thuong-toa-thich-nhat-tu-giai-thich-ve-hien-tuong-vong-nhap
Thượng toạ Thích Nhật Từ giải thích về hiện tượng vong nhập
- bởi tamthuc --
- 22/04/2015
Thượng tọa Thích Nhật Từ là nhà tu hành Phật giáo người Việt Nam. Ông là nhà cải cách Phật giáo hiện đại, người chủ trương nhập thế, nhà diễn thuyết, nhà hoằng pháp, dịch giả kinh điển, tác gia, nhà thơ, nhà tư vấn, người trị bệnh tâm thần rối loạn đa nhân cách và nhà hoạt động xã hội năng động.
Ghi nhận các đóng góp đặc biệt của Sư, vào tháng 12 năm 2010, Sư Thích Nhật Từ chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa sớm hơn ba năm so với quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (45 tuổi đời, 25 tuổi hạ).
Sư cô hỏi:
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật;
Nam mô A Di Đà Phật;
Kính bạch Thượng toạ giảng sư!
Theo Thượng toạ giảng thì con người sau khi chết thì sẽ được tái sanh sau vài giây, thậm chí cho đến vài ngày.
Trong thực tế, con thấy rằng ở các ngôi chùa, trong giờ cũng linh có những vong hồn đã chết vài chục năm nhưng vẫn hiện về nhập vào người sống để nói chuyện. Vậy phải giải thích những hiện tượng đó như thế nào, con xin Thượng toạ giảng cho con hiểu. Nam Mô A Di Đà Phật.
Thượng toạ Thích Nhật Từ trả lời:
Đó là một câu hỏi thú vị.
Như vừa nói trong phần bài giảng, phần lớn chúng sinh bao gồm con người tái sinh liền trong vài giây, vài phút đầu ngay sau khi tâm thức thoát ra khỏi cơ thể, việc này là do nghiệp quyết định, chúng ta không hẹn ước được.
Việc cúng bảy tuần thất, một trăm ngày, giỗ năm và các tuần giỗ về sau này là không do Đức Phật dạy. Các Tổ trong quá trình phát triển đạo Phật đã phương tiện để góp phần tiếp nối văn hoá và góp phần giúp cho văn hoá hiếu thảo đã được đạo Phật chủ trương được lưu giữ và kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác trong các cộng đồng và trong các dân tộc. Mục đích của việc cúng đó gồm có ba nội dung:
1. Phòng hờ trong tình huống hương linh vì còn vướng vào chấp trước chưa siêu thoát, các tuần thất là cơ hội cuối cùng để giúp cho họ hiểu rằng thi thể này không phải là tôi, sở hữu của tôi, tự tính của tôi; nhờ đó bỏ qua sự chấp vào thi thể. Con cái, vợ chồng, tài sản, danh