No icon

di-khap-thien-ha-bon-bien-la-nha-kien-tri-ben-bi-chan-buoc-dai-sen

Đi khắp thiên hạ bốn biển là nhà, kiên trì bền bỉ chân bước đài sen

Vào triều đại nhà Nguyên, có gia đình họ Lục sống trên đỉnh phía Đông núi Trường Bạch, trong nhà có hai vợ chồng trẻ và một lão nhân bị liệt. Tuy nhiên lão nhân này lại không phải cha mẹ thân thích của họ, mà là do một lần ra ngoài, người chồng thấy lão nhân nằm yếu ớt bên đường nên đưa về nhà phụng dưỡng.

Trên đường cõng lão nhân về nhà, người chồng không ngừng suy nghĩ: “Không biết ái thê ở nhà có đồng ý cho mình làm việc này không? Nhưng nay gặp chuyện cấp bách, không thể không cứu. Sinh thời phụ thân mình luôn dạy bảo, làm người thì phải làm nhiều việc thiện đức, không những vậy, khi làm việc thiện cũng không được mong cầu đền đáp”. Người chồng cứ miên man suy nghĩ đến nỗi về đến nhà lúc nào cũng chẳng hay.

Khi về đến nhà, người vợ đang giặt áo ở sân, thấy chồng cõng một lão nhân ốm yếu liền vội vàng phụ chồng đưa lão vào nhà chăm sóc rồi sau đó chuẩn bị cơm nước. Đến đêm, khi cơm nước xong xuôi, người chồng mới nói tâm tư của mình cho vợ nghe, nghe xong, nàng liền cười đáp: “Tướng công, chàng cũng xem nhẹ gia đạo của thiếp quá rồi. Khi xưa, lúc thiếp chưa xuất giá, ở nhà cha mẹ thiếp cũng từng dạy rằng cần phải lấy thiện đãi người, đối xử với người khác tốt cũng là đối xử tốt với chính mình. Làm người như vậy mới có được con hiền cháu thảo, cuộc đời êm ấm”.

Vậy là lão nhân kia ở lại nhà họ Lục, hai vợ chồng đối đãi với lão như chính cha mẹ ruột của mình, thậm chí còn chăm sóc tận tình hơn cả bản thân họ. Có điều, lão nhân không chỉ hưởng thụ sự chăm sóc đối đãi của vợ chồng nhà họ Lục mà đôi khi còn cố ý gây khó dễ cho hai người. Tuy nhiên, trước sau như một, hai vợ chồng họ không hề ân hận hay oán thán hoặc trách cứ nửa lời.

(Ảnh: kknews)

Thời gian qua đi thật mau, chớp mắt đã 3 năm trôi qua, người vợ trẻ nay đã mang bầu. Nhưng lão nhân vẫn cứ như xưa, thường xuyên làm khó hai vợ chồng họ Lục. Có một lần, người chồng nhẫn nhịn không được liền nói với lão nhân rằng: “Thưa tiền bối, hình như chúng tôi chưa từng có chỗ nào đó không phải với tiền bối, nhưng tại sao tiền bối cứ luôn gây khó dễ cho chúng tôi vậy? Hơn nữa, nay vợ tôi thân mang dạ chửa, chỉ còn một tháng nữa là sinh con, tiền bối giữ lại chút tình, chút nghĩa được không?”. Lão nhân thở dài đáp:

“Tích đức hành thiện, thuyết vô cầu.
Vạn sự du du hữu nhân do.
Chớ luận đối phương chẩm dạng tố.
Thiện tâm thường tại tâm trung lưu”.

Tạm dịch:

Tích đức hành thiện nói không cầu
Vạn sự trên đời đều có nguyên do
Đừng luận đối phương làm thế nào
Thiện tâm luôn giữ ở trong lòng.

Rồi ông nói tiếp: “Hai vợ chồng ngươi còn cách xa một chút mới làm được điều bản thân mình nói đến, nhưng mà nói ra rồi cũng không đến nỗi tồi”.

Người chồng nghe xong giật mình đoán ngay đây không phải người tầm thường, không thể mạo phạm. Vậy là hai vợ chồng lại tiếp tục đối xử với lão nhân ân cần như thủa ban đầu. Lão nhân cũng rất vui vẻ tiếp tục sống ở đó. Thời gian lại chớp mắt qua đi, đứa trẻ sinh ra là một bé trai tuấn tú, lão nhân đặt tên cho đứa bé là Lục Tu Tịnh, một cái tên mang đậm bản sắc của người tu Đạo.

