No icon

chung-cu-ve-thien-duong-p-y-thuc-ton-tai-doc-lap-voi-co-the

‘Chứng cứ về thiên đường’ – P2: Ý thức tồn tại độc lập với cơ thể

Hàng ngàn người trên thế giới đã kể lại trải nghiệm cận tử khi họ ở trong trạng thái hôn mê sâu, nhưng trường hợp của Eben Alexander trong quyển sách “Chứng cứ về thiên đường” lại đáng chú ý bởi lẽ: ông là bác sĩ phẫu thuật não có uy tín, người có chuyên môn và am hiểu y học cao-hơn-trung-bình để phân biệt đâu là ảo giác, đâu là trải nghiệm ý thức phi thường nơi địa giới tinh thần.

Tiếp theo Phần 1

Phần 2: Lời giải thích hợp lý duy nhất: ý thức tồn tại độc lập với cơ thể

(ảnh: Internet)

Trải nghiệm cận tử (như đã trình bày chi tiết trong phần 1) đã truyền cho bác sĩ Eben Alexander “cảm hứng để giúp cho thế giời này trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.” Cùng với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, Eben đã viết Chứng cứ về thiên đường, và nó nhanh chóng trở thành cuốn sách về trải nghiệm cận tử bán chạy nhất, theo danh sách của báo New York Times.

Không chỉ đơn thuần kể về trải nghiệm cận tử của mình, Eben còn mong muốn sử dụng kiến thức khoa học hiện đại để giải thích phần nào cho một trong những vấn đề hóc búa nhất mà khoa học chưa giải thích được: ý thức.

Khiếm khuyết của các giả thuyết y khoa

Là bác sĩ giải phẫu não, Eben có thể đưa ra một nhiều giả thuyết y khoa để giải thích cho trải nghiệm cận tử của mình, bao gồm:

  • Một chương trình do vùng não sơ khai (não bò sát) phát triển hòng xoa dịu cơn đau đớn và khổ sở tột cùng;
  • Sự hồi tưởng bị bóp méo về những ký ức từ những phần sâu hơn của hệ Limbic (hệ Viền) – phần não tạo ra nhận thức cảm xúc của con người;
  • Sự xâm nhập từ giấc ngủ REM;
  • Liên quan đến chất truyền dẫn thần kinh gây ảo giác mạnh DMT (N,N-dimethyltryptamine);
  • Hiện tượng khởi động lại của vỏ não dưới dạng tập hợp lại các ký ức và suy nghĩ rời rạc còn sót lại…  

Tuy nhiên, tất cả các giả thuyết trên đều không thể giải thích được nguyên nhân về trải nghiệm cận tử của Eben – những trải nghiệm hết sức sâu sắc, ở mức độ hết sức tinh vi của thính giác và thị giác với những hình ảnh rõ ràng, đầy tính logic – trong khi vỏ não của ông đã được các bác sĩ xác nhận là hoàn toàn không hoạt động trong suốt 7 ngày hôn mê.

Giải thích hợp lý duy nhất: ý thức tồn tại độc lập với cơ thể

Bác sĩ Eben Alexander và tựa sách “Chứng cứ về thiên đường” phiên bản tiếng Anh (ảnh: thespirituniversity.com)

Trước khi rơi vào hôn mê, Eben Alexander là một bác sĩ thuần túy trong thế giới khoa học và đã dành trọn sự nghiệp làm việc tại một số viện nghiên cứu uy tín nhất trên thế giới, cố gắng tìm hiểu mối liên quan giữa bộ não con người và ý thức.

Điều đó giúp ông hiểu hơn hầu hết mọi người rằng về mặt logic, việc ý thức có thể tồn tại độc lập với cơ thể là hoàn toàn bất khả thi. Eben cũng đã từng tin rằng ý thức chỉ là sản phẩm phụ của vật chất, nó không đóng vai trò quan trọng trong các quá trình vật chất.

Nhưng khi rời bỏ cơ thể vật chất của mình, Eben đã trải nghiệm trực tiếp trải nghiệm những sự thật này. Ông tự tin nói rằng: khi còn ở “Cổng vào” và “Cốt lõi” thì thật ra ông cũng đang “làm nghiên cứu khoa học”, dù lúc đó ông không hay biết gì về thuật ngữ này. “Thứ khoa học dựa trên công cụ chân thật nhất và tinh tế nhất của mọi công trình nghiên cứu khoa học mà chúng ta sở hữu: Chính là bản thân ý thức”.

“Ý thức không chỉ tồn tại độc lập với cơ thể mà còn là thứ cơ bản nhất của mọi thứ.”

“Việc theo đuổi thực tại cốt lõi của vũ trụ là bất khả thi nếu không dùng đến ý thức. Ý thức không hề là một thứ sản phẩm phụ và không quan trọng của các quá trình vật chất, nó không chỉ rất thật – thật ra nó còn thật hơn toàn bộ sự tồn tại vật chất còn lại, và rất có thể là thứ cơ bản nhất của mọi thứ.”

Eben tin rằng sự thống trị của các phương pháp khoa học chỉ đơn thuần dựa trên thế giới vật chất trong suốt hơn 400 năm qua đã tạo ra một vấn đề rất lớn: chúng ta đã mất liên lạc với vùng đất bí ẩn sâu sắc nằm ở trung tâm của sự tồn tại – ý thức của chúng ta.

Mỗi người trong chúng ta đều quen thuộc với ý thức hơn bất kỳ điều gì khác, thế nhưng chúng ta hiểu về những phần còn lại của vũ trụ nhiều hơn rất nhiều những gì chúng ta hiểu về cơ chế hoạt động của ý thức. Ý thức quá gần gũi với chúng ta đến nỗi gần như nó mãi mãi vượt quá khả năng lĩnh hội của chúng ta.

