ma-chai-va-nhung-he-luy-dau-long
Ma chài và những hệ lụy đau lòng
- bởi tamthuc --
- 11/10/2013
Ngày 31/5, vì hệ lụy của ma chài mà Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử công khai sơ thẩn vụ án hình sự đối với các bị cáo: Thào A Páo, SN 1971 và Thào A Hồ, SN 1972 trú tại bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé về tội giết người và đe dọa giết người.
Do nhận thức xã hội hạn chế, Páo và Hồ đã giết chết một phụ nữ cùng bản với lý do nghi nạn nhân là “ma chài”…
Trọng án về ma chài
Sáng ngày 31/1/2011, nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân: tại bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé xảy ra trọng án, nạn nhân là Giàng Thị Sú, 39 tuổi bị bắn vào đầu, chết tại chỗ khi đang ngủ trong nhà mình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh) đã thành lập đội công tác phối hợp cùng Công an huyện Mường Nhé, Bộ đội Biên phòng tỉnh, đồn Biên phòng 415 (Nà Khoa) triển khai các biện pháp nghiệp vụ điều tra truy xét ma chài . Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và qua lời khai của một số nhân chứng, các điều tra viên xác định: đây là vụ án giết người do đối tượng dùng súng tự chế bắn từ ngoài nhà xuyên qua khe ván gỗ thưng tường vào đầu nạn nhân. Sử dụng nghiệp vụ an ninh, các trinh sát tập trung điều tra 2 đối tượng chính là Thào A Hồ, 39 tuổi và Thào A Páo 40 tuổi, cả 2 đối tượng trước đó đều có mâu thuẫn với nạn nhân. Trong thời gian xảy ra vụ án, cả 2 đối tượng có những biểu hiện bất minh. Sau khi tập hợp, củng cố chứng cứ phạm tội, Ban chuyên án quyết định bắt giữ Thào A Páo và Thào A Hồ trong khi cả 2 đối tượng đang lẩn trốn tại bản Ngải Thầu 1, xã Nà Bủng, huyện Mường Nhé. Tang vật thu gồm 1 khẩu súng kíp cùng một số công cụ hỗ trợ khác như: bi đạn, hạt nổ diêm sinh… Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận là thủ phạm giết chị Giàng Thị Sú. Nguyên nhân chúng nghi chị Sú là… “ma chài”.
“Ma chài”
Theo quan niệm của người Mông, người bị “ma chài” thường là trẻ con; nam, nữ thanh niên độ tuổi dậy thì, thậm chí cả những người phụ nữ đã có chồng vẫn có thể bị “ma chài”. Người bị “ma chài” thường có biểu hiện ốm quặt quẹo, khó chữa và thường bị chết sau thời gian ốm, đau lâu ngày, hoặc lơ ngơ như người bị mất hồn, sống vất vưởng, khác người, làm theo ý người khác như có ma xui, quỷ khiến. Nguyên nhân dẫn đến “ma chài” là bị người khác chài, yểm ma vào người để giải quyết tư thù cá nhân hoặc chài để người khác phải lệ thuộc, làm theo ý người biết chài. Cộng đồng người Mông thường có tâm lý nể, sợ người biết làm “ma chài”. Dựa vào tâm lý này, những năm qua, nhiều người Mông tự cho mình là “ma chài” để nhận sự nể, sợ của cộng đồng ma chài . Và để muốn biết người nào là “ma chài”, người Mông thử bằng cách để quả trứng gà lên ngưỡng cửa, trên cái chai hoặc để trên sống dao sau đó gọi tên người cần thử, tên người nào khi được gọi lên mà quả trứng rơi thì người đó không phải là “ma chài”, người nào khi gọi tên, quả trứng vẫn đứng im thì đó chính là “ma chài”. Cũng theo phong tục của người Mông, người nào bị “ma chài” thì phải cúng đuổi ma ra khỏi người, không cúng là ma không đi và không khỏi bệnh.
