hay-dep-ngay-tu-tam-minh
Hãy đẹp ngay từ tâm mình
- bởi tamthuc --
- 09/02/2017
Dẫu sao, ông bà mình cũng đã dạy, “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Cho nên, hãy sửa soạn cái tâm, chăm sóc cái tâm cho thật đẹp.
Ngành thẩm mỹ học cho rằng, khi chưa có con người trên trái đất này thì chưa có cái đẹp. Lúc bấy giờ đất đá, sông nước, núi rừng, biển cả, trăng sao… đã có rồi, nhưng chưa có cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả, chưa có gì hết! Đến khi con người xuất hiện và phát triển đến chừng mực nào đó, lúc bấy giờ cái đẹp và cái xấu, cái thẩm mỹ và cái phản thẩm mỹ mới được con người xác lập.
Đẹp là một phần của sự sống mà con người hằng mong ước, là một cái gì phù hợp với sự sống của con người. Đẹp bao giờ cũng gắn liền với sự sống lý tưởng của con người, không thể có cái đẹp nằm ngoài sự sống. Tức là, nói theo ngôn ngữ Duy thức học, đối tượng nhận thức không thể tách rời chủ thể nhận thức. Cho nên, cái đẹp phải phù hợp với sự sống của chúng ta, chúng ta hằng mơ ước về nó, khát vọng về nó, nó hiện lên trong vùng lung linh của lý tưởng. Cái đẹp ấy chính là vẻ đẹp của nội tâm và ngoại giới, vẻ đẹp của thân tâm con người.
Ở đời ai cũng yêu thích cái đẹp. Cái đẹp của thiên nhiên, của tạo hóa, của con người xây dựng nên như những công trình kiến trúc độc đáo, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, hội họa… Và cái đẹp ai cũng quan tâm, để ý là vẻ đẹp của con người.
Con người, theo thẩm mỹ học, vốn là một tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất! Nhưng nghệ thuật bao giờ cũng là của sự thăng hoa, cho dù hiện thực có giản dị, có đau thương, gian khổ đi chăng nữa thì nghệ thuật phải trên nguyên tắc của sự thăng hoa, thăng hoa cả chủ thể và đối tượng. Cho nên, con người từ xưa đến nay không ngừng nỗ lực làm đẹp.
Làm đẹp là một nhu cầu của hầu hết mọi người. Người ta có thể làm đẹp bằng nhiều cách: truyền thống, dân gian, cổ điển, có cách làm đẹp hiện đại… Nói chung, có cả trăm ngàn cách làm đẹp, và có người cũng đẹp hẳn ra, nhưng cũng có người làm hoài vẫn không đẹp. Vì sao vậy? Vì cái “nguyên mẫu” nó… không đẹp. Cho nên, làm đẹp không phải là cái tội. Cái tội (nghiệp) là không thể làm cho mình đẹp ra khi mình vốn đã… xấu. Biết làm sao bây giờ? Cha mẹ sinh mình ra cũng đâu muốn mình xấu. Cha mẹ cũng không có quyền lựa chọn cho mình khuôn mặt đẹp hay xấu thì làm sao mình lựa chọn?
Có người vì “xấu” quá nên mất hết niềm tin, sống trong mặc cảm, tự ti, không dám mơ ước điều gì cao xa, cho dù trong lòng vẫn cháy bỏng tình yêu cuộc sống. Chẳng biết bày tỏ cùng ai nỗi niềm buồn tênh đó, có người tìm đến chùa để… tâm sự với Phật. Phật thương chúng sinh, chắc sẽ không nói tâm sự của mình cho người khác, nên tha hồ mà kể lể, mà khóc, giấu mặt trong đôi bàn tay bé nhỏ!
Phật thương chúng sinh, nên sẽ giúp. Phật là Đại y vương, có khả năng điều trị cả thân bệnh lẫn tâm bệnh, nên sẽ có cách dạy cho chúng sinh làm đẹp, vì Phật biết rõ, thấy rõ nguyên nhân sâu xa của cái xấu. Nếu mình muốn đẹp mà không biết vì sao mình xấu thì không tài nào làm cho đẹp được. Cho nên, Phật bắt đầu phân tích bệnh lý cho chúng sinh hiểu. Có 10 nguyên nhân (hay nghiệp nhân) khiến cho chúng sinh nhận lấy kết quả có một thân hình hay khuôn mặt xấu xí.
1. Thường hay nổi cơn thịnh nộ. Thịnh nộ là giận rất dữ dội. Khuôn mặt của người đang giận dữ thì… không đẹp chút nào hết, dù cho người đó là hoa hậu! Lúc đó dù có bao nhiêu lớp son phấn, mỹ phẩm đắt tiền… cũng không thể nào che được cái xấu. Hơn nữa, mỗi khi “nổi cơn thịnh nộ” thì sẽ “quên đi nghĩa tình”.
Nghĩa tình đã quên hết thì tha hồ mà làm khổ cho nhau. Kinh Di giáo nói: “Lòng giận tức độc hại hơn lửa dữ, thường phải đề phòng chớ cho nổi lên. Kẻ giặc cướp của công đức, chẳng ai bằng giận dữ”. Giận hờn, thịnh nộ không những tàn phá dung nhan hiện tại mà còn thấm vào trong xương, trong máu, tạo thành chủng tử cho đời sau, kiếp sau, sinh ra ở đâu, sống trong hoàn cảnh nào cũng xấu xí. Cho nên, muốn đẹp không phải là giải phẫu chỉnh hình mà cần ‘lột bỏ cơn thịnh nộ’.
