-cau-cham-ngon-tinh-tuy-luu-truyen-trong-gioi-cao-nhan
10 câu châm ngôn tinh túy lưu truyền trong giới cao nhân
- bởi tamthuc --
- 22/10/2017
Có đôi khi, nhìn vào những trí huệ và cảm ngộ về cuộc đời của người khác, chúng ta có thể cảm thụ được, ít nhất cũng làm thay đổi quan niệm sống của mình.
Dưới đây là 10 câu lưu truyền trong giới cao nhân giúp người đọc phát hiện ra rằng, kỳ thực, để có được một cuộc sống thành công không phải là quá khó.
1. Làm người đừng quá tự tin
Có một chú rùa nằm phơi mình tắm nắng trên bờ biển, lúc này có một con đại bàng bay qua. Chú rùa tự tin nghĩ rằng bản thân mình có chiếc mai bảo vệ cứng cáp như thế này, cho dù đại bàng có xuống cũng chẳng có gì đáng sợ. Kết quả rùa ta bị đại bàng cắp mất, đại bàng bay lên không trung với độ cao cả ngàn mét, khi bay qua ngọn núi với những mỏm đá sắc nhọn, đại bàng thả chú rùa ra…
Cảm ngộ:
Làm người đừng nên quá tự tin vào bản thân, người tài giỏi hơn mình ngoài kia không thiếu. Có lúc vì quá tự tin vào bản thân lại thành kiêu ngạo, trong mắt không còn xem ai ra gì, kết quả sau cùng là chuốc hoạ vào thân.
2. Phàm bất kể việc gì cũng nên nghĩ đến đường lui
Sư tử rủ hổ cùng vào thung lũng săn mồi, hứa săn được mồi sẽ chia cho hổ một nửa. Hổ suy nghĩ một hồi rồi đồng ý đi, kết quả, sau khi vào thung lũng, sư tử chặn mất đường rút lui của hổ rồi giết lấy thịt ăn.
Cảm ngộ:
Cùng với kẻ mạnh cạnh tranh hay hợp tác, nhất định phải nghĩ đường lui cho mình, nếu không, tới lúc đối thủ trở mặt chúng ta ngay cả cơ hội chạy còn không có.
3. Làm người cần phải nhìn xa
Trong rừng tổ chức một cuộc thi xem ai đẹp nhất, công là người báo danh đầu tiên, công cho rằng mình nhất định sẽ là quán quân cuộc thi, kết quả, nhưng công đã bị loại ngay từ vòng đầu tiên. Công tức giận đi tìm sơn dương khiếu nại, sơn dương giải thích: “Công khi xoè đuôi ra múa tuy rất đẹp nhưng mà lại bị lộ hậu môn phía sau!”, công nghe xong xấu hổ rời đi.
Cảm ngộ:
Khi soi gương đừng chỉ soi một mặt, cần soi cả phía sau, như vậy mới là toàn diện. Nếu như chỉ có thể nhìn thấy một mặt tốt đẹp của bản thân mà không nhìn ra mặt xấu, mặt chưa tốt của mình, sau cùng vẫn không thể thành công.
4. Hiểu rõ bản thân
Quạ học theo đại bàng đi săn dê, kết quả bị mắc kẹt vào lồng dê không thoát ra được, người chăn dê thấy vậy ung dung ra bắt quạ về giết thịt.
Cảm ngộ:
Có nhiều người không hiểu được bản thân mình có được sở trường sở đoản gì lại đem sở đoản của bản thân ra so sánh với sở trường người khác. Cuối cùng thường đều nhận thất bại về mình ngay từ vạch xuất phát. Vậy nên, phải biết mình biết người mới có thể chiến thắng.
5. Không nên so sánh nhầm đối tượng
Một hôm, kiến cùng voi thi đấu sức mạnh, kiến tự hào nói mình có thể nâng được một vật nặng gấp 100 lần trọng lượng bản thân. Nghe vậy voi mới rũ mình cho bùn trên thân rơi xuống, kết quả đè bẹp chết kiến.
Cảm ngộ:
Bất cứ khi nào cũng không nên cùng với đối thủ to béo so sánh trọng lượng, không nên cùng với đối thủ cao lớn so sánh chiều cao… Thực tế cho ta thấy, so sánh nhầm đối tượng có thể khiến bản thân thất bại một cách thảm khốc.
