No icon

tinh-co-phat-hien-cong-dan-nuoc-la-ma-lau-doi-nhat-the-gioi-sau-con-bao-lon

Tình cờ phát hiện cống dẫn nước La Mã lâu đời nhất thế giới sau cơn bão lớn

Tháng 2 vừa qua, một cơn bão dữ dội khi tấn công vào thành phố biển Cadiz của Tây Ban Nha, đã tình cờ làm hé lộ một công trình cống dẫn nước La Mã có niên đại hàng ngàn năm. Công trình này lại một lần nữa minh chứng sự tài hoa và khéo léo của những kiến trúc sư cổ đại.

La Mã, cống nước, 2000 tuổi,

Thành phố Cadiz của Tây Ban Nha. (Ảnh: thevintagenews.com)

Tháng 2/2018, một đợt sóng lạnh từ Siberia đã tấn công châu Âu mang theo gió mạnh và bão tuyết. Ở phía Bắc Âu và Tây Âu bao gồm cả Anh và Ireland, nhiệt độ bị sụt giảm nhanh chóng, mọi thứ ở vùng Địa Trung Hải cũng bị cơn bão biển cuốn trôi dữ dội.

Nhưng cũng chính cơn bão hung tợn này đã làm hé lộ một phần lịch sử cách đây hàng ngàn năm, khi nó tấn công vào thành phố biển lâu đời Cadiz của Tây Ban Nha.

Cơn bão đã thổi bay hàng tấn cát biển tại bãi biển Cortadura, một điểm du lịch nổi tiếng trong thành phố. Nhờ vậy mà phần còn lại của hệ thống ống dẫn nước La Mã được xây dựng từ thế kỷ I và con đường chạy dọc theo nó từ thế kỷ 16 đã được phát hiện.

Thành phố Cádiz được biết đến với cái tên Gades khi cống được xây dựng. Nó có niên đại khoảng 3.500 năm và là khu cảng quan trọng cho nhiều nền văn minh bao gồm Hy Lạp cổ đại, Phoenicia, Carthago và dĩ nhiên là La Mã. Thành phố có cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ La Mã. Khi đó, nơi đây cũng là khu hành chính quan trọng của thuộc địa La Mã Augusta Urbs Julia Gaditana.

Sau khi cống dẫn nước được phát hiện, cư dân địa phương đã nhanh chóng tìm đến bãi biển và thông báo cho chính quyền về sự việc, vì họ lo ngại cho sự an toàn của công trình trước những du khách tò mò.

Moisés Camacho, Chủ tịch Hiệp hội Điều tra Và Phổ biến Di sản của Cádiz nói với tờ El Pais trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Chúng tôi đã được thông báo về sự tồn tại của những di tích này. Thực tế mọi người đã và đang khai quật để tìm kiếm dấu vết trong khu vực. Vì vậy chúng tôi phải đến đó và cảnh báo mọi người hãy dừng những việc họ đang làm và gọi cho các quan chức thành phố”.

TAMTHUC
La Mã, cống nước, 2000 tuổi,

Tàn tích được phát hiện nhờ cơn bão trên bãi biển Cortadura, Cadíz. (Ảnh: elpais.com)

Cảnh sát nhanh chóng xuất hiện cùng một nhóm các nhà khảo cổ để bảo vệ bãi biển giờ đây đã đầy những cột trụ và gạch đá. Về phần con đường, nó được cho là cầu nối giữa thành phố Cádiz với thị trấn San Fernando gần đó trong khoảng thế kỷ 16 đến năm 1755. Khi trận động đất thảm khốc tấn công Lisbon và gây ra sóng thần trên bờ biển Cádiz, con đường này đã không còn giá trị sử dụng.

Công trình này cũng có thể được xây dựng từ một con đường xưa hơn nhiều vào thời kỳ La Mã. Một giả định khác là con đường La Mã chạy song song với con đường này và phần còn lại của nó hiện đang nằm ở đâu đó dưới biển.

Điều khiến hệ thống cống nước La Mã này trở thành một khám phá khảo cổ vô giá là hai đoạn của công trình vẫn liên kết với nhau nhờ một loại vữa có niên đại khoảng 2.000 năm. Điều này thật hiếm thấy.

Mặc dù công trình này chỉ mới được phát hiện trong thời gian gần đây, nhưng các sử gia đã nhận thức được sự tồn tại của cả con đường và cống dẫn nước từ rất lâu. Sự kiện này đã giúp ích rất lớn cho công việc định vị công trình của họ.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, cống dẫn nước này dài hơn 72 km. Nó được xem là công trình cống nước dài nhất Tây Ban Nha và lâu đời nhất trên thế giới. Cống dẫn nước này được dùng để cung cấp nước cho một khu định cư trong vùng San José del Valle ngày nay. Nguồn nước được lấy từ các con suối ở Tempul.

Đây được xem là một nỗ lực rất lớn trong công cuộc phát triển kỹ thuật xây dựng của người La Mã ở Hispania. Công trình này đã một lần nữa chứng minh sự tài hoa và khéo léo của những kiến trúc sư cổ đại. Vào thế kỷ thứ 3 TCN, nhiều cống dẫn nước ở thành phố Rome mang đến ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì sự gia tăng dân số lên trên 1 triệu người.

Những mảnh vỡ của cống dẫn nước hiện đã được trưng bày tại Plaza de Asdrúbal ở Cádiz.

Uniwriter biên dịch

TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/tinh-co-phat-hien-cong-dan-nuoc-la-ma-lau-doi-nhat-the-gioi-sau-con-bao-lon.html

Comment