No icon

bi-quyet-xu-the-theo-kinh-dich-de-ca-doi-hanh-phuc-p-quy-trong-cha-me-la-goc-phuc-duc

Bí quyết xử thế theo Kinh Dịch để cả đời hạnh phúc (P.1): Quý trọng cha mẹ là gốc phúc đức

Kinh Dịch là 1 bộ triết lý cổ xưa giảng về mọi vấn đề trong Tam Giới chỉ với 64 quẻ Bát Quái. Nội hàm trong nó đến bây giờ vẫn là ẩn số đối với đa số chúng ta.

Trong tiết Xuân tươi đẹp, cùng nhau uống chén trà bốc vài quẻ Dịch cùng nhau chiêm nghiệm xem nên xử thế như thế nào để cho năm mới vận hạn tốt hơn cũng là một điều thú vị.

Kinh Dịch là dùng chỉ sự vận động của Tam Giới trong vũ trụ, nhưng vạn vật Tam Giới này lại cấu thành từ Ngũ Hành, kể cả các mối quan hệ cũng vậy. Vì thế trong đạo xử thế theo Kinh Dịch chúng ta cũng có 5 mối quan hệ cần phải xem trọng.

Phần 1: Xử thế với ông bà cha mẹ

Cổ nhân có câu: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn, Thiện duyên nan ngộ, Phật quốc nan sinh” (Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe, Duyên lành khó gặp, khó sanh vào nước Phật). Câu trên cho thấy rằng đắc được thân người là khó nhất, cha mẹ chúng ta đã rất khó khăn mới sinh ra chúng ta toàn vẹn và lớn khôn để thành một con người.

Để chúng ta sinh ra và lớn khôn, không ai có thể đong đếm hết những gì mà cha mẹ phải đánh đổi. Công sinh thành là không gì sánh được, vậy nên phận làm con cần xử sự ra sao cho hợp với đạo Trời.

Dù cha mẹ đối xử tốt hay xấu với ta, họ vẫn là đấng sinh thành.

Đó chính là tượng quẻ Thuần Khảm. 

Hình tượng quẻ Thuần Khảm. (Ảnh: youtube.com)

Mới nhìn qua ai cũng dễ thấy rằng đây là 1 quẻ xấu trong Kinh Dịch gồm 2 quẻ Khảm (nước) chồng lên nhau. Tập Khảm nghĩa là bị hãm trong nguy hiểm đến 2 lớp trùng trùng. Nhưng vì lý của Tam Giới này là Âm Dương nên xấu hay tốt chỉ mang tính tương đối. Vì quẻ Dịch không phải coi tốt xấu mà là chỉ cho con người ta cách sống đúng đắn nhất với vũ trụ để thuận theo tự nhiên dù tốt hay xấu.

Thoán từ của Quẻ là : Tập Khảm: Hữu phu, duy tâm hanh, hành hữu thượng” nghĩa là thân hãm trong 2 lần hiểm, chỉ có giữ đức tin và tâm trong sáng mà hành động mới tốt”. 

Chúng ta dễ thấy trong quẻ này 2 hào liền (Dương) tượng trưng cho bản thân mình đang bị hãm trong nguy hiểm, trên trời dưới đất đều xấu với chúng ta (2 vạch đứt “-”  Âm). Như đã nói trên thì cha mẹ chính là Trời, Đất đối với con cái. Nay Trời Đất đều trở nên hung hiểm với ta thì phải làm sao? Chính là phải kiên trì tâm trung chính (2 hào 2 và 5 duy nhất đều là hào Dương) giữ vững đức tin vào Đạo đức thì sẽ vượt qua (hành hữu thượng).

Vậy áp dụng điều này như thế nào?

Chính là dùng cho hoàn cảnh những người mới sinh ra đã bị bỏ rơi, bị cha mẹ ghét bỏ ngược đãi. Nếu như bạn là một trong những người đó thì bạn phải làm như quẻ trên, giữ gìn đức hạnh bản thân mình và tâm trung chính sống theo Thiên Đạo thì mọi việc sẽ tốt đẹp.

Khi bị rơi vào hoàn cảnh đó cũng không nên oán trách cha mẹ mình mà vẫn phải đối đãi kính trọng họ một cách thật sự. Con người ta sinh ra là đã mang theo nghiệp lực tự nghìn đời trước, những gì người khác (kể cả cha mẹ) đối với chúng ta tất cả đều có nguyên nhân sâu xa. Nếu như bạn thấy được đời trước đã đối xử với họ tệ bạc ra sao, thì bạn sẽ hiểu ra vì sao đời này mình lại bị đối xử như vậy.

Con người ta sinh ra là đã mang theo nghiệp lực tự nghìn đời trước, những gì người khác (kể cả cha mẹ) đối với chúng ta tất cả đều có nguyên nhân sâu xa. (Ảnh: chungta.com)

Chính vì vậy dù bạn có đau khổ như thế nào bởi mối oan nghiệt với cha mẹ mình, thì cũng không nên thù ghét họ, mà hãy bỏ qua hết vì sinh mệnh đời này của bạn là do họ sinh ra.

