am-sieu-toc-cai-ch-et-tuc-tuoi-vi-bi-dien-giat-va-loi-canh-tinh
Ấm siêu tốc: Cái ch.ết tức tưởi vì bị điện giật và lời cảnh tỉnh
- bởi tamthuc --
- 10/09/2016
Vừa qua, mạng xã hội đưa tin hàng loạt vụ tai nạn giật điện liên quan đến những chiếc ấm siêu tốc khiến nhiều người dân hoang mang. Vậy phải làm gì để hạn chế tối đa những tai nạn do ấm siêu tốc gây ra?
Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra liên quan đến những chiếc ấm siêu tốc
Hình ảnh nam sinh viên xấu số bị điện giật tử vong khi sử dụng ấm siêu tốc.
Hiện nay, ấm siêu tốc đang được nhiều người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tử vong giật điện do sử dụng ấm siêu tốc khiến người dùng hoang mang.
Cụ thể, mới đây vào ngày 5/9, khi trao đổi với phóng viên, ông Đinh Công Nhã, trưởng thôn Tiểu khu 1, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra sự việc cháu bé tử vong do điện giật.
Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng 18h ngày 4/8, cháu Hà Thị Yến Nhi (9 tuổi) ở Tiểu khu 1 vào trong nhà tắm để tắm. Khi cháu Yến Nhi rút phích cắm ấm siêu tốc ra khỏi ổ điện thì nguồn điện rò rỉ giật khiến Yến Nhi tử vong.
Bố mẹ của Yến Nhi thấy con tắm quá lâu nên vào nhà tắm để kiểm tra thì thấy con mình đã tử vong ngay trên chậu nước tắm.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp nạn nhân tử vong do giật điện ấm siêu tốc gây nên.
Trước đó, vào trưa ngày 25/6, trong khi rút phích nước sôi bằng ấm siêu tốc tại một phòng trọ, Anh Trần Hoàng Hải, sinh viên năm 3- D46, Trường đại học Y – Dược Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cũng đã bị điện giật gây tử vong tại chỗ.
Cách đó ít ngày, tại Nghệ An (ngày 21/6), một cụ ông 76 tuổi cũng đã bị điện giật tử vong trong khi đang sửa ấm điện.
Theo đó cụ ông Ngô Xuân Thanh 76 tuổi chồng của bà Trần Thị Mười 74 tuổi đang sửa ấm điện ở nhà bếp sau đó được vợ phát hiện tử vong trong tình trạng tay ôm lấy cái ấm điện nằm bất động trên nền nhà bếp, trên bụng và ngón tay ông Thanh bị cháy xém nhiều chỗ.
Hiểm họa khôn lường từ những bình đun nước siêu tốc “dởm”
Thông thường Ấm đun nước làm bằng nhựa có nhiều mẫu mã, màu sắc và họa tiết khác nhau nhằm bắt mắt người mua, không đơn thuần là để đun nước mà có thể trở thành vật dụng trang trí.
Tuy nhiên, chỉ những loại bình siêu tốc được làm từ nhựa nguyên sinh thì mới có khả năng chống nhiệt cao và không gây ra chất độc hại, còn những loại nhựa tái chế, không rõ nơi sản xuất và nhãn mác sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe như ung thư.
Mặt khác, ruột bình làm từ hợp chất kém chất lượng sẽ khiến bình nhanh chóng bị đóng cặn, ảnh hưởng tới chất lượng nước uống và sức khỏe chúng ta.
Bên cạnh đó, ấm siêu tốc giá thành rẻ và chất lượng kém có thể gây nên nguy cơ cháy nổ, do dây điện không chịu được nhiệt dẫn tới chập hoặc không thích hợp với nguồn điện cao. Bình siêu tốc kém chất lượng trông không khác gì so với các bình thông thường, nhưng chúng có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, hoặc không có thương hiệu trên thị trường. Vì vậy, chúng sẽ nhanh chóng bị xuống cấp ngay sau vài tháng, thậm chí là vài lần sử dụng. Ví dụ điển hình là bình bị hỏng chế độ tự ngắt, khiến nước cạn hết bình mà bình vẫn tiếp tục đun gây ra nóng bình quá mức, từ đó phát nổ. Vì thế, bình điện giá thấp hóa ra lại nhanh hỏng và tiêu thụ điện nhiều hơn bình điện thông thường, hơn thế còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong nhà.
Cảnh báo khi lựa chọn và sử dụng ấm siêu tốc
Khi lựa chọn ấm siêu tốc người dùng nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Để tránh hiểm họa từ loại bình đun siêu tốc, người dùng cần hết sức cẩn trọng khi chọn mua sản phẩm và phải tuân thủ đúng những nguyên tắc sử dụng dưới đây:
Nếu bạn muốn mua bình siêu tốc từ thép không gỉ thì nên chọn loại nhìn vào có độ mờ, tránh loại bóng bẩy có thể soi gương được. Ruột bình làm bằng thép không gỉ và có độ trơn, nhẵn sẽ làm tăng tốc độ sôi của nước.
Mỗi ấm đều có vạch min và max. Khi dùng, không đổ nước dưới vạch min vì có thể gây cháy ấm, không vượt max vì nước sôi có thể trào ra ngoài chảy xuống dưới mâm nhiệt gây chập điện.
Ngoài ra, bạn lưu ý khi sử dụng không nên đun ấm liên tục sẽ khiến mâm nhiệt quá nóng, dễ bị cháy. Tốt nhất nên để cách khoảng 15-20 phút để mâm nhiệt bớt nóng mới đun ấm tiếp theo.
Không mở nắp ấm ra khi đun bởi sẽ làm chức năng tự động ngắt không hoạt động. Quan trọng nhất là phải lưu ý lựa chọn sản phẩm ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và có thương hiệu trước khi mua hàng.
Theo GĐXH
Nguồn:http://tintuconline.com.vn/suc-khoe/am-sieu-toc-cai-chet-tuc-tuoi-vi-bi-dien-giat-va-loi-canh-tinh-p0c1069n20160910093714046.vnn
TAMTHUC
Comment