No icon

lat-ma-tay-tang-vien-tich-nam-nhung-co-the-van-khong-muc-rua-minh-chung-hien-tuong-kim-cuong-bat-hoai

Lạt ma Tây Tạng viên tịch 90 năm nhưng cơ thể vẫn không mục rữa, minh chứng hiện tượng ‘kim cương bất hoại’

Lạt Ma Tây Tạng  Itigilov đã viên tịch tròn 90 năm nhưng thi thể vẫn nguyên vẹn như người còn sống.

Năm 1927, Lạt ma Dashi Dorzho Itigilov của Phật giáo Tây Tạng viên tịch. Đến nay đã tròn 90 năm, nhưng thi thể của ông vẫn còn nguyên vẹn như người sống, không có dấu hiệu phân hủy. Tin tức này đã khiến giới nghiên cứu chấn động.

Nhục thân không mục rữa làm chấn động giới nghiên cứu

Dashi Dorzho Itigilov là vị Lạt Ma Pandido Khambo đời thứ 12 của Phật giáo Tây Tạng. Ông là chuyển thế của vị Lạt Ma Pandido Khambo đời thứ 11 trước đó. Năm 1911, ông chính thức trở thành lãnh tụ Phật giáo Tây Tạng tại Buryatia (Nga).

Trong cuộc đời mình, ông đã dành hết sức lực để chấn hưng tự viện, in kinh sách và phục hưng Phật giáo tại Buryatia. Do có kiến thức chuyên sâu về y lý, ông đã biên soạn bộ bách khoa toàn thư về dược lý học, đồng thời dùng vốn y thuật tinh thông của bản thân để trị bệnh cho người dân địa phương. Trong giai đoạn từ năm 1913 – 1917, ông đã xây dựng tòa Phật viện đầu tiên tại thành phố Saint Peterburg.

Lạt Ma Itigilov lúc 75 tuổi. Ảnh: wikivisually.com

Ngày 15/6/1927, Lạt Ma Itigilov viên tịch. Cách đó không lâu, ông đã dặn dò các đồ đệ rằng sau khi ông qua đời được 30 năm thì hãy mở nắp quan tài. Vào hai năm 1955 và năm 1973, các lạt ma trong tự viện đã mở nắp quan tài của vị đại sư, và phát hiện thấy vị lạt ma vẫn trong tư thế ngồi đả tọa, đặc biệt cơ thể vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị mục rữa.

Bởi trong giai đoạn đó Cộng sản Liên Xô đang trấn áp tôn giáo, đàn áp tín ngưỡng, giết hại người dân ở khắp mọi nơi, do đó việc mở nắp quan tài và phát hiện nhục thân không bị mục nát của vị lạt ma đã được giữ bí mật, không tiết lộ ra bên ngoài.

Phải đến năm 2002, bí mật này mới được chính thức công bố cho toàn thế giới. Nhà nghiên cứu bệnh lý Yuriy Tampereyev đã tiến hành phân tích toàn diện đối với nhục thân không phân hủy này, từ đầu đến chân không thấy dấu vết bị con người tác động, không có vết cắt, vết khâu hay vết tiêm.

Ở người bình thường, thi thể sau khi tử vong sẽ trở nên cứng, xuất hiện “hồ máu tử thi”. Các chất béo trong cơ thể sau khi phân hủy sẽ sinh ra chất giống như sáp, đồng thời sẽ thối rữa và bốc mùi thi thể. Tuy nhiên, hiện tượng này không xuất hiện trên nhục nhân của Lạt ma Itigilov.

Năm 2002, nhục thân của Lạt ma Itigilov chính thức được đưa ra khỏi quan tài. Ảnh: www.kp.ru

Thi thể của vị Lạt ma được bảo quản rất hoàn hảo, nhưng lại không phải là xác ướp. Đối với xác ướp, cần phải dùng các cách thức khác nhau để hoàn toàn loại bỏ lượng nước trong cơ thể thì mới có thể đảm bảo nhục thân không bị mục rữa. Nhưng đối với thân thể của Lạt ma Itigilov, phần da vẫn giữ được trạng thái mềm mại, trái ngược với phần da khô cứng ở xác ướp.

