gieo-nhan-nao-gat-qua-day
Gieo nhân nào gặt quả đấy!
- bởi tamthuc --
- 08/11/2015
Ngày 21/5/1982, báo Đài Loan đăng một tin chấn động lòng người. Chuyện thế này: Một thiếu nữ 19 tuổi tên Ly bị xe tông hôn mê bất tỉnh, sau đó thành người thực vật. Ba mẹ Ly đã dốc hết tài sản, thậm chí phải cầm cố mọi thứ để chữa bệnh cho con, nhưng vô phương vực lại sức khỏe cho cô.
Vì chăm sóc con gái bị tai nạn tàn khốc giày vò, mẫu thân cô ly hoàn toàn đuối sức. Bởi bà vốn bị bệnh tim nên hay ngất xỉu, chính bà cũng vô phương chăm sóc bản thân nên cuối cùng chỉ có ông Hanh (là phụ thân cô Ly) gánh hết mọi việc chăm sóc con gái. Ông phải luôn túc trực kề cạnh con, cứ nửa giờ giờ thì rút đàm một lần và độ một tiếng là phải trở mình cho con, giúp Ly đại tiểu tiện, phải lau dọn vệ sinh nhiều lần, vô cùng vất vả…
Xem như kể từ đó, suốt đời ông Hanh phải chăm sóc, lau dọn tiểu dãi, tẩy rửa vệ sinh cho con gái, mãi mãi không có cơ hội để nghỉ ngơi.
Xét về nỗi nhọc nhằn thân xác cộng với niềm đau tinh thần, nếu ví những thống khổ nặng nề này tựa quá sức chịu đựng. Nhưng vì sao họ lại gặp chuyện bất hạnh như thế?
Nguyên do là vào năm 1958, ông Hanh từng lái xe hơi đụng một phụ nữ nghèo họ Trần chết thảm khiến 7 đứa con thơ dại của bà chịu cảnh mồ côi. Sau đó, nhờ ông Hanh khéo léo giỏi tìm đường thoát cho mình nên ông không hề bị pháp luật trị tội, án kia còn được xử hòa. Thậm chí ông Hanh còn không phải chịu bồi thường hay chịu trach nhiệm gì với gia đình nạn nhân.
Ông Hanh cư xử rất vô tình, không hề tội nghiệp, không hề biết quan tâm chăm sóc cho đám trẻ mồ côi đáng thương kia. Ông đã khiến chúng lâm vào đường cùng, gặp phải cảnh bất hạnh cực lớn trong nhân gian. Hành động này từng khơi dậy mối căm phẫn của nhiều người.
Nhưng 5 năm sau, (1963) con gái ông Hanh đang học cao trung, bị xe đụng bất tỉnh hôn mê. Sau đó dù cho vợ chồng ông Hanh đã chữa khắp nơi, mời danh y trong nước, dùng đủ thuốc bí truyền, kể cả thỉnh các đạo sĩ pháp lực cao cường, các phù thủy trên núi cao đến lên đồng, làm phép….Vì quá thương con, họ đã bỏ ra số ngân khoản kếch sù đưa con qua Mỹ để chữa bệnh, nhưng tất cả đều vô hiệu.
Đến năm 1983 đã hơn 20 năm trôi qua, cô Ly vẫn chưa tỉnh lại, do vậy mà cha mẹ cô và người nhà vẫn tiếp tục thọ khổ, bị buồn đau giày vò nung nấu triền miên trong cõi nhân gian.
Rõ ràng cha cô Ly, ông Hanh – sau khi gây án xong dù ông được bình an thoát lưới pháp luật thế gian, không hề bị trừng phạt gì. Song ông không thể thoát khỏi sự trừng phạt của luật Nhân Quả, nên phải lãnh số mệnh bi thảm sau đó. Báo ứng đáng sợ hiện tiền, khiến mọi người ai nhìn thấy gương của ông mà đề cao cảnh giác.
Nhân đây, bút giả xin nhắn gởi đến các bằng hữu lái xe, dù là lái xe hơi hay xế nổ phải hết sức cẩn thận. Ngàn vạn lần chớ nên phóng nhanh giành đường vượt ẩu, tạo lỗi sơ suất nhất thời. Quý vị cần tuân thủ triệt để luật giao thông và phải biết quý trọng mạng người, đừng gây tổn hại cho bất kỳ ai. Hãy cẩn thận để bản thân khỏi bị luật Nhân Quả đáng sợ trừng trị.
Hãy nghĩ kỹ xem, nếu như tài xế lái xe không cẩn thận, gây tổn hại cho cha mẹ, con cái hoặc người thân yêu của chúng ta; thì tất nhiên chúng ta sẽ cảm thấy vạn phần thống khổ, sẽ căm hận và phẫn nộ vô cùng. Bởi vậy, những gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác như thế. Hi vọng ai ai cũng đều nhớ và biết đặt mình vào hoàn cảnh của người để hiểu và cảm thông tận cùng. Phải biết quý trọng sinh mạng và triệt để giữ gìn an toàn cho mọi người. Có thế mới không tạo ra cảnh bất hạnh.
