chen-ruou-la-dau-cau-chuyen-vi-sao-nguoi-viet-thich-nhau
Chén rượu… là đầu câu chuyện: Vì sao người Việt thích ‘nhậu’?
- bởi tamthuc --
- 13/10/2017
Rượu có lẽ là thức uống quen thuộc của nhân loại hàng nghìn năm nay. Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, hình ảnh chén rượu cứ thấp thoáng ẩn hiện trong tâm thức người ta. Cho đến một ngày rượu trở thành thứ “tôn giáo” của những tay bợm nhậu…
Một điềm báo chẳng lành
Nói đến chuyện uống rượu, có lẽ nhiều đàn ông đất Việt khó mà ngồi yên, cứ cảm thấy ngứa ngáy, nhột nhạt trong người. Dễ hiểu thôi, Việt Nam là nơi tiêu thụ đồ uống có cồn hàng đầu thế giới. Thống kê năm 2016 cho ra một con số kinh hoàng: 77% đàn ông Việt uống rượu hoặc bia, tỉ lệ đứng đầu thế giới. Nếu tính riêng về rượu, năm 2015, người Việt đã “cạn chén” khoảng 70 triệu lít. Nhưng đó chỉ là số rượu được mua bán và giao dịch công khai. Người Việt còn có một thú vui khác là tự pha chế và nấu rượu. Vì vậy, mỗi năm chúng ta còn tiêu thụ thêm chừng 200 triệu lít rượu “nút lá chuối” đặc sản như vậy nữa. Nói chung, người Việt uống rượu bia nhiều nhất thế giới.
Và chắc chắn đó không phải là một vinh dự mĩ miều gì cho lắm trừ việc các công ty bia rượu đang làm ăn ngày càng phát đạt. Những báo cáo chưa đầy đủ của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát cho biết tốc độ tăng trưởng của ngành này lên tới 7%/năm. Chỉ riêng số tiền nộp ngân sách năm 2015 của ngành bia rượu đã là 30 nghìn tỉ đồng. Ngành này cũng tự hào “khoe” rằng đã tạo ra hàng triệu việc làm “ổn định” suốt hàng chục năm qua. Nhưng thực sự chẳng ai có thể cười nổi khi nghe những báo cáo này.
Những con số hoành tráng ấy sẽ lập tức trở nên vô nghĩa khi bạn biết rằng, gần một nửa đàn ông Việt Nam đang uống bia rượu ở mức nguy hại. Đó là thông tin được Bộ Y tế đưa ra cách đây hơn 2 năm. Cái “mức nguy hại” ấy, nói thẳng ra chính là việc đàn ông Việt sẽ phải đối mặt với đủ thứ bệnh nan y nhất ở ngay trước mắt như: tim mạch, đái tháo đường, rối loạn thần kinh, bệnh tiêu hóa và ung thư.
Bây giờ là thời mà hễ bước chân ra ngoài đường là người ta hoàn toàn có thể “vấp” phải một quán nhậu nào đó, “vấp” theo đúng nghĩa đen. Quán bia, quán rượu mọc như rừng, có thể dựng lên “dã chiến” ở bất cứ đâu, từ nhà hàng sang trọng vài sao đến một góc vỉa hè nham nhở cuối phố. Nhiều năm trước, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã viết phóng sự nổi tiếng “Con đường bia bọt” tả thú ăn chơi của dân nhậu trên con đường Thi Sách ở Sài Gòn như một dự cảm chẳng mấy hay ho về thứ đồ uống kia. Dự cảm đó bây giờ đã là sự thật, hơn nữa trở thành nguy cơ. Đó là nguy cơ, điềm báo cả một thế hệ sắp bị thui chột chỉ vì bia rượu.
