No icon

-quy-tac-ung-xu-trong-chuyen-tien-bac-nhat-dinh-phai-ghi-nho-de-tranh-mao-pham-nguoi-khac

10 quy tắc ứng xử trong chuyện tiền bạc nhất định phải ghi nhớ để tránh mạo phạm người khác

Dân gian có câu: “Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì chuyện gì cũng không xong”. Từ đó có thể thấy giá trị của kim tiền đối với cuộc sống của chúng ta có tầm ảnh hưởng quan trọng đến cỡ nào…

Cũng bởi vậy mà có rất nhiều tình huống khó xử xảy ra liên quan đến vấn đề tiền bạc trong giao tiếp, cho nên chúng ta nhất định cần cẩn thận, nếu không thì sẽ dễ dàng vì vấn đề tiền bạc mà dẫn tới khó xử, không vui thậm chí là xung đột với người khác.

Trong sinh hoạt hàng ngày, có một số quy tắc ứng xử liên quan đến tiền bạc thường hay bị chúng ta bỏ qua, từ đó mà vô tình làm tổn thương hoặc xúc phạm đến người khác. Nếu mọi người có thể cùng tuân thủ những quy tắc ứng xử liên quan đến tiền bạc này thì có thể tránh được rất nhiều tranh chấp vô nghĩa cùng thái độ bất mãn, không vui. Sau đây là 10 quy tắc mong rằng mọi người cùng tham khảo và thực hiện để cuộc sống được vui vẻ nhẹ nhàng hơn.

1. Chia đều hóa đơn thanh toán

“Chúng ta cùng chia đều hóa đơn thanh toán đi!”. Đây là một đề nghị hay, nhưng khi ở trong nhà hàng hay trong quán rượu, nếu muốn chia đều hóa đơn thanh toán cùng nhau thì cần phải đảm bảo công bằng, căn cứ vào món ăn của từng người mà chia, chứ không phải là trực tiếp chia đều tổng hóa đơn cho số người. Ví như trong số đó có người không hề uống rượu nay cũng buộc họ trả số tiền cho món rượu đó thì họ sẽ cảm thấy không được thoải mái, vui vẻ cho lắm đâu.

Tự trả những gì mình dùng, chia nhau số tiền trên hóa đơn là thể hiện sự trách nhiệm của mỗi cá nhân. (Ảnh: PosApp)

2. Bình luận cách người khác tiêu tiền như thế nào

Không nên bình luận cách thức hay mục đích tiêu tiền của người khác, thảo luận việc người khác tiêu tiền như thế nào là không lịch sự đồng thời cũng là điều vô nghĩa, có rất nhiều người có tình hình tài chính khác nhau mà bạn không hề biết, cho nên không nên ở sau lưng mà phê bình cách tiêu tiền của người khác, đó là tiền của họ và lựa chọn của họ thì nên hoàn toàn mặc kệ chuyện của người ta.

3. Gặp bạn thân yêu cầu giảm giá

Khi có bạn thân là nhiếp ảnh gia hoặc nhà thiết kế, đối với những người này không nên đề xuất vấn đề giảm, giá trừ phi đối phương tự nguyện đề xuất. Nếu không, khi bạn mở lời yêu cầu giảm giá thì sẽ dẫn đến tổn thương tình cảm bạn bè, cũng sẽ làm cho đối phương cảm thấy bạn không tôn trọng chuyên môn của họ.

4. Gom tiền cho mục đích chung

Nếu bạn muốn gom tiền của mọi người để thực hiện một việc nào đó như là: “Chúng ta mỗi người góp 15 đô-la để mua quà tặng sinh nhật đồng nghiệp đi”, thì tốt nhất phải xác định số tiền yêu cầu mỗi người góp vào là tất cả mọi người có khả năng chấp nhận được. Tuy rằng người nhận được quà có thể rất vui vẻ, nhưng người góp tiền chưa hẳn có cùng cảm giác như vậy.