Lão nhân liên tục đưa ra những điều khó dễ nhằm thách thức tâm tính của hai vợ chồng họ Lục. (Ảnh: Youtube)

Thường ngày lão nhân hay chơi đùa với đứa bé, hay kể cho đứa bé nghe rất nhiều câu chuyện thú vị. Một hôm lúc tiểu Tu Tịnh chuẩn bị đi ngủ liền hỏi cha mẹ: “Tại sao có nhiều ngựa đẹp và tiên nữ bay lượn trên thiên thượng thế ạ? Tại sao chúng mỹ diệu thế ạ?”. Câu nói này của tiểu Tu Tịnh khiến cho hai vợ chồng kinh ngạc, càng cảm giác vị lão nhân này có lai lịch bất phàm.

Đến khi Tu Tịnh biết đi, lão nhân vốn dĩ từng bị bại liệt, quanh năm suốt tháng ngồi trên giường nay lại tự nhiên bước xuống đi lại như thường. Lão nhân nói với hai vợ chồng họ Lục:

“Bây giờ cũng đến lúc ta nói cho hai người biết rõ chân tướng rồi. Ta vốn dĩ không hề có bệnh nào cả, mấy năm nay là ta thử thách tâm tính hai vợ chồng ngươi. Bây giờ xem ra tâm tính hai người quả là không tệ chút nào, từ giờ ta sẽ bắt đầu dạy Tu Tịnh pháp môn tu luyện. À đúng rồi, ta quên chưa nói cho hai vợ chồng ngươi biết, ta năm nay đã 103 tuổi rồi, bắt đầu từ năm 40 tuổi ta đã tu luyện pháp môn Đạo gia đắc Đạo thành Tiên rồi. Nhiều năm nay ta luôn chờ đợi để tìm một đồ đệ tốt truyền thụ pháp môn tu luyện này. Các ngươi nên nhớ, tìm được một đệ tử có thật nhiều đức thật không dễ dàng gì.

Mấy năm trước, trước lúc gặp Lục lão đệ đây, ta gặp một vị Thần tiên điểm hóa, vậy là ta hóa trang thành một người tàn phế như sắp chết để đợi ngươi. Mấy năm nay hai vợ chồng ngươi quả thật có đầy đủ tố chất để làm đệ tử của ta. Tuy nhiên, pháp môn của ta yêu cầu phải là đồng tử mới có thể tu luyện được, cho nên ta cứ đợi mãi, đợi đến khi hai ngươi sinh con. Bây giờ đứa trẻ này đã biết đi rồi, hơn nữa có thể nhìn ra tiểu Tu Tịnh là đứa trẻ rất có căn cơ, tâm tính cũng tốt giống như vợ chồng ngươi. Cho nên nếu như ta vẫn không chịu nói ra tất cả, ta sẽ thấy rất áy náy”.

Ngay lúc đó đứa trẻ từ ngoài chạy vào, hai chân quỳ xuống nói: “Hôm qua, trong giấc mộng, một vị Thần tiên đã nói với con rằng nếu con tu luyện với sư phụ, con sẽ có thể trở về thiên thượng. Con đã hỏi rằng sư phụ của con là ai. Vị Thần tiên nói rằng ông lão trong nhà chính là sư phụ. Bây giờ con đã rõ tất cả. Thỉnh cầu ân sư thu nhận con làm đồ đệ!”.

Vậy là Tu Tịnh bắt đầu tu luyện theo Đạo gia công pháp. Năm Tu Tịnh gần 20 tuổi, lão nhân rời đi, lúc sắp đi, lão nhân tặng cho Tu Tịnh một chiếc bình, chiếc bình này có thể biến hóa khôn lường, muốn gì được nấy. Đồng thời lão nhân còn yêu cầu Tu Tịnh đi vân du đến bốn nơi: Sa mạc ở vùng lòng chảo Tarim thuộc Tân Cương, hồ Điền Trì thuộc tỉnh Vân Nam, núi Ngũ Chỉ thuộc đảo Hải Nam và đảo Bồng Lai thuộc tỉnh Sơn Đông. Sau cùng lão nhân nói: “Ta ở đỉnh Lư Sơn đợi con, con hãy mau đi đi”.

Tu Tịnh từ biệt sư phụ lên đường vân du. (Ảnh: Youtube)

Vậy là Lục Tu Tịnh mang theo chút hành lý đơn giản và chiếc bình sư phụ ban cho mà lên đường vân du, có thể nói là vượt qua sương gió, trăm ngàn khổ ải. Trong quá trình vân du, Tu Tịnh phải đối diện muôn vàn gian khó và nguy hiểm đeo bám, do đương thời lại vào lúc loạn lạc đao binh, nhiều nơi đứng lên cầm cờ khởi nghĩa. Có lúc Tu Tịnh bị người ta nghi ngờ là gian tế nên bắt đi chém đầu, nhưng kỳ lạ thay, cứ đợi lúc người ta đi khỏi thì Tu Tịnh lại từ từ sống dậy. Khi vượt qua sa mạc, nhiều lần hết nước, nhưng chỉ cần mở chiếc bình sư phụ ban cho là phát hiện bên trong không chỉ có nước mà còn có cả một thế giới rộng lớn. Thế giới đó tươi đẹp, mỹ diệu thần thánh vô cùng. Sau khi uống nước ở đó, Tu Tịnh liền cảm thấy khỏe khoắn, không còn khát nữa. Quyết tâm tu luyện, quá trình phản bổn quy chân đã mang lai cho Tu Tịnh sức mạnh để nhiều lần vượt qua thử thách.