“Nam vô tửu như kỳ vô phong”
Đoán chắc rằng dù là người biết uống rượu hay không, bạn cũng từng phải nghe câu ấy một lần. Đàn ông không uống rượu như lá cờ không có gió. Ngẫm lại thật đúng. Cờ không gió thì phẳng lặng, nghiêm trang. Gió mà nổi lên thì cờ quạt bay phần phật, gió mà mạnh quá thì thậm chí còn gãy cả cán cờ. Chính là ý tứ đó, uống rượu cũng khiến người ta “gãy đổ”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Trong sở làm, lúc gặp gỡ bè bạn, trên bàn tiệc đối tác hay đơn giản chỉ là ngày lễ tết trong gia đình, bạn có hay bị người khác châm chọc kiểu như: “Đàn ông không nhậu thì về mặc váy cho vợ” không? Đó lại là một câu cửa miệng khác của dân nhậu, cũng là một chiêu khích tướng phổ biến nhất trên bàn nhậu. Người bị khích tướng hẳn là không vui vẻ gì cho lắm. Nếu nhẫn nhịn thì cũng phải đỏ mặt, tía tai, mất hết nhuệ khí; còn không nhẫn được chút khẩu khí, cũng “dô ta” cạn chén gỡ gạc thể diện thì hẳn là “uống bao nhiêu ra bấy nhiêu”.
Dân nhậu lại truyền nhau công thức: “Vào ba, ra bảy”, nghĩa là nhập tiệc thì uống ba chén, rời tiệc phải uống bảy chén, chốt lại vẫn là phải uống từ đầu đến cuối, muốn thoái thác cũng khó. Người Việt rất nhiệt tình, cái nhiệt tình ấy thể hiện trên bàn nhậu cũng rõ ràng chẳng kém nơi đâu. Đã ngồi vào bàn cùng các “chiến hữu” thì phải hết mình, tới bến, rót rượu “căng mặt trống”, cạn ly “không còn long đen”, hết bia lại chuyển sang rượu, không say không về…
Trong tiệc rượu, người ta thực đã lấy tửu lượng để đo giá trị của một người. Người uống khỏe, trăm chén không say, càn quét bàn rượu được cho là kẻ mạnh, đáng nể phục, có uy tín và là “nam nhi đích thực”. Còn người chưa uống đã đỏ mặt, uống vào nôn ra thì bị coi là yếu đuối, bạc nhược, không có bản lĩnh. Từ bao giờ chén rượu đã trở thành thước đo một người đàn ông như vậy?
Khi quần tụ quanh mâm rượu với nhau, mỗi bợm nhậu hầu như đều trở thành văn sĩ, nhà thơ hết cả, lời nói ra đầy tính triết lý, chừng như xuất phát tự đáy lòng. Người ta khóc cười bên chén rượu rồi cãi vã nhau, thậm chí hành hung nhau cũng chỉ vì cái chất cồn ấy. Nếu rảnh rang, bạn có thể lên mạng gõ những từ khóa kiểu như: “Say rượu đánh nhau”, “Say rượu giết người”… đảm bảo sẽ cho ra hàng trăm, hàng nghìn kết quả.
Rượu không phải là vũ khí thể hiện bản lĩnh nam nhi. Rượu, chính là thuốc độc.
Ấy thế mà ngày nay chừng như người ta còn ra chiều cổ vũ chuyện bia rượu. Họ nâng tầm nó lên thành một nét văn minh, rồi gọi tên đàng hoàng là “văn hóa nhậu”. Bản thân chữ “văn hóa” đầy đẹp đẽ, thâm trầm là không thể đi cùng chuyện nhậu nhẹt phàm phu tục tử. Cái gì gọi là “văn hóa nhậu” đây?