5. Tự ý giúp người khác vấn đề tiền nong

Khi biết tin người thân hay bạn bè gặp khó khăn trong vấn đề tài chính thì bạn liền tự ý giúp đỡ họ. Mặc dù bạn tự nguyện trợ giúp nhưng cũng phải cân nhắc xem đối phương có đồng ý bạn giúp hay không, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tiền bạc. Có đôi khi vấn đề tiền bạc trở nên rất nhạy cảm, cho nên trong những trường hợp đó không nên tùy tiện can dự vào thì tốt hơn.

Lúc đi cùng bạn, hãy để cho không khí thật thoải mái tranh những câu hỏi về tiền bạc. (Ảnh: Solutionvn.net)

6. Không nên cùng bạn bè, thân nhân than phiền về tình trạng tài chính của mình

Mỗi người đều có một khả năng tài chính khác nhau, cũng như nhu cầu về tài chính là khác nhau. Có một số người thường hay than phiền với bạn bè rằng bản thân mình không thể mua nổi nhà cao xe sang như thế nào, mà có nhiều khi không để ý hoàn cảnh của người bạn kia có thể ngay cả xe cũng mua không nổi, nếu như vậy người bạn kia nghe lời than phiền của bạn thì sẽ có tâm trạng như thế nào đây?

7. Quan tâm tình trạng kinh tế của bạn bè khi rủ bạn bè đi ăn bên ngoài

Khi rủ bạn bè đi ăn bên ngoài hay đi nhà hàng thì nên tìm hiểu xem tình trạng kinh tế của anh ta thế nào. Nếu biết người bạn kia có kinh tế không được dư giả hoặc người bạn kia đang để dành tiền đi du lịch hay cho việc nào đó, thì cũng không nên đề nghị đến những nhà hàng sang trọng đắt tiền. Tốt nhất là hỏi ý kiến họ xem họ muốn đi đâu dùng cơm, làm như vậy sẽ giảm được sự ngại ngùng và giảm đi việc người kia tìm lý do từ chối.

8. Chớ suy đoán tiền lương của người khác

Có một số người có thể sẽ không hỏi trực tiếp số tiền lương của bạn kiếm được, mà họ sẽ gián tiếp hỏi này hỏi nọ, ví như: “Giá nhà mà bạn thuê có cao không?” hay “Đôi giày của bạn chắc rất đắt đi?” Khi bị hỏi những vấn đề kiểu này đều khiến người ta có chút lúng túng. Nếu bạn thật sự muốn biết giá cả của nó thì hãy lên mạng mà tra đi, sẽ biết ngay mà.

Nếu bạn là người cầm xướng trong các buổi tiệc, hãy nghĩ cho bạn bè của bạn trước, như thế buổi gặp mặt nào cũng sẽ mang lại niềm vui cho tất cả mọi người. (Ảnh: Toplist.vn)

9. Tuân thủ lời hứa của mình khi mượn tiền người khác

Nếu bạn đi mượn tiền của người khác thì nên ghi nhớ chớ có quên, đồng thời không được kéo dài thời hạn trả. Nếu bạn đã hứa với người cho mượn thời gian trả thì yêu cầu bạn phải tuân thủ lời hứa hẹn, nếu không cũng đừng hứa hẹn viển vông cho có.

10. Biết từ chối và nói từ “không”

Bạn không nên cảm thấy ngại ngùng hay cảm giác không phải khi phải từ chối người khác hỏi mượn tiền. Nếu bạn thật sự không tiện cho mượn, hoặc cảm thấy đối phương có vấn đề uy tín thì bạn có thể dũng cảm nói từ “không”, nếu không thì có thể bạn đã tự mua phiền phức vào cho cuộc sống của bạn.

Tiền bạc là một vấn đề rất tế nhị, rất dễ dàng khiến cho người khác khó xử, bởi vậy đối với những tình huống cư xử liên quan đến tiền nong trong giao tiếp hàng ngày thì nhất định phải chú ý và cẩn thận, nếu không sẽ vô tình làm cho mối quan hệ giữa bạn và mọi người lâm vào tình trạng ngượng ngùng, khó xử.

Minh Phúc

 

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/10-quy-tac-ung-xu-trong-chuyen-tien-bac-nhat-dinh-phai-ghi-nho-de-tranh-mao-pham-nguoi-khac..html

Comment