khi-nguoi-dep-lan-san-ca-hat-dep-co-tao-nen-thanh-cong-thuc-su
Khi ‘người đẹp’ lấn sân ca hát: Đẹp có tạo nên thành công thực sự?
- bởi tamthuc --
- 22/10/2017
Nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam cũng như thế giới đã nhiều phen tranh luận gay gắt về chủ đề “người đẹp” hát và những lần lấn sân làm nghệ sĩ của các “hot girl”, “hot boy”. Những ngày gần đây, dư luận lại một lần nữa tập trung sự chú ý vào việc một “hot girl” xinh đẹp ra video âm nhạc đầu tay của mình.
Ngày nay, lĩnh vực nghệ thuật đã được mở rộng sang một phân khúc mới rộng rãi hơn rất nhiều cho những người không cần được đào tạo chuyên nghiệp được gọi là nền công nghiệp giải trí. Những khái niệm về người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí do đó cũng trở nên phong phú hơn rất nhiều.
Có những tiêu chí rõ ràng để phân biệt ca sĩ, nghệ sĩ giải trí và thần tượng (Idol). Một sản phẩm nghệ thuật ra đời cũng là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố như chất lượng chuyên môn của nghệ sĩ, phong cách phối, quan điểm định hướng của nhà sản xuất, phong cách tạo hình, cách thức lăng – xê, thời điểm quảng bá, tương tác với khán giả, người hâm mộ… Đôi khi sự thành công của một sản phẩm lại không hoàn toàn tới từ trình độ chuyên môn của nghệ sĩ mà bao gồm rất nhiều những thứ hình thức bên rìa khác. Chính vì những hào quang và thành công vượt quá xa so với sự khổ luyện kiên trì, nhiều “nghệ sĩ” đã muốn thử sức ở lĩnh vực giải trí dưới sự tự huyễn về đam mê.
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của ngành giải trí và ai đó muốn dấn thân, muốn trở thành nghệ sĩ trong khi chưa có đủ tố chất cũng không hẳn là một cái tội hay xúc phạm nghề nghiệp gì. Chỉ mong sao họ thật sự hiểu được giá trị thật sự mà bản thân có thể mang lại khi mang trên mình hai chữ “nghệ sĩ”, để từ đó không ngừng khổ luyện, học hỏi nhằm đạt tới sự tinh túy thật sự.
Đó là việc họ cho đi được điều gì chứ không chỉ là nhận về được những gì.
Nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc từ lâu đã được chứng minh có khả năng tác động được tới cảm xúc lẫn thể chất của người thưởng thức. Các phương pháp trị liệu bằng âm nhạc đã được ứng dụng ở phương Tây từ thế kỷ trước, nhưng ít ai ngờ, âm nhạc còn là biện pháp trị quốc của cổ nhân ở phương Đông từ hàng nghìn năm trước. Chương “Nhạc Ký” của cuốn sách cổ “Lễ kí” viết rằng: “Nhạc giả, thiên đích chi hòa dã” (Tạm dịch: Âm nhạc là sự hòa hợp của đất trời). Mỗi vị Hoàng đế trong các triều đại của lịch sử Trung Hoa lên nắm quyền thì điều trước tiên họ làm là chính lại lễ nhạc.
Đối với con người, âm nhạc không chỉ giúp “hoà thần an thể” (tinh thần hoà ái, thân thể khỏe mạnh), mà còn có thể khiến lòng người hướng thiện, nâng cao cảnh giới đạo đức. Điển tích kể rằng Khổng Tử ở nước Tề nghe nhạc Thiều suốt 3 tháng tới mức không biết mùi vị của thịt là thế nào, ông cảm thán mà nói rằng: “Thật không ngờ nghe nhạc lại có thể đạt được cảnh giới như thế này!”. Trước đây cũng từng có chuyện kể về Sư Khoáng, một nhà âm nhạc sống vào thời Xuân Thu. Khi Sư Khoáng đánh đàn có thể khiến ngựa quên ăn cỏ mà ngẩng đầu lắng nghe, chim bay tìm mồi còn phải dừng lại, đánh rơi cả mồi trong miệng. Từ đây có thể thấy, âm nhạc có ảnh hưởng to lớn như thế nào đến con người và động vật. Không phải ngẫu nhiên mà trong ngôn ngữ tượng hình đầy nội hàm của chữ Hán chính thể, từ Thuốc lại chính là từ Nhạc cộng thêm với từ chỉ cỏ cây ở trên.
Ngày nay, các sản phẩm âm nhạc mới cứ ra đời từng giờ trên toàn thế giới. Công nghệ đã giúp ích rất nhiều trong việc sản xuất âm nhạc. Thời xưa âm nhạc cổ điển hầu như không có nhiều phân loại, còn ngày nay các dòng nhạc mới liên tục ra đời. Phong cách sản xuất và thưởng thức âm nhạc cũng rất phong phú và đa dạng. Cảm thụ của mỗi người là khác nhau, nhưng cũng như quy phạm đạo đức, âm nhạc cũng có thước đo chuẩn mực bất biến của mình.
