháu vây bắt. Mấy thanh niên, trẻ con trong xóm, có cả P. là cháu nội của bà đã đổ đến, phân công mỗi người một ngả, với bao đựng, dây thừng và gậy gộc.

Đúng là có con rắn cực lớn đang nằm sưởi nắng trên miệng giếng. Mọi người đều nhìn thấy, chứ không phải cụ R. hoa mắt do ánh nắng gay gắt buổi trưa.

Câu chuyện “rắn thần” được sự xác nhận của hai vị cán bộ thôn 6.

Mọi người tính sẽ dùng gậy ấn đầu rắn, rồi xông vào đè rắn, thít cổ, tống vào bao. Con rắn to tướng này bán cũng được tiền triệu, ngâm rượu được bình to, làm chả thì đánh chén tha hồ, nên ai cũng hào hứng.

Thế nhưng, vòng vây vừa khép lại, thì chú rắn đang thiêm thiếp ngủ bỗng tỉnh dậy. Nó ngóc đầu nhìn ngang ngó dọc không thấy đường thoát, liền thả mình rơi tõm xuống giếng.

Đám thanh niên ngó xuống giếng, nhưng chẳng thấy tăm hơi con rắn đâu, chờ mãi mà không thấy nó ngóc đầu lên.

Sợ mất món hời, anh P., cháu nội bà R. liền mượn máy bơm của hàng xóm, thả vòi xuống, cắm điện hút nước lên.

Máy nổ một lúc thì hút sạch nước. Nhưng lạ kỳ thay, nhìn xuống giếng, chẳng thấy có con rắn nào. Nghĩ nó chui vào hang, ngách nào đó, nên thả thang để mò xuống.

Điều khiến mọi người choáng váng, không giải thích nổi, là dưới giếng không có ngóc ngách nào cả, cũng không thấy con rắn đâu. Giếng nhà bà R. là giếng cổ, tuổi đã cả trăm năm, do các cụ đào, bình thường dưới đáy lắm mùn, nhưng lúc đó mặt đáy lại cứng và nhẵn thín, như thể ổ rắn.

Đường làng thôn 6.

Câu chuyện kỳ lạ này cùng với những cái chết bất đắc kỳ tử trong xóm trở nên ồn ào, nhưng con rắn lạ và long mạch đồi chùa chẳng có mối liên hệ gì đến nhau, nên người ta cũng quên nhanh.

Thế nhưng, đùng một cái, chừng một tháng sau vụ con rắn rơi xuống giếng, ông B. con trai bà R., 60 tuổi, sống cùng bà R. chẳng biết vì cớ gì tự dưng nhảy xuống giếng tự tử. Cũng may, giếng nước nông, nên ông B. không chết. Nhảy xuống giếng rồi, ông mới tỉnh người, kêu la ầm ĩ để mọi người vớt lên.

Chuyện ông B. tự dưng nhảy xuống giếng khiến cả nhà kinh hãi, không hiểu vì cớ gì. Ông B. cũng không giải thích nổi.

Sợ quá, gia đình đi xem bói. Thầy bói phán giếng có yêu quái. Sợ quá, gia đình mới làm lễ yểm bùa, đổ miếng bêtông bịt miệng giếng lại, hy vọng giam yêu quái ở dưới giếng.

Thế nhưng, tai họa không dừng lại ở đó. Thời gian sau, ông B. tự dưng lăn ra chết không rõ lý do. Người nhà chỉ có thể nói ông bị cảm mà chết.

Cái chết của ông B. khiến cả nhà hoang mang lo sợ. Cụ R. chỉ đạo con cái đi cúng bái nhiều lắm. Thế nhưng, “lưỡi hái tử thần” vẫn không tha cho gia đình cụ.

Bà T., con dâu cụ R., vợ của ông B. vốn khỏe mạnh, không bệnh tật gì, bỗng không ăn, không ngủ được, cơ thể cứ héo hon dần.

Gia đình đưa bà T. đi khám bệnh, song bệnh viện chẳng phát hiện ra bệnh gì. Bà T. cứ suy nhược dần, rồi về trời. Gia đình chỉ có thể nói rằng, bà T. cũng giống như chồng, bị cảm mà chết.

Trước “ngày đen tối” người dân kéo nhau lễ chùa để cầu mong tai họa không đổ lên đầu nhà mình.

Tai họa không dừng ở đó. “Lưỡi hái tử thần” sau khi cướp mạng sống của con trai trưởng và con dâu cụ R. thì tiếp tục mò đến người cháu trưởng đẹp đẽ của bà.

Anh P. khi đó 30 tuổi, là thợ xây, dáng vóc khỏe mạnh hơn người, sống tốt tính, chan hòa với làng xóm, hiếu thảo với gia đình. Anh P. chính là người tham gia vụ bắt con rắn phơi nắng trên miệng giếng, sau đó tát nước và bắc thang xuống giếng tìm rắn.

Rõ ràng, chẳng có chứng cứ, cơ sở khoa học gì khẳng định con rắn đó là rắn thần, có khả năng hãm hại cả nhà, nhưng người dân trong vùng cứ liên hệ những cái chết bất đắc kỳ tử với con rắn đó. Cái chết kỳ lạ của anh P. đã thổi bùng lên ngọn lửa hoang mang tột độ.

Một đêm, buồn cảnh cha mẹ chết, anh P. sang nhà bạn uống rượu. Anh cũng chẳng uống được nhiều, chỉ nhấp môi vài chén. Thế nhưng, chẳng hiểu vì uống rượu bị trúng gió hay sao, mà vừa về đến sân, anh chợt đổ gục, nằm chết trên đống lạc giữa sân. Mọi người xúm vào hô hấp nhân tạo, song không kịp nữa, anh P. đã ngừng thở hoàn toàn, mặt mũi tím tái.

Người con trai cả, rồi cháu trai trưởng mất đi, cụ R. đau buồn, sinh bệnh nặng. Người con trai thứ 2 phải thay anh cả chăm sóc mẹ. Giờ, trong căn nhà buồn thảm ấy, cụ R. sống với cô cháu ngoại tật nguyền.

“Long mạch” làng Vân Gia bị phá?

Sự ra đi liên tục của 3 người, gồm vợ chồng và người con trai, đã gần như xóa sổ một gia đình. Có lẽ, trên đời này không còn nỗi đau nào lớn hơn thế nữa. Thảm họa này khiến cả làng náo loạn. Không thể chần trừ được nữa, dân làng đã họp lại và quyết định tìm cách trị long mạch. Họ đã bỏ nhiều công sức để thỉnh một ông thầy cao tay ấn về giúp làng.

Theo: Chùa Phúc Lâm

TAMTHUC

Comment