tro-ve-tu-coi-chet-sau-khi-bi-ma-rung-an-het-noi-tang
Trở về từ cõi chết sau khi ‘bị ma rừng ăn hết nội tạng’
- bởi tamthuc --
- 15/06/2014
Một ngày cuối tháng 5/2014, chiếc ôtô của Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum băng qua những khu rừng già tiến về làng Nước La (xã Đắk Long, huyện Kon Plông).
Trên chiếc xe ấy chở một cô bé mang số phận đặc biệt vừa từ cõi chết trở về. Y Nôn lâm bệnh, nghe lời thầy cúng người cha đã để mặc Nôn ngoài bìa rừng đợi cái chết. Rồi trong khoảnh khắc sinh tử, cô bé người Mơ Nâm được bàn tay cán bộ cứu vớt, được cả xã hội giúp Nôn thoát khỏi bóng ma rừng.
Cuộc giải cứu khỏi tay “ma rừng”
Theo sự chỉ dẫn của người làng, chúng tôi đi qua khu rừng già để tìm về nhà của Y Nôn ở làng Nước La. Ngôi làng nhỏ nằm u uẩn dưới những rặng núi lớn giờ đây đã có điện, có đường về tận nơi nhưng trong câu chuyện của người làng, bóng ma về những hủ tục vẫn còn luẩn quẩn và đeo đẳng mãi.
A Hành – cha đẻ của Y Nôn – không buồn mở lời khi có người lạ đến thăm, tất cả những câu hỏi chúng tôi đặt ra đều được đáp lại bằng một từ cụt ngủn, thỉnh thoảng lại như đứt quãng: “Ừ”.
Những người dân làng Nước La cho biết từ ngày biết thầy cúng nói sai về con gái mình đến nay A Hành rất bực tức, suốt ngày chỉ lầm lì như cái bóng và ai hỏi gì cũng không buồn trả lời.
Y Nôn khi được cấp cứu và Y Nôn tươi tỉnh, bắt đầu trở lại bình thường sau khi được cứu chữa.
Bà Võ Thị Lễ – người cùng các cán bộ xã Đắk Long cứu Y Nôn vào thời khắc sinh tử – nhớ như in buổi sáng 16/2: “Sáng hôm đó chúng tôi tập trung cán bộ, người dân để vào Nước La ra quân làm đường giao thông nông thôn. Thấy túp lều được dựng tạm bên bìa rừng, có người tò mò hỏi thì một người dân buột miệng: chỗ đó để thả con Y Nôn cho ma rừng đấy.
Tá hỏa, mấy người chạy lại thì phát hiện cháu bé đang nằm cựa quậy giữa bầy ruồi bọ, bên cạnh là một cháu bé khác đang ngồi canh”.
Bà Lễ cho biết ngay khi phát hiện sự việc đau lòng trên, cán bộ chạy đến nhà A Hành để hỏi thì ông trả lời rằng con gái của ông đã bị bệnh “ghẻ lở” nhiều tháng nhưng đắp thuốc lá rừng không khỏi, đưa đi trạm y tế cũng không được, mời thầy cúng đến thầy liền phán rằng con ma rừng đã moi hết tim gan, nội tạng của con gái A Hành nên phải để cho nó chết, không có cách nào cứu được.
Y Đương – mẹ của Y Nôn quay mặt vào bức tường, nước mắt chực trào khi nhớ đến con gái: “Mình cũng thương nó lắm, nhưng nó bị bệnh lâu rồi mà không biết phải làm sao. Nghe thầy cúng nói vậy nên chỉ biết vậy”.
Y Đương cho biết sau khi nghe tin con gái mình đã bị con ma rừng ăn hết nội tạng, hai vợ chồng ra bìa rừng tìm cây, chặt lá dựng cho Nôn một túp lều. Rồi sáng hôm ấy Nôn được bế ra nằm tại đây, hai bộ quần áo mà Nôn thường mặc cũng được mang ra.
Hằng ngày đứa con trai đầu của vợ chồng A Hành, Y Đương được giao việc ngồi bên túp lều xua ruồi muỗi, cho Nôn ăn mỗi khi đói và chạy về nhà báo cho cha mẹ biết khi Nôn tắt thở.
Bà Lễ cho biết khi phát hiện thấy Nôn và anh trai tại túp lều, Nôn đã nằm bất động, toàn thân lở loét.
“Lúc nghe anh em chạy về báo tin tức, tôi chạy đến nơi thấy cháu không còn gì là hình hài của con người nữa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, tôi lao vào bế cháu lên và bảo rằng: “Con sẽ không phải chết, các cô các bác sẽ cứu con ra khỏi đây” thì thấy hai hàng nước mắt của cháu trào ra”.
Hy vọng sống sót 20%
Bác sĩ Đào Duy Khánh – phó giám đốc Sở Y tế Kon Tum và cũng là người trực tiếp hội chẩn khi Y Nôn được xe cứu thương đưa vào Bệnh viện tỉnh Kon Tum xót xa nói: “Tôi không biết so sánh cái gì cho thật đúng với nhân dạng của cháu Nôn lúc đó, phần da trên toàn thân đã bị lở loét, các vết thương ăn sâu vào chân khiến nhiều nơi bị hoại tử nặng, khả năng sống sót rất thấp”.