2. Thường hay ấp ủ oán hận. Chính là nuôi dưỡng, chất chứa hận thù trong lòng. Có người hận cha mẹ, hận anh em, hận bạn bè, hận xã hội và hận luôn chế độ… nhưng cũng có người hận chính bản thân mình. Dù oán hận ai đi nữa thì người khổ đau nhất vẫn chính là mình. “Hận thù diệt hận thù, đời này không thể có”, kinh Pháp cú đã nói vậy. Cho nên, càng ấp ủ, càng nuôi dưỡng, càng chất chứa hận thù thì hận thù càng thêm lớn, càng thêm khổ đau cho đời này và cả đời sau, không khi nào được vui tươi, xinh đẹp.
Chỉ có “Từ bi diệt hận thù, là định luật ngàn thu”. Hận thù trút bỏ rồi thì mình thành con người mới, như người đặt gánh nặng trên vai xuống, bỗng dưng thấy mình nhẹ tênh, sung sướng vô cùng. Khi ấy tự nhiên thấy mình vui tươi, trẻ đẹp ra.
3. Dối gạt người khác. Tức là sống không thật lòng, sống hai mặt, lừa dối người. Những người như vậy, họ chỉ có cái mặt nạ, cái vỏ bọc bên ngoài, còn bên trong xấu xí, lừa dối đủ điều, lừa dối cả người thân của mình. Vì sống với cái vỏ bọc bên ngoài, cho nên có che bao nhiêu lớp cũng lòi cái xấu ra ngoài.
4. Quấy rối chúng sinh. Đó là những người ưa đặt điều thị phi, vu khống, sách nhiễu, khủng bố, chọc ghẹo, xúc phạm… người khác, loài khác; phá vỡ hạnh phúc, gia cang người ta. Người như vậy không những nhận lấy quả báo xấu xí mà còn không bao giờ nhận được sự tôn trọng của người khác, luôn bị người khác coi thường.
5. Không có ái kính đối với cha mẹ. Người biết thương yêu và kính trọng cha mẹ, mặt họ luôn rạng ngời hạnh phúc. Ngược lại, người không biết ái kính cha mẹ chắc chắn là người xấu, không thể đẹp được.
6. Không cung kính Hiền Thánh. Người nào coi thường hình tượng Phật và Bồ-tát, khinh chê người khác lễ lạy Tam bảo, vào chùa thấy Phật không lạy, thấy Tăng không chào, còn tỏ thái độ bất kính, khinh khi, coi thường thì sẽ mất hết phước báo để được xinh đẹp.
7. Xâm đoạt của cải và điền nghiệp của Hiền Thánh. Người nào trộm cắp, chiếm đoạt… tài sản và đất đai của chùa chiền, đền miếu thì bị tổn giảm phước báo nghiêm trọng.
8. Làm tắt đèn đuốc nơi tháp miếu Phật. Đây là hành vi cố tình phá hủy vật dụng thắp sáng, khiến chùa tháp bị tối tăm. Việc làm này bị quả báo mặt mày luôn tăm tối.
9. Chê bai, khinh rẻ người xấu xí. Người nào khởi tâm ngã mạn, khinh chê người xấu, người bị tật nguyền sẽ bị mắc quả báo xấu xí.
10. Tập các ác hạnh. Người nào hay làm các việc ác, tà hạnh như không giữ năm giới, tám giới… sẽ bị quả báo không thể xinh đẹp.
Đó là mười nghiệp hay mười nguyên nhân sâu xa dẫn đến quả báo xấu xí, không xinh đẹp. Hễ đã gây tạo một trong mười nghiệp trên thì không thể nào xinh đẹp được, cho dù có chỉnh sửa, cắt vá, tạo hình bằng cách nào. Cho nên, để có được thân tướng đoan chánh, nghiêm trang, xinh đẹp thì phải: không sân, không hận, không dối, không quấy, kính yêu cha mẹ, tôn trọng Hiền Thánh, không xâm hại sản nghiệp của Hiền Thánh, không làm tắt đèn đuốc nơi chùa chiền, không khinh rẻ người xấu, không tập các ác hạnh; lại còn phát tâm tô vẽ trang hoàng tượng, tháp Phật, quét dọn tháp miếu Phật, quét dọn đất già-lam, dâng hoa cúng Phật…
Trong mười cách làm đẹp ở trên, hễ làm được một cách thì đẹp được một phần, đẹp được một vẻ, hay nói cách khác là “có một vẻ đẹp riêng”. Nếu làm được cả mười thì người ấy nhất định đẹp đến… “mười phân vẹn mười”! Đức Phật nói đại ý, coi những người ‘sắc nước hương trời’, đến nỗi ‘mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da’, khiến ‘chim sa cá lặn’… ấy, phải biết là họ nhờ vào sự thực tập cái nhân lành đời trước, đó là lìa xa mười nghiệp nhân làm xấu, sống theo mười nghiệp nhân làm đẹp. Tùy theo mức độ thực tập tránh xa mười nhân làm xấu, thực hành mười nhân làm đẹp, mà trở nên đẹp người đẹp nết, hay chỉ đẹp người mà không đẹp nết.
Dẫu sao, ông bà mình cũng đã dạy, “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Cho nên, hãy sửa soạn cái tâm, chăm sóc cái tâm cho thật đẹp. Kinh Ma ý dạy rằng: “Cất trăm ngôi chùa chẳng bằng cứu sống một người. Cứu sống người khắp mười phương thiên hạ, chẳng bằng một ngày tu tâm”. Người biết tu tâm dưỡng tính thì đời này, đời sau, khi nào cũng thấy hiền lành, dễ thương, đó là nét đẹp thánh thiện vậy.
Thích Nguyên Hùng – Vườn hoa Phật giáo
TAMTHUC
Comment