khoc-khi-nguoi-than-lam-chung-rat-nguy-hai
Khóc khi người thân lâm chung rất nguy hại
- bởi tamthuc --
- 27/10/2015
Đời người thật ngắn ngủi, sống chết là chuyện thường tình. Có người coi cái chết nhẹ tợ lông hồng, nhưng có người coi cái chết nặng hơn dãy núi Trường sơn. Người hiểu Phật đạo không sợ chết, họ an nhiên tự tại vãng sanh. Người không hiểu Phật pháp họ sợ cảnh ra đi làm cho tâm hồn thường trực đối diện với nỗi hãi hùng khủng bố! Chung quanh chuyện người lâm chung, trước đây có một vài đạo hữu có nêu lên vấn đề chướng ngại do con cháu khóc lóc, người thân yêu trong gia đình không hiểu đạo gây ra sự ồn náo…
Hôm nay Diệu Âm xin cố gắng bàn đến những chuyện khá phổ biến này. Những chướng ngại này, nếu nhẹ thì làm mất phần siêu thoát, nếu nặng có thể đày đọa người thân vào ba đường ác để chịu vạn kiếp khổ đau. Những chướng ngại ở đây suy cho cùng thì thật quá oan uổng, vì nó chính lại là hậu quả của tình cảm, thương yêu mà vụng dại! Bình thường, con người hẹp hòi, ganh ghét, đố kỵ mới hại nhau, đây là chuyện thường tình của thế nhân. Nhưng còn thương yêu chân tình mà vô ý để đến nỗi phải gây hại cho nhau một cách thê thảm thì thật là điều quá đáng tiếc!
…Trong cuộn VCD tựa đề: “Việc lớn nhất của đời người”, do Phật giáo Đài-Loan thực hiện, có kể lại một câu chuyện trích từ kinh Phật như vầy:
Thuở đó, có một người suốt đời làm rất nhiều việc thiện lành, khi chết quả báo đáng lẽ được sanh lên một cõi trời để hưởng phước. Nhưng lúc lâm chung, người vợ vì quá thương chồng, đã khóc than thảm thiết, kể lể nhiều nỗi thương tiếc bi ai, làm cho người chồng khởi dậy tâm luyến ái màø biến thành con sâu chui vào lỗ mũi của vợ. Người vợ thấy đau nhức trong lỗ mũi mới hỉ mạnh, thì con sâu văng ra. Người vợ định giết chết nó. Vừa lúc đó có một vị sư biết được, đến ngăn cản lại…
Người chết, người thân phải khóc, không khóc thì thiên hạ cho là bất hiếu, bất nghĩa! Chồng chết, vợ khóc lóc mới tỏ được sự thương yêu. Điều này hiểu ra đơn giản! Vì có thương mới khóc chứ không thương ai thèm khóc! Về mặt tình cảm thì nói vậy là đúng (!), nhưng về mặt lý trí thì nên bình tĩnh xét suy lại. Từ câu chuyện của Phật, ta mới thấy, cái đúng này chỉ đúng với người vợ bị mất chồng, chứ không đúng với người chồng đang chết! Đúng với tâm trạng người sống đang sầu khổ vì cảnh đời góa bụa, chứ đâu có đúng với người chết đang van xin một vài giờ an lành để ra đi! Đúng với người đời ham thích tiếng khen, chứ làm sao đúng đối với người vừa thoát khỏi báo thân đáng lẽ sẽ được thành một vị thiên nhân hưởng phước lạc, mà nay bỗng chốc đành phải làm loài sâu bọ!
Khóc lóc là chuyện thường tình của thế gian, nhưng lại là điều đại kỵ cho một thần thức đang lìa khỏi xác! Rõ ràng, nếu người vợ im lìm lặng lẽ thì chồng đã được vãng sanh lên trời hưởng phước, nhưng chỉ vì khóc lóc than van mà người chồng đã bị đọa vào hàng thú vật, một con vật xấu xí, nhơ bẩn trong tam ác đạo. Câu chuyện này thật là một bài học thấm thía!
Sẵn đây, xin kể cho cô bác nghe một chuyện rất hay, rất ý nhị vừa mới xảy ra! Trong chuyến về thăm Việt Nam kỳ này, Diệu Âm tình cờ có cơ duyên đi hộ niệm cho một người vãng sanh. Chị đó tên là Bùi Thị Gái, 45 tuổi, ở Bến Vân Đồn Sài gòn, bị ung thư gan, bác sĩ đã báo cho biết là sắp sửa chết. Chị đó hồi giờ không biết tu hành gì cả, nhưng do một duyên lành nào đó, những ngày sắp chết lại được quý Phật tử khuyên nên để cho chúng tôi tới hộ niệm. Gia đình đồng ý. Chúng tôi tới khuyên chị buông xả vạn duyên để niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Chị vui vẻ nghe theo, hứa bỏ hết mọi chuyện và thành tâm niệm Phật, cầu xin được về cõi Cực Lạc. Ngay ngày đầu tiên, chúng tôi khuyên giải, khai thị cách niệm cách nguyện. Chị chú ý lắng nghe và làm theo. Chúng tôi có hỏi chị rằng đã sẵn sàng đi về với Phật chưa? Có điều gì khó khăn chưa giải quyết không?… Hãy nói ra hết đi, để chúng tôi giải quyết giùm cho. Chị nói, ” Tôi sẵn sàng rồi, không có gì bận bịu cả…”. Thật quá tốt!
Thế nhưng, cũng trong đêm đó, khi vừa mới nghe nói rằng có bà mẹ chồng cũng đang ngồi niệm Phật hộ niệm cho chị, thì chị lại bậc khóc nức nở… Tôi hỏi,
– Tại sao chị khóc vậy?… Chị nói,
– Mẹ chồng của tôi thương tôi nhiều lắm, tội nghiệp cho mẹ tôi quá đi…
Thật tội nghiệp! Thật đáng mến! Thương tâm vô cùng! Một người sắp chết, đang bị đau đớn quằn quại với bệnh ung thư, mà còn nghĩ thương đến người mẹ chồng già yếu, tuổi bát tuần, phải ngồi niệm Phật hộ niệm cho mình. Tâm tình này thật quá quý hóa, tha thiết, cảm động! Nhìn cảnh tượng này ai mà không thương, ai mà không đau lòng, ai mà không xúc động! Bình thường có lẽ ai mà không khóc theo. Thế nhưng… trong lúc mọi người còn đang ngỡ ngàng, người nhà chưa có ai kịp khóc, thì tôi đã liền lên tiếng “nói đùa(!)” với chị,
– Ôi chao! Chị này lạ chưa! Rõ ràng vừa rồi chị hứa với chúng tôi là buông bỏ hết, thế tại sao bây giờ lại thương bà mẹ, lại khóc tùm lum vậy?… Chúng tôi tiếp tục “đùa(!)” thêm,
– Nếu chị còn khóc, còn thương, còn nhớ bà mẹ chồng tức là chưa muốn vãng sanh. Thôi kỳ này để tôi vãng sanh giùm cho, còn chị thì tiếp tục nằm trên giường bệnh vài năm nữa để khóc nghen. Chịu không? Hình như… chị đã hiểu ra vấn đề, nên ngưng khóc rồi niệm Phật:
– Nam mô … A Di … Đà Phật… xin Phật.. cho . con . v(z)ề … Tây Phương … trong đêm nay.
Chúng tôi thì chỉ chị nguyện là: “Xin Phật cho con về Tây Phương”, còn chị thì tự động nói thêm ba chữ “… trong đêm nay”.
Lời nói của chị rất yếu đuối, cố gắng phát lên từng hai tiếng một, khá khó khăn, vậy mà còn ráng nói thêm ba chữ “…trong đêm nay” rồi mới ngưng. Hàm răng thì rụng mất hai cái răng cửa, ráng nói nên phải chu nhọn cái miệng lại, các vị đồng tu trông thấy không ai nín được cười! Chính tôi cũng phải mắc cười và mọi người đồng cười rộ lên.
Chúng tôi vừa cười vừa vỗ tay hoan nghênh tình thần của chị. Chính chị Gái cũng vui theo và ráng vỗ tay được vài cái.
Trong suốt mấy ngày sau, mỗi lần thấy chị phấn khởi niệm Phật, dũng mãnh phát nguyện vãng sanh, chúng tôi đều vỗ tay hoan nghênh. Thấy vậy, có nhiều người tâm sự: “Thật là một cảnh tiễn đưa người ra đi khá lạ lùng, chưa từng thấy. Cảnh sắp chết mà lại vui vẻ, thoải mái, cười đùa vỗ tay”.
Và kết quả, chị đó đã niệm Phật ra đi, thoại tướng rất tốt, mặt mỉm cười, sắc da từ màu vàng như nghệ vì bệnh gan đã biến nên hồng hào. Niệm Phật hộ niệm 15 giờ sau mới tẩn liệm mà thân xác vẫn tươi nhuận, mềm mại. Một đám tang khác lạ với nhiều đám tang, người đi vui vẻ, người nhà vui vẻ, người người đều vui vẻ, không có một tiếng khóc. Cả gia đình tràn ngập niềm tin vào Phật pháp và đồng phát tâm niệm Phật. Rất nhiều người trong xóm cũng đồng loạt phát tâm niệm Phật tu hành.
Chị Bùi Thị Gái vãng sanh vào lúc 10:50 tối đêm 10/9/2005, nhằm ngày mồng 7 tháng 8 năm Ất Dậu. Vừa ra đi là chị đã tạo duyên lành cho nhiều người. Rồi đây chị sẽ độ được biết bao nhiêu người khác nữa…
Theo như trong kinh Phật dạy, nếu một người lúc lâm chung mà bị con cháu khóc than, người thân níu kéo, hàng xóm gây ồn ào, va chạm vào thân thể thì thật là đại bất hạnh cho người đó. Trong giờ phút cuối cuộc đời, người đang chết sẽ đối diện với nhiều cảnh giới hãi hùng đau khổ. Đau khổ vì thân xác tứ đại phân ly, đau khổ vì oán thân trái chủ trả thù, đau khổ vì nghiệp chướng hành hạ v.v… bao nhiêu nỗi thống khổ đang ào ào ập tới bắt người ra đi phải chịu lấy. Tinh thần hãi kinh, tâm hồn hoảng sợ, tâm lý rối bời… Họ đang chới với trong những cảnh giới quá hãi hùng, quá tội nghiệp! Nếu lúc đó người thân trong gia đình tới quây quanh an ủi, bình tĩnh khuyên lơn, thì người ra đi an lòng, sẽ đỡ khổ biết chừng nào.
Và, hay hơn nữa, nếu người thân hiểu đạo thì hãy bao quanh niệm Phật, nhờ bạn đồng tu tới hộ niệm, khuyên nhủ buông xả thế trần, chỉ dẫn nguyện cầu vãng sanh Cực-Lạc. Nếu mọi người đồng tâm thành ý niệm Phật cầu xin Phật A-Di-Đà tiếp độ, thì người ra đi không những được an lòng bớt khổ, mà còn thoát nạn tam đồ, thoát ly tam giới, vãng sanh Tịnh-độ, một đời bất thối thành Phật. Đây là đại thiện căn, đại phúc đức, đại nhân duyên. Quý hóa, đại quý hóa…
Cứu người là vậy đó, hiếu nghĩa là vậy đó, thương yêu nhau là vậy đó. Chứ đâu phải thương yêu là phải khóc cho nhiều, phải than cho dữ! Giả sử như ngày chị Bùi Thị Gái ra đi, mọi người trong gia đình khóc lóc than van. Khóc cho lớn để được tiếng khen tặng của hàng xóm. Than thật nhiều cho đã cái nư “Ái biệt ly khổ”! Ôm ấp, lay động, vằn vọt thân thể người đi cho dữ để người đi không đành lòng nhắm mắt chia tay. Thì chúng ta hãy nghĩ thử, việc gì đã xảy ra?
Xin thưa rằng, chắc chắn hôm đó đã có một người bị hãm hại! Có một thần thức bị đọa đày! Có một oan hồn bị ném vào hầm lửa! Có một chị tên là Gái bị bệnh ung thư gan đau đớn phải chết và sau đó sẽ bị đau khổ hơn gấp trăm ngàn vạn lần cái bệnh ung thư này! Thương tâm biết chừng nào! Người ở lại sẽ buồn khổ sầu đau, người ra đi còn tức tưởi buồn đau vạn kiếp! Kẻ ra đi thì đã bị đọa lạc, người ở lại thì sống trong cảnh khổ não chờ đợi tới phiên mình chịu chung cảnh ngộ! Nhân nào quả đó. Hôm nay gây nên đại họa làm cho người thân bị đọa lạc, thì ngày mai tới phiên mình cũng bị con cháu nó mạnh tay ném vào ác đạo để ta trả trọn cái quả báo này, chứ có cách nào khác hơn!
Vậy thì, khi có người ra đi, xin cô bác đừng khóc. Khóc lóc là bất hiếu, bất nghĩa! Sống chết là lẽ thường! Hãy phát tâm hộ niệm cho nhau, để cứu độ từng người một vãng sanh Cực-Lạc. Lời Phật nhất định không sai. Chị Bùi Thị Gái niệm Phật chỉ vỏn vẹn 11 ngày, nhờ hộ niệm mà an nhiên vãng sanh thoát vòng sanh tử.
Xin cô bác quyết lòng tin tưởng, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Niệm Phật sẽ thành Phật.
(Viết xong, Úc châu).
Người bệnh khi sắp tắt thở cũng chính là lúc phải phân biệt cảnh giới giữa phàm, thánh, người và quỉ ma. Cho nên, ngay lúc này chỉ có thể dùng danh hiệu Phật để khai thị, hướng dẫn thần thức của họ, chứ không được tắm rửa, thay quần áo, di động, than khóc. Tùy theo ý thích của người bệnh muốn ngồi hay nằm cũng được. Nóng ở đầu sanh về Tịnh độ, ở trán sanh về Trời, ở ngực sanh cõi người, ở bụng sanh ngạ quỉ, ở đầu gối sanh vào cõi súc sanh, dưới bàn chân sanh về địa ngục. Biết vậy thì mọi người đều phải niệm Phật một cách khẩn thiết, đừng để ý thăm dò hơi nóng nằm ở đâu, quyết định giúp được họ đới nghiệp vãng sanh. – Đại sư Ấn Quang (Tổ thứ 13 Liên Tông)
Diệu Âm cư sĩ
Comment