Mà nhậu nhẹt từ lâu cũng không còn là chuyện riêng của giới bợm nhậu. Bây giờ, ai cũng có thể nhậu, nhậu một cách đường hoàng, nhậu được cấp cả… chứng chỉ. Sinh viên đại học ở ký túc xá 4 năm thì 3 năm ngập chìm trong men rượu. Ngày chập chững bước vào cổng trường vẫn còn là một chàng trai non tơ, đến lúc ra trường đã sớm trở thành tay nhậu thứ thiệt được đào tạo bài bản. Đến khi xin việc, đi làm, người ta cũng không thoát khỏi ám ảnh của rượu bia. Liên hoan công ty, ngày lễ tết kỷ niệm hay đơn giản như sinh nhật sếp mà thiếu đi chén rượu, cốc bia thì trong lòng bồn chồn lắm! Bạn thử nghĩ xem, 77% đàn ông Việt uống rượu bia, hỏi người nào, ngành nào mà chẳng từng ít nhất một lần trầm mình trong men cay đây?
Như vậy, tính ra đàn ông Việt Nam ít nhất phải kinh qua chừng 50 năm sống với bia rượu, chất cồn, từ thời trẻ tráng, khí lực dồi dào tận đến khi già lão, gậy chống nạng nâng. Đó chỉ là trường hợp lý tưởng khi người uống rượu sống được 70 tuổi và bỏ rượu lúc về già. Trên thực tế, những người nghiện rượu thường có thọ mệnh không dài, đến tuổi trung niên có khi đã bệnh tật đầy thân, sống vô cùng khổ sở.
Càng nghèo thì càng… nhậu
Có một nghịch lý khó hiểu là phàm ở các nước kém phát triển, người dân lại thích gần gũi với chén rượu hơn. Năm 2015, lại một thống kê đáng buồn khác cho thấy Việt Nam đứng thứ 5 trong số 10 nước châu Á tiêu thụ bia rượu nhiều nhất, “xếp cùng mâm” với Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc. Nhưng rõ ràng GDP của Việt Nam không thể sánh bằng các nước này, thậm chí chỉ bằng số lẻ. Có một câu tục ngữ rất đúng với trường hợp này là: “Con nhà lính, tính nhà quan”, nghèo hơn nhưng người Việt lại sẵn sàng chịu chơi sòng phẳng! Đó cũng là lý do vì sao người Việt uống rượu nhiều nhất ASEAN dù chỉ có GDP đứng thứ 8/10 trong khu vực này.
Nhiều người vẫn luôn tự hỏi lòng một câu này: “Vì sao Việt Nam cứ mãi nghèo thế?”. Lý do nói ra thì rất nhiều nhưng chắc hẳn rượu bia cũng là một thủ phạm ngấm ngầm góp phần kéo lùi sự phát triển của đất nước. Mà khi uống rượu bia, người ta lãng phí lắm! Bạn cứ thử nghĩ mà xem, một cân gạo ngon hiện giờ có giá khoảng 16.000 đồng, tương đương với giá một lon bia Heineken. Vậy thử làm một phép tính. Trong cuộc nhậu, bạn uống được khoảng 10 lon Heineken là đã “ngấm đòn”, phải vào nhà vệ sinh tống ra ngoài chừng 7 – 8 lon nếu không muốn lục phủ ngũ tạng bị tra tấn cả đêm. Thế là bạn đã tiêu một số tiền đủ mua được 1 yến gạo ngon rồi lại tống ra ngoài 8 cân gạo mà chẳng để làm gì. Sự lãng phí thật lớn biết chừng nào!
Càng ở những vùng nông thôn, người dân lại càng thịnh hành tiêu thụ bia rượu nhiều hơn. Năm 2015, người ta tính được rằng khu vực nông thôn tiêu thụ tới 2 tỉ lít bia trong tổng số 3,5 tỉ lít. Bia rượu từ lâu đã không còn là quyền hạn của thị dân phố phường nữa. Người phố uống rượu Vodka, rượu ngoại thì người quê tự nấu rượu gạo nút lá chuối cũng vẫn đủ chiều lòng các bạn nhậu.
