dung-bao-gio-tuy-tien-phat-loi-the-doc-ky-khong-giu-chu-tin-sao-co-the-dung-vung-giua-dat-troi
Đừng bao giờ tùy tiện phát lời thề độc (Kỳ 2): Không giữ chữ ‘Tín’, sao có thể đứng vững giữa đất trời?
- bởi tamthuc --
- 30/07/2018
Trong Danh Hiền Tập có câu: “Lời thì thầm bên tai, Trời nghe như sấm dậy; việc thẹn trong buồng tối, mắt Thần như điện sáng”. Lời nói bình thường đã vậy, huống hồ là những lời thề giao ước với nhau?
Cổ nhân tin rằng, lời thề một khi đã thốt ra miệng, thì Trời đất đều chứng giám. Lời đã nói ra thì phải thực hiện, nguyện đã phát ra thì phải gắng sức hoàn thành, nếu như làm trái, thì trả báo sẽ rất rõ ràng. Không kể bạn là nhân vật lừng danh, là đại anh hùng dời non lấp bể, hay là bậc hào kiệt tung hoành thiên hạ, võ nghệ không ai sánh bằng, thì cũng không thể vượt ra ngoài quy luật khách quan này.
Lời thề giữa Tần Quỳnh và La Thành
Dưới đây là câu chuyện về hai danh tướng thời nhà Đường.
Buổi sáng hôm ấy, biểu đệ La Thành cùng người anh họ là Tần Quỳnh đang luyện võ ở hậu hoa viên, bỗng gia tướng đến báo: “Lão vương gia lệnh cho mời hai vị tiểu thiếu gia đến sảnh trước”.
Khi hai người đến nơi, Bắc Bình Vương La Nghệ vừa vuốt chòm râu dài vừa khẽ mỉm cười nhìn ngắm hai anh em họ, thấy La Thành chân mày như kiếm, mắt sáng như sao, đầu đội mũ bạc sáng chói ngất trời, mình mặc áo bào lụa trắng phấp phới, dáng vẻ như thiên tướng hạ phàm. Rồi ông nhìn sang Tần Quỳnh, thấy mặt như vàng sáng, mình hổ thân gấu, đầu đội mũ tráng sĩ, cao lớn uy nghi, thật có phong thái của bậc đại tướng. Lão vương gia khẽ gật đầu đắc ý, nói rằng: “Hai con đều là con cháu nhà danh tướng, võ nghệ tổ tiên truyền lại thuộc hàng kiệt xuất thiên hạ. Các con ngoài việc luyện tốt võ nghệ của gia tộc mình ra, thì bắt đầu từ nay, còn cần phải truyền thụ võ nghệ cho nhau, cốt để cho thế hệ sau vượt trội hơn cả thế hệ trước. Tuyệt đối đừng phụ kỳ vọng của ta!”. Anh em họ nghe xong đều gật đầu vâng dạ.
Ngày hôm sau, hai người đến hậu hoa viên truyền thụ võ nghệ cho nhau. La Thành nói với biểu huynh rằng: “Biểu ca, huynh phải cố gắng truyền thụ hết thảy giản pháp Tần gia cho đệ, đệ cũng sẽ truyền hết tất cả thương pháp La gia cho huynh, không giữ lại chút nào. Nếu trái lời thề, ắt sẽ bị loạn tiễn xuyên thân mà chết”. Tần Quỳnh nghe xong rất lấy làm cảm động, cũng thuận miệng tiếp lời: “Biểu đệ yên tâm, huynh cũng sẽ truyền thụ hết thảy toàn bộ giản pháp Tần gia cho đệ, nếu trái lời thề, cam nguyện hộc máu mà chết”. Nói xong, hai người đều cười ầm lên.
Nhưng lòng người quả thật quá phức tạp, phức tạp đến nỗi nhiều khi chính bản thân mình cũng không sao hiểu được. Trong lúc La Thành dạy cho Tần Quỳnh 71 lộ thương pháp của La gia, đều dạy rất tường tận, đến khi còn lại một lộ tuyệt chiêu cuối cùng là “hồi mã thương”, thì chàng lại bắt đầu do dự. Cuối cùng sau khi trải qua cuộc đấu tranh trong tư tưởng, chàng sửa đổi chiêu số rồi mới dạy lại cho anh họ mình.