Sau khi nhận được sự đồng ý của Phật viện, giáo sư Viktor Zvyagin – một chuyên gia từ Trung tâm Pháp y Liên Bang Nga cho biết, họ đã lấy một ít tóc, da, và móng tay của Lạt ma để mang đi xét nghiệm. Kết quả phân tích quang phổ cho thấy, cấu trúc protein của nhục thân vẫn “đang hoạt động”; đồng thời, trong quan tài đá không hề có mùi cơ thể phân hủy, cho đến tận ngày nay.

Thi thể Lạt ma Itigilov sau khi được đưa ra khỏi quan tài vào năm 2002. Ảnh: siberiantimes.com
Thi thể Lạt ma Itigilov sau khi được đưa ra khỏi quan tài vào năm 2002. Ảnh: vtimes.com.au

Có người hỏi GS Viktor Zvyagin, nếu như vậy phải chăng Lạt ma Itigilov vẫn còn sống, thì nhận được câu trả lời:

“Không, nhiệt độ cơ thể của lạt ma dưới 20 độ C, đây chắc chắn là đặc trưng của cơ thể người đã chết”. (Trích Россия,N28,14.07.2005,с.11)

GS Galina Yershova từ Đại học Nhân văn Nga cho biết, mới đầu khi nhóm nghiên cứu của ông mở nắp quan tài đá, họ đã ngửi thấy một mùi thơm thoang thoảng bay ra. Ngoài ra, các khớp của Lạt ma có thể gập cong lại, da thịt có độ đàn hồi giống như người còn sống.

Các chuyên gia nghiên cứu còn nhận thấy, da, tóc, móng tay cho đến các bộ phận khác của cơ thể Lạt ma không khác nhiều so với người còn sống. Kết cấu protein trong cơ thể không bị phá vỡ, giống hệt như người còn sống.

Thông thường, protein được thu thập nếu được bảo quản lạnh ở -80°C thì có thể giữ được nguyên vẹn trong 3 – 5 năm. Tuy nhiên, kết cấu protein trong cơ thể Lạt ma Itigilov  lại được bảo tồn nguyên vẹn đến 90 năm ngay trong điều kiện nhiệt độ bình thường.

Theo một tuyên bố chính thức, thi thể của vị Lạt Ma “giống như của người mới chết cách đây 36 tiếng đồng hồ”.

Lạt ma Itigilov, sau khi được mang ra khỏi quan tài. Ảnh: vtimes.com.au
Thi thể lạt ma Itigilov hiện được trưng bày trong tủ kính tại tự viện. Ảnh: vtimes.com.au

Ý nghĩa sự xuất hiện của nhục thân không mục rữa

Lạt ma Itigilov là một nhà sư Phật giáo Tây Tạng. Liệu con người có thể thông qua tu hành để khiến cơ thể đạt đến trạng thái không bị mục rữa? Cái mà trong Phật gia gọi là thân thể “kim cương bất hoại”? Lạt ma Itigilov rất có thể đã đạt đến trạng thái như vậy. Ông là một minh chứng rõ nét của một hiện tượng tâm linh chỉ được nghe nói đến trong kinh sách nhưng lại rất hiếm khi được bắt gặp và chiêm ngưỡng ngoài đời thực.

Trong xã hội hiện đại, khi mà rất nhiều người không còn tin vào sự tồn tại của Thần Phật, thì những hiện tượng bí ẩn tôn giáo kể trên có thể đóng vai trò như một lời nhắc nhở sâu xắc, rằng những điều tưởng như không thể đạt được thông qua các biện pháp rèn luyện cơ thể thông thường lại có thể đạt được thông qua tín ngưỡng tâm linh, hay nói cách khác là thông qua “sự tu luyện”.

Thật vậy, khi còn sống, vị Lạt ma này từng nói rằng:

“Lúc con người đều mất hết tín ngưỡng, khi đó ta sẽ hiện thân, để khiến con người phải suy nghĩ về ý nghĩa thật sự của sự sinh tồn!”

(Trích từ Еженедельник“АргументыиФакты” №20 18/05/2005)

Quý Khải

Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/lat-ma-tay-tang-vien-tich-90-nam-nhung-co-the-van-khong-muc-rua-minh-chung-hien-tuong-kim-cuong-bat-hoai.html

Comment