nghi-luc-dang-ne-cua-cau-be-khong-tay
Nghị lực đáng nể của cậu bé không tay
- bởi tamthuc --
- 10/11/2015
Về đến xã Cam An (Cam Lộ, Quảng Trị) hỏi nhà cậu bé không tay, viết chữ bằng chân rất đẹp là ai ai cũng biết. Nơi em sinh sống là căn nhà lụp xụp – Hà Văn Tài (7 tuổi, lớp 2B, Trường Tiểu học Lê Văn Tám), đang được bà ngoại nuôi dưỡng. Câu chuyện về “cậu bé không tay” nỗ lực vượt lên chính mình khiến nhiều người cảm động…
Bà ngoại Tài là bà Hà Thị Bướm (sinh năm 1958). Bà Bướm có hai người con gái. Mẹ của Tài là người chị đầu tên là Hà Thị Hương, sinh năm 1989. Cách đây gần 9 năm, chị Hương lúc ấy đem lòng yêu một người con trai xứ Huế ra Quảng Trị làm việc.
Hạnh phúc không trọn vẹn khi hay tin Hương mang thai, gã đàn ông kia đã lẳng lặng bỏ đi không lời từ biệt…Vượt qua bao đàm tiếu của dư luận, năm 2006, chị Hương sinh hạ bé Hà Văn Tài. Tài sinh ra đã không may mắn, thân thể em không có đôi tay, chỉ có đôi chân bên ngắn, bên dài…
Tài mang họ mẹ. Bà và mẹ đặt tên em là Tài, với mong muốn em lớn lên “có thật nhiều cái tài để mà thắng lấy cái tật”.
Từ nhỏ Tài đã thiếu vắng hơi ấm của mẹ, khi Tài vừa được hơn 3 tuổi , thì mẹ em đi lấy chồng để em cho bà ngoại cưu mang. Bà ngoại nuôi Tài “chạy ăn từng bữa”. Tuổi thơ Tài lớn lên với bữa no bữa đói….
“Tài nó rất biết, chẳng bao giờ đòi đồng quà tấm bánh. Lúc nhỏ, nhiều khi cháu nó đói, dù nước mắt chảy nhưng nó chẳng bao giờ khóc thành tiếng . Những lúc như thế, nhìn cháu nó co chân lên mặt, lau lau nước mắt mà lòng tôi quặn thắt, thương cháu vô cùng”, bà ngoại Tài nghèn nghẹn.
Nỗ lực đưa Tài đến trường
Khi Tài đến tuổi đi học, bà ngoại em lặn lội đạp xe đạp đưa em đến nhiều trường tiểu học nhưng họ đều từ chối vì sợ em khó hòa nhập với chúng bạn, họ khuyên bà đưa em đến trường dành cho trẻ khuyết tật.
Ở lớp, Tài hòa đồng, chăm ngoan và rất chịu khó. Ở nhà, em dành nhiều thời gian cho việc luyện chữ
Mỗi lần như thế, bà lại lặng lẽ trở về nhà cùng với khuôn mặt buồn và thất vọng của Tài. Điều đó khiến bà không thể cầm lòng, bà càng quyết tâm đưa Tài đến trường để được học tập.
Sau đó, bà đưa Tài vào thành phố Đông Hà học trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu. Học ở đây được gần 1 tháng, thì các thầy cô nơi đây khuyên bà nên đưa cháu về học trường cấp 1 ở địa phương vì Tài rất thông minh và hoạt bát, có thể học tập như một học sinh lành lặn.
Thương bà Bướm mỗi lần đưa cháu đi học một quãng đường xa, đồng thời thấy tư chất của Tài thông minh, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Cam An, Cam Lộ) đã quyết định nhận em vào học tại trường.
“Tôi mừng lắm. Đêm ấy, nhìn Tài hân hoan chuẩn bị sách vở để ngày mai đến trường mà lòng tôi vui rộn ràng”- bà Bướm tâm sự.
Cậu bé giàu nghị lực
Vì không có đôi tay nên em phải tập viết chữ bằng chân. Ngày ấy, cô Hoàng Thị Sành là cô giáo chủ nhiệm lớp 1 của Tài. Nhớ lại những ngày tháng luyện chữ cho Tài, cô Sành chia sẻ: “Trong đời đi dạy của mình, đây là lần đầu tiên tôi cầm chân luyện chữ nên bỡ ngỡ và rất vất vả.
Nhưng may, Tài rất chăm chỉ và chịu khó nên tôi càng quyết tâm giúp em viết con chữ bằng chân cho thành thạo”.
Trong quá trình luyện chữ, học tập, cô giáo Sành thường xuyên kể cho em nghe về những tấm gương cùng cảnh ngộ như em nhưng vượt khó vươn lên. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là một trong những câu chuyện như thế. Hình ảnh và sự nỗ lực của thầy Ký đã ảnh hưởng đến Tài rất nhiều. Bức ảnh của thầy Ký được em dán trang trọng ở góc học tập.
Dù không có đôi tay nhưng Tài có thể tự ăn cơm, lấy nước uống… và học tập chăm ngoan
Hà Văn Tài bây giờ đã học lớp 2, nhìn nét chữ tròn trịa và đều đặn của Tài không ai nghĩ nó lại được viết từ bàn chân nhỏ nhắn khiếm khuyết của em. Không chỉ viết chữ đẹp, Tài còn rất thích vẽ. Hiện cô Võ Thị Hà là giáo viên chủ nhiệm của Tài. Nói về Tài, cô Hà cho biết: “Tài thông minh, hoạt bát và tự tin lắm. Trong lớp em chơi hòa đồng cùng các bạn.
Các bạn cũng rất thương và chẳng bao giờ trêu chọc em. Tài rất biết nghe lời, chăm chỉ và chịu khó trong học tập. Cái gì không biết là hỏi cho bằng được.”
Ở nhà, Tài có thể tự vệ sinh thân thể và chăm sóc bản thân. Nhìn những động tác ăn cơm hay đánh răng bằng chân được Tài thực hiện một cách thuần thục, khiến tôi càng khâm phục hơn….
Tài cũng rất thích những trò chơi vận động, em thích đá bóng, bắn bi…Buổi chiều, sau giờ đến trường Tài thường chạy đi đá bóng với lũ trẻ cùng xóm. Nhìn Tài vui chơi, nói cười hồn nhiên cùng chúng bạn, tôi không khỏi xót xa về sự không may mắn của em.
Chia tay bà cháu Tài khi ánh chiều đã gần tắt. Tài nhanh chóng cùng lũ bạn chạy lên đầu xóm chơi đá bóng. Hình ảnh cậu bé không tay, chạy cà nhắc tranh cướp bóng cứ quanh quẩn trong đầu tôi suốt quãng về.
Với nghị lực vượt lên số phận của em, tin chắc rằng rồi hạnh phúc sẽ mỉm cười với em, mời bạn xem clip nhé:
Kông Thành – Long Đậu
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/212422/nghi-luc-dang-ne-cua-cau-be-khong-tay.html
TAMTHUC
Comment