No icon

vi-sao-tong-khu-mui-toi-trong-mieng-kho-den-vay

Vì sao tống khứ mùi tỏi trong miệng khó đến vậy?

Khi bạn nhai tỏi nghiền, bốn hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi có thể bám vào trong miệng, tạo ra một hơi thở nồng nặc mùi tỏi dài lâu.

(ảnh: Shutterstock)
(ảnh: Shutterstock)

Nếu người đối diện đã dùng một ăn món nhiều tỏi, bạn vẫn có thể phát hiện ra sau cả ngày trời, thậm chí khi anh ta quả quyết rằng đã đánh răng – đến tận hai lần!

Đó là vì tỏi nghiền hay giã (trong các món ăn có tỏi thông thường) sẽ giải phóng bốn hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi và đặc biệt nhạy cảm với khứu giác.

Thủ phạm đáng gờm nhất là Allyl methyl sulfide (AMS), vì cơ thể hấp thụ (chuyển hóa) chất này chậm hơn các chất khác, nên nó được lưu giữ lượng lớn trong cơ thể trong khoảng thời gian lâu dài hơn. Sau khi ăn tỏi, các hợp chất mạnh mẽ này được hấp thu vào máu, sau đó bay hơi khi đi qua hai lá phổi. Kết quả: hơi thở có mùi hôi.

Các bác sĩ đã ghi nhận hiện tượng này lần đầu vào năm 1936. Một bệnh nhân được cung cấp súp tỏi qua ống thông dạ dày, nhưng hơi thở vẫn đậm mùi tỏi nhiều giờ sau đó, ngay cả khi thức ăn chưa bao giờ tiếp xúc với phần miệng.

“24 tiếng sau khi tiêu thụ tỏi, bạn vẫn có thể ngửi thấy mùi đó”, Sheryl Barringer, giáo sư ngành khoa học thực phẩm từ Đại học Ohio State, cho biết.

Thậm chí bạn có thể toát mồ hôi “hương tỏi” khi các hợp chất dễ bay hơi kể trên được bài tiết qua lỗ chân lông. (Điều tương tự có thể xảy ra với các loại gia vị mạnh và các loài thực vật thuộc chi hành như hành tây, hành lá, hẹ tây, … dễ bay hơi và được hấp thụ chậm).

>> Chăm chỉ đánh răng mỗi ngày, vì sao hơi thở vẫn không thơm tho?

Để giảm thiểu cường độ và khoảng thời gian phát huy tác dụng của các hợp chất này, hãy ăn táo hay ngậm kẹo bạc hà (hoặc lá bạc hà sống) sau một bữa ăn đậm chất tỏi, GS Barringer đề xuất. Hợp chất polyphenol ở trong hai thứ này có tác dụng trung hòa các chất dễ bay hơi có trong tỏi. Ăn rau ngò tây hay uống sữa, đặc biệt trong bữa ăn, sẽ giúp chế ngự hơi thở có mùi tỏi, tương tự trà xanh và nước chanh.

Có một cách khác để giảm bớt mùi tỏi trước khi ăn, đó là ngâm tỏi đã bóc vỏ vào sữa chua khoảng 10-20 phút, tỏi có thể mất tới 80% tác dụng gây mùi hôi sau khi ăn.

Ngoài ra, việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa cũng quan trọng không kém. “Nếu vẫn có các hạt phần tử nhỏ sót lại trên răng, hơi thở của bạn sẽ vẫn còn mùi tỏi”, GS Barringer nói.

Việt Anh (theo Popular Science)

Nguồn:https://trithucvn.net/suc-khoe/vi-sao-tong-khu-mui-toi-trong-mieng-kho-den-vay.html

Comment