ron-nguoi-lang-ma-am-o-quang-nam-am-anh-su-trung-phat-
Rợn người làng ‘ma ám’ ở Quảng Nam (Ám ảnh sự trừng phạt)
- bởi tamthuc --
- 10/05/2015
Những tin đồn từ đó cũng được người dân truyền tai nhau rằng, xưa kia dân làng đã làm điều gì đắc tội với những người đã chết nên bây giờ bị trừng phạt.
Chưa tìm ra nguyên nhân
Chiều 3/5, PV đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Tuần, nguyên Chủ tịch UBND xã Quế Thuận, người dành nhiều tâm huyết cho ngôi làng “đặc biệt” của thôn Phú Dương. Ông Tuần cho biết, thực trạng người bị bệnh thần kinh, ung thư ở tổ 5 đã trở thành nỗi trăn trở của bà con nhân dân và chính quyền địa phương cả chục năm nay.
Ông Bùi Tuần, nguyên Chủ tịch UBND xã Quế Thuận.
Ông Tuần giải thích: “Từ lâu, người dân địa phương đã sử dụng nguồn nước giếng đào để ăn uống, sinh hoạt. Sau khi phát hiện các ca mắc bệnh liên tiếp, người dân nghi ngờ nguyên nhân có thể là do nguồn nước. Bởi trong chiến tranh, nơi đây là gò đầm mặt, nhiều đồn bốt của địch chiếm đóng.
Sau năm 1975, Trung đoàn 38 tiếp quản, vì thế mà khả năng nguồn nước tại đây bị ô nhiễm từ chất hóa học trong chiến tranh là rất cao. Thế nhưng, sau khi các ngành y tế, môi trường “vào cuộc” để kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước vào các năm 1996, 1997 thì vẫn chưa xác định được kết quả. Có lẽ vì thế mà người dân hoang mang, lo sợ và nghĩ đến chuyện bị “ma quỷ” trừng phạt”.
Theo lời ông Tuần, năm 2003, ông lại tiếp tục cho gửi mẫu nước ở thôn Phú Dương cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam để xét nghiệm. Lúc này, kết quả nhận được là mẫu nước an toàn. Thế nhưng về sau, số người bị tâm thần, ung thư vẫn gia tăng qua từng năm.
Vào năm 2010, một đoàn nghiên cứu sinh cũng đã đến địa phương để lấy mẫu nước mang về xét nghiệm một lần nữa. Đầu năm nay, xã lại tiếp tục lấy mẫu nước gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm nước sạch của tỉnh để xét nghiệm. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, xã vẫn chưa nhận được kết quả cuối cùng.
Không tìm đến hoạt động mê tín dị đoan để chữa bệnh
Nói về sự tồn tại của ngôi làng bệnh tật, chết chóc ở địa phương, ông Trương Văn Tâm, Trưởng ban mặt trận thôn cho hay, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thôn Phú Dương là nơi địch dùng để đóng đồn trong thời gian dài. Chính vì thế mà khi không thể lý giải được nguyên nhân của bệnh thì họ lập tức tin rằng, có sự can thiệp của “ma quỷ”.
Những con đường vắng dấu chân người dẫn vào ngôi làng “ma ám” đầy ám ảnh.
Những tin đồn từ đó cũng được người dân truyền tai nhau rằng, xưa kia dân làng đã làm điều gì đắc tội với những người đã chết nên bây giờ bị trừng phạt. Hai ngôi miếu Ông, miếu Bà bị chiến tranh tàn phá, xuống cấp cũng được người dân tự nguyện quyên tiền sửa chữa. Họ tin rằng, nếu “có tâm” thì thần linh sẽ phù hộ họ tránh khỏi sự trừng phạt “ma quỷ”.
Trao đổi với PV, ông Tâm nêu rõ quan điểm: “Tình trạng bệnh tật bất thường xảy ra tại địa phương trong một thời gian dài là có thật. Tuy nhiên, những tin đồn ma quỷ trừng phạt hoàn toàn là sản phẩm của mê tín dị đoan, hoặc chỉ là “chiêu” của các đối tượng xấu tung ra hòng trục lợi.
Về phía thôn, chúng tôi không thể cấm những chuyện cúng bái của người dân vì nó thuộc về phạm trù tâm linh. Thế nhưng, trong các cuộc họp thôn, chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyên để bà con không tìm đến các hình thức chữa bệnh mê tín dị đoan tránh tiền mất tật mang”.
“Lá lành đùm lá rách”
Ông Phan Duy Thanh, Chủ tịch UBND xã Quế Thuân (huyện Quế Sơn) cho biết: “Vì bệnh tật bủa vây trong nhiều năm liền nên thôn có rất nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Số hộ này chủ yếu tập trung ở tổ 5. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhiều năm nay, người dân Phú Dương thành lập quỹ “Ăn nín nhịn thêm”, mỗi ngày, một gia đình đóng góp 1.000 đồng để giúp đỡ những gia đình khó khăn”.
Ngoài ra, ông Thanh cũng bày tỏ mong muốn của địa phương là sớm tìm ra căn nguyên gây bệnh để người dân trong thôn không còn phải lo lắng về bệnh tật và hơn hết là để họ yên tâm sinh sống, làm ăn.
Nhật Thanh – Theo Người đưa tin
Comment