mau-xanh-mau-sac-tuong-trung-cho-hy-vong-cua-phuong-dong
Màu xanh - Màu sắc tượng trưng cho hy vọng của phương Đông
- bởi tamthuc --
- 17/07/2018
Trong một thời gian dài, màu xanh được xem là màu của phương Đông, là một trong 5 màu sắc chủ đạo của ngũ hành, nó mang một ngụ ý tốt đẹp được gìn giữ qua hàng ngàn năm…
Trong cấu tạo chữ tiểu triện, thì chữ 青 (Thanh – màu xanh) có phía trên là chữ “生 – Sinh”, phía dưới là chữ “丹 – Đan”. Trong sách “Thuyết văn giải tự” có nói: “Xanh, là màu sắc phương Đông”. Trong ngũ hành, màu xanh thuộc Mộc, là màu sắc chủ đạo tương ứng của hướng Đông, còn màu chủ đạo của hướng Tây là màu trắng thuộc Kim, màu chủ đạo của hướng Nam là màu đỏ thuộc Hỏa, màu chủ đạo của hướng Bắc là màu đen thuộc Thủy, màu chủ đạo thuộc hành Thổ ở trung tâm là màu vàng, đây là sự tương ứng giữa 5 màu sắc chủ đạo với ngũ hành và phương vị.
Trong “Thích danh” của Lưu Hy có viết: “Màu xanh, là màu sắc tượng trưng cho sự sinh sôi, sự sống của vạn vật”. Giáp cốt văn của chữ “生 – Sinh” là chữ tượng hình thể hiện hình ảnh cỏ mọc đâm lên khỏi mặt đất, cho nên chữ “青 – Thanh” phản ánh hình ảnh cây cỏ sinh trưởng phát triển, tương ứng với mùa xuân phồn thịnh.
Có rất nhiều từ vựng liên quan đến chữ “thanh – màu xanh” đều mang ý nghĩa tốt đẹp, tích cực, tràn đầy sức sống. Ví dụ như “thanh trúc cương trực hữu tiết”, nghĩa là: tre xanh cứng cáp có đốt, bền chắc; thời xưa các cô gái xinh đẹp được gọi là “thanh nga”; những vị quan công bằng chính trực, liêm khiết công minh được gọi là “thanh thiên”; lễ đường kết hôn ngày xưa gọi là “thanh lư”; những cuốn sách mang sự kiện lịch sử được gọi là “thanh sử”; nằm ở phía Đông trên bầu trời rộng lớn là chòm sao “thanh long”.
Thời xưa nếu các thuật sĩ phong thủy nhìn thấy “mồ mả bốc khói xanh”, thì sẽ biết được rằng gia đình của người đã mất này không chỉ có người đã đắc đạo thành tiên, mà thế hệ con cháu cũng có thể được ban phúc lành; những người đức cao vọng trọng, tính cách cao quý được gọi là “thanh vân chi sĩ”; khi sự nghiệp được suôn sẻ thì được gọi là “bình bộ thanh vân” hay “thanh vân trực thượng”, ý tứ là một bước lên mây…
Ngoài ra, trong một số điển tích cổ cũng có thể tìm thấy bóng dáng của màu xanh. Màu xanh dùng để mô tả đôi mắt của Đức Phật, hay thể hiện sự dốc lòng tìm kiếm người tài của bậc đế vương, hoặc là khuyến khích thế hệ trẻ cần mẫn học tập không nên lười nhác…
Bầu trời trong xanh được gọi là “thanh thiên”, tươi sáng, cao quý và trong sạch nhưng xa xôi. Phật môn rất tôn quý màu xanh, các nhà sư thường dùng từ “thanh liên” (đóa sen xanh) để mô tả đôi mắt của Đức Phật. Trong “Phật tượng minh” của Lương Giản Văn Đế có nói rằng: “Mãn nguyệt vi diện, thanh liên tại mâu”, trong đó tác giả dùng “thanh liên” để ví von với đôi mắt của Đức Phật.
Các nhà sư thường dùng từ “thanh liên” để mô tả đôi mắt của Đức Phật. Hình ảnh về tượng đá trong hang động Mạc Cao, ở giữa bức tượng chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hai bức tượng ở ngay phía sau của Đức Phật là 2 vị đệ tử của ngài, một vị là Anan, một vị là Ca Diếp.
