No icon

hau-qua-cua-mot-con-gian

Hậu quả của một cơn giận

Trong lúc một người đàn ông đang đánh bóng chiếc xe của ông ta, thì đứa con trai lớn 6 tuổi của ông ta nhặt lên một viên sỏi và vẽ nhiều đường lằn lên phía bên kia cạnh chiếc xe của ông ta. Trong lúc giận dữ, người đàn ông đó đã nắm lấy bàn tay của đứa con và đánh mạnh nhiều mà không nhận ra rằng ông ta đang dùng một cái cờ lê vặn vít để đánh.

Kết quả là trong bệnh viện, đứa con trai của ông ta đã mất đi hết các ngón tay của mình do quá nhiều chỗ gãy. Khi đứa con trai nhìn thấy đôi mắt bố mình biểu lộ sự đau đớn, đứa bé bèn hỏi: “Bố ơi ! Khi nào các ngón tay của con mới có thể mọc trở lại ?” Người bố cảm thấy rất đau đớn và không nói được lời nào; ông ta trở lại chiếc xe của mình và đá nó thật nhiều.

Trong khi đang bị lương tâm dằn vặt và đang ngồi đối diện phía hông của chiếc xe đó, ông ta chợt nhìn thấy những vết xước do chính đứa con trai của ông ta đã vẽ rằng: “Bố ơi ! Con yêu Bố nhiều lắm !”
Và một ngày sau đó, người đàn ông đó đã quyết định tự sát…!

– Cơn giận và Tình yêu không bao giờ có giới hạn, nên xin hãy chọn Tình Yêu để được một cuộc sống tươi đẹp và đáng yêu, và xin hãy nhớ điều này:
Đồ vật thì chỉ để sử dụng, còn con người thì để yêu thương.
Hãy luôn cố nhớ những ý nghĩa này :
– Hãy cẩn thận với những ý nghĩ của bạn, vì bạn sẽ nói chúng.
– Hãy cẩn thận với những lời nói của bạn, vì bạn sẽ thực hiện chúng.
– Hãy cẩn thận với những hành động của bạn, vì chúng sẽ là thói quen của bạn.
– Hãy cẩn thận với những thói quen của bạn, vì chúng sẽ là cá tính của bạn.
– Hãy cẩn thận với những cá tính của bạn, vì chúng sẽ quyết định số mệnh của bạn.
Bài học: nếu chưa luyện tâm thoát được các trường hợp giận dữ thì trong lúc gặp cơn giận bạn nên ngồi 1 lúc cho hạ hoả và không nên nói hay làm bất cứ điều gì. Vì thường bạn sẽ làm sai và ân hận khi bạn trở lại bình thường. Vì bạn đang giận các hócmôn tiết ra rất nhiều độc tố và dẫn con người đến sai lầm Đến sai lầm

VÀ CÁI GIÁ CỦA CƠN NÓNG GIẬN RẤT ĐẮT

Kham nhẫn là đức tính duy nhất thắng được sân hận. Có người nói giận dữ không phải là quá xấu xa, đôi khi cũng nên nổi giận để xả bớt cơn đau trong lồng ngực. Một số bác sĩ trị liệu đôi khi còn khuyên nên nổi giận.
Tôi không tranh cãi về vấn đề này vì tôi không phải là chuyên gia trị liệu. Sân hận, đố kỵ, và tự hào có thể đưa con người đến chỗ thành đạt các mục tiêu của mình ở trường học, chỗ làm, và trong mọi lĩnh vực khác của đời sống.
Mặc dầu nó đem đến sự thỏa mãn một dục vọng nào đó, bất kỳ thành công nào đạt được bằng các phương tiện như thế sẽ phải trả giá đắt. Mục tiêu không thể nào biện minh cho phương tiện, đó là điều cần nhớ. Sự bùng nổ cơn giận sẽ không đem lại lợi ích nào dài lâu, có chăng chỉ là một chút thỏa mãn ngắn ngủi.

Giá của cơn giận rất đắt, cực kỳ đắt. Nó không chỉ là “viện phí” mà bạn trả cho bác sĩ trị liệu; về tâm linh nó rất tổn hại; và trong đời sống hằng ngày, nó làm mất đi cái tâm trong sáng, yên bình. Tâm bình yên giống như một ly nước tinh khiết, ngon ngọt. Một phút giận dữ giống như bỏ đất vào ly. Giận dữ làm cho bạn khốn khổ và làm cho người xung quanh cũng trở nên khốn khổ – gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả xã hội cũng trở thành khốn khổ bởi cơn giận của bạn.

