No icon

cuop-bang-thoi-mien-giai-ma-thu-doan-cua-toi-pham

Cướp bằng thôi miên: Giải mã thủ đoạn của tội phạm

Riêng ở Moscow (Nga), cảnh sát phải xử lý 300 – 400 đơn trình báo trộm cướp bằng thôi miên mỗi năm. Nhà chức trách địa phương cho biết, đây không phải là thủ đoạn cao siêu hay hiếm gặp.

Thôi miên bằng lời nói?

Cuối năm ngoái, các nhà nghiên cứu Đại học Milan công bố một kết quả nghiên cứu 106 hồ sơ về các vụ cướp được cho là thực hiện bằng kỹ thuật thôi miên, xảy ra tại Italia trong giai đoạn 1988 – 2007.

Nghiên cứu này kết luận, nhìn từ quan điểm tâm lý học hay tội phạm học đều không có bằng chứng cho thấy cướp bằng thôi miên đã xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, đối với lực lượng cảnh sát Nga, đặc biệt là ở Moscow, nơi mỗi năm, số đơn trình báo cướp bằng thôi miên lên đến 300 – 400 thì thủ đoạn này hoàn toàn có thật, và cũng không phải cao siêu hay hiếm gặp.

Một số chuyên gia về lừa đảo cho rằng giới tội phạm đã áp dụng lý thuyết lập trình ngôn ngữ thần kinh khi thực hiện những phi vụ kiểu này. Chúng dùng những cách nói chuyện đặc biệt khiến người nghe rơi vào trạng thái bán thôi miên ngay trong các tình huống thường ngày.

Alexei Skrypnikov, một đại tá công an nghỉ hưu và là cựu chuyên gia tâm lý thuộc Viện Nghiên cứu khoa học của cảnh sát Liên bang Nga cho biết, giữa những năm 1990, những vụ cướp bằng thôi miên nở rộ nên Viện đã cùng cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm để xác định đây là sự thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Nạn nhân được các nhà tâm lý của Viện thôi miên để quay về thời điểm xảy ra vụ việc và mô tả những gì mà họ đã trải qua. Vị đại tá này khẳng định, nạn nhân đều là những người trí óc lành mạnh và không bị bỏ thuốc mê như nhiều thông tin đồn đại. Họ chỉ bị bọn tội phạm làm cho rối trí đến mức sẵn sàng giao tài sản, tiền bạc cho chúng.

Cũng theo đại tá Skrypnikov, điểm cốt lõi của kỹ thuật mà giới tội phạm sử dụng là hình thức thay thế nội dung. Bộ não chúng ta chỉ có khả năng xử lý một lượng thông tin nhất định trong một khoảng thời gian.

Nếu lượng thông tin dồn đến quá mạnh và quá nhanh (ví dụ khi nghe một người thao thao bất tuyệt) hoặc ngược lại quá chậm (người nói diễn đạt chậm, lặp đi lặp lại), thì hoạt động của não sẽ chùng xuống, chúng ta trở nên lơ đãng, mất tập trung và mức độ cảnh giác giảm đi. Khi đó, chúng ta rơi vào một trạng thái bị thôi miên. Kỹ thuật này tuy đơn giản, nhưng rất hiệu quả.

Phá bẫy thôi miên

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia tâm lý và điều tra viên ở Nga, tuy không phải ai cũng chống lại được bẫy thôi miên của giới tội phạm, nhưng nhìn chung, vẫn có cách tự bảo vệ mình trước thủ đoạn này.

Ví dụ, nếu có cảm giác nghi ngờ hoặc không thoải mái khi có người lạ đến bắt chuyện thì nên chấm dứt ngay cuộc trò chuyện và bỏ đi. Để làm sao lãng và thoát ra khỏi sự kiểm soát của người thôi miên, đôi khi chỉ cần quay đi phía khác, xem đồng hồ hoặc chỉnh lại quần áo.

Thu Thủy (Theo Los Angeles Times, Pravda)

TAMTHUC

Comment