No icon

chuyen-diep-cong-thich-rong-lam-the-nao-de-thu-hut-nhan-tai-dung-ra-giup-nuoc

Chuyện Diệp Công thích rồng: Làm thế nào để thu hút nhân tài đứng ra giúp nước?

Lịch sử nhân loại đều có ghi nhận rằng, thời thế nào, triều đại nào, nhân vật nào biết quý trọng nhân tài, biết thu hút và sử dụng nhân tài thì đều đạt được thành công, thậm chí “tay không mà dựng cơ đồ”… 

Trong quá trình xây dựng bộ máy quản lý, giải quyết các vấn đề chính sách liên quan đến kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, hay thương mại – ngoại giao… của mỗi quốc gia theo xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, thì từ các cấp lãnh đạo cho đến các địa phương, các tập đoàn kinh tế lớn đều ý thức được rằng sự thiếu hụt nguồn nhân lực giỏi sẽ ảnh hưởng đến kết quả phát triển chung của đất nước, dân tộc và địa khu ấy như thế nào. 

Cũng bởi thế, từ nhiều năm nay, mỗi quốc gia và thể chế chính quyền đều đưa ra nhiều biện pháp, chính sách nhằm thu hút nhân tài, coi: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Tuy nhiên, trên thực tế, những chính sách này hầu như không có nhiều tác dụng, nhân tài vẫn “thưa thớt như lá mùa thu”, vậy vấn đề nằm ở đâu? 

Lịch sử nhân loại đều có ghi nhận rằng, thời thế nào, triều đại nào, nhân vật nào biết quý trọng nhân tài, biết thu hút và sử dụng nhân tài thì đều đạt được thành công, thậm chí “tay không mà dựng cơ đồ”. Cũng giống như Lưu Bị vốn từ anh chàng mưu sinh bằng nghề đan giày bán dạo lại trở thành hoàng đế nhà Thục Hán một phần cũng là nhờ có công lao phò tá đặc biệt to lớn của Gia Cát Lượng vậy.

(Ảnh: Youtube)

Tuy nhiên, trong lịch sử cũng có nhiều vị vua chúa dụng tâm tìm kiếm, quý trọng nhân tài, nhưng lại không thành công, không có nhân tài tìm đến, mà câu chuyện dưới đây là một minh chứng khá rõ nét:

Chuyện xưa kể rằng: Tử Trương đi bái kiến Lỗ Ai Công, qua 7 ngày, Lỗ Ai Công vẫn không để ý đến ông. Tử Trương bèn tìm người đầy tớ thân cận của Lỗ gia mà nhờ người này nhắn với Lỗ Ai Công rằng:

“Nghe nói ông rất quý trọng nhân tài, do đó tôi chẳng quản đường xá xa xôi ngàn dặm đến đây, dầm dãi gió sương cát bụi, chẳng dám nghỉ ngơi để đến bái kiến ông. Kết quả đã 7 ngày rồi, ông vẫn chẳng để ý gì đến tôi. Tôi thấy người ta nói ông quý trọng nhân tài, cũng giống chuyện Diệp Công thích rồng mà thôi.

Tương truyền xưa có ông Diệp Tử Cao (tức Diệp Công) rất thích rồng: trên móc đai áo cũng khắc rồng, trên bình rượu, chén rượu cũng khắc rồng, rèm cửa, cột nhà đều có điêu khắc các hoa văn về rồng… Ông ta yêu thích rồng như thế này đã thành nghiện rồng. Rồng thật trên trời biết chuyện và lấy làm cảm động, bèn từ trên trời giáng hạ xuống nhà Diệp Công.

Đầu rồng gác lên cửa sổ mà nhìn vào, đuôi rồng thì thò vào phòng khách. Diệp Công vừa nhìn thấy rồng thật liền sợ hãi quay người bỏ chạy, giống như đánh rơi mất hồn vậy, sắc mặt tái mét, không tự chủ được nữa! Diệp Công chẳng phải thực sự yêu thích rồng. Cái mà ông ta thích, chẳng qua chỉ là những thứ giống như rồng mà thôi! 

Hiện nay tôi lại nghe người ta nói ông quý trọng nhân tài, do đó mới chẳng quản vạn dặm đến bái kiến ông, kết quả là đã 7 ngày qua đi mà ông vẫn chẳng để ý gì đến tôi, thì ra ông không phải người quý trọng nhân tài, cái ông thích chỉ là người giống nhân tài mà chẳng phải là nhân tài mà thôi. Kinh Thi cũng đã nói: “Trong tâm mà có, thì nào có quên!”. Do đó, rất lấy làm tiếc, tôi phải rời đi vậy!”. 

Hiện nay có nhiều địa phương, nhiều tập đoàn lớn đều đang có chủ trương tìm kiếm, trọng dụng nhân tài, họ cũng đưa ra các chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài như: trả lương cao, cấp nhà xe, đóng bảo hiểm cho cả gia đình vợ con của những người thực sự có năng lực… Tuy nhiên, đã qua cả trên chục năm, cũng chẳng có mấy nhân tài tìm đến, hoặc cũng có người đến làm một thời gian rồi lại khăn gói ra đi. Nguyên nhân không gì khác, cũng giống như câu chuyện Tử Trương và Lỗ Ai Công, cũng giống chuyện Diệp Công thích rồng vậy…

Đã là nhân tài, họ ắt có cách suy nghĩ, kiến giải và tầm nhìn khác người, hơn người và vượt xa người thường, nên người thường nhiều khi khó lý giải, không hiểu được họ. Nhưng nếu thực sự coi trọng, quý trọng nhân tài, giống như Lưu Bị “Tam cố mao lư” (ba lần đến lều tranh) mời Gia Cát Lượng về phò tá, thì nên tiếp thu ý kiến của họ, nghe theo họ, và trao quyền hạn đủ để cho họ có đất dụng võ, thi triển tài năng.

Còn nếu mời được nhân tài thực thụ về, nhưng lại đóng cho họ cái khung cũ, làm gì cũng phải được sự đồng ý của lãnh đạo, làm gì cũng phải báo cáo lãnh đạo xem có được duyệt không, như thế thì đâu cần nhân tài, chỉ cần người thường, chăm chỉ chuyên cần, ngoan ngoãn, biết nghe lệnh cấp trên là quá đủ rồi! 

(Ảnh: shining.vn)

Nước ta vốn có lịch sử văn hiến rực rỡ lâu đời, là nơi địa linh nhân kiệt, trong lịch sử không thời nào không có các bậc nhân tài nguyện ra giúp dân giúp nước, đúng như Nguyễn Trãi đã từng viết trong “Bình Ngô đại cáo”: 

…“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”…

Hiện nay, nhân tài quốc gia không phải là không có, vấn đề là người ta có thật tâm quý trọng nhân tài không, hay chỉ là câu chuyện Diệp Công thích rồng: dùng người giống nhân tài, như các hình hoa văn rồng, để trang trí cho họ mà thôi. Thế thì chân long bất hiện, nhân tài bất lai – rồng thật không xuất hiện, nhân tài cũng không tìm đến.

Nam Phương

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/chuyen-diep-cong-thich-rong-lam-the-nao-de-thu-hut-nhan-tai-dung-ra-giup-nuoc.html

Comment