Những người nghệ sĩ từ Đông Tây kim cổ đều tự ý thức được rằng làm nghệ thuật có nghĩa là nâng đỡ, mang niềm vui và những thông điệp tích cực đến cho những ai tạo ra và trải nghiệm nó. Kể cả khi nó truyền tải những cảm xúc bi tráng thì cũng sẽ không đau thương và ủy mị. Tất cả là để hướng con người tới ngày mai tươi sáng hơn, tới việc buông bỏ hận thù, đau khổ để luôn hướng thượng làm người tốt, cao cả và khoáng đạt. Người nghệ sĩ cũng phải truyền tải được vẻ đẹp của các giá trị đạo đức bên trong và cách kiểm soát bản thân mình.
Nghệ thuật sở dĩ trở nên cao quý là nhờ nội hàm cao quý. Người xưa có câu: “Văn dĩ tải Đạo” – “Âm nhạc tạo nên tính người”. Khổng Tử tin rằng tư tưởng cao nhất của âm nhạc và giá trị nghệ thuật là từ bi – khiêm nhường và thầm lặng. Trong Nhạc Ký – chương thứ 19 của bộ Lễ Ký có viết:
Đạo đức trước tiên, kỹ thuật là thứ.
Qua hàng ngàn năm, nghệ thuật cổ điển được sử dụng để biểu đạt những giá trị truyền thống, đức hạnh và niềm tin. Nghệ thuật là hiện thân của sự thiện lương, danh dự, lễ nghi, trí tuệ và chân thành. Những gì trình diễn đều là chân chính và tươi sáng. Hòa hợp với thiên nhiên, đất trời. Bởi vậy, một người nghệ sỹ không thể nào trình diễn thành công nếu bản thân không hội tụ những phẩm chất trên. Quá trình khổ luyện và rèn giũa các kỹ năng để có thể truyền tải được hết giá trị của các tác phẩm nghệ thuật chính là một quá trình tu dưỡng bản thân của người nghệ sĩ. Tố chất, tài năng thiên bẩm, năng khiếu chỉ là những hạt gạo chất lượng ban đầu, để có thể thành cơm, thì cũng phải trải qua quá trình chuyển đổi, biến hóa đầy công phu.
Hy vọng rằng những “người đẹp” có đam mê ca hát và mong muốn mang tiếng hát của mình truyền tải những giá trị tốt đẹp tới cho công chúng, có thể ý thức được không có gì ngoài sự khổ luyện và tu dưỡng đạo đức bản thân mới là điều duy nhất có thể khiến họ thành công thật sự trên con đường làm nghệ thuật. Cái gì cũng có sự bắt đầu, nó có thể gặp phải sự chê trách và hoài nghi của số đông. Nhưng nếu bạn thật sự nghiêm túc, có trách nhiệm và xác định được tư tưởng đúng đắn đối với việc mình làm, cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ và sự khiêm tốn học hỏi thì chắc chắn kỳ tích sẽ xảy ra.
Đứng từ một góc độ khác đối với hiện tượng xã hội đang được chú ý khi người đẹp nọ lấn sân ca hát, nhiều người cho rằng giọng hát của cô yếu, phô và không có gì đáng để chú ý. Đã có những ca sĩ bức xúc về việc “một số hot girl” quyết định cầm mic làm ca sĩ là một sự xúc phạm nghề nghiệp. Rồi lại có ca sĩ khác khẳng định bất kỳ ai cũng không thể lấy từ “đam mê” để mãi biện hộ cho khiếm khuyết của mình… Đương nhiên, ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, nhưng những gì nói ra xuất phát từ việc muốn giúp đỡ và mở ra con đường rộng hơn cho người khác là hoàn toàn khác so với xuất phát điểm là sự phán xét.
Ngày nay, khi truyền thông và các trang cá nhân trở thành một kênh để người ta bày tỏ thái độ đối với mọi việc mình quan tâm, thì cách thức thể hiện và bày tỏ lại trở thành trở ngại chính để con người rộng lượng và nghĩ cho nhau nhiều hơn. Những thứ có giá trị sẽ luôn vững vàng trước mọi phép thử của dư luận. Và ngược lại, những thứ chưa có được những giá trị nội hàm chất lượng thì sẽ bị đào thải. Một sản phẩm âm nhạc chưa đủ hay thì sẽ nhận được ít sự quan tâm của người thưởng thức chân chính và vì thế bạn không cần phải gắn mác cho nó để cảnh báo. Thời gian sẽ trả lời mọi thứ, và đặc biệt là đối với nghệ thuật chân chính, nếu bạn không đủ khiến người nghe rung cảm từ tâm can thì sẽ không bao giờ có chỗ đứng vững vàng trong lòng thính giả. Và mọi thứ ăn theo, bám lấy cái vỏ làm nghệ thuật để thỏa mãn danh vọng, hào quang, tiền tài thì đều sẽ không bao giờ được coi là nghệ thuật chân chính.
Thu Hiền
Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/khi-nguoi-dep-lan-san-ca-hat-dep-co-tao-nen-thanh-cong-thuc-su.html
Comment