No icon

bon-thay-doi-nho-vung-mong-tay-chan-khong-nen-chu-quan

Bốn thay đổi nhỏ vùng móng tay, chân không nên chủ quan

Móng tay, chân không chỉ… để làm đẹp, trong một số trường hợp còn là nơi báo hiệu bệnh tình và sức khỏe của cơ thể, có thể giúp biết được cơ thể có vấn đề gì. Một số ví dụ mà nhiều người thường chỉ ra là nếu thấy gốc móng tay không có hình trăng lưỡi liềm nhỏ cho thấy cơ thể không khỏe mạnh, móng tay dễ gẫy cho thấy cơ thể thiếu canxi, cho dù những nhận định này chưa đủ căn cứ khoa học!

móng tay
Móng tay/chân nhiều khi là nơi có thể báo hiệu bệnh tật, có thể biết được những vấn đề sức khỏe thông qua móng tay/chân (Ảnh: Adobe Stock).

Giới y học có chỉ ra, móng tay và móng chân khỏe mạnh là phải trơn nhẵn, hơi cong và cứng, theo tiêu chuẩn này thì dường như móng tay của hầu hết mọi người đều đáp ứng được! Như vậy, loại móng tay (hoặc chân) như thế nào thì cho thấy cơ thể có thể có vấn đề?

Bốn thay đổi nhỏ của móng cần thận trọng

1. Móng tay giòn hơn

Các móng tay bất ngờ trở nên giòn hơn trước có thể là dấu hiệu tiềm ẩn một số bệnh, chẳng hạn như nhiễm nấm (fungal infection), vấn đề về tuyến giáp.

Ngoài ra, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu sắt, vitamin A (β-carotene), và protein cũng có thể làm móng tay trở nên giòn hơn. Nếu trong khi khám sức khỏe bạn phát hiện hoặc nghi ngờ có hiện tượng này thì hãy tìm tư vấn y tế.

2. Thay đổi màu sắc

Màu móng tay thay đổi có thể do ngoại thương và cũng có thể là báo hiệu  bệnh lý.

Khi vùng lân cận đoạn cuối móng tay xuất hiện vết bầm đen hoặc xanh, có thể do chấn thương hoặc bị vật nặng đè/đập vào; điểm đen nhỏ nổi rõ ở cạnh móng tay thường là do ngoại thương gây ra; móng tay màu tối hoặc trắng có thể biểu hiện thiếu máu; móng tay màu xám xanh biểu hiện bệnh tim hoặc bệnh phổi; móng tay có những đốm nâu có thể là biểu hiện bệnh vảy nến; móng tay màu vàng hoặc màu nâu thường do… nicotine trong thuốc lá hoặc xì gà gây ra.

3. Móng mọc ngược đâm vào da thịt

Móng chân mọc ngược đâm vào da thịt có thể làm tổn thương vùng thịt, gây đau nhức hoặc nhiễm trùng… Nguyên nhân gây ra tình trạng này có khi vì đi giày quá chật hẹp; nhưng cũng có thể còn do dạng chấn thương hay dị dạng bàn chân, hoặc áp lực tác động thường xuyên lên bàn chân trong khi vận động. Tuy nhiên còn có những nguyên nhân phi vật lý, ví dụ bị bệnh tật như nhiễm nấm (fungal infection) cũng gây ra hiện tượng này. Nếu không may bị tình trạng này, bạn có thể lưu ý trước đến vấn đề bị nhiễm nấm và chữa trị, còn trường hợp khác thì hãy chú ý giữ gìn bàn chân cẩn thận hơn.

Ngoài ra cũng cần chú ý khi cắt tỉa móng. Hãy sử dụng bấm móng thay vì dùng kéo; khi bấm móng hãy để móng nhô một chút so với phần thịt, không cắt móng vào quá sâu; khi móng chân mọc vào trong da gây đau nhức, có thể chườm nóng hoặc ngâm chân vào nước ấm để giảm sưng và đau; ngâm chân sẽ làm mềm móng chân, giúp giảm cảm giác khó chịu, cũng giúp móng phát triển ra ngoài, bớt ép vào vùng da thịt xung quanh.

4. Hình dạng móng khác lạ

Móng tay dày lên có thể do các vấn đề tuần hoàn máu gây ra, cũng thường xuất hiện khi bị ngoại thương hoặc xơ cứng động mạch, ngoài ra thì nhiễm nấm cũng có thể làm móng dày lên. Móng dẹp (bẹp/dẹt) có thể là dấu hiệu bệnh raynaud. Móng dẹt quá mỏng có thể vì thiếu dinh dưỡng, chẳng hạn như thiếu sắt. Móng chân dày và ngoằn ngoèo có thể là do lão hóa và cũng có thể vì đi giày quá chật gây chèn ép mà ra.

Thanh Xuân

TAMTHUC

Nguồn:https://trithucvn.net/suc-khoe/bon-thay-doi-nho-vung-mong-taychan-khong-nen-chu-quan.html

Comment