Khi bạn bỏ qua bao dung hết lỗi lầm và luôn kính trọng họ từ nội tâm, thì bạn đã hóa giải được nghiệp lực truyền đời giữa bạn và họ rồi nên đời sau sẽ không còn phải chịu đựng khổ sở từ cha mẹ nữa.

Có một câu chuyện cảm động của Mẫn Tử Khiên đối với người mẹ kế:

Mẫn Tử Khiên Tên chữ là Tồn, học trò Khổng Tử, sinh vào đời Xuân Thu, mẹ ông mất sớm, người cha có vợ khác và sinh hạ được hai con. Người dì ghẻ đối với ông vô cùng khắc nghiệt, nhưng ông vẫn một lòng hiếu thuận. Mùa Đông giá rét, hai con riêng của bà thì được mặc áo lót bông, riêng Mẫn Tử Khiên thì mặc áo độn hoa lau ở bên trong.

Tuy không đủ ấm, nhưng ông chẳng bao giờ hở môi. Một hôm, ông theo cha đẩy xe dạo chơi, vì quá rét, tay cóng đến không cầm nổi dây cương. Cha ông thấy thế giận dữ quá quất mạnh lên ông một roi, áo rách và lộ ra cỏ lau độn bên trong. Cha ông thấy thế biết là người mẹ kế ác nghiệt để cho con ông chịu rét lạnh, liền có ý định đuổi người đàn bà cay nghiệt kia đi.

Ông khóc lóc và kêu van với cha ông xin đừng đuổi kế mẫu đi. Vì người  mẹ kế ở lại chỉ có mình ông chịu rét, nếu bà đi rồi, cả hai em chịu rét và khổ sở lây. Cha ông nghe theo, và người kế mẫu hiểu biết chuyện hiếu thảo của người con chồng, từ đó bà thay đổi cách cư xử và trở nên bậc hiền mẫu.

Muốn có phúc lộc lâu dài hãy tôn kính họ như Vua thờ Trời Đất

Đó chính là làm theo tượng quẻ Thuần Ly 

Tượng hình quẻ Thuần Ly. (Ảnh: misucell.com)

Quẻ này là 2 quẻ Ly (Lửa) nằm chồng lên nhau. Ngoài ý nghĩa là ánh sáng văn minh, lửa cháy sáng rực soi cả trời đất, cũng là chỉ Đức của người quân tử trong sáng và rực rỡ như thế. Vậy làm sao để đạt đến, chính là tuân theo Lễ Nghi của người xưa và thực hành theo Thiên Đạo thì mới đạt đến Đức cao, sáng ngời như vậy.

Vì 2 vạch đứt (Âm) tượng trưng cho con người nằm giữa 2 vạch liền (Dương) tượng trưng cho Trời và Đất, nghĩa là người sống trên Đời phải thờ Trời, sống theo Thiên Đạo. Trong gia đình, đối với con cái thì cha mẹ lại chính là Trời và Đất, nên xử thế theo quẻ Thuần Ly có nghĩa là đối với cha mẹ phải kính thờ như Trời Đất thì mới có thể thành người Đại Đức. Chỉ có người Đại Đức mới có 1 cuộc sống hạnh phúc viên mãn.

Thế mới đúng là:

“ Trời đất dưới trên người ở giữa

Chính trung nhân đạo đẹp vô vàn” ( sưu tầm: Internet )

Còn thấp hơn 1 bậc, nếu nói về Số Mệnh Tứ Trụ học, thì Cha và Ông tượng trưng cho tiền tài (Chính Tài), Mẹ và Bà tượng trưng cho chức vị quyền lực của 1 người (Chính Ấn). Tại sao như vậy vì Cha Ông và Mẹ cùng Bà trong Quẻ Dịch là Càn (Trời) và Khôn (Đất) vậy chẳng phải bạn chính là Thiên Tử (con trời) trong gia đình của mình?

Trong gia đình, đối với con cái thì cha mẹ lại chính là Trời và Đất. (Ảnh: pngtree.com)

Mà Thiên Tử ngày xưa muốn giữ vững ngai vị và phú quý của mình chính là phải luôn kính thờ Trời Đất hết mực, giữ gìn đạo đức. Mỗi khi thiên tai hạn hán đói kém mất mùa xảy ra đích thân Thiên Tử phải tự hạch tội mình mong chờ Trời cao chứng giám và giảm nhẹ đi. Vậy hỏi thử xem người nào làm con bất hiếu hay Thiên Tử vô Đạo xem có phú quý phúc lộc bền vững hay không?

Muốn tài vận hanh thông và chức vụ vững bền trong năm mới, hãy đối tốt với cha mẹ ông bà, thật lòng làm họ vui và luôn cầu mong cho họ khỏe mạnh nhé. Hãy thờ cha mẹ ông bà như Thiên Tử thờ Trời Đất vậy, đó là cách tốt nhất bảo đảm vận số của bạn. Tuyệt kỹ phong thủy vận số này mạnh hơn nhiều so với những bảo vật trấn trạch hàng trăm triệu mà bạn tìm mua.

Còn tiếp…

Tĩnh Thủy

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/bi-quyet-xu-the-theo-kinh-dich-de-ca-doi-hanh-phuc-p-1-quy-trong-cha-me-la-goc-phuc-duc.html

Comment