tai-sao-khong-tu-dung-le-nhac-tri-thien-ha
Tại sao Khổng Tử dùng Lễ, Nhạc trị thiên hạ?
- bởi tamthuc --
- 12/10/2017
Tục ngữ có câu: “Bán bộ luận ngữ trị thiên hạ”, nghĩa là, nửa bộ Luận Ngữ đủ trị vì thiên hạ. Luận Ngữ đã phản ánh một cách sâu sắc chủ trương và tư tưởng của Khổng Tử về vấn đề dùng Lễ Nhạc trị vì thiên hạ.
Dùng Lễ Nhạc để giáo hoá đó là cảnh giới tư tưởng xuyên suốt của văn hoá dân tộc Hoa Hạ, cũng là văn minh Thần truyền trên mảnh đất Thần châu hơn 5000 năm nay. Truyền thuyết còn lưu lại từ khi Bàn Cổ khai thiên địa đã có vũ điệu “Trường Trống”, Thần Nông Thị có vũ điệu “Phu Lê”…
Dùng Lễ Nhạc giáo hoá, giúp quốc thái dân an
Trong lịch sử luôn có những vũ điệu nhạc độc đáo tương ứng với từng triều đại. Đối với con người, âm nhạc không chỉ giúp “hoà thần an thể” (tinh thần hoà ái, thân thể khỏe mạnh), mà còn có thể khiến lòng người hướng thiện, nâng cao cảnh giới đạo đức. Điển tích kể rằng Khổng Tử ở nước Tề nghe nhạc Thiều suốt 3 tháng tới mức không biết mùi vị của thịt là thế nào, ông cảm thán mà nói rằng: “Thật không ngờ nghe nhạc lại có thể đạt được cảnh giới như thế này!”. Trước đây cũng từng có chuyện kể về Sư Khoáng, một nhà âm nhạc sống vào thời Xuân Thu. Khi Sư Khoáng đánh đàn có thể khiến ngựa quên ăn cỏ mà ngẩng đầu lắng nghe, chim bay tìm mồi còn phải dừng lại, đánh rơi cả mồi trong miệng. Từ đây có thể thấy, âm nhạc có ảnh hưởng to lớn như thế nào đến con người và động vật.
Dùng âm nhạc để giáo hoá có thể đồng cảm với lòng dân, dễ dàng thay đổi những thói hư tật xấu của con người, giúp cho quốc thái dân an. Học trò của Khổng Tử là Tử Du làm quan ở Vũ Thành, luôn chú trọng dùng Lễ Nhạc để giáo hoá dân chúng. Khi ở trong thành có thể dễ dàng nghe được âm thanh của Huyền Ca (tên một bản nhạc có 5 phần đặc biệt, có tác dụng giúp con người hướng thiện, tu dưỡng đạo đức). Khi Tử Du gặp mặt Khổng Tử, đã nói:
“Con thường nghe thầy dạy: ‘Người quân tử học được Lễ Nhạc sẽ biết yêu thương người khác, tiểu nhân học được Lễ Nhạc sẽ biết hoà thuận’. Con dùng Lễ Nhạc giáo hoá dân chúng là để họ biết tu dưỡng đạo đức của mình. Hiện nay bách gia trăm họ trong thành đều nghiên cứu Lễ – Nhường, Hoà – Ái tương thân. Đây cũng chính là mục đích ban đầu khi con trị vì dân chúng”.
Khổng Tử nghe xong vô cùng vui mừng. Dưới sự cai quản của Tử Du, vùng đất Vũ Thành luôn hưởng thái bình, trăm dân no ấm.
Khổng Tử nói: “Làm được như vậy nếu như người ở xa vẫn không quy phục, vậy thì dùng văn đức để khiến họ đến” – văn đức ở đây cũng tương đồng với “võ công”. Nói cách khác, “Văn trị” cũng chính là Lễ Nhạc giáo hoá, nó vượt qua khỏi sự bất đắc dĩ mới dùng tới vũ lực. Đây cũng là điều mà cổ nhân nói: “Quân tử tu thân, trị quốc, bình thiên hạ”, Lễ Nhạc chính là điều không thể không có.
Hiệu quả thực tiễn của âm nhạc và sức khỏe con người
Từ góc độ y học mà nhìn nhận, âm nhạc có tác dụng trị liệu vô cùng hiệu quả. Bất luận là dùng để điều tiết tâm lý hay sinh lý thì âm nhạc đều thu được kết quả mạnh mẽ. Các nhà khoa học của Mỹ gần đây đã đưa ra một bản báo cáo, trong đó chỉ rõ rằng con người khi rèn luyện thân thể, nếu phối hợp với âm nhạc một cách đồng điệu và hài hoà thì sẽ giúp cho cơ thể lâu bị mệt mỏi. Nói cách khác, dùng âm nhạc để bổ trợ khi rèn luyện cơ thể sẽ giúp người luyện tập có một sức khỏe dẻo dai bền bỉ. Có một quy định trong bộ môn thi đấu điền kinh của Mỹ, đó là cấm các vận động viên đeo máy nghe nhạc như iPod, mục đích là để đảm bảo an toàn và công bằng, tránh trường hợp các vận động viên dùng âm nhạc để làm ưu thế cho riêng mình. Ở đây có thể thấy tác dụng to lớn của âm nhạc đối với cơ thể người như thế nào.
Vậy nguyên lý của nó là gì? Con người chỉ cần vận động nhịp nhàng theo nhịp điệu sẽ có thể khiến thể lực đạt được hiệu quả cao nhất. Đây chính là vì cơ thể người không cần phải dùng thêm nhiều sức để điều chỉnh động tác của mình. Âm nhạc cũng giống như chiếc máy điều chỉnh nhịp điệu, giúp người luyện tập giữ được tốc độ ổn định, giảm thiểu các động tác dư thừa, đạt được hiệu quả tối đa về tiêu hao năng lượng.