Thật ra manh mối lớn nhất dẫn ta đến với thế giới tâm linh chính là thứ bí ẩn sâu sắc này – sự tồn tại của ý thức của chúng ta. Đây là một bí ẩn hoàn toàn vượt khỏi khả năng giải quyết của các nhà vật lý học hay các nhà khoa học thần kinh, và chính sự thất bại của họ đã che mờ mối quan hệ mật thiết giữa ý thức và cơ học lượng tử – và cùng với nó là mối quan hệ giữa ý thức và thực tại vật chất.

>> Nghiên cứu hàng ngàn trải nghiệm cận tử: Tinh thần con người độc lập với bộ não

Vai trò của ý thức trong thực tại và trong vũ trụ

Eben cho rằng, để thực sự nghiên cứu vũ trụ ở một mức độ sâu sắc, chúng ta buộc phải thừa nhận vai trò nền tảng của ý thức trong việc tạo nên bức tranh thực tại. Các nhà khoa học lượng tử như Werner Heisenberg, Wolfang Pauli, Neils Bohr, Erwin Schrödinger, Sir James Jeans đã xác nhận rằng việc lý giải thực tế mà không thông qua ý thức là bất khả thi.

“Khi ở thế giới bên trên kia, tôi đã khám phá ra rằng vũ trụ này vô cùng phức tạp và bao la, vượt quá khả năng miêu tả của mọi ngôn từ, và rằng ý thức chính là nền tảng của mọi thứ đang tồn tại. Tôi đã hoàn toàn kết nối với nó đến nỗi đa phần là không hề tồn tại sự phân biệt thực sự nào giữa “tôi” và cái thế giới nơi tôi đang ở.”

Khi ở thế giới bên trên kia, Eben đã “trải nghiệm được vai trò cơ bản của ý thức hay linh hồn, một cách tức thì đến choáng ngợp”. Điều thứ hai Eben trải nghiệm được là: “chúng ta – mỗi chúng ta – đều kết nối một cách sâu đậm và không thể tách rời với vũ trụ rộng lớn hơn. Đó mới chính là ngôi nhà thật sự của chúng ta, và suy nghĩ rằng thế giới vật chất này là tất cả những gì quan trọng chẳng khác nào tự nhốt mình vào một cái tủ nhỏ rồi tưởng tượng rằng chẳng còn gì khác ở bên ngoài kia nữa”.

Điều thứ ba Eben trải nghiệm được là: Sức mạnh chủ chốt của niềm tin trong việc tạo điều kiện cho “tâm trí chiến thắng vật chất”, điều này được thể hiện rõ ở hiệu ứng giả dược trong điều trị y học.

Tín ngưỡng và thiền định là cách thay đổi vũ trụ quan của con người

Trở về sau trải nghiệm cận tử, Eben phát hiện ra rằng cái vũ trụ bao la vĩ đại gấp nhiều này lần này chẳng xa xôi chút nào. Nó ở ngay tại đây, ngay bây giờ, nhưng chúng ta không nhận thức được nó bởi phần lớn con người đều bị tách biệt khỏi các tần số nơi mà nó biểu hiện.

Chúng ta sống trong các chiều không gian và thời gian thân thuộc, thu hẹp trong những giới hạn đặc thù của các giác quan và trong nhận thức thay đổi theo góc nhìn, trong phạm vi từ hạ nguyên tử cho đến toàn thể vũ trụ. Những chiều không gian này tự có rất nhiều thứ diễn ra ở bên trong, nhưng đồng thời chúng cũng đóng cánh cửa dẫn đến các chiều không gian khác cũng đang tồn tại song song với chúng ta.

“Chúng ta không phải là những tù nhân trong thế giới này, mà chỉ là những nhà du hành đang đi ngang qua thế giới này mà thôi.”

Sau khi trở lại, Eben đã hoàn toàn tin vào sự tồn tại của thế giới tâm linh, tin vào Thượng Đế, vào Đấng Linh Thiêng. Thậm chí ông khẳng định mình đã tiếp xúc với Thượng Đế ở thế giới trên kia.  

Eben tin rằng con người không cần phải đợi đến lúc sắp chết để nhìn thấy thiên đường. Ngoài việc học hỏi từ sách vở và diễn thuyết của những người đã trải nghiệm cận tử, thì việc cầu nguyện hay thiền định sâu sẽ giúp con người giác ngộ được chân lý về vũ trụ và vai trò của ý thức.

“Từ lâu ta đã thấy rằng những câu hỏi liên quan đến linh hồn, kiếp sau, sự đầu thai, Chúa, và thiên đường là những câu hỏi khó có thể nào được trả lời thông qua các phương tiện khoa học thông thường – các phương tiện vốn đã luôn hàm ý rằng chúng có lẽ là không tồn tại”.

Eben cho rằng thực hành tín ngưỡng và thiền định chính là các phương pháp giúp con người giải phóng ý thức ra ngoài thân thể của họ. Khi ý thức của con người rời khỏi thân thể, họ có thể giao tiếp với Thượng Đế – một trải nghiệm phi thường nhất mà con người có thể tưởng tượng được – nhưng cũng là một điều tự nhiên nhất. Bởi Thượng Đế hiện diện trong mỗi con người mọi lúc, toàn trí, toàn năng, gần gũi và yêu thương chúng ta vô điều kiện.

Theo “Chứng cứ về thiên đường” – dịch và phát hành bởi nhà sách Nhã Nam
Thiện Tâm

Nguồn:https://trithucvn.net/khoa-hoc/chung-cu-ve-thien-duong-p2-y-thuc-ton-tai-doc-lap-voi-co-the.html

Comment