No icon

hoa-giai-trung-tang-theo-phuong-phap-dan-gian

Hóa giải trùng tang theo phương pháp dân gian

Xưa nay, dân gian vẫn truyền tai nếu một người chết đúng vào giờ trùng tang sẽ mang theo hàng loạt những người thân trong một thời gian ngắn sau đó.

Nhiều người khẳng định là do “âm binh” nổi loạn, tuy nhiên khi giải thích dựa trên khoa học, chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoàn toàn có thể kiểm soát.

“Trùng tang được dân gian truyền khẩu nôm na là một người chết vào thời điểm xấu nên không thể siêu thoát được, có thể không biết mình đã bị chết nên quay lại gọi những người thân của mình đi theo, gây nên cái chết cho những người thân của người quá cố. Vẫn có không ít người cho rằng “trùng tang” là một hiện tượng bí ẩn có thật trong đời sống và gia đình nào không may mắc phải thảm họa này thì chỉ còn nước cậy nhờ các pháp sư cao tay. Tuy nhiên, khi nhìn nhận dưới góc độ khoa học, bức màn này đang dần được hé mở.

Những cái chết bí ẩn

Nói về hiện tượng “trùng tang”, nhiếu người thừa nhận đây hoàn toàn là câu chuyện có thật. Thậm chí có người còn khẳng định đã từng chứng kiến nhà có đến 5 – 6 người nhưng chỉ vài ba năm đã chịu đựng cảnh tuyệt tự.

Cách đây gần hai năm, nhiều tờ báo đưa tin về trường hợp “trùng tang” ở quận Tây Hồ, Hà Nội rất đáng sợ. Đó là một gia đình trong một ngày xảy ra hai cái chết của bố chồng và nàng dâu cách nhau chưa đến 5 tiếng đồng hồ. Điếu đáng nói là người con dâu đang khỏe mạnh bình thường, vẫn còn đang tất bật chuẩn bị “hậu sự” cho bố chồng thì bỗng nhiên đột tử vì cảm. Để tránh không chôn cất cùng một giờ, hơn nữa chưa được “giờ đẹp” nên người bố được hạ huyệt trước, sau đó người con dâu mới được khâm liệm và hạ huyệt sau.

Khỏi phải nói, gia tộc đó hoảng sợ đến mức nào, nhất là người con trai cả, đồng thời cũng là chồng của người vợ quá cố. Anh rất lo lắng cho đứa con trai độc nhất 15 tuổi và cả bản thân mình vì người ta bảo nhà anh bị “trùng tang”. Từ trước tới nay, anh có biết “trùng tang” là gì đâu, hơn nữa những câu chuyện như vậy chả mấy khi anh quan tâm. Nhưng khi gia đình mình cùng lúc có hai cái chết của bố và vợ anh thì anh hoảng hồn thật sự, đến nỗi ai bảo gì, anh làm nấy để tránh chuyện tương tự sẽ xảy ra.

chùa hàm long

Chùa Hàm Long – nơi được cho là “trung tâm nhốt trùng” lớn nhất cả nước.

Tương tự, tại một gia đình ở ngay phố Ngọc Hà, quận Ba Đình cũng xảy ra những cái chết như vậy. Chỉ khác là gia đình này, trong vòng ba năm, 2 người con trai duy nhất trong gia đình đều “đi” theo bố một cách “bất đắc kỳ tử”. Người bố thì sau một thời gian bị bệnh nan y thì qua đời khi ở tuổi “thấy thập cổ lai hy”. Nỗi đau của những người trong gia đình chưa qua thì chỉ sau cái lễ 100 ngày của ông ít hôm, lại đến con trai trưởng của ông mất. Cái chết của anh ở tuổi “vẫn còn đang xoan” không chỉ khiến cho người ta thương tiếc mà còn làm cho câu chuyện “trùng tang” được tin và thêu dệt nhiều hơn.

Đêm hôm trước, anh vẫn còn ngồi quán nước và nói chuyện oang oang về thế sự, không một chút biểu hiện của người ốm, bệnh tật. Thế mà sớm hôm sau khi vợ gọi anh dậy để đỡ chị dọn hàng bán đồ ăn sáng như mọi khi, anh đã mãi ngủ không bao giờ dậy. Liên tiếp hai cái chết xảy ra trong vòng hơn 3 tháng, tưởng như gia đình anh không thể gắng gượng được.