Hãy tưởng tượng đêm qua bạn có một giấc ngủ ngon. Bạn thức dậy, khỏe khoắn, thoải mái, phấn chấn. Bạn hy vọng một ngày tốt lành. Rồi bạn đi ra khỏi nhà và gặp phải một chuyện bực mình. Người nào đó đã đậu xe chắn ngang làm bạn không lấy xe mình ra được và bạn không tìm ra chủ xe để yêu cầu chuyển chỗ. Bạn tức tối. Bạn nghĩ, “Mình sẽ bị trễ việc mất. Mình sẽ thế này, thế nọ. Thật là bực cả mình”, hoặc nghĩ quẩn thế nào đó. hi bực bội, hãy nhìn lại tâm trí mình. Tâm trạng phấn chấn không còn. Khuôn mặt bạn dài ra. Trong một lát, cơn giận có thể qua đi nhưng tâm trạng vui vẻ không còn. Bạn đâu có thường xuyên có được cảm giác tươi vui như thế. Lâu lâu nó mới đến một lần vậy mà bây giờ nó đã ra đi.

Cơn giận cướp đi của bạn sự thoải mái của cả thân và tâm. Và chừng nào mà bạn còn nuôi niềm sân hận, cơn giận sẽ bùng lên thiêu đốt và hành hạ bạn. Không có niềm vui mới nào sẽ sinh khởi và cả niềm vui đã có cũng tiêu tan. Bạn không thể nào cảm thấy được nghỉ ngơi bất cứ lúc nào trong ngày; thậm chí bạn không thể nào tập trung tư tưởng hay suy nghĩ. Bạn cảm thấy như có người đã bắn một mũi tên xuyên qua tim mình. Nếu trí óc bị xáo trộn thì có nghĩa rằng bạn còn phải trả giá bằng sức khỏe của mình.

Cơn giận ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống tương lai? Theo giáo pháp truyền thống, cơn giận được ví như lửa đốt cháy nhiều nhiên liệu – thứ nhiên liệu được tạo ra từ đức hạnh. Hãy tưởng tượng chỉ trong một phút giận dữ rất nhiều công đức tích luỹ từ bao lâu nay bị đốt cháy. Tạo ra nghiệp thiện thật là khó. Phải nỗ lực rất nhiều, suy nghĩ nhiều và hy sinh nhiều. Ấy thế mà một phút giận dữ có thể làm tiêu tan tất cả.
Giận dữ dễ trở thành thói quen

Cơn giận nổi lên thật dễ dàng giống như nướng bánh mì bằng lò nướng. Đó là một thói quen. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình không muốn nổi giận, nhưng từ sâu trong lòng chúng ta ắt phải có một chút khoái trá nào đó khi làm như vậy. Cơn giận cho chúng ta một chút thoả mãn: “Mình đã trút hết nỗi bực bội. Mình đã cho người ta biết tay”.
Mặc dầu sau đó chúng ta có thể hối tiếc là đã la hét om sòm, sự hối tiếc này không đủ mạnh để kiềm giữ chúng ta. Chính sự thỏa mãn đang giữ chặt chúng ta. Điều này rất khó thấy. Hầu hết chúng ta đều phủ nhận nó. Nếu không có sự thỏa mãn đó thì chúng ta đâu có để mình mắc kẹt vào cơn giận và trở nên bất an. Chúng ta bị thúc đẩy phải lặp đi lặp lại hành vi đó. Nó trở thành một thứ mê hoặc.

Và khi bạn để mặc cơn giận tuôn trào nó sẽ trở lại thường xuyên hơn. Bạn trở nên cáu kỉnh, dễ nổi nóng và sự nóng giận trở thành một thói quen trước khi bạn ý thức về chuyện ấy. La hét, nổi trận lôi đình trở thành một thói quen. Bạn có thể có cảm giác mình chiếm thế thượng phong, đặc biệt là khi những người xung quanh không chống trả lại.
Họ giữ im lặng có thể vì họ nghĩ chuyện không đáng phải đôi co, hay vì không thích lớn tiếng cãi vã, hoặc vì phép lịch sự hay ý thức về phẩm giá. Dù lý do nào đi nữa thì cũng không phải vì họ yếu và bạn mạnh. Nếu cơn giận cho bạn cảm giác về sức mạnh thì bạn đã bị cơn giận làm mê mờ tâm trí đi rồi.
Tôi không giận, nhưng mà…

Một người đàn ông đang lái xe trên đường cao tốc vừa mở radio. Thình lình có thông báo: “Trên đường cao tốc như thế như thế, có một người đang lái xe ngược chiều.
Hãy cảnh giác tối đa”. Ông ta nhìn quanh rồi nói: “Chỉ một người lái xe ngược chiều thôi sao? Có đến hằng trăm người đang đi ngược chiều đấy chứ!”.