Lục Tu Tịnh đã dùng đôi chân của mình đi khắp đại giang nam bắc, núi cao bể sâu đều kiên trì vượt qua. Nhờ chuyến đi này, Tu Tịnh hiểu rõ được con đường mình đang đi, hiểu được ý nghĩa sinh mệnh của mình là gì. Có lẽ nhiều người hiện nay cho rằng cổ nhân vân tu tứ hải đó là một loại nhã hứng, kỳ thực hoàn toàn không phải. Đó là một hành trình gian khổ để tìm lại giá trị cuộc đời, xác lập vị trí của mình trong tương lai, quay về với tự nhiên, quay về với bản lai của vũ trụ, là quá trình tu luyện mà chỉ những người có đủ đầy trí huệ, sự kiên cường dũng mãnh mới đủ bước đi.

Lục Tu Tịnh cảm nhận mỗi một con sông, một ngọn núi mình đi qua, đó đều là một sinh mệnh, chúng có vui buồn, oán giận của riêng mình. Chúng đều là những vị Thần mà thiên thượng phái xuống để tương trợ cho con người. Vậy nên, Tu Tịnh đối đãi với chúng như những người bạn tri kỷ, hướng về chúng mà nói lên cảm ngộ trên con đường tu luyện của mình…

(Ảnh: sohu.com)

Lục Tu Tịnh đã dùng hơn 20 năm để đi vân du khắp chân trời góc bể, đi qua bốn địa điểm mà sư phụ yêu cầu. Sau cùng phải đến đỉnh Lư Sơn, tại đỉnh Lư Sơn, Tu Tịnh tìm không thấy một ai, hai ngày trôi qua vẫn không thấy bóng dáng sư phụ đâu. Vậy là Tu Tịnh nghĩ, có lẽ sư phụ có việc nên mấy ngày nay sẽ không xuất hiện nên xuống ngang chừng núi đợi. Tu Tịnh đi xuống ngang chừng núi, trên đường đi, gặp một lão bà bà bị lở loét khắp người đang cõng đồ vật trên lưng. Khi thấy Tu Tịnh bà liền cất tiếng gọi: “Cậu đã từng gặp qua người nào nói mà không giữ lời chưa? Con trai ta nhận lời đợi ta, nhưng lại không đợi mà bỏ đi, ở đâu lại có cái chuyện đó chứ?”. Tu Tịnh nghe xong liền máy động trong đầu: “Lẽ nào sự phụ… Ta biết sư phụ sẽ biến hóa, năm xưa cũng từng biến thành người tàn tật nằm trên giường nhà ta ẩn thân. Hôm nay không biết chừng lại biến thành lão bà bà để điểm hóa ta”. Nghĩ vậy nên Tu Tịnh đáp: “Thân làm con cái thì cần nên nghiêm túc tuân thủ giữ lời hứa, nếu không thì sao có thể gọi là ‘nói lời giữ lời’ được chứ? Lại sao có thể gọi là ‘quân tử’ được?”. Nói xong liền quay ngược trở lại đỉnh núi.

Hôm đó, khi trời tối, Tu Tịnh ở lại trên đỉnh núi xếp bằng đả tọa nghỉ ngơi. Sáng hôm sau khi trời dần sáng, mặt trời phía hừng đông cũng dần nhô lên. Bỗng lúc này từ phía chân trời xuất hiện một vị Thần tiên bay tới, dần dần lại gần, Tu Tịnh nhận ra đây chính là sư phụ của mình. Tu Tịnh vội vàng sửa soạn trang nghiêm quỳ xuống khấu đầu không ngớt nghênh đón sư phụ. Chỉ nghe vị Thần tiền đó nói: “Bây giờ con đã tu luyện thành công viên mãn rồi, bây giờ đi thôi!”. Tu Tịnh vươn tay đưa ra, bỗng chốc toàn bộ thân thể nhẹ nhàng rồi bay lên không trung, theo sư phụ về trời.

Chính là:

Đi khắp thiên hạ,
Bốn biển là nhà.
Phản bổn quy chân,
Lòng không vướng bận.

Danh lợi buông lơi,
Tâm vô sở cầu.
Kiên trì bền bỉ,
Chân bước đài sen.

Theo Soundofhope
Minh Vũ biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/di-khap-thien-ha-bon-bien-la-nha-kien-tri-ben-bi-chan-buoc-dai-sen.html

Comment