Vậy mà chưa hết, 2 năm sau, người con trai út đang phơi phới tuổi xuân bỗng dưng một chiều đi làm về kêu mệt, vào giường nằm rồi mất lúc nào không ai biết. Cả gia đình nhốn nháo, hoảng loạn. Không ai giải thích được nguyên nhân vì sao chỉ trong thời gian ngắn mà cả 3 người đàn ông trong nhà đều ra đi, ngoài lý do duy nhất: “trùng tang”. Và “trùng tang” như thế được gọi là “trùng tang liên táng”.

“Trùng tang” là gì?

Thực ra, từ trước đến nay, chưa bao giờ có một định nghĩa chính thống về “trùng tang” mà chỉ trên hiện tượng rồi đúc kết thành quan niệm. Ngay cả giáo cũng không định nghĩa về hiện tượng này, mặc dù đây là “hồn cốt” của thế giới tâm linh. Theo cách hiểu dân gian, “trùng tang” là trường hợp người chết “phạm” phải năm hoặc tháng hoặc ngày xấu, do đó linh hồn không siêu thoát nên cứ quanh quẩn trong nhà trở thành “trùng” (có khái niệm cho là “âm binh”) rồi lần lượt “bắt” theo từng người thân trong dòng tộc.

Nhưng phải trong 3 năm liền xảy ra liên tiếp những cái chết của những người trong cùng dòng tộc mới coi là “trùng tang”. Có rất nhiều người nhầm lẫn điều này nên thấy trong gia tộc có nhiều người mất nhưng không phải trong 3 năm liên tiếp vẫn nhận là bị “trùng tang”.

Cách tính “trùng tang” theo “Phật pháp bách vấn” thì như thế này: Đối với những người tuổi Thân, Tý, Thìn nếu mất một trong bất kể ngày hoặc tháng, năm, giờ Tỵ thì coi là bị mất vào ngày trùng tang, còn được gọi là ngày “kiếp sát”. Tức là những tuổi đó “kị tỵ”, càng không được an táng vào ngày Tỵ. Tương tự với cách tính ấy, tuổi Dần, Tuất, Ngọ kỵ Hợi, Tuổi Tỵ, Dậu, sửu kỵ Dần, tuổi Hợi, Mão, Mùi kỵ Thân.

Còn cách tính ngày trùng là chẳng hạn ngày , tháng, năm Dần hay ngày, tháng, năm Thân… cũng được coi là ngày trùng. Ngày trùng này không tính riêng cho một tuổi nào.

Sách “Tam giáo chính hội” còn nói đến cách tính “trùng tang” cổ xưa là phải tính theo năm, tháng, ngày, giờ thì mới biết người quá cố có trùng tang hay không. Theo cách tính đó thì những người mất ở tuổi (âm lịch) : 10, 13, 16, 19, 22 (cứ cộng thêm 3) thì sẽ bị “trùng tang”…

Dân gian bày cách chống trùng tang

Từ quan niệm “trùng tang” có thật, dân gian đã nghĩ ra nhiều cách để hóa giải dù chưa thật rõ bản chất của hiện tượng này là gì. Theo kinh nghiệm, sau khi tính toán phát hiện ra người chết phạm vào giờ trùng thì ngay lập tức phải áp dụng các biện pháp “điều trị”. Trong đó ưu tiên việc gửi vong lên chùa để “nhốt trùng”. Nếu trùng nhẹ thì có thể đưa lên một ngôi chùa gần nhà, hàng ngày các nhà sư sẽ đọc kinh niệm Phật để người chết được siêu thoát. Còn nếu “trùng nặng” bắt buộc phải gửi vào chùa Hàm Long – được đồn đoán là trung tâm “nhốt trùng” lớn nhất cả nước.

Thông thường, sau khi đưa di ảnh của người quá cố lên chùa gia đình sẽ được phát lá bùa đeo giữ trong suốt ba năm. Bùa này có một mặt là chữ Nho, một mặt là hình Phật bà Quan Âm. Sau khi giải vong, gia đình sẽ được hướng dẫn cụ thể về cách kiêng kỵ. Theo đó, bắt buộc ở nhà không được lập bàn thờ cúng người đã chết, kể cả ngày giỗ, Tết. Vì có hương là có hồn, chỉ cần đọc tên người đã khuất, coi như là chìa khóa để mở ngục để đưa người chết ra ngoài.

Khi đưa vong lên chùa, phải nhờ người không phải là họ hàng, nếu không cũng phải nhờ bên ngoại. Vì vong chết trùng thường rất khôn ngoan, nếu thấy người quen đưa đi thì sẽ đi theo về hoặc tệ hơn thì vong sẽ biết trước và không đi theo. Do vậy, tuyệt đối không được bàn chuyện tiễn vong lên chùa ở nhà có người khuất. Sau 3 năm gia đình mới được thờ cũng lại bình thường.

Tuy nhiên, theo đánh giá, cách này tuy hiệu quả nhưng lại rất nguy hiểm. Nếu công lực của người trấn yểm không cao thì khi người đó chết đi, trùng sẽ thoát được ra ngoài, gây ảnh hưởng nặng cho bản thân người đến cậy nhờ và cả gia đình của người trấn yểm.

Do vậy, phương pháp tốt nhất là sử dụng các bài thuốc trấn trùng với các vị thần sa, chu sa, sương luật, địa liền… cho vào túi rồi yểm trong quan tài. Hoặc có thể dùng các bộ linh phù bằng cách dùng linh phù để gối đầu người đã khuất, dán lên giữa ngực, rốn hoặc lót dưới quan tài… cũng có thể dùng bài thuốc kết hợp giữa sớ, phù bắc tông và kỳ nam để xông vào mộ và người sống để cầu siêu, giải thoát cho trùng, biến từ âm binh thành thiên binh. Một số người còn cho rằng có thể áp dụng phương pháp làm huyệt giả, đổ tỏi vào huyệt khi lấp đất hay dùng thần chú, bát quái trận đồ trấn âm trạch để hóa giải.

Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên

Chúng tôi tìm gặp Đạo tá TS. Đỗ Kiên Cường – tác giả của các cuốn sách lý giải về các hiện tượng dị thường của đời sống dưới góc nhìn khoa học để mong tìm được lời giải cho câu hỏi trùng tang. TS Đỗ Kiên Cường cho rằng “trùng tang” chỉ đơn giản là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Trong đó bản chất của sự trùng hợp là luật số lớn trong lý thuyết xác xuất và thống kê. Định luật này phát biểu đơn giản là: Với một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra.

Để hóa giải “trùng tang”, TS. Đỗ Kiên Cường cho rằng yếu tố tâm lý là nhân tố quyết định. Trên thực tế, sự cầu cúng, “nhốt vong”… mà nhiều gia đình thực hiện thực chất chỉ là hoạt động trấn an, để những người đang hoảng sợ sẽ tĩnh tâm trở lại, bình tĩnh hơn trong mọi tình huống. Và khi đã thư thái trở lại, tâm lý thoải mái, diễn tiến của các căn bệnh cũng có chiều hướng tốt hơn (yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng tới khoảng 9-40% người bệnh). Y học cho rằng niềm tin có thể giúp con người khỏe mạnh hơn về thể chất và tinh thần là vì vậy…

Cố GS Nguyễn Hoàng Phương (Hội Vật lý VN) cũng đã từng đưa khoa học vào nghiên cứu để bước đầu vén bức màn bí mật về hiện tượng “trùng tang”. Theo kiến giải của bà, “vì trong mối quan hệ này, không có sự tiếp xúc xác thịt trực tiếp giữa hài cốt người chết và tần số của trùng nên tất yếu phải có phần sóng vô hình của đôi bên tham gia vào. Đó có thể là một hiện tượng cộng hưởng sóng mang tính chất huyết thống, dòng họ. Do tần số đôi bên khác nhau nhiều nên theo lý thuyết về nhạc, loại cộng hưởng này mang tên cộng hưởng Harmonic (tần số này là bội số của tần số kia). Đó là cơ chế cộng hưởng Harmonic hình thái huyết thống”. Điều này cũng giải thích được hiện tượng chỉ có những người cùng huyết thống với người chết phạm phải giờ trùng tang mới bị, còn những người khác và con dâu, con rể cùng sống trong gia đình không bị ảnh hưởng.

Bình Hòa

Theo: Người đưa tin

TAMTHUC

Comment