Âm nhạc và sự tác động của nó đối với việc rèn luyện sức khỏe đã được nghiên cứu từ rất sớm. Vào năm 1911, một nhân viên nghiên cứu của Mỹ là Leonard Ayres đã phát hiện khi nghe nhạc có thể giúp người đạp xe đạp đi nhanh hơn. Thể loại âm nhạc khác nhau sẽ tác động lên sức khỏe con người khác nhau, trong đó bao gồm cả văn hoá khác nhau. Ngoài ra còn một nguyên lý khác đó là âm nhạc có thể phân tán lực chú ý. Người luyện tập thường hay bị chi phối bởi các yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến cơ thể như đau cơ bắp, tim đập nhanh, âm nhạc có thể đối kháng lại những vấn đề này để bộ não được nghỉ ngơi.
Âm nhạc có thể giải toả tâm lý lo ngại của bệnh nhân
Cũng giống nguyên lý trên, âm nhạc đã được chứng thực có tác dụng giảm cơn đau cho bệnh nhân ung thư. Các bệnh nhân ung thư thường chịu những nỗi đau trên cơ thể và tinh thần do sử dụng thuốc xạ trị. Âm nhạc giúp phân tán sự chú ý vào những cơn đau ấy, giảm bớt sự trầm cảm và trạng thái lo lắng.
Là một hình thức trị liệu, âm nhạc đã khởi lên tác dụng mang tính thích nghi tốt. Ngay từ rất xa xưa vào khoảng hơn 1000 năm trước, các nhà triết học Hy Lạp tin tưởng âm nhạc có thể chữa lành bệnh cho cơ thể. Ngày nay tại Mỹ cũng có hơn 1000 chuyên gia chuyên nghiên cứu lĩnh vực này.
Âm nhạc và cơ thể người có thể sản sinh sự cộng hưởng
Bản thân âm nhạc cũng có nhịp điệu và tần số của nó. Ngày nay các nghiên cứu khoa học cho rằng cơ thể người có một hệ thống quy luật tương tự như vậy: Tim đập, mạch máu lưu chuyển, điện não đồ vận động, ngay cả dạ dày co bóp cũng có nhịp của nó. Khi tần số âm nhạc trùng khớp với tần số nội tạng cơ thể sẽ tạo ra cảm giác khoái cảm cho con người. Kỳ thực, bản thân con người cũng từ vô thức mà biết dùng âm nhạc để trị liệu cho chính mình. Khi con người rơi vào hoàn cảnh khác nhau sẽ tự lựa chọn cho mình những giai điệu khác nhau để giúp cho tâm trạng được nhẹ nhàng thanh thản. Từ điểm này cũng có thể thấy âm nhạc có tác dụng điều tiết cơ thể người như thế nào.
Ngũ âm trị liệu trong thời cổ đại
Hiệu quả trị liệu của âm nhạc không chỉ được y học Tây phương khẳng định, mà trong cuốn cổ thư “Hoàng Đế Nội Kinh” cách đây hơn 2000 năm cũng nhắc đến nguyên lý dùng ngũ âm để trị bệnh. Trong tiếng Hán chữ chính thể thì hai chữ nhạc (樂) và thuốc (藥) có sự liên quan mật thiết, luận thuật âm nhạc trị bệnh và âm nhạc dưỡng sinh có thể được thấy ở khắp mọi nơi. Y học cổ đại Trung Quốc có học thuyết ngũ âm, ngũ tạng, ngũ hành, giữa chúng có một mối quan hệ thật trùng hợp. Ngũ âm bao gồm cung, thương, giốc, chủy, vũ. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, các lương y vận dụng nguyên lý “ngũ hành tương sinh tương khắc”, tương ứng với tim, gan, lá lách, phổi, thận để áp dụng trị liệu cơ thể nhằm đạt tới mục đích dưỡng sinh.
Âm nhạc trị liệu đa phần là dùng âm nhạc điều hoà cảm xúc của con người, có tác dụng lưu thông khí huyết. Vì vậy học thuyết ngũ hành cộng hưởng với ngũ âm trị liệu cũng đã lưu lại những giá trị phong phú, đa dạng, độc đáo cho con người.
Trong “Tô Châu Phủ Chí” có ghi chép về danh y Trần Quang Viễn đời nhà Minh. Trong một lần đi xa, ông thấy một cậu bé hôn mê bất tỉnh, gia đình cho rằng cậu bé đã chết nên chuẩn bị cho người mai táng. Trần Quang Viên cho rằng đây là Thuỷ Đậu, mới chết lâm sàng. Ông kêu người nhà đem đứa bé nằm trong cát rồi lấy đồ kim loại gõ cho ra tiếng, không lâu sau đứa trẻ tỉnh dậy. Kỳ thực nguyên lý ở đây chính là Thổ, Kim, Thuỷ tương sinh – học thuyết ngũ hành cho rằng Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ. Đứa trẻ sau khi được sinh khí của Thổ tiếp sau đó lại bị chấn động bởi âm thanh kim loại làm Kim khí lưu thông, Kim tác động lên Thuỷ Đậu mà xuất ra.
Âm nhạc có thể trị liệu là điều đã được chứng thực từ xưa tới nay; tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, âm nhạc có thể đem lại cho nhân loại càng nhiều hơn nữa lợi ích sức khỏe cũng như giá trị văn hoá đạo đức nơi xã hội con người.
Theo Soundofhope
Minh Vũ biên dịch
Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/tai-sao-khong-tu-dung-le-nhac-tri-thien-ha.html
Comment