No icon

bac-la-han-cuoi-loai-nguoi-nao-cau-tra-loi-khien-vi-tuan-phu-phai-cui-mat

Bậc La Hán cười loại người nào? Câu trả lời khiến vị tuần phủ phải cúi mặt

Xưa nay, các bậc chân tu đều coi công danh lợi lộc như gió thoảng mây trôi, đối với hết thảy những được mất nơi thế gian đều coi rất nhẹ. Trái ngược hẳn với người thường luôn coi tiền tài địa vị là mục tiêu để nỗ lực, thậm chí cả đời dấn thân vì nó…

pháp sư, hòa thượng, danh lợi, Bài chọn lọc,

Trong bụng Phật Di Lặc có gì trong đó? Chính là chứa đựng niềm vui của khắp thế gian. (Ảnh: Hoasenphat)

Triều đại nhà Thanh có một triết học gia, sử gia, văn học gia tên Tất Nguyên (1730 – 1797), tên tự là Tương Hành, hiệu là Linh Nham sơn nhân, nguyên quán ở Trấn Dương, tỉnh Giang Tô. Năm Càn Long thứ 26 (1760), ông thi đỗ tiến sĩ, làm quan tới chức Binh bộ thượng thư, Tổng đốc Hồ Quảng.

Tất Nguyên thông thuộc kinh sử và có kiến thức sâu rộng về nhiều ngành khoa học. Ông cũng là người biên soạn ra “Tục tư trị thông giám” được sánh ngang với “Tư trị thông giám” của Tư Mã Quang thời Tống.

Năm Càn Long thứ 38 (năm 1773), Tất Nguyên đảm nhận chức Tuần phủ Thiểm Tây. Trong lúc đi nhậm chức có ngang qua một một ngôi miếu cổ, ông liền đi vào trong miếu nghỉ ngơi.

Khi đó có một vị hòa thượng đang ngồi ở trong Phật điện niệm kinh, dù có người báo rằng Tuần phủ đại nhân đã đến, nhưng lão hòa thượng vẫn không đứng dậy, không mở miệng, chỉ lo niệm kinh.

Lúc đó Tất Nguyên mới hơn 40 tuổi đã nổi danh khắp thiên hạ, trong tâm không tránh được tự mãn. Ông ta thấy thái độ của lão hòa thượng như vậy, thì trong lòng cảm thấy rất không vui.

Sau khi lão hòa thượng niệm kinh xong, mời rời chỗ ngồi, chắp tay thi lễ nói: “Lão nạp vừa rồi niệm kinh vẫn chưa xong, nên không kịp tiếp đãi, mong đại nhân thứ tội”.

Tất Nguyên nói: “Phật gia có Tam bảo, lão pháp sư chính là một trong tam bảo đó, đâu có gì là thất lễ chứ!”.

Nói đoạn liền ngồi xuống, lão hòa thượng cũng ngồi bên cạnh. Trong lúc nói chuyện với nhau, Tất Nguyên hỏi: “Lão pháp sư tụng kinh gì vậy?”

Lão hòa thượng nói: “Kinh Pháp hoa”.

Tất Nguyên nói: “Lão pháp sư một lòng hướng Phật, gạt bỏ chuyện thế tục, tụng kinh không ngừng, có lẽ quyển Kinh Pháp hoa này đã thuộc nằm lòng. Vậy không biết trong đó có bao nhiêu câu ‘A Di Đà Phật’ vậy?”

pháp sư, hòa thượng, danh lợi, Bài chọn lọc,

Các bậc chân tu đều coi công danh lợi lộc như gió thoảng mây trôi, đối với hết thảy những được mất nơi thế gian đều coi rất nhẹ. (Ảnh: VTC)

TAMTHUC

Lão hòa thượng nghe xong, biết rõ trong tâm Tất Nguyên có bất mãn, cố ý làm khó. Ông không chút hoang mang, thong dong đáp: “Lão nạp tư chất đần độn, thường tụng trước quên sau. Đại nhân văn chương như sao sáng hạ phàm, một bộ ‘Tứ Thư’ có lẽ cũng đã làu làu như cháo chảy, không biết trong đó có bao nhiêu câu ‘Khổng Tử viết’ vậy?”

Tất Nguyên nghe xong, bất giác cười to, đối với câu trả lời của lão hòa thượng thì vô cùng tán thưởng.