Làm sao chúng ta có thể tìm được tự do? Chúng ta phải nhận thức được các tình cảm bất thiện đang cầm tù chúng ta. Chúng ta có nhận diện cơn giận, có nhận ra lòng đố kỵ, chúng ta nhận ra chúng, nhưng chúng ta không thừa nhận

– Hãy chỉ tay vào mình rằng đó là cơn giận của mình.

Chúng ta thường không thừa nhận mình đang nổi giận, không thừa nhận sự ngu dốt của mình. Chúng ta muốn phủ nhận chúng. Chúng ta muốn phủ nhận rằng mình đang giận, mình có lòng ganh ghét, mình ngu dốt. Nếu mình tiếp tục phủ nhận như thế thì làm sao mình nhận thức được nó?

Có người nghĩ, “Vâng, giận dữ là điều xấu; tôi không nên tỏ ra giận dữ”. Và thay vì để cho cơn giận bùng ra thì họ dồn nén nó. Thay vì loại bỏ nó thì người ta cất giữ nó. Bạn phải thừa nhận rằng nó vẫn còn đó. Một vài người, những người chân thật, sẽ nói cho bạn biết rằng, “Tôi đang giận”. Còn hầu hết mọi người thì nói, “Tôi không giận, nhưng…” Phải không? Và nhiều người sẽ sẽ nói, “Tôi không có vấn đề, nhưng… người khác thì có vấn đề”.

Bạn có vấn đề lớn bằng con voi ở bên trong, dù bạn có phủ nhận bao nhiêu đi nữa. Bằng cách phủ nhận bạn lại làm cơn giận tăng thêm một chút. Bạn có thể lôi kéo vài người nữa vào cuộc, tạo ra thêm một chút rắc rối, và thêm một chút nghiệp bất thiện. Đó là những gì chúng ta làm thay vì thừa nhận. Hãy thừa nhận. Nếu bạn có thể thừa nhận rằng mình đang giận và dành hai ba phút để nhìn vào tâm trí mình thì bạn sẽ cảm thấy hơi xấu hổ, hơi mềm yếu, hơi ngượng ngùng. Và khi trải qua cảm giác ấy, cơn giận dịu đi rất nhiều.

Có thể sẽ mất một tuần hay một tháng để thừa nhận, thậm chí là một năm. Một số trong chúng ta giận mẹ của mình, và nuôi mối hờn đó mãi. Chúng ta ôm chặt nỗi giận suốt nhiều năm. Nhưng dù có giận bao lâu đi nữa, hãy thừa nhận. Rồi lần kế tiếp cơn giận sẽ không kéo dài lâu như thế. Cơn giận càng lúc càng yếu, và sẽ có lúc bạn có thể nhận ra nó vào lúc nó nổi lên. Rồi bạn có thể nhận ra nó đang manh nha trước cả khi bạn thật sự nổi giận, và về sau hoàn toàn tránh được nó.

Bực bội là một dạng nhẹ hơn của sự giận dữ hay sân hận. Đó cũng là một loại giận tuy rằng không phải là loại muốn gây tổn hại. Sự bực bội chỉ là luồng gió nóng thổi qua. Chúng ta cảm nhận nó nhưng một sự nóng lên trong cơ thể. Nó làm chúng ta mất đi một chút sáng suốt, vì thế cho nên cũng không tốt. Một sự bực bội có thể sinh ra từ lòng nhân từ: tình thương của bạn đối với con cái, với học trò, hoặc là đối với cha mẹ già và bạn có thể la lối những người ấy. Nhưng nếu bạn tỏ ra bực bội thường xuyên, nó có thể dễ dàng bùng lên thành cơn giận khủng khiếp. Vì thế đừng làm cho nó trở thành một thói quen. Bạn đang chơi đùa với lửa đấy.
Để hóa giải những lời nói lớn tiếng trách mắng, nạt nộ của người khác. Chúng ta hãy:

1. Thương yêu nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.
2. Nhìn thấy lỗi mình, không tìm lỗi người.
3. Quán nhân quả.
4. Chuyển đổi nhân quả.

