nhung-kho-bau-chon-song-trinh-nu-lam-than-giu-cua
Những kho báu chôn sống trinh nữ làm thần giữ của
- bởi tamthuc --
- 24/12/2014
Để bảo vệ kho báu, người ta đã sử dụng một thủ đoạn tàn nhần là chôn sống trinh nữ làm thần giữ của
Cô gái bị chôn sống trong hầm mộ, miệng ngậm sâm, sau 100 ngày chết đi, hồn ma sẽ canh giữ của cải.
Thần giữ của tại quán Bạch Tuyết
Người dân Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn cung kính gọi miếu thờ ấy bằng cái tên quán Bạch Tuyết. Chẳng ai biết quán Bạch Tuyết có từ bao giờ, chỉ biết đến giờ người ta vẫn còn truyền tai nhau những câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc ngôi miếu và những điều kỳ lạ xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Đức, một người dân sống cạnh ngọn núi Bạch Tuyết kể rằng khi ông còn bé tí, toàn bộ cái làng Linh Thượng này chưa có người ở mà là một rừng cây rậm rạp, toàn cây cổ thụ 6-7 người ôm, đầy rẫy những rắn, báo hoa mai (một loại báo to hơn con mèo một chút), người đi chỉ cách nhau vài mét có khi đã không nhìn thấy nhau rồi. Thời chiến tranh chống Mỹ, bom đạn tàn phá, người chết nhiều, người ta bắt đầu chặt dần cây để đóng quan tài dự trữ. Dần dà rừng thưa dần, dân bắt đầu chuyển lên sinh sống và hình thành làng. Ngôi miếu Bạch Tuyết trên ngọn núi có từ bao giờ cũng không ai biết.
Xung quanh ngôi miếu thờ người dân Vân Côn vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện đầy màu sắc liêu trai. Các cụ cao niên trong làng kể với con cháu rằng, cách đây hàng nghìn năm khi phong kiến Trung Quốc đô hộ nước ta, chúng ra sức vơ vét của cải, vàng bạc, châu báu. Đến khi bị đuổi về nước, số lượng vàng bạc quá lớn không nỡ bỏ lại, chúng liền xây dựng một hầm đá để chôn cất. Trong quá trình xây dựng, chúng đã bắt một thiếu nữ trinh trắng, xinh đẹp tên là Bạch Tuyết về nuôi cho “ăn trắng mặc trơn”. Khi hầm đào xong, chúng liền chôn toàn bộ của cải xuống hầm và chôn sống thiếu nữ đồng trinh kia ở cửa hầm để “giữ của”. Chính từ những lời đồn thổi này nên đã có nhiều cuộc tìm kiếm kho báu diễn ra. Tại đây người ta còn phát hiện có một đường hầm dẫn vào ngôi miếu, hàng chục người đã bỏ công sức đào bới những mong sẽ tìm kiếm được vàng bạc, châu báu.
Miếu Bạch Tuyết tương truyền là có trinh nữ làm thần giữ của
Thần giữ của tại thôn Miếu Lạc
Tại thôn Miếu Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, Hải Dương, người dân vẫn còn lưu truyền câu chuyện về thần giữ của ngay trên nền đất nhà một cán bộ xã. Trước đó, gia đình vị cán bộ này ở sâu trong làng, đến khi di chuyển ra ngôi nhà mới thì ban đêm bà vợ thường mơ thấy có người con gái hiện lên như có điều gì ẩn ức. Bà bảo có lần người con gái đã viết tên mình là Hoa.
Sau đó bà có đi xem thầy và về lập cây hương để thờ. Kỳ lạ, từ khi lập cây hương, bà cứ như người lẩn thẩn, thỉnh thoảng hay lảm nhảm, rồi đột nhiên lại có khả năng xem bói và cúng lễ cho những người khác. Gia đình nghi ngờ tưởng bà có vấn đề tâm thần, nhiều lần đưa bà đi chạy chữa nhưng đều không có tác dụng. Về sau con cháu mới tìm đến một thầy phong thủy có tiếng đến xem lại gia trạch. Thầy phong thủy xem xong, thấy trong nhà có vật linh thiêng.
Sau nhiều lần đắn đo cân nhắc, con cháu trong nhà đều nhất trí để đào nền nhà lên xem xét. Khi đào sâu được khoảng một mét rưỡi thì lộ ra một quan tài rất đẹp, gỗ còn tốt. Anh con rể của gia đình hăng hái nhảy xuống hố bới, lộ rõ 2 chiếc quan tài nằm bắt chéo nhau chữ X, cái trên nằm theo chiều Tây ghé Nam 15 độ – Đông Bắc ghé 15 độ. Tự nhiên anh con rể ú ớ co giật liên tục, mọi người trong nhà phải vội vàng bế lên. ông cán bộ xã thì đột nhiên đau bụng lăn lộn. Cả nhà vội vã cùng nhau đi bệnh viện. Đi được 500 mét thì ông lại bình thường.