Tuy rằng đóa sen xanh sống trong bùn lầy, nhưng nó lại không bị nhiễm bẩn. Những người thờ cúng tượng Phật, khi nhìn chăm chú vào đôi mắt của Đức Phật, sẽ cảm nhận được bên trong đó mang một sự yên bình, từ bi và khoan dung rộng lớn. Giống như đóa sen xanh trong mắt vậy, mang một sự thanh tịnh thuần khiết, uy nghiêm vô hạn, khiến người thế gian phải kính ngưỡng.
Trong “Thi Kinh – Trịnh Phong – Tử Khâm” viết rằng: “Thanh thanh tử khâm, du du ngã tâm. Tung ngã bất vãng, tử ninh bất tự âm?”. Mao Truyền giải thích rằng: “Thanh khâm, tức là cổ áo màu xanh”, đây là trang phục của người đi học. Bài thơ này mô tả tình thương nhớ, mặc dù chỉ vỏn vẹn một vài từ, nhưng cũng đã khiến người ta cảm nhận được tình nghĩa sâu sắc bền lâu: “Nhớ về tà áo màu xanh ấy của anh, vẫn còn in sâu trong trái tim tôi. Cho dù tôi không thể đi tìm anh, chẳng lẽ anh không thể chủ động để lại lời nhắn hay sao?”.
>>> Ảnh hưởng của “ngũ thường” và “ngũ hành” đối với “ngũ tạng” theo y học cổ đại
Bài thơ này ban đầu dùng để bày tỏ những nhung nhớ sâu sắc, sau đó thì được Tào Tháo ngâm trong “Đoản ca hành”: “Thanh thanh tử khâm, du du ngã tâm. Đán vi quân địch, trầm ngâm chí kim”. Khí chất câu thơ thăng hoa, được truyền hát qua bao thời đại, thể hiện khát vọng tìm kiếm người tài của Tào Tháo, dốc lòng dốc sức nghiêng mình để kết giao với các bậc anh tài.
Trong chữ kim văn, chữ tiểu triện thì chữ 青(Thanh) đều là lấy ý tứ từ chữ 丹(Đan). “Đan” là khoáng thạch màu đỏ, “thanh” cũng là khoáng thạch. Triều đại nhà Chu có vị quan phụ trách việc khai thác vàng, ngọc, đan, thanh. Lúc đó, hầu hết màu xanh được lấy từ khoáng thạch để sử dụng.
>>> Mối liên hệ giữa ngũ hành và ngũ âm trong âm nhạc truyền thống
Người xưa còn có một quan niệm khác là màu xanh được chiết xuất từ cỏ lam mà ra. Màu xanh là một loại màu sắc pha trộn giữa màu xanh lá cây và màu xanh lam.
Huân Tử nói trong “Khuyến học” rằng: “Màu xanh, lấy từ màu lam, mà xanh hơn lam; băng, hình thành từ nước, mà lạnh hơn nước”, ý rằng màu xanh được trích từ cỏ lam, nhưng lại đậm hơn màu cỏ lam; băng hình thành bởi sự ngưng tụ của nước, mà lại lạnh hơn nước. Tuân Tử lấy xanh và lam, băng và nước để ví von khuyến khích người đời sau, nếu như biết kiên trì nghiên cứu học tập, thì có thể đạt được thành công lớn hơn cả những người đi trước.
Màu xanh là một màu sắc tích cực của phương Đông, đúc kết hàng ngàn ý nghĩa tốt đẹp vào trong từ vựng và điển cố, mang lời chúc phúc và ý nguyện của người đi trước, để con cháu đời sau có thể sử dụng lâu dài.
Màu xanh thể hiện sự cao quý và tràn đầy sức sống, trong sự diễm lệ sâu xa đó, lại mang dáng vẻ tự do tự tại như áng mây bay, như chim hạc sải cánh. Có lẽ, màu xanh đúng là màu của thần thái của Đạo gia được truyền thừa từ ngàn đời nay vậy.
Tuệ Tâm, theo Epoch Times
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/mau-xanh-mau-sac-tuong-trung-cho-hy-vong-cua-phuong-dong.html
Comment