Sau khi uống trà, lão hòa thượng dẫn Tất Nguyên đi tham quan điện Bồ Tát. Khi đi tới trước tượng Phật Di Lặc, Tất Nguyên chỉ vào bụng của tượng Phật Di Lặc nói: “Ngài có biết bên trong này có gì không?”

Lão hòa thượng trả lời ngay: “Trong đó là một bụng kinh luân và những chuyện vui trong thiên hạ”.

Tất Nguyên không ngớt lời tán thưởng, thuận miệng hỏi lão hòa thượng: “Lão pháp sư tài năng xuất chúng như vậy, đường công danh sẽ rất rộng mở, tại sao lại phải buông bỏ hồng trần, quy y tam bảo?”.

Lão hòa thượng đáp: “Phú quý nơi thế gian như mây khói thoảng qua, làm sao đem ra so sánh được với chốn Tịnh thổ nơi Tây phương Cực Lạc chứ!”.

Rồi hai người lại cùng nhau đi vào điện La Hán, trong này có đến 18 vị La Hán với các loại biểu cảm trông rất sống động. Tất Nguyên chỉ vào một vị La Hán đang mỉm cười, hỏi lão hòa thượng: “Ông ta đang cười gì vậy?”

Lão hòa thượng trả lời: “Ông ấy cười người trong thiên hạ”.

Tất Nguyên ngẫm nghĩ một lát, lại hỏi: “Thiên hạ có người nào đáng cười chứ?”

Lão hòa thượng nói: “Kẻ cậy tài khinh người, rất đáng cười; người tham luyến phú quý, đáng cười; kẻ ỷ thế khinh người, đáng cười; người luồn cúi cầu cạnh, đáng cười; kẻ tự cho mình là thông minh, đáng cười…”

Tất Nguyên càng nghe càng cảm thấy khó chịu, vội vàng ngắt lời, nói: “Lời của lão pháp sư như cảnh tỉnh kẻ phàm phu này, hạ quan xin lĩnh giáo”. Tất Nguyên nói xong, vái chào lão hòa thượng rồi dẫn đám thủ hạ rời khỏi ngôi miếu cổ.

Con người rất hay dễ bị những thứ lợi ích, thành tựu trước mắt che mờ lý tính và nhận thức. Càng chìm đắm vào chốn lợi danh, vào ái tình, tiền bạc thì trí huệ của người ta càng mờ dần, không thể hiển lộ. Họ sẽ càng mê mờ, không còn nhận ra ý nghĩa đích thực của sinh mệnh mình nữa.

Trước cửa nhiều ngôi chùa đều có câu: “Tiếng chuông sáng chiều đánh thức người đắm chìm trong danh lợi thế gian“.

Trong cõi hồng trần này, hết thảy phồn hoa, phú quý suy cho cùng cũng chỉ là vật ngoài thân. Người với người lui tới gặp nhau phần lớn cũng là khách qua đường, xa hoa hưởng lạc bất quá cũng chỉ là ở trong quán trọ trần gian một kiếp này thôi. Thế nhưng, người đời lại cứ mê đắm vào thế gian trần tục này, ôm giữ hết thảy mọi thứ mà không buông bỏ.

Đối với những bậc Thánh nhân, những người đã giác ngộ, đều nhìn thấy được thế gian vốn là cõi mộng, vậy nên họ siêu thoát khỏi hết thảy những ràng buộc của con người, tránh xa những hơn thua được mất, tĩnh lặng nhìn thế nhân hụp lặn trong ảo mộng.

Nếu một người có thể xem nhẹ danh lợi, tiền tài, sẽ tự khắc có được bình yên, thanh thản, tự khắc tìm thấy miền “Cực Lạc” ngay trong chính tâm hồn mình. Nếu có thể nhìn thấu hết thảy danh lợi trong đời chỉ như mây khói, liệu còn điều gì có thể khiến ta phải tranh đấu, hơn thua đây? Tới khi đó, có lẽ ta sẽ lĩnh ngộ được điều gì mới thực sự quan trọng đối với sinh mệnh của mỗi chúng ta.

Tuệ Tâm

TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/bac-la-han-cuoi-loai-nguoi-nao-cau-tra-loi-khien-vi-tuan-phu-phai-cui-mat.html

Comment