Nếu như không cẩn thận, không biết trân quý mạng sống của kẻ khác thì “hại người chính là tự hại mình”. Trong tương lai một khi báo ứng đáng sợ ập đến, lúc đó có hối hận thì cũng không kịp, được sự phải gánh lấy hậu quả cực kỳ thống khổ. (trích những truyện có thật)
Luật nhân quả: Ai làm nấy chịu
Nhiều người thắc mắc cho rằng cha mẹ làm ác thì có lý nào con cháu phải hứng chịu những hành động ác đó? Như vậy há chẳng phải luật Nhân Quả không công bằng hay sao? Kỳ thật, cái gọi là “tai họa cho con cháu” cũng chỉ là một câu nói theo thói quen, tập quán, chỉ là một hiện tưởng ngoài mặt, chứ phía sau nó còn ẩn chứa một đạo lý rất sâu.
Trong kinh Xuất Diệu Đức Phật dạy: “Mình tạo tội thì tự mình chịu ai ương, không ai có thể thay thế mình được”. Câu này Đức Thế Tôn muốn nói với chúng ta, “tự làm tự chịu” là nguyên lý về nhân quả, không có chuyện mình làm ác mà con cháu phải chịu ác báo thay. Sở dĩ có hiện tượng “tai họa cho con cháu”, nguyên nhân chính là do “Cùng nghiệp đi với nhau, cộng nghiệp chiêu cảm lẫn nhau, quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại”.
Cái gọi là “cùng nghiệp đi với nhau” là chỉ cho những người trong đời quá khứ đã tạo các nghiệp thiện, ác giống nhau, cho nên mới có xu hướng làm quyến thuộc họ hàng với nhau. Ví dụ đời trước có hai người cùng khuyên mọi người tu bố thí, nên đời này làm cha con lẫn nhau, người cha kiếm ra thật nhiều tiền, người con sinh trong gia đình ấy, cùng nhau hưởng phước báo giàu sang.
Cái gọi là “cộng nghiệp chiêu cảm lẫn nhau” là chỉ cho tất cả cộng đồng cùng tham gia trong đời trước, là những người cùng tạo nghiệp thiện hoặc ác, cho nên có xu hướng làm quyến thuộc họ hàng với nhau. Ví dụ trong đời trước, hai cha con cùng nhau đi ăn trộm, đời này quả báo người cha phải đi ăn xin, người con sinh làm con của người ăn xin đó, cho nên hai người phải chịu quả báo bần cùng, đói rách.
Cái gọi là “quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại” : Vốn ác báo đó đến đời sau mới chịu, nhưng do trong cuộc sống gặp được những duyên thích hợp, làm cho ác báo đó sớm thành thục. Vì thế đời này phải chịu luôn ác báo; có người đáng lẽ phải đến tuổi già mới thọ ác báo nhưng cũng do duyên mà phải thọ ác báo ngay khi tuổi còn trẻ. Là do duyên đã chín muồi.
Rất nhiều bằng chứng sống trong xã hội, người tạo nghiệp sát nhưng chưa thấy họ chịu ác báo, là do phước báo của họ chưa hết, với lại duyên chưa đủ để ác báo thành thục. Lúc này , sẽ xảy ra những khả năng:
* Sau khi những người làm ông bà cha mẹ tạo nghiệp sát sinh, con cháu sinh ra có đứa tàn tật, dị hình, bệnh hoạn, chết yểu…đây là quả báo của việc sát sinh do chính những đứa con đó đã tạo trong kiếp trước của nó. Bởi vì do “cùng nghiệp thì đi với nhau, cộng nghiệp nên chiêu cảm lẫn nhau”. Đáng lẽ ác báo của những đứa con, đứa cháu này đến đời sau mới xuất hiện, nhưng do nó có cùng nghiệp giống với những người sẽ làm cha mẹ ông bà nó nên nó đầu thai vào làm con cái hay cháu. Lúc này con cháu gặp những ác báo chính là do ác báo của bản thân nó đã thành thục, chứ chẳng phải chúng chịu tội thay cho tổ tiên, cha mẹ. Còn cha mẹ ông bà nó tạo nghiệp sát sinh thì có thể sẽ tự chịu trong kiếp này hoặc kiếp sau.
* Sau khi sinh con cháu rồi chúng ta mới tạo ác nghiệp: Nếu nó là đứa phước mỏng, vả lại đời trước nó đã tạo nghiệp sát sinh, mà bây giờ chúng ta lại tạo nghiệp ác, khiến cho quả báo sát sinh của con cháu chúng ta đến sớm hơn; đáng lẽ với việc ác đó đời sau nó mới thọ ác báo, nhưng gặp duyên sát sinh của cha mẹ, do vậy mà ngay đời này nó phải hứng chịu ác báo nhiều bệnh tật, chết yểu hay gặp chuyện bất trắc.
Chuyện con cháu chịu ác báo chỉ là “quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại” mà thôi, nhưng chính vẫn là “tự làm, tự chịu”, điều này cho thấy Luật Nhân Quả rất công bằng.
Comment