No icon

lau-hoang-hac-ly-bach-tien-co-nhan-song-truong-giang-thi-tien-trong-ban-cu

Lầu Hoàng Hạc Lý Bạch tiễn cố nhân, sông Trường Giang Thi Tiên trông bạn cũ

Lý Bạch (701-762) là một trong ba nhà thơ kiệt xuất đời Đường, được người đời ca ngợi là “Thi Tiên”. Ông đã để lại hơn một nghìn thi phẩm tuyệt tác. Là một kiếm khách – thi sĩ, Lý Bạch luôn coi thường danh lợi, thích ngao du sơn thuỷ, cầu Tiên tầm Đạo; phong, hoa, tuyết, nguyệt, cảnh núi sông tráng lệ, tình bằng hữu, tình quê hương và lòng khao khát tự do luôn chứa chan trong những vần thơ lãng mạn mà tràn đầy hùng tâm tráng chí của ông.

Lý Bạch có thời cũng đã từng làm quan khoảng 3 năm ở kinh đô Tràng An nhưng đã vứt bỏ áo mũ, với thanh gươm túi thơ lại lên đường… “Vọng Lư Sơn bộc bố”, “Hành lộ nan”, “Tĩnh dạ tư”, “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”, “Tảo phát Bạch Đế thành”… là những bài thơ nổi tiếng của “Thi Tiên” hé lộ một hồn thơ tuyệt đẹp.

Thi phẩm “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” ghi lại một kỷ niệm sâu sắc tại lầu Hoàng Hạc: Lý Bạch tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi về Quảng Lăng, qua đó nói lên cảm xúc lưu luyến, nhớ mong, trân trọng bạn của thi nhân.

Nơi Lý Bạch đưa tiễn bạn lên đường đi xa về phía Tây là lầu Hoàng Hạc, một thắng cảnh thuộc Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Lầu Hoàng Hạc gắn liền với huyền thoại Phí Văn Vi đắc đạo thành tiên, đã từ đây cưỡi hạc ra đi. Bạn vong niên của Lý Bạch là Mạnh Hạo Nhiên (689-740) – một nhà thơ nổi tiếng, cũng là một kẻ sĩ hào hiệp, phóng khoáng, ưa ngao du, rất tâm đầu ý hợp với Lý tiên sinh. Hai chữ “cố nhân” (bạn cũ, người xưa) trong câu đầu nói lên mối quan hệ sâu sắc, lâu bền về tình bạn đẹp giữa hai nhà thơ. Đó là bạn tao nhân mặc khách, là tri kỷ đồng cảnh, đồng Đạo:

(Ảnh: Pinterest)

“Cố nhân Tây từ Hoàng Hạc lâu”

(Bản dịch của Ngô Tất Tố:

Bạn từ lầu Hạc lên đường)

Câu thơ dịch rất hay và thanh thoát, nhưng chữ “Tây” chưa dịch được để nói lên hướng đi của bạn. Chữ “bạn” chưa lột tả hết ý và cảm xúc của từ “cố nhân”. Trong thơ cổ, mỗi lần từ “cố nhân” xuất hiện, gợi tả biết bao hàm nghĩa làm rung động hồn người:

“Dạng chu tầm thuỷ tiện

Nhân phỏng cố nhân cư”…

– Thơ: Mạnh Hạo Nhiên –

(Thuận dòng đủng đỉnh thuyền bơi

Cố nhân gần đó, qua chơi thăm nhà)…

Câu thơ thứ hai kế thừa ý tứ và nâng tầm cho câu thơ thứ nhất, nói rõ thời gian bạn lên đường và nơi bạn sẽ đến: Mạnh Hạo Nhiên lên đường vào một ngày tháng ba (tam nguyệt) mùa hoa khói (yên hoa), xuôi về nơi phồn hoa đô hội: Dương Châu – một trong những đô thị đẹp nức tiếng thời Đường:

“Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”

(Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng)

Chữ “há” có bản phiên âm là “hạ”, được Ngô Tất Tố dịch thành “xuôi dòng”, thật là sáng tạo. “Yên hoa” là một thi liệu, một ẩn dụ giàu chất thơ mà ta thường gặp nhiều trong Đường thi – hình ảnh mùa hoa khói này dễ tạo cho người đọc một cảm giác rất xa xăm và hoài cổ. Câu thơ không chỉ xác định thời gian và không gian đi, đến mà còn diễn tả nỗi niềm của kẻ ở người đi. Lầu Hoàng Hạc và Dương Châu cách xa nhau hàng nghìn dặm như được hiện lên qua vần thơ. Đằng sau hai địa danh mà thi nhân nói đến là cả một nỗi niềm, một không gian trống vắng vô bờ, một phương trời biệt ly thăm thẳm của đôi bạn tri âm. Còn có một bản dịch khác đọc lên nghe cũng rất thú vị:

“Bạn từ lầu Hạc ra đi

Dương Châu hoa khói giữa kỳ tháng ba”…

(Nhữ Thành)

(Ảnh: Wikipedia)

Có thể nói trong hai câu “khai – thừa” này, yếu tố tự sự chỉ là bề nổi của câu chữ: nỗi niềm của một tâm sự thầm kín mới là tầng sâu hàm ẩn. Nơi “thi hội tao nhân” cũng là nơi ly biệt đó là: Hoàng Hạc Lâu. Lý Bạch đứng trên lầu cao hay trên một cao điểm nào đó ở bến sông, dõi theo chiếc thuyền đưa Mạnh Hạo Nhiên đi đến chân trời xa… Cấu trúc không gian với hai điểm mút “cận – viễn” là một thủ pháp trong hội hoạ, ta thường bắt gặp trong Đường thi, trong các bức hoạ cổ Trung Hoa. Tác giả đã vận dụng thành công thủ pháp ấy tạo nên điểm nối giữa câu 1, 2 với câu 3, 4 thành một chỉnh thể nghệ thuật hoàn hảo.

Hai câu cuối “chuyển – hơp”, là linh hồn của bài thơ, giãi bày những tình cảm sâu sắc, đẹp đẽ, cảm động của Lý Bạch đối với Mạnh Hạo Nhiên, ẩn hiện sau ba hình ảnh được miêu tả trực tiếp: dòng sông, cánh buồm, bầu trời là hình ảnh của thi nhân – Lý Bạch đứng nhìn hoài con thuyền đưa người bạn cũ đi xa:

“Cô phàm viễn ảnh bích không tận”…

Cánh buồm đơn côi, lẻ loi (cô phàm) xa dần, mờ dần (viễn ảnh) rồi mất hút vào giữa nền trời – mất hút vào cuối chân trời xa xanh thăm thẳm vô tận (bích không tận), hay tấm lòng “Thi Tiên” với bao ái ngại, lưu luyến, nhớ thương… như những con sóng gối lên nhau, đưa tiễn con thuyền của bạn, mất hút dần, mờ dần trên dòng sông Trường Giang? Con sông sẽ trở nên rộng bao la khi cái hữu hạn của nó đồng nhất với cái vô hạn của bầu trời. Chiếc thuyền buồm lẻ loi chở Mạnh Hạo Nhiên đã mất hút trong dòng sông bao la đó mang theo đi tình bạn của Lý Bạch.

Dòng sông càng rộng, chiếc thuyền buồm càng nhỏ rồi biến mất vào khoảng không gian vô tận. Rõ ràng, sau khi tiễn bạn lên đường, Lý Bạch đã dừng lại khá lâu dõi mắt nhìn theo chiếc thuyền buồm lẻ loi đến tận chân trời xa tít ấy. Tác giả đã mượn cái khung cảnh thiên nhiên sau buổi tiễn đưa để nói lên tình cảm nhớ mong, trân trọng bạn da diết khôn cùng… “Thi Tiên” tả về cái buồn của sự ly biệt, nhưng vẫn giữ được phong cách phóng khoáng, hào sảng, lạc quan khi ông miêu tả sự hùng vĩ của thiên nhiên”:

“Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”

(Bóng buồm đã khuất bầu không

Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời).

