-dai-tri-hue-kinh-dien-cua-nguoi-xua-nam-sau-hau-the-con-tam-tac
9 đại trí huệ kinh điển của người xưa, 5.000 năm sau hậu thế còn tấm tắc
- bởi tamthuc --
- 07/09/2017
Trí tuệ của người xưa là kho tàng vô giá. Bạn có thể tìm thấy trong đó nghệ thuật xử thế, đạo lý làm người, nguyên tắc tu dưỡng bản thân… Tất cả chỉ gói gọn trong vài chữ thoạt nhìn tưởng đơn giản mà cô đọng, súc tích và đầy gợi mở. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số đạo lý kinh điển như thế trong bài viết nhỏ này.
Người ta nói, chuyện trong thiên hạ có đến 8, 9 phần là không như ý. Cuộc đời bạn hẳn không thiếu những thời điểm trái ngang, cảnh ngộ túng quẫn hay va vấp nhấp nhô. Phải đối diện với chúng ra sao? Con người hiện đại không dễ trả lời được. Nhưng bậc thánh hiền cổ đại thì luôn có lý lẽ riêng, trí huệ riêng.
1. Người đại thiện như nước, ở chỗ thấp mà không tranh giành
Trong chương 8, Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Người thiện vào bậc cao [có đức cao] thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành, ở chỗ mà mọi người đều ghét (chỗ thấp) cho nên gần với đạo” (Thượng thiện nhược thuỷ. Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố ky ư đạo).
Lão Tử ví người thiện lương như nước, là một hình ảnh rất sinh động, lột tả. Nước vốn nhu hòa, biết cương nhu tùy lúc, nhu thì hiền hòa, róc rách như suối, cương thì ầm ầm lũ cuốn nước trôi. Nước lại rất khiêm nhường, thường chảy về chỗ trũng, luôn nhún nhường, hạ mình, khi chảy thì thành sông, thành suối, bốc lên lại hóa mây mù mưa tuôn, ở đâu cũng là nuôi dưỡng, thấm nhuần vạn vật.
Đạo gia cũng giảng: “Nước là rất thiện, rất mềm” (Thủy vi chí thiện chí nhu). Nước sinh ra từ lòng đất, dung dưỡng muôn loài, khi đọng thì chọn chỗ thấp, lúc chảy gặp chướng ngại thì tự mình uốn khúc tránh đi. Thế nên ở đâu nước cũng đến được. Làm người mà hành xử được như nước há chẳng tuyệt vời lắm sao?
2. Người đại trí giả ngu, không cậy mình thông minh
Lão Tử khuyên: “Kẻ đại trí trông như ngu đần, kẻ đại dũng trông như khiếp sợ, kẻ khôn khéo thì trông như vụng về” (Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp, đại xảo nhược chuyết).
Người có thực tài thì không để lộ tài năng ra bên ngoài. Vẻ ngoài của họ trông như đần độn, ngu tối, vụng về nhưng thực ra chỉ là giả tướng. Phải là người có đức Nhẫn cao, trí huệ cao mới thực hiện nổi điều ấy. Điều đó trái ngược hẳn với con người hiện đại luôn cho rằng tài năng phải xuất lộ ra bên ngoài để mưu cầu tiến thân, được mọi người thừa nhận.
Có một lý do giải thích cho sự lạ này, đó là làm kẻ thông minh thái quá thì thường rước vạ vào thân. Ông cha ta chẳng đã nói: “Chữ tài liền với chữ tai một vần” đó sao? Vậy nên phàm là kẻ dũng mãnh thì chết vì đao thương, kẻ khôn khéo thì chết vì mối lợi, kẻ thông minh lại chết vì danh tiếng. Cứ giả ngu, giả si mà không tranh với đời, hưởng phúc thái bình chẳng tốt hơn sao?
3. Điềm nhiên không màng lợi, tâm sáng lập chí
Trong “Giới tử thư” (Thư dạy con), Gia Cát Lượng căn dặn con trai mình: “Không đạm bạc thì không thể sáng chí, không tĩnh lặng thì không nghĩ được xa xôi” (Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn). Đạm bạc, thanh đạm là đức tính của bậc quân tử. Đạm bạc không phải là sống một đời nghèo khó, kham khổ không miếng ăn. Đạm bạc là thanh bần, vui với đạo Trời, tùy duyên hành xử, xa vòng lợi danh, giữ tròn khí tiết.
Lão Tử cũng giảng: “Người điềm đạm chính là kẻ sĩ bậc thượng, thắng cũng không lấy làm đắc ý” (Điềm đạm vi thượng, thắng nhi bất mỹ). Muốn lập nên sự nghiệp lớn thì chí ắt phải vững vàng. Muốn cho chí vững vàng thì cái tâm phải thanh tịnh, kiền tịnh, bớt đi ham muốn, an định tinh thần.
4. Nước chảy đá mòn, quý ở kiên trì
Câu này có nguồn gốc từ cuốn “Hạc lâm ngọc lộ” của La Đại Kinh thời Tống: “Nhất nhật nhất tiễn, thiên nhật thiên tiễn, thằng cứ mộc đoạn, thủy tích thạch xuyên” (Một ngày một đồng, nghìn ngày nghìn đồng, thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn).
Chuyện kể rằng vào triều Tống, Trương Quai Nhai làm huyện lệnh huyện Sùng Dương. Một hôm ông nhìn thấy một tên tiểu lại đi từ kho của phủ ra với vẻ bối rối, trong khăn chùm đầu có cất giấu một lượng tiền. Trương Quai Nhai hạ lệnh tra khảo.
Tiểu lại không phục nói rằng: “Một đồng tiền thì tính toán làm gì? Ông chỉ có thể đánh ta, không thể giết ta được”.
Trương Quai Nhai tức giận nói: “Một ngày một đồng, ngàn ngày ngàn đồng, thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn. Chém đầu!”.
Chuyện nhỏ coi thường, lâu ngày tích tụ thì không còn nhỏ nữa. Cũng như vậy, việc nhỏ mỗi ngày, nếu kiên trì làm sau này ắt có thành tựu. Kiên trì là đức tính rất đáng trọng của đời người. Ai có thể kiên định theo đuổi đến cùng con đường của mình người ấy sớm muộn cũng làm nên chuyện lớn.
5. Tích lũy nhiều dùng ít một, lấy nhu thắng cương
Người xưa nói: “Quân tử thì tích lũy nhiều mà chỉ dùng ít một” (Quân tử hậu tích nhi bạc phát). Sự tích lũy ở đây không chỉ đơn thuần là tài vật, tiền của mà còn là tri thức, kinh nghiệm, đạo học. Người quân tử học rộng, biết nhiều nhưng chẳng mấy khi để hết cái sở học ấy lộ ra ngoài. Họ chỉ vận dụng vừa đủ những gì mình biết, mình hay. Như thế cũng là đạo lý khiêm cung, khiêm nhường, không tự cho mình là nhất.
“Lấy nhu thắng cương” chính là dùng sự mềm mỏng, nhu hòa mà khắc chế cái cứng rắn, cương nghị. Theo Đạo gia, vạn vật đều có tương sinh tương khắc, cái mềm có khi lại trị được cái cứng, mọi thứ đều thuận theo tự nhiên mà biến hóa. Người xưa cũng nói, cứng quá thì gãy, hành sự phải biết ôn hòa, mềm mỏng mới đạt được mục đích cuối cùng.
6. Biển lớn vì dung nạp nước của trăm sông
Biển lớn không phải vì hứng nước trên trời mà là biết dung nạp dòng chảy của trăm nghìn sông suối. Biển lớn và sâu cũng không chê sông cạn, suối khô, đều là khoan hòa. Con người cũng vậy, khoan dung, độ lượng, nhân ái, từ bi chính là không chê người khác thấp hèn, kém cỏi, không giữ thành kiến trong lòng. Có như thế, người ta mới thu được nhân tâm, lấy được lòng thiên hạ.
7. Hàm dưỡng tâm tính, trở về bản tính nguyên sơ
“Phản bổn quy chân” (Bỏ chỗ u tối, trở về nơi chân chính) là một giáo lý của Đạo gia. Người tu luyện Đạo gia thông qua tu hành, hàm dưỡng, sửa tâm tính để sinh mệnh có thể trở về trạng thái nguyên sơ ban đầu. Họ cho rằng, bản tính nguyên sơ của con người là thuần phác và chân thật, là gần với bản tính của “Đạo”.
Người ta mới sinh là lương thiện, thuần tịnh. Nhưng theo thời gian dục vọng, cám dỗ không ngừng nảy sinh, hoàn cảnh xã hội cũng liên tục biến đổi, tác động, người ta đã không còn giữ được bản tính nguyên sơ của mình. Sự hấp dẫn của danh, lợi, tình khiến con người càng lún sâu vào một vũng lầy, khó thoát mình ra nổi.
Muốn thoát ra khỏi sự tăm tối ấy, người ta phải tu dưỡng tâm tính, vứt bỏ dục vọng mà quay trở về.
8. Thành tâm thì sẽ linh nghiệm, chỉ có phẩm đức cảm động được Trời
Trong mọi chuyện, dụng tâm, thành tâm đối đãi thì tất được thành công, mọi sự ắt linh nghiệm. Thành tâm ở đây không phải là một mực truy cầu, theo đuổi mà là có niềm tin kiên định, tâm thái đúng đắn, nguyện vọng hợp lý, lại biết nỗ lực hành sự theo niềm tin ấy. Phẩm đức cao thì ngay cả trời xanh cũng cảm động. Giữ gìn sự lương thiện cũng có thể cảm hóa lòng người.
9. Đại đạo là vô cùng đơn giản, thuần phác tự nhiên
Đó là tư tưởng chính của Đạo gia. “Đạo” ở đây chính là khái niệm trọng yếu, mang ý nghĩa là “đạo lý cuối cùng nhất”. Như thế “Đại đạo chí giản” chính là muốn nói rằng đạo lý lớn (nguyên lý, quy luật) là cực kỳ đơn giản, đơn giản đến mức chỉ dùng một, hai câu là nói rõ được. Đại đạo cũng là hàm súc, cô đọng, bề mặt câu chữ tưởng giản đơn mà bên trong ý nghĩa thâm sâu vô cùng.
Phàm trên đời, những điều vĩ đại đều có một hình thức vô cùng đơn giản, thậm chí nhìn có vẻ tầm thường. Đó cũng là hợp với cái lý “Đại trí nhược ngu” (Kẻ đại trí trông như ngu đần) mà chúng ta đã bàn ở trên. Người ta muốn sống chiểu theo đại đạo thì biểu hiện cũng cực kỳ đơn giản, không ngoài mấy chữ: Chân, Thiện, Nhẫn. Chân thành đối xử với người, dùng lòng thiện đãi, từ bi mà chở che tất cả, chịu nhẫn nhục mà bao dung hết thảy. Đó chính là đại đạo vậy!
Văn Nhược
Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/10-dai-tri-hue-kinh-dien-cua-nguoi-xua-5-000-nam-sau-hau-the-con-tam-tac.html
Comment