phan-ha-noi-o-nhiem-khong-khi-o-muc-bao-dong-ban-co-the-lam-gi
Phần 7: Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động: Bạn có thể làm gì?
- bởi tamthuc --
- 18/12/2016
Ngày 11/12/2016 vừa qua, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016 (Vietnam Business Forum 2016), nhiều doanh nghiệp đã công bố sẽ rút vốn đầu tư khỏi Việt Nam vì môi trường sống không còn đàm bảo do ô nhiễm không khí và môi trường nghiêm trọng.
- Chuyên đề: Việt Nam đánh mất cơ hội ‘dân số vàng’ có một không hai như thế nào?
- Xem phần 6, phần 8, phần 9, phần 10
Tại diễn đàn, ông Kenneth Atkison – Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam cho rằng các chỉ số ô nhiễm môi trường ở Việt Nam tăng cao khiến cho các doanh nhân không dám đưa gia đình đến Việt Nam sinh sống, ảnh hưởng đến việc đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam. Trong khi đó, ông Dominic Scriven – trưởng nhóm thị trường vốn của diễn đàn, chủ tịch công ty Dragon Capital cho biết, nhà đầu tư lớn nhất của Dragon Capital đã thông báo quyết định rút ra khỏi thị trường Việt Nam vì lý do Việt Nam thiếu vắng những chính sách và hành động thuyết phục trong việc bảo vệ môi trường.
Trong những tháng vừa qua, ngoài sự cố môi trường liên quan đến Formosa tại Hà Tĩnh và sự kiện cá chết hàng loạt tại rất nhiều các địa phương trên cả nước, các trang tin tức và mạng xã hội cũng đồng loạt lên tiếng cảnh báo về một hiểm họa môi trường đang trực tiếp đe dọa cuộc sống của người dân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các địa phương: ô nhiễm bụi mịn PM2,5, một dạng của ô nhiễm phân tử.
>> Nhà đầu tư nước ngoài lặng lẽ rút gần 6600 tỷ đồng khỏi thị trường chứng khoán năm 2016
Ô nhiễm phân tử và bụi mịn PM2,5: Tử thần thầm lặng
Embed from Getty ImagesTAMTHUC
Ô nhiễm phân tử hay còn được gọi là ô nhiễm dạng hạt (Particle Pollution) gây ra bởi các hạt bụi nhỏ li ti có kích thước micromet trôi nổi trong không khí.
Các hạt bụi thô PM10 có đường kính từ 2,5-10 micromet, thường được tạo ra bởi các máy nghiền, máy xay hoặc là các đám bụi bốc lên bởi các phương tiện giao thông trên đường. Các hạt bụi mịn PM2,5 là các hạt bụi có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, chỉ có thể được nhìn thấy bằng kính hiển vi điện tử.
Các bụi mịn được tạo ra bởi sự cháy như động cơ cơ giới, nhà máy điện, đốt gỗ dân dụng, cháy rừng, đốt ruộng nương trong nông nghiệp và một số quy trình công nghiệp. 1 micromét bằng 1/1000 mm, vậy một hạt bụi PM2,5 sẽ có kích thước nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những hạt bụi có đường kính bé hơn 10 micromet là những hạt có thể bị con người hít vào khi thở, chúng sẽ tích tụ trong phổi, gây nguy hại cho sức khỏe con người. Những hạt có đường kính bé hơn 2,5 micromet là đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng có thể đi sâu vào đường hô hấp và tới phổi.
Phơi nhiễm với bụi mịn có thể gây những tác động sức khỏe tức thời như kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, chảy nước mũi và khó thở. Phơi nhiễm với bụi mịn cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của phổi và làm nặng thêm những tình trạng bệnh như hen và bệnh tim.
Nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa tăng tiếp xúc hàng ngày với bụi PM2,5 với tăng số trường hợp nhập viện do bệnh hô hấp và tim mạch, tăng số lượt khám cấp cứu và tử vong. Phơi nhiễm lâu dài với bụi mịn cũng có liên quan với tăng tỷ lệ viêm phế quản mãn tính, suy giảm chức năng phổi và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim. Những người có bệnh hô hấp và bệnh tim, trẻ em và người cao tuổi đặc biệt nhạy cảm với bụi PM2,5.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện thế nào?
Để đánh giá mức độ ô nhiễm phân tử do bụi mịn PM2,5 tạo ra, các nhà khoa học dùng chỉ số chất lượng không khí – AQI ( Air Quality Index: số hạt bụi PM2,5 có trong một mét khối không khí) ví dụ AQI bằng 10 thì có 10 hạt bụi PM2,5 trong một mét khối không khí. Chất lượng của không khí được đánh giá theo chỉ số AQI như sau:
Trong mấy năm gần đây, không khí ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội ngày càng ô nhiễm. Ứng dụng Airvisual và trang web đánh giá chỉ số chất lượng không khí aqicn.org thường xuyên chỉ thị mức ô nhiễm PM2,5 là trên 150 ở Hà Nội, đây là mức ô nhiễm không tốt cho sức khỏe của tất cả mọi người.
Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2013 về không khí, Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí hơn hẳn TP.HCM dù thành phố thủ đô có dân số và lượng phương tiện cơ giới ít hơn.
Trong năm 2016, theo ứng dụng aqicn.org, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội hiện đều cao hơn nhiều so với TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang – các địa điểm khác được đặt cảm biến đo chất lượng không khí. Ngoài ra, aqicn.org cũng chỉ ra rằng có rất nhiều thời điểm, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức rất nguy nhiểm với chỉ số PM2.5 lên đến trên 250 hoặc trên 300.