Sau này trên chiến trường, La Thành sử dụng chiêu “hồi mã thương” đã bị Tần Quỳnh trông thấy, lúc ấy Tần Quỳnh mới biết bộ chiêu pháp mình được dạy là giả. Nhưng chàng cũng không có lời oán trách nào, bởi chàng khi dạy La Thành cũng giữ lại một tuyệt chiêu, đó là “sát thủ giản”, cũng gọi là đòn sát thủ. Một lần trên chiến trường, La Thành nhìn thấy Tần Quỳnh giao chiến với quân địch, nhân lúc tướng địch không phòng bị, Tần Quỳnh buông một chiếc giản (binh khí cổ) xuống, sau đó dùng một thanh giản khác đập mạnh vào phần đuôi của thanh giản đã buông xuống kia, thanh giản bị đập mạnh liền vút nhanh như bay đâm trúng tướng địch, tướng địch ngay tức khắc ngã ngựa mà chết. La Thành thấy vậy cũng lớn tiếng khen rằng: “Biểu ca, đòn sát thủ tuyệt lắm!”. Hai người lại bất giác cười ầm lên, trong lòng không hề có ý trách móc đối phương.
Cả hai tuy không hề có tâm oán trách, nhưng quả báo thì lại đến đúng kỳ hạn. La Thành trong một lần giao chiến với Tô Định Phương đã trúng phải gian kế, một mình cưỡi ngựa rơi vào trong nước bùn bị loạn tiễn bắn chết. Tiếc thay cho vị tướng quân bách chiến bách thắng chỉ mới 23 tuổi mà phải chết oan uổng ứng với lời thề lúc đầu của mình.
Lời thề ứng nghiệm của Tần Quỳnh thì đến muộn hơn. Ông từng nhậm chức Binh mã đại nguyên soái dưới thời Đường Thái Tông Lý Thế Dân, có thể nói là khai quốc công thần của triều đại nhà Đường. Nhưng dù là như vậy, cũng không thoát được luật nhân quả đoái hiện lời thề của mình. Vào lúc cuối đời, ông cùng Uất Trì Cung tỷ võ đoạt ấn soái, vì nhấc cái đỉnh nghìn cân nên hộc máu mà chết. Bề mặt nhìn vào thì thấy như là tuổi già sức yếu, dùng sức quá độ, trên thực tế đây chính kết quả vì đã làm trái lời thề độc mà tạo thành. Bởi “hộc máu mà chết” là lựa chọn trong lời thề lúc đầu của ông, cũng chính là trời xanh đã chứng giám tất cả, hoàn thành tất cả. Đây là thiên lý, bất cứ ai cũng không thể vượt qua được.
Danh nhân lịch sử La Thành và Tần Quỳnh đều không tránh khỏi họa diệt thân bởi đã làm trái lời thề. Xem ra, lời thề không phải chỉ là một lời sáo rỗng, giơ nắm tay lên thì coi như xong. Trong con mắt của Thần, đó là thệ ước, là lời hứa trước mặt Thần linh.
Từ đây nhìn lại, dẫu là người có tin vào quy luật nhân quả hay không, thì đều không nên tùy tiện phát lời thề. Lỡ như thật sự có một ngày lời thề ứng nghiệm, thì hối hận cũng đã muộn rồi. Lời con người từng nói, đặc biệt là lời thề đã phát ra, đều cần phải thực hiện.
Hoàng tuyền gặp nhau
Trong “Tả Truyện” chép rằng, mẹ của Trịnh Trang Công là Khương thị vì hạ sinh Trang Công mà nguy hiểm tới tính mệnh, nên bà không thương ông mà thương người con thứ Cung Thúc Đoạn. Khi cha của Trang Công là Trịnh Vũ Công lâm trung, Khương thị xin Trịnh Vũ Công lập Đoạn làm thế tử nhưng Trịnh Vũ Công không nghe, vẫn giữ nguyên ngôi vị Thế tử cho Trang Công. Trang Công kế vị, Khương thị lại xin đất phong cho Đoạn, cuối cùng cùng với Cung Thúc Đoạn âm mưu tạo phản, hòng lật đổ Trang Công. Sau khi Trang Công đánh bại Cung Thúc Đoạn, ông liền thu xếp cho mẹ ở Dĩnh thành, và phát lời thề ngay trước mặt mẹ mình rằng: “Không đến hoàng tuyền, quyết không gặp lại”.