Dường như cuộc sống càng khó khăn, người ta lại càng thích tìm đến rượu chè nhiều hơn. Chẳng thế mà ông bà ta từng nói rất chí lý như vậy:
Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày
Nết uống rượu cao đẹp của người xưa
Đương nhiên, người xưa thích uống rượu, thậm chí cũng uống khá nhiều. Lịch sử có chép một vài vị như vậy. Lưu Linh uống rượu trăm chén không biết say, những kẻ uống rượu sau này đều chỉ tự nhận là “đệ tử Lưu Linh”. Tào Thực, con trai Tào Tháo, cũng uống rất dữ, làm thơ: “Quy lai yến Bình Lạc. Mỹ tửu đẩu thập thiên” (Trở về mở yến ở quán Bình Lạc. Rượu ngon uống mười ngàn đấu). Nguyễn Công Trứ uống rượu rồi ngông nghênh ca rằng: “Còn trời, còn nước, còn non. Còn cô bán rượu anh còn say sưa”. Đến thời hiện đại, Trần Huyền Trân một lần ghé tai khắc khoải tâm sự với Tản Đà:
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này…
Nhưng cái nết uống rượu của cổ nhân hoàn toàn khác hẳn với “văn hóa nhậu” bê bối của ngày nay. Khác như thế nào?
Trước hết, thuở ban sơ, rượu gắn với các hoạt động tâm linh, là thứ dùng để tế lễ Trời Đất, “vô tửu bất thành lễ” (không có rượu không thành nghi lễ). Chu Văn Vương nói: “Tế tự thì dùng rượu. Trời kia xuống mệnh cho dân ta biết nấu rượu chỉ là dùng vào việc tế tự lớn”. Tế rượu là một nghi thức trọng đại, chẳng thế mà người xưa đặt ra hẳn một chức quan chuyên trách làm việc ấy, gọi là “quan Tế tửu”. Đó phải là người có uy tín, phẩm giá, được nể trọng lắm!
Rượu trong tâm thức cổ nhân cũng là thứ vũ khí để tiêu sầu, giải phiền muộn, gọi là “phá thành sầu”. Có câu: “Dục phá thành sầu duy hữu tửu” (Muốn phá thành sầu chỉ có rượu mà thôi). Lý Bạch một đời ôm chén rượu, ngắm trăng, thưởng hoa, làm thơ, từng viết: “Nhân sinh đắc ý tu tận hoan. Mạc sử kim tôn không đối nguyệt” (Đời người đắc ý cứ vui tràn. Chớ để chén rượu vàng cạn dưới trăng). Ấy thế mà đôi khi rượu cũng vô tác dụng, chẳng phá nổi sầu mà lại chuốc thêm phiền đau. Cũng chính Lý Bạch viết: “Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu. Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu” (Rút dao chặt nước nước càng chảy. Nâng chén tiêu sầu sầu càng sầu).
Rượu cũng là một thứ “tín vật” gắn bó người với người, là chất keo gắn kết những người bằng hữu. Người xưa nói: “Chén tạc chén thù”. Chủ nâng chén chúc khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ chúc lại gọi là “thù”. Có chén rượu uống cạn bên người tri âm được coi là một hạnh phúc lớn trong đời. Bởi thế mà có câu: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Thoại bất đầu cơ bán cú đa” (Rượu gặp bạn hiền ngàn chén ít. Lời không hợp ý nửa câu nhiều).
Ở một khía cạnh khác, rượu cũng là chất xúc tác cho cảm hứng sáng tác thi ca. Tô Đông Pha trong một đêm Trung thu hơn nghìn năm trước, tay nâng chén rượu mà ca rằng:
Minh nguyệt kỷ thời hữu
Bả tửu vấn thanh thiên
Bất tri thiên thượng cung khuyết
Kim tịch thị hà niên”
Tạm dịch:
Vầng trăng sáng có tự khi nào
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy
Đêm nay đã là đêm năm nao
Xa hơn nữa, Lý Bạch để lại mấy câu thơ về rượu đầy cảm khái thế này:
Hoa gian nhất hồ tửu
Độc chước vô tương thân
Cử bôi yêu minh nguyệt
Đối ảnh thành tam nhân”
Tạm dịch:
Có rượu không có bạn
Một mình chuốc dưới hoa
Nâng chén mời trăng sáng
Mình với bóng là ba
Người xưa uống rượu một cách tài tử như vậy, uống say rồi lại làm thơ, để lại cho đời biết bao câu chuyện đẹp. Người xưa cũng uống nhiều, uống dữ nhưng luôn có thể tự ước thúc được hành động của chính mình, rất hiếm tìm thấy một “bợm nhậu” phá phách, đảo lộn luân thường đạo lý. Bởi thế mới nói, cái đạo uống rượu của cổ nhân thực là uy nghiêm, trang trọng, thực là quyến rũ.