6. Bề ngoài không quan trọng
Ngựa gặp lạc đà trên sa mạc, ngựa thấy cục u bướu trên lưng lạc đà thì cười nhạo: “Anh bạn à, lưng của anh thật xấu quá”. Lạc đà nghe xong không thèm đoái hoài gì, cứ tiếp tục đi. Sau khi tiến vào sa mạc, không ai còn thấy ngựa quay về nữa…
Cảm ngộ:
Đừng cười nhạo bề ngoài người khác, dù cho họ có xấu ra sao đi nữa, bởi trong những trường hợp đặc biệt, đôi lúc nó lại là lợi thế. Cũng như vậy, trước lúc hiểu rõ một người thì đừng nên đánh giá họ.
7. Không có bản lĩnh thì đừng ăn cỏ nơi mình ở
Có một chú thỏ rất lười, luôn ra ăn cỏ xung quanh hang mình ở, sau cùng bị thợ săn phát hiện bắt mất.
Cảm ngộ:
Khi ăn cỏ gần nơi mình ở thì hãy nghĩ đến hậu quả của nó. Khi ăn hết cỏ rồi thì cũng đến lúc thân mình bị lộ mang hoạ diệt thân. Vậy nên, hãy biết phòng thân.
8. Không có thực lực thì đừng có thử sức với lĩnh vực mình chưa biết
Mùa hè trời vô cùng nóng, ngựa vằn ra sông uống nước, vừa lúc thấy hà mã đang chơi đùa dưới sông. Ngựa vằn nghĩ bụng, hà mã có thể chơi đùa dưới nước tại sao mình lại không nhỉ? Nghĩ vậy, ngựa vằn lao xuống sông tắm, không ngờ vừa xuống sông liền bị cá sấu ăn thịt.
Cảm ngộ:
Trong thực tế, có rất nhiều người không có đủ thực lực nhưng mà lại thường vui vẻ đi thử những điều vượt quá khả năng của mình, sau cùng nhận kết quả đau đớn. Khi không có khả năng thì đừng có thử, bởi vì thử rồi sẽ chuốc hoạ vào thân.
9. Nguy hiểm cần phải chuẩn bị tốt
Một chú vịt nhìn thấy chim nhạn bay trên bầu trời rất tự do tự tại, cảm thấy bản thân mình cũng không có gì thua kém sao lại không thể bay. Kết quả nó trèo lên vách đá thả mình xuống, chưa kịp vỗ cánh mấy cái đã rơi xuống khe đá gãy chân.
Cảm ngộ:
Trước khi chuẩn bị thực lực đầy đủ, không nên mạo hiểm thử những lĩnh vực không phải sở trường của mình. Những người thành công ở lĩnh vực đó, nhìn thì họ làm rất tự do tự tại, an nhàn vui vẻ, nhưng trên thực tế không hẳn đã vậy. Trước lúc họ mở ra một sự nghiệp, một con đường mới thường chuẩn bị đầy đủ mọi phương diện.
10. Đừng đặt sai vị trí bản thân
Rùa ở trên mặt đất chạy không bằng thỏ, nhưng khi thỏ xuống nước lại không bằng rùa.
Cảm ngộ:
Chọn con đường nào để đi đó là việc rất quan trọng, nếu như đi trên một con đường mà mình không hề quen biết, không những dễ dàng bị ngã mà còn rời xa thành công ngày một xa. Chính vì vậy, bất cứ lúc nào cũng đừng để mình nằm sai vị trí.
Cuối cùng, mỗi người chúng ta hãy ghi nhớ rằng: Đời người ắt phải có “Xả đắc”
“Xả đắc” vốn dĩ là một từ được xuất hiện trong cuốn “Liễu phàm tứ huấn” triều Minh được viết bởi Viên Liễu Phạm. Dần dần theo sự thay đổi của xã hội, nó trở thành một triết lý sống. Triết lý “Xả đắc” mang một nội hàm phong phú, Phật gia nhìn nhận, xả chính là đắc, cho đi chính là nhận lại, mất mà được, được lại mất, nó cũng như: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”.
Đạo gia cho rằng: Xả chính là vô vi, đắc chính là hữu vi, cái gọi là “vô vi nhi vô bất vi”; Nho giáo nhìn nhận: Xả ác đắc nhân nghĩa, xả dục đắc thánh nhân. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay con người lại nhìn nhận: Xả là chính là dâng tặng, đắc chính là thành quả. Đây là câu nói thể hiện tư tưởng của một loại triết lý nhân sinh, cũng là sự đối diện, sự lựa chọn bắt buộc của mỗi một người.
Thái độ sống của một người như thế nào sẽ khiến cuộc đời người ấy như thế. 10 câu châm ngôn về cuộc đời này có thể giúp bạn hướng đến một con đường đời tốt hơn, sống được thông thuận, suôn sẻ hơn.
Minh Vũ
Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/10-cau-cham-ngon-tinh-tuy-luu-truyen-trong-gioi-cao-nhan.html
Comment