Trung úy Nông Văn Nguyên, y sỹ Đồn biên phòng 413 (Nà Hỳ) cho biết: Tục cúng “ma chài” ở đồng bào người Mông gây tốn kém cho gia chủ. Một số trường hợp bệnh nhân chỉ mắc bệnh cúm thông thường, nhưng người nhà cho là bị “ma chài” nên mời thầy về nhà cúng. Cúng mãi không khỏi mới đưa đến trạm xá xã hay Đồn biên phòng chữa trị thì bệnh đã biến chứng, có trường hợp không qua khỏi.
Hiện trường nơi chị Giàng Thị Sú bị bắn chết. Ảnh: M.T |
Cái chết oan nghiệt
Vào khoảng thời gian cuối năm 2010, tại bản Huổi Đáp có hàng chục người ốm nặng, trong đó có 4 người chết với cùng một biểu hiện là nôn nhiều máu trước khi qua đời. Thời gian này, dư luận trong bản cho rằng: những người ốm và chết là do “ma chài”. Sau khi bị ốm nặng, ma cà rồng đã đến và hút máu người làm cho nạn nhân chết với biểu hiện nhìn thấy là nôn ra máu. Nhiều người ốm, chết do “ma chài”, nên nhiều người trong bản, nhất là thân nhân những người bị ốm hoặc chết thực hiện phép thử tìm thủ phạm “ma chài”. Không biết thông tin xuất phát từ đâu mà người nọ rỉ tai người kia và cho rằng chị Giàng Thị Sú là “ma chài” đã và đang gây tai họa cho dân bản. Từ đó, chị Sú bị nhiều người trong bản xa lánh; một số người còn có ý xua đuổi chị ra khỏi bản.
Ngày 24/1/2011, Thào A Hồ đến nhà Thào A Páo làm nhà thuê cho Páo. Trong khi làm, Páo nói với Hồ: Cái Sú là “ma chài”, trước kia con tao ốm suýt chết là do nó làm, nay nó làm cho nhiều người ốm chết rồi, phải giết nó thôi, không nó sẽ làm nhiều người khác chết đấy. Sau đó, Páo đặt vấn đề nếu Hồ giết chết chị Sú thì Páo sẽ cho Hồ 3 triệu đồng. Khoảng 2 giờ ngày 31/1/2011, Hồ cầm súng tiến đến sát tường nhà chị Sú, hắn chĩa súng qua khe ván gỗ thưng tường bắn thẳng vào đầu nạn nhân. Sau khi án mạng xảy ra, Hồ đến nhà Páo lấy nốt 1,5 triệu đồng và bỏ trốn. Ngày 5/2/2011, Páo đến nhà anh Thào A Sèng (chồng chị Sú) đe dọa: Vợ mày chết có liên quan đến tôi một tý, gia đình mày mà làm đơn tố cáo thì tôi sẽ giết chết cả nhà mày. Từ nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật, ngày 13 và 16/2, lần lượt Páo và Hồ bị bắt giữ. Trong phiên xét xử ngày 31/5, Tòa án Nhân dân tỉnh đã tuyên án Thào A Páo 18 năm tù; Thào A Hồ 16 năm tù. Đây là những bản án thích đáng mà 2 kẻ giết người phải đền tội.
Ông Phạm Văn Nam, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ giết người liên quan đến “ma chài”. Cả 2 nạn nhân bị nghi là “ma chài” đều bị giết thê thảm. Biện hộ cho hành động dã man của mình, các bị cáo đều cho rằng “ma chài” là nguyên nhân đem đến tai họa cho gia đình họ. Gia tăng trọng án liên quan đến “ma chài” là hồi chuông cảnh báo các cơ quan chức năng về tính cấp thiết trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước tới vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn, nơi mà tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức hạn chế, còn tồn tại những tập quán lạc hậu.
Comment