Khi bị trách mắng nạt nộ, chúng ta nên nhắc thầm trong đầu: “Người đang trách mắng nạt nộ ta là người đang đau khổ, hãy thương yêu nhẫn nhục im lặng giúp họ trút hết cơn giận, sau đó họ sẽ cảm thấy thoải mái bình thường và mọi việc đâu sẽ vào đó, nhất quyết không đáp lại bất kỳ lời nào”
Nóng Giận

Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.” Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức.
Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”

Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống.
“Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đo chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”
Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn.
Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường.
Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”
Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn.
Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”
Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”
Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai.

“Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.
“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”
Mọi người xin hãy nhớ, một ngọn lửa sân hận đủ thiêu cháy cả một rừng công đức.

HẢY ĐỂ TÂM YÊN TĨNH

Hôm ấy đạo sư có việc ở làng quê hẻo lánh và đưa đệ tử đi theo. Cả hai đều cuốc bộ. Dọc đường, đạo sư bảo đệ tử tạm nghỉ chân dưới một tàn cây xanh um, như cái dù lớn che nắng trưa chói chang. Cách đó xa xa là một dòng suối nhỏ chắn ngang. Đạo sư bảo : ”
hầy khát. Nhờ con lấy dùm thầy chút nước. ”
Đệ tử mau mắn xách vò, thoăn thoắt bước tới con suối. Đến nơi, anh tần ngần nhìn dòng nước, rồi nhìn sang bên bờ kia. Bắt gặp một đàn bò còn ướt lông, hiểu ra cớ sự, anh quay lại gặp sư phụ, bộc bạch: “Thưa thầy, người ta mới vừa dắt bò qua suối. Nước bị quậy lên đục ngầu nên con không dám…”
Đạo sư ôn tồn : ” Được con. Vậy mình chờ một chút”.
Khoảng mười lăm phút sau, đạo sư bảo : “Lấy nước đi con!”
Đệ tử sốt sắng xách vò trở lại bờ suối. Anh thấy nước bớt đục hơn, nhưng vẫn chưa thể dùng được. Lập tức quay về chỗ sư phụ, anh áy náy nói :
“Thưa thầy, cũng chưa uống được đâu ạ.”

Đạo sư mỉm cười : “Không sao, con. Mình chờ thêm một chút nữa.”
Rồi ngài xếp bằng, hai bàn tay để lên lòng, sửa dáng cho thẳng lưng, lim dim đôi mắt, yên lặng dưỡng thân dưới bóng râm của tàn cây.

Khoảng nửa giờ sau, đệ tử ấy trở lại bờ suối. Bây giờ nước đã trong veo, có thể nhìn thấu lớp sỏi dưới đáy. Anh rón rén bước xuống để khỏi khấy động, và cố lựa chỗ tốt nhất để múc đầy vò nước mát mang về dâng thầy.
Đạo sư đón lấy cái vò, nhìn vào rồi bảo “Con xem. Làm thế nào con có được chỗ nước trong trẻo, mát ngọt này. Thật ra con chẳng làm gì cả. Con chỉ cần kiên nhẫn đợi cho cặn cáu có đủ thời gian để nó tự lắng xuống. Tâm con cũng thế. Khi tâm con nổi sóng, điên đảo, con đừng toan tính cách này cách kia để cố dẹp yên nó. Con hãy cho nó đủ thời gian để nó tự lắng xuống. Nên khi con giận ai, con đừng thèm nghĩ tới họ nữa, đừng ráng tranh cãi hơn thua. Con hãy hướng tư tưởng con sang việc khác. Tốt nhất là con làm thinh, giả mù, giả điếc và kiếm một chỗ mà ngồi thở đều đặn, nhẹ nhàng. Con chỉ tập trung vào hơi thở mà thôi.”

Đệ tử đáp: “Thưa thầy, nhưng thường đang lúc tâm trạng bất bình thì con lại không nhớ được cách để thoát ra !”
Đạo sư gật đầu : “Phải đó con. Thế nên chỉ sau khi phạm sai lầm xong rồi thì mình mới biết là mình sai lầm. Nhưng như thế vẫn còn khá hơn là không nhận ra sai lầm mình vừa mắc phải. Mỗi một trạng huống trong đời tu của con là một bài thi khảo sát trình độ tiến hóa tâm linh của con. Nhưng khi con ở vào trạng huống đó, thì con không hề nhớ là mình đang được thi, đang được thử thách. Đến khi kịp nhớ ra thì con đã thua mất rồi, thi rớt rồi !”

TAMTHUC

Comment