Và tất nhiên, nó khác hoàn toàn với “văn hóa nhậu” xô bồ, dung tục bây giờ…
Lời kết
Lạm bàn về chuyện bia rượu cũng chính là bước vào một vùng tương đối “nhạy cảm”. Như đã nói ở phần đầu, 77% đàn ông Việt uống rượu bia, quả thực người viết không chắc rằng trong số đó lại không có đến hàng nghìn, hàng triệu người cảm thấy bị đụng chạm đôi chút khi đọc những dòng này.
Nhưng rồi, chuyện nhậu nhẹt vốn đã trở thành thói hư thâm căn cố đế cũng đến lúc phải được nhìn nhận một cách trực diện. Một kẻ ưa nhậu nhẹt thì chẳng thể nên người, thành công. Một dân tộc thích nhậu nhẹt cũng chẳng thể thay đổi số phận của mình.
Những thống kê thẳng thắn nhất đã chỉ ra rằng năng suất lao động của người Việt đang thuộc hàng thấp nhất Châu Á Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả so với những nước láng giềng trong khu vực, năng suất làm việc của chúng ta cũng còn phải chạy dài mới theo kịp, chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan. Đó là những số liệu được thống kê vào 4 năm trước (2013).
Năng suất làm việc kém một phần là bởi người Việt dành nhiều tiền của cho việc ăn nhậu. Thống kê cho thấy, người Việt đã tiêu tốn 3 tỉ USD/năm cho bia rượu, vượt xa các nước xếp sau là Thái Lan và Philippines. Trong khi đó, hãy nhìn sang Singapore bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt.
Singapore chỉ tiêu thụ lượng bia rượu bằng 1/2 so với nước đứng thứ 3 khu vực ASEAN là Philippines, cũng là nước tiêu thụ đồ uống có cồn vào hàng thấp nhất thế giới. Có người nói rằng, một người Việt nhậu bằng 15 người Singapore. Thật trớ trêu, nhậu gấp 15 lần và làm việc kém 15 lần!
Lại có người nói vui rằng, với dân nhậu Việt thì Singapore chính là… địa ngục. Bởi chính phủ Singapore cấm kinh doanh và uống rượu bia hằng ngày từ 22h30 đêm đến 7h sáng hôm sau. Nếu chẳng may bạn để cảnh sát nước này bắt gặp đang cầm một chai bia ở nơi công cộng, hãy chuẩn bị tinh thần đối diện với những án phạt khắc nghiệt nhất. Khách nước ngoài lỡ mang bia ra nơi công cộng sẽ bị phạt 1.000 đô la Singapore (khoảng hơn 16 triệu đồng) lần đầu, gấp đôi ở lần thứ hai. Vi phạm lần thứ 3, họ sẽ phải vào tù.
Singapore hiện là một trong những đất nước phát triển nhất thế giới với một nền kinh tế năng động dù tài nguyên và nhân lực hạn hẹp. GDP bình quân đầu người của họ gấp… 27 lần Việt Nam. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1988 và Hàn Quốc năm 1982. Chúng ta đã đi sau các nước khác hàng 20, 30 năm như thế.
Quả thực, từ trên bàn nhậu, có thể phần nào nhìn ra được tương lai của một dân tộc, đất nước vậy!
Văn Nhược
Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/chen-ruou-la-dau-cau-chuyen-vi-sao-nguoi-viet-thich-nhau.html
Comment