Từ đó trong nhà không ai còn dám động chạm đến 2 chiếc quan tài này nữa. Chuyện diễn ra vào đầu những năm 2000, cho tới nay người dân Đồng Lạc vẫn còn nhắc tới như một điều linh thiêng, cấm kỵ. Cuộc sống bình thường cũng đã quay trở lại với gia đình vị cán bộ xã nọ. Nhưng câu chuyện này cũng ít nhiều nói lên những nghi vấn về thần giữ của. Câu chuyện trên vẫn chỉ là lời kể, mang tính truyền thuyết nhiều hơn. Thật ra đến giờ vẫn chưa được ai kiểm chứng…
Lý giải của các nhà khoa học
Việc lập và hóa giải thần giữ của có thể xem như một cuộc đối kháng giữa người Việt và người Hán. Theo ước tính, con số thất bại của các trường hợp lập thần giữ của lên tới 30-40%. Nguyên nhân thất bại một phần do sự đổi vận của thế đất, sự thất lạc của khẩu quyết, gia phả các dòng họ, sự tính toán hụt của thầy pháp, một phần nữa do chính việc nghiên cứu và đoán định của các thầy nho, thầy pháp, thầy phù thủy Việt đã hóa giải được những vòng khóa của họ.
Hiện nay, số kho báu còn lại trong lòng đất Việt là bao nhiêu vẫn chưa có cách nào xác định được. Theo những nghiên cứu của cố giáo sư Hoàng Phương trong cuốn Tích hợp văn hóa Đông Tây thì từ Nam Sách- Hải Dương đến biên giới Việt Trung theo hướng Đông Bắc, có trên 300 điểm chôn vàng. Thực tế, con số này có thể hơn gấp nhiều lần bởi vẫn còn rất nhiều những con đường độc đạo, những địa danh đã hoàn toàn biến mất khỏi lịch sử, trở thành những nơi hoang vu không có sự sống của con người làm cho việc kiểm định trở nên khó khăn. Những trường hợp cụ thể chúng tôi có nhắc đến trong loạt bài về thần giữ của chỉ là những hiếm hoi phát lộ được.
Nhà sử học Lê Văn Lan
Vì sự cám dỗ của vàng bạc, châu báu được chôn cất trong những kho tàng ẩn sâu trong lòng đất đã kéo theo hàng đoàn người đi kiếm của. Cho tới nay, những đội quân này vẫn tiếp tục tham vọng của mình, có những kho báu tìm thấy, có những trường hợp trắng tay nhưng dù được hay mất vẫn thường đi kèm với những chuyện không may. Hầu hết họ đều là những người tự phát, không có kiến thức đầy đủ, không tìm hiểu kĩ càng việc bài bố về những hầm mộ, thậm chí thiếu sót những thông tin và kinh nghiệm khảo cổ vốn rất cần thiết. Chất độc, cạm bẫy khó tránh khỏi dễ dẫn đến cho họ bệnh tật, ốm đau, thậm chí chết chóc. Một phần cũng do tâm lý hoang mang, sợ hãi càng làm cho lớp màn phép thuật trở nên dày và biến ảo hơn.
Theo chia sẻ của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, lúc ông còn nhỏ, đã nghe tới việc người Tàu để của ở Việt Nam khi buộc phải rời đi. Họ nghĩ tới việc chôn một cô gái còn trinh cùng với số của cải của mình để thực hiện việc lập thần, trấn yểm. Những hoài nghi đó đến khi lớn lên, làm khoa học, ông hoàn toàn có thể khẳng định được điều này là có cơ sở, qua những mộ Hán xây bằng gạch được tìm thấy ở các điểm khai quật ở nhiều nơi. Đây là một vấn đề thuộc về lịch sử chứ không có chút mê tín dị đoan nào. Người Trung Quốc sang Việt Nam vừa bóc lột nhân dân ta, đến khi về nước lại tàn độc dùng chính người Việt để thực hiện âm mưu giữ của.
Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – trường ĐH KHXH&NV, người đã có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, về văn hóa và các yếu tố dân gian trên thế giới cho rằng, truyền thuyết về thần giữ của chỉ là một bộ phận trong tín ngưỡng về thần giữ của. Tín ngưỡng này tồn tại một cách khách quan. Việc chôn sống nô lệ, người hay động vật vì một tín ngưỡng, tập tục nào đó là có thật trong lịch sử nhân loại. Còn truyền thuyết kể về nó thì cũng như bất kì truyền thuyết nào trên thế giới. Tin tất cả vào truyền thuyết cũng giống như tin tất cả vào tiểu thuyết. Có những sự trùng lặp về sự thật diễn ra sau một lời nguyền nào đó sẽ chẳng có gì là huyền bí đối với tương lai của khoa học, chỉ có điều ở thời điểm hiện tại chưa thể giải thích được. Loại trừ dần cái bể mênh mông của những lời đồn thì sẽ tồn tại một phần sự thật. Phần sự thật đó trước sau cũng sẽ được khoa học giải thích.
Nguồn: Sưu tầm
TAMTHUC
Comment