cu-sen-la-cua-bau-dung-sinh-tu-co-xua
Củ sen là của báu dưỡng sinh từ cổ xưa
- bởi tamthuc --
- 22/12/2017
Củ sen không chỉ là một món ăn ngon, dân dã với người Việt Nam mà còn là một vị thuốc giúp chữa khá nhiều bệnh. Từ vào thu đến cuối năm là mùa sinh trưởng của củ sen. Mùa hè củ sen ăn hơi giòn, còn ăn củ sen mùa thu cảm giác hơi xốp, mềm.
Củ sen không chỉ ngon mà còn có giá trị chữa bệnh rất cao, toàn cây sen từ rễ, lá, hoa quả đều là của báu, có thể làm thuốc tẩm bổ. Các phần khác nhau thì có công dụng khác nhau. Trong «Cương mục bản thảo», nhà dược học nổi tiếng Lý Thời Trân (Li Shizhen, 1518 – 1593) đánh giá: “dùng sen làm thuốc, có thể hóa giải trăm bệnh.”
Có nhiều cách thưởng thức sen, ngoài ăn sống, ép nước hoặc nấu canh, có thể thái lát cho thêm nước mơ hoặc dầu giấm làm rau trộn, làm món khai vị, hoặc cho vào gạo nấu cơm, hoặc hầm với thịt, cũng có thể nấu cháo gạo nếp…
Dùng bột củ sen có thể hỗ trợ tiêu hóa, giải nhiệt và kích thích ăn ngon miệng, tẩm bổ, phòng ngừa chảy máu trong, là thức ăn tẩm bổ rất tốt cho những người cơ thể yếu, đặc biệt là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ.
Củ sen là của báu dưỡng sinh từ cổ xưa
Trong một cuốn sách dạy nấu ăn vào triều đại nhà Thanh có ghi: “Củ sen già nghiền bột là của báu tẩm bổ cho phụ nữ sau khi sinh, người bệnh, người già yếu, lao động mệt nhọc.”
Theo Đông y, củ sen dùng sống và chín có tác dụng khác nhau. Dùng sống vị tính ngọt, lạnh, giúp thanh nhiệt sinh ẩm, phù hợp cho người miệng khô, hỏa khí vượng; củ sen nấu chín thì tính hàn chuyển thành ôn, giúp kiện tì dưỡng vị, bổ khí bổ máu, phù hợp cho người suy nhược đường tiêu hóa, tiêu hóa không tốt.
Theo quan điểm của dinh dưỡng học hiện đại, chất dinh dưỡng chính của củ sen gồm: vitamin B, vitamin C, catechol, kali, sắt, chất xơ, axit tannic, có công dụng chống oxy hóa, thúc đẩy tiêu hóa, bổ máu, cầm máu.
Công hiệu của củ sen
1. Thanh nhiệt mát máu
Dùng củ sen sống có tính hàn, tác dụng thanh nhiệt mát máu, có thể điều trị bệnh tính nhiệt nóng; củ sen vị ngọt nhiều ẩm, có công dụng trị bệnh sốt cao khô miệng, chảy máu cam, khạc ra máu.
2. Thông tiện ngăn tả, kiện tì khai vị
Củ sen có chất nhầy chứa protein và chất xơ, có tác dụng đào thải độc tố gan, cholesterol và triglyceride trong đồ ăn, do đó làm giảm lượng hấp thụ chất béo. Củ sen có hương thơm độc đáo, cũng chứa tannin giúp kiện tì ngăn tả, có thể kích thích thèm ăn, tăng cường tiêu hóa, có ích cho dạ dày, phục hồi sức khỏe.
3. Ích máu tạo cơ
Giá trị dinh dưỡng của củ sen rất cao, giàu chất sắt, canxi, nguyên tố vi lượng, protein thực vật, vitamin và hàm lượng tinh bột của củ sen cũng rất phong phú, có công dụng bổ khí huyết rõ ràng, tăng cường vai trò hệ thống miễn dịch. Do đó, Đông y gọi nó là: “Bổ tạng, dưỡng thần, ích khí lực”.
4. Cầm máu
Củ sen chứa nhiều acid tannic, có công dụng làm co mạch máu, có thể dùng để cầm máu. Củ sen còn giúp làm mát máu, thông máu, Trung y gọi là cầm máu mà không làm đọng máu, là đồ ăn lý tưởng cho người bệnh sốt cao.
Chọn mua củ sen
Một nhìn: Khi mua củ sen, nên chọn ngó to mập, lỗ lớn, bề ngoài không vết thương tích, không lựa màu quá trắng, vì có thể đã được tẩy trắng.
Hai mùi: Củ sen bình thường có mùi thơm tươi mát, củ sen bị tẩy trắng sẽ có mùi thuốc tẩy.
Ba chạm: Củ sen bình thường bề mặt thô nhám như cát, còn ngó bị tẩy trắng thường mịn nhẵn và ẩm ướt.
Cách bảo quản
Cứ bọc củ sen còn nguyên bùn bẩn vào trong túi, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh, có thể giữ được khoảng một tuần; nếu ngó đã được rửa sạch bùn thì khó giữ được lâu, tốt nhất dùng ngay trong ngày.
Phương pháp làm sạch
Cắt đôi củ sen và ngâm trong nước lạnh một lúc, sau đó dùng nước máy xả vào trong lỗ củ sen làm sạch bùn đất. Phần nào không rửa sạch được có thể dùng đũa quấn vải xô hoặc khăn giấy nhà bếp để rửa, sau đó dùng vòi nước xả lại.
Ngoài ra có thể ngâm củ sen trong nước vo gạo. Tinh bột trong nước vo gạo có tác dụng hấp thụ chất bẩn, có thể làm sạch bùn đất trong củ sen. Vì vậy khi xử lý, nếu không dùng nước làm sạch bùn được thì có thể cắt lát củ sen rồi ngâm trong nước vo gạo, sau đó dùng nước sạch xả lại nhiều lần.
Thanh Xuân
TAMTHUC:
Comment