sau-khi-gap-tao-thao-tai-sao-su-gia-hung-no-chi-khen-nguoi-cam-dao-ben-canh
Sau khi gặp Tào Tháo, tại sao sứ giả Hung Nô chỉ khen người cầm đao bên cạnh?
- bởi tamthuc --
- 19/06/2017
Cổ nhân rất coi trọng diện mạo, tuy nhiên họ không phải là dùng đẹp xấu luận anh hùng, mà là chú ý đến khí sắc thần thái.
Thời Tam Quốc, Tào Tháo có một lần phải tiếp kiến sứ giả Hung Nô, cảm thấy mình dáng người thấp bé, tướng mạo không xuất chúng, nên đã cho Thôi Quý Khuê cao to, anh tuấn giả mạo mình, còn Tào Tháo thì cầm một thanh đao đứng ở bên cạnh.
Đến lúc sứ giả Hung Nô rời đi, Tào Tháo sai gián điệp dò hỏi sứ giả: “Người thấy Ngụy Vương (Tào Tháo) thế nào?”
Sứ giả trả lời: “Đại Vương dung mạo đoan trang, cử chỉ nho nhã, nhưng người cầm đao đứng ở bên cạnh mới quả là một anh hùng”.
Trong sử sách ghi chép lại Tào Tháo “vóc dáng thấp bé, nhưng khí sắc hơn người, hiên ngang lẫm liệt”.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Người có công danh xem khí khái, phú quý xem tinh thần”, một người có công danh, thì khí khái nhất định sẽ bất phàm; để biết một người giàu hay nghèo thì xem tinh thần, tinh thần tốt chính là phú quý, tinh thần không tốt thì chính là nghèo hèn.
Cho nên, muốn được người khác yêu thích, bước đầu tiên phải dưỡng “tinh – khí – thần” cho mình!
Cung kính nằm ở tài hoa
Tương truyền rằng lúc đại văn hào Tô Đông Pha thời Tống mới tới Hàng Châu nhận chức Tri Châu, một ngày đi đến một ngôi chùa du ngoạn, trụ trì của chùa không biết rõ, nên đối đãi với ông như khách đến thăm bình thường khác, vừa nói “ngồi” vừa dặn dò nhẹ nhàng bảo tiểu sa di: “Trà”.
Tiểu sa di theo lời căn dặn mang một chén trà thường đến. Sau khi khách và chủ hàn huyên, trụ trì cảm thấy người kia ăn nói bất phàm, chắc hẳn không phải là hạng người bình thường, liền lễ phép nói “mời ngồi” thay vì “ngồi”, và cũng nói “kính trà”, tiểu hòa thượng lần sau mang đến một chén trà ngon hơn.
Nói chuyện với nhau xong, trụ trì mới biết được người tới chính là Tô Đông Pha danh tiếng lẫy lừng, lập tức vừa mừng vừa thẹn, không kìm được lòng, vội nói “xin mời ngồi”, và cũng dặn dò tiểu sa di nói “kính trà thơm”. Trước khi chia tay, trụ trì mộ danh cầu chữ lưu niệm. Tô Đông Pha sau khi suy nghĩ, liền đem sự việc vừa rồi ghi thành một cặp câu đối:
TAMTHUCNgồi, mời ngồi, xin mời ngồi
Trà, kính trà, kính trà thơm.
Tính cách hòa hợp
Trong Kinh Dịch có một câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nước chảy chỗ thấp, lửa bén chỗ khô”.
Sự vật đồng loại sẽ cảm ứng lẫn nhau. Con người cũng như thế, tính cách đồng dạng sẽ dễ hòa hợp. Mà có thể hòa hợp với rất nhiều người, thì cần phải có tu dưỡng, ôn tồn nhã nhặn.
Có người dung mạo không vượt trội, tài năng cũng không xuất chúng, nhưng lại có một loại tính cách hấp dẫn, khiến người khác cảm thấy thoải mái, muốn được ở bên cạnh.
Lương thiện là bền vững nhất
Mạnh tử nói: “Quân tử không có gì lớn lao hơn là giúp người làm việc thiện”.
Lương thiện sẽ không làm tổn hại mình, không tổn hại người khác, giúp đỡ mọi người làm điều tốt, lòng có thiện niệm, mang lại niềm vui cho cả người khác và chính mình.
Lý Thúc Đồng trước kia là giáo sư âm nhạc, có một lần lên lớp, ông thấy một học trò ở dưới xem sách giải trí, một học trò khác thì khạc nhổ bừa bãi. Lý Thúc Đồng nhìn thấy nhưng lúc đó coi như không biết gì.
Sau khi tan học, Lý Thúc Đồng mời hai học trò kia ở lại, dùng giọng điệu rất hòa nhã nói với chúng, rằng lần sau đi học không nên xem sách giải trí hay tùy ý khạc nhổ nữa.
Hai học trò này vừa muốn biện bạch, Lý Thúc Đồng liền hướng về phía chúng khom lưng bái một cái để chứng tỏ thiện ý của mình, khiến hai cậu học trò cảm thấy hổ thẹn, khuôn mặt đỏ bừng lên.
Chỉ có lương thiện mới có sức ảnh hưởng lâu dài, khi trong nội tâm một người có thiện niệm, hết thảy quang cảnh xa hoa phù phiếm nơi trần thế sẽ lui bước, còn lại chỉ là những tâm hồn bình đẳng, hòa ái, tôn trọng.
Lê Hiếu biên dịch
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/sau-khi-gap-tao-thao-tai-sao-su-gia-hung-no-chi-khen-nguoi-cam-dao-ben-canh.html
Comment