Theo kết quả nghiên cứu của Cục Y tế – Bộ GTVT, tỷ lệ người bị mắc đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn TPHCM. Theo ước tính, số tiền người dân Hà Nội phải chi để chữa các bệnh liên quan đường hô hấp, thiệt hại do bệnh đường hô hấp gây ra là gấp đôi so với người dân sống ở TP.HCM.
Theo các chuyên gia về môi trường, có bốn nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi là: sự gia tăng các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Dù các nhà máy này cách xa Hà Nội song bụi mịn PM2,5 có khả năng phát tán rất xa. Trong 4 nguyên nhân này thì giao thông đang là thủ phạm chính. Thêm nữa các tòa nhà, công trường xây dựng mọc ngay trung tâm thành phố càng làm cho không khí ô nhiễm hơn.
>> 5 cây trồng trong nhà giúp loại bỏ không khí ô nhiễm
Bạn nên làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình trước ô nhiễm không khí?
Có thể khẳng định rằng trong thời gian sắp tới, tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2,5 tại Hà Nội sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, trước khi chờ đợi các cơ quan chức năng có biện pháp giảm thiểu tình trạng này, người dân chúng ta cần phải có biện pháp tự bảo vệ mình.
Nắm vững thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí mỗi ngày
Hiện nay, người dân Hà Nội có thể vào trang web aqicn.org để theo dõi trực tiếp chất lượng không khí tại một số điểm tại Hà Nội. Người sử dụng điện thoại di động cũng có thể tải ứng dụng Airvisual cho thiết bị iOS và Android.
Áp dụng các phương pháp tự bảo vệ
- Không nên ra ngoài khi tình hình ô nhiễm không khí đang ở mức cao. Việc ở ngoài trời vào những thời điểm này có thể làm tăng nguy cơ bệnh phổi, đau tim, bệnh hen và các vấn đề sức khỏe khác.
- Nếu điều kiện cho phép, hãy lắp thiết bị lọc không khí trong nhà để ngăn không khí ô nhiễm. Hãy sử dụng các thiết bị lọc có chỉ số MERV từ 9 trở lên (MERV – Minimum Efficiency Reporting Value – thông số hiệu quả làm việc của lưới lọc, chỉ số MERV xếp loại từ 1 tới 12, chỉ số có giá trị càng cao thì hiệu quả lọc càng tốt). Thay lưới lọc 3-6 tháng một lần theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Thường xuyên đóng kín cửa nhà để tránh bụi. Lấy gió trong khi sử dụng điều hòa trong nhà và trên ô tô.
- Khi đi xe máy ra ngoài đường, hãy sử dụng khẩu trang có thể chống được bụi mịn hoặc hãy dùng khẩu trang N95 chuyên dùng trong ngành y tế để giảm thiểu bụi PM2,5 xâm nhập vào đường hô hấp của bạn.
- Hãy tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối. Không khí ô nhiễm thường đạt mức cao nhất trong ánh nắng mặt trời, vì thế tập gym trong nhà vào những ngày trời nóng sẽ giúp tránh phơi nhiễm.
- Nên đổ xăng vào buổi chiều tối. Ánh nắng cũng góp phần làm tăng phát thải khí xăng vào ban ngày.
- Tránh đi bộ hoặc đi xe đạp trên những con đường có mật độ giao thông đông đúc.
>> Top 10 loại thực phẩm giúp cơ thể chống lại tế bào ung thư
Điều chỉnh ăn uống và sinh hoạt phù hợp
Thay đổi chế độ ăn để giúp phổi chống chọi với tác động của ô nhiễm không khí. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thực phẩm giàu vitamin có thể giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn. Những thay đổi này trong chế độ ăn không làm tăng nguy cơ các bệnh khác, mà chúng còn bảo vệ chống lại ung thư.
- Tăng cường những thực phẩm giàu vitamin A và beta-caroten. Những chất dinh dưỡng này giúp hình thành và duy trì lớp niêm mạc ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, giúp chúng đề kháng tốt hơn với nhiễm trùng. Những nguồn tốt là margarine, bơ, khoai lang, cà rốt và gan động vật.
- Ăn những thực phẩm giàu vitamin C. Vitamin này giúp hình thành mô liên kết và vững bền thành mạch, giúp cơ thể chữa lành nhanh hơn. Các nguồn vitamin C dễ tìm: cam, dâu tây, xoài, súp lơ xanh và đu đủ.
- Chú trọng vitamin E trong chế độ ăn. Chất này có tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương tế bào, tăng cung cấp ôxi cho tế bào, nhờ đó tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin E có trong các loại rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám, lòng đỏ trứng, bơ và dầu thực vật.
- Tăng cường lượng selen trong chế độ ăn. Selen bảo vệ gan và phổi chống lại tổn thương do gốc tự do có thể dẫn đến ung thư. Hãy ăn trứng, hành, tỏi, ngũ cốc nguyên cám và cá.
>> Như thế nào là bảo dưỡng tinh, khí, thần? Tu luyện là cách dưỡng sinh tốt nhất
Tích cực tham gia bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường không khí
- Không hút thuốc lá hoặc tới những nơi có đông người hút thuốc hoặc đốt lửa trại. Khói thuốc lá là một nguồn gây ô nhiễm PM2,5.
- Thay thế việc đun nấu bếp củi, bếp than, bếp ga bằng bếp từ. Chất lượng không khí trong nhà sẽ được cải thiện và giảm thải khói bụi ra ngoài trời.
- Thay các loại máy chạy xăng bằng loại chạy điện hoặc chạy pin. Chúng sẽ ít tạo ra khỏi bụi hơn và an toàn hơn cho phổi.
- Ủ rác để tiêu hủy thay vì đốt rác.
- Tích cực tham gia tuyên truyền và nâng cao ý thức của cộng đồng về ô nhiễm bụi PM2,5
Thiện Tâm (T/h)
Comment