Cái tiêu điểm đầy ám ảnh của bài thơ chính là hình tượng: “cô phàm viễn ảnh”. Còn cái tâm cảnh của Lý Bạch thì lại được diễn tả bằng hai chữ: “duy kiến” – chỉ nhìn thấy. Ta đã biết Lý Bạch thuở ấy sống trong thời thế Thịnh Đường. Lúc bấy giờ kinh tế đương triều phát triển vô cùng rực rỡ, thương nghiệp mở mang, nhiều đô thị sầm uất mọc lên như nấm: Tràng An, Dương Châu, Thành Đô v.v…

(Ảnh: pearlriver-capital.com)

Trên con sông Trường Giang khi ấy: suốt đêm ngày thuyền bè đi lại xuôi ngược như mắc cửi. Thế mà trong muôn ngàn cánh buồm ở trên sông, Lý Bạch chỉ “duy kiến” – nhìn thấy duy nhất chiếc “cô phàm” – cánh buồm cô đơn lẻ loi của bạn, cứ thế mà nhìn mãi cho đến lúc nó mất hút trong “bầu trời xanh biếc”. Chỉ qua hình ảnh thơ đó thôi, đã đủ thấy, đủ biết tình tri âm tri kỷ mà L‎ý Bạch dành cho Hạo Nhiên thắm thiết và trân quý đến nhường nào!

Mặc dầu chưa dịch thoát được ý của hai chữ “cô” – trong “cô phàm”, và “bích” – trong “bích không tận, nhưng có thể nói Ngô Tất Tố đã ít nhiều lột tả được cái hồn của Đường thi trong nguyên tác, khiến chúng ta đọc lên mà thấy thấm thía về nỗi nhớ mong, lưu luyến, trân trọng bạn của thi nhân.

“Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” là một trong những tuyệt tác về thơ thất ngôn tứ tuyệt của Lý Bạch. Thi phẩm này gửi gắm một thông điệp vừa cụ thể, vừa phổ quát cho muôn đời về đề tài tống biệt và ức hữu – Tiễn biệt và nhớ bạn. Cấu trúc không gian xa – gần (cận – viễn), lấy ngoại cảnh để biểu hiện nội tâm, ngôn ngữ trang nhã, gợi cảm, hàm súc… đó là những yếu tố nghệ thuật tạo nên vẻ đẹp văn chương và cốt cách của bài thơ này. Thi phẩm đã phản ánh một tâm hồn đẹp, một tình bạn đẹp của Lý Bạch, cũng là của những tao nhân mặc khách đời Đường khi xưa.

Nhưng vượt lên trên tất cả những giá trị về nội dung và nghệ thuật ấy chính là nội hàm – là thông điệp phản ánh giá trị đạo đức, cốt cách mang đậm phong thái chính nhân quân tử của văn hóa Á Đông xưa. Chính cái phong thái đường hoàng mà tự nhiên, đĩnh đạc mà phóng khoáng, hào sảng nhưng lại rất hiểu đời, hiểu người, hiểu mình ấy đã làm cho cuộc chia tay giữa Lý Bạch và “cố nhân” Mạnh Hạo Nhiên có “bi” mà không có “lụy”; có “tống” mà không có “biệt”, có cảm xúc thăng hoa mà dường như không chút vương vấn phàm tình. Phải chăng đó cũng chính là lý do khiến cho tuyệt tác thi phẩm này trở nên bất tử với thời gian…

Đường Phong

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/lau-hoang-hac-ly-bach-tien-co-nhan-song-truong-giang-thi-tien-trong-ban-cu.html

Comment