Bác sĩ Khánh cho biết hai ngày Y Nôn nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Kon Tum đối với ekip các bác sĩ là hai ngày dài đằng đẵng. Bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nhưng Y Nôn là ca bệnh đặc biệt, bác sĩ theo dõi diễn biến sức khỏe của Nôn từng giây một.
Không chỉ bác sĩ, lãnh đạo Sở Văn hóa – thể thao và du lịch – đơn vị nhận đỡ đầu địa phương nơi cháu Nôn ở – cũng đứng ngồi không yên, liên tục thay nhau chăm nom, tìm mọi cách để cứu Nôn khỏi cái chết.
Ông Khánh cho biết kết quả chẩn đoán Nôn bị bệnh viêm da toàn thân, bệnh lý rất hiếm gặp và biểu hiện giống như ghẻ lở nhưng mức độ nặng hơn nhiều.
Bà Võ Thị Lễ nói rằng do bệnh lâu ngày không được chữa, lại thêm việc thầy cúng trét máu gà, máu heo khi làm lễ cúng lên các vết loét khiến nhiễm trùng nặng hơn.
“Chúng tôi đã làm hết sức nhưng bệnh cháu quá nặng, trang thiết bị của bệnh viện lại nghèo nàn nên để cứu cháu thì phải chuyển viện” – bác sĩ Khánh nói.
Giữa tháng 2, Bệnh viện Phong và da liễu trung ương Quy Hòa (Bình Định) tiếp nhận Y Nôn trong tâm trạng đặc biệt: cháu bé mang một số phận đáng thương và xót xa được đưa từ một ngôi làng ở Kon Tum xuống để được cứu mạng. Giám đốc Bệnh viện Phong và da liễu trung ương Quy Hòa Nguyễn Thanh Tân cho biết: “Đây là ca bệnh của cả nước chứ không phải của riêng bệnh viện chúng tôi”.
Những ngày cấp cứu cho Y Nôn, cả bệnh viện gần như không nghỉ, người biết đến cháu ở khắp nơi tìm đến hỏi thăm. Ngoài giờ thăm khám bệnh nhân, các bác sĩ tìm đến nơi Y Nôn nằm để hát cho cháu nghe, đút sữa cho cháu uống, kể cho cháu nghe những câu chuyện đẹp về sự hồi sinh diệu kỳ của cuộc đời để Nôn quên hết những cơn đau đớn. Có người còn tranh thủ dạy… tiếng Anh để Nôn bớt cô đơn khi không có người thân bên cạnh.
Về bệnh tình của Nôn, ông Tân nói rằng chỉ hy vọng sống sót 20% và ngay cả những người trực tiếp điều trị cho Nôn cũng không có nhiều hi vọng cháu sẽ vượt qua được. Điều kỳ diệu Nhưng điều kỳ diệu đã đến.
Nhiều ngày sau khi đưa thuốc vào người, những câu chuyện kể của các bác sĩ, những bài hát mà Nôn được nghe trong cơn hôn mê đã mang Y Nôn trở lại với cuộc đời.
Các bác sĩ bất ngờ khi các vết loét khô dần, những mảng da non nhú lên thay những đám vảy sừng trên da thịt. Y Nôn đã mở mắt ra và biết mỉm cười khi thấy bác sĩ đến thăm. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân nói rằng sự hồi phục của Nôn nhanh đến mức gây bất ngờ và như một sự mầu nhiệm.
Biết tin Y Nôn khỏe lại, xe của Kon Tum chở cán bộ xuống thăm, các bác sĩ lẫn những người không máu mủ mừng không nói thành lời.
Sau gần bốn tháng nằm tại Bình Định, ngày 24/5 Y Nôn được xe của Bệnh viện Quy Hòa đưa về Kon Tum. Chiếc xe biển xanh của Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Kon Tum đứng đón cô bé ở Bệnh viện Đa khoa Kon Tum với những vòng tay yêu thương. Cô bé bị con ma rừng bắt ngày nào cận kề với cái chết đã trở về như một phép mầu. Bà Võ Thị Lễ cho biết khi về đến làng, nhiều người ở làng Nước La thấy Nôn còn sống mà không tin vào mắt mình.
Con sắp chết vẫn tin ma rừng
Những người tham gia cứu Y Nôn nói rằng thậm chí lúc ấy, khi con gái đã thập tử nhất sinh nhưng cha của Y Nôn vẫn tin rằng không thể cứu con gái khỏi tay con ma rừng được.
Cả một ngày trời, cán bộ đến để bế Y Nôn đi thì bị A Hành giằng lại. A Hành bảo rằng con gái mình bị con ma lôi đi có chữa cũng không sống lại được. Bất lực, bí thư Đảng ủy xã Đắk Long phải chia làm hai nhóm: một nhóm ở lại chăm sóc Y Nôn, nhóm khác kéo A Hành về nhà để thuyết phục.
Về đến nhà, bí thư đảng ủy Võ Thị Lễ phải lên giọng: “Con ông sắp chết đến nơi rồi, không cho xã đưa đi viện chúng tôi kêu công an xuống bắt ông đi tù đấy”. Lúc này A Hành mới chịu bụng, lủi thủi đi theo sau để cán bộ xã Đắk Long cùng nhân viên Trung tâm y tế Kon Plông đưa Y Nôn đi cứu.
Theo báo Tuổi trẻ
TAMTHUC
Comment