Người xưa rất xem trọng lời thề, vua của một nước sao lại có thể nói một đằng làm một nẻo được? Trang Công dù có nhớ mẹ, cũng không nguyện ý làm trái lời thề, liền hạ lệnh xây một đài đất cao lớn. Những lúc nhớ mẹ, ông đứng lên trên đài trông về phía Dĩnh thành. Người sau này gọi đài đất này là “Vọng Mẫu đài”.
Con người ta nếu không giữ tín thì không thể đứng vững giữa đất trời, xem trọng tín nghĩa mới có thể an bang lập quốc. Thân là quân vương, vốn là tấm gương cho người dân trong nước, nếu chỉ có chút thiếu sót, trên dưới đều học theo, ác quả tạo thành thật không thể lường trước được. Vậy nên ngay đến cả bậc đế vương cũng không dám làm trái lời thề, sợ sẽ ảnh hưởng đến uy vọng của bản thân cũng như việc giáo hóa dân chúng, bị người sau cười chê và ông trời trách phạt.
Lưu Đình Thức cưới vợ khiếm thị, giữ trọn lời thề
Lưu Đình Thức là người đất Tề. Thời còn chưa thi đỗ làm quan, ông đã bàn việc cưới xin với con gái của một gia đình trong làng mình. Về sau, Lưu Đình Thức thi đỗ, còn vị hôn thê của chàng không may mắc bệnh, hai mắt đều bị mù cả. Nhà gái làm nghề nông, gia cảnh nghèo khó, vậy nên trước sau không dám nhắc đến chuyện hôn sự này. Có người khuyên chàng hãy từ bỏ vị hôn thê của mình, Lưu Đình Thức cười nói: “Tôi đã đính ước với cô ấy rồi. Giờ cô ấy hai mắt không còn sáng, nhưng tôi sao có thể vì vậy mà làm trái với bản tâm lúc đầu của mình được”. Cuối cùng chàng đã cưới nàng, cả hai cùng chung sống hạnh phúc đến trọn đời.
Người xưa rất xem trọng lời thề, bản thân lời thề vốn mang tính vĩnh hằng, vậy nên mới nói “thề non hẹn biển”. Ai nếu phá hoại loại hẹn ước vĩnh hằng này, thì sẽ phải nhận lấy sự trừng phạt của Thiên thượng. Trong Thi Kinh có câu: “Tử sinh khế khoát, dữ tử thành thuyết; chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão”, tạm dịch là: Đã ký kết hôn ước với nàng, chỉ sinh tử mới có thể chia lìa hai ta; nắm lấy bàn tay của nàng, cùng nàng đi đến hết cuộc đời này. Như vậy trước lời hứa và thệ ước trong tình yêu, thì phải cam tâm tình nguyện nương tựa lẫn nhau đến lúc bạc đầu, dẫu vinh hoa phú quý, dẫu tai nạn bệnh tật cũng đều không xa không rời bỏ nhau.
Sai biệt một niệm, khác biệt như trời với đất
Lời thệ ước mang tính thần thánh trang nghiêm như vậy, nhưng hiện nay lại bị coi như trò đùa con trẻ, người ta sa vào trò hề “miệng nói một đường tâm nghĩ một nẻo”, biểu diễn làm ra cho có. Dù vậy, tính chất của lời tuyên thệ vẫn sẽ không bởi nhận thức biến dị của con người mà biến đổi theo. Lời thề không thể lấy làm trò đùa được, nếu không, dù bậc anh hùng hào kiệt như Tần Quỳnh và La Thành cũng sẽ không tránh khỏi sự trừng phạt: Một người hộc máu mà chết, một người bị vạn tiễn xuyên thân…
Rất nhiều câu chuyện có thật đều nói rõ với mọi người một đạo lý rằng, lời thề nhất định phải được thực hiện. Bởi vậy trước khi tuyên thệ cần phải hiểu rõ ý nghĩa thật sự của lời thề mà mình phát ra, tuyệt đối đừng đem sinh mệnh của mình ra đánh cược trong khi ngay chính bản thân mình cũng không tin tưởng. Đến khi sự đã rồi, chỉ e có hối cũng đã muộn màng…
Theo Kannewyork
Vũ Dương dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/dung-bao-gio-tuy-tien-phat-loi-the-doc-ky-2-khong-giu-chu-tin-sao-co-the-dung-vung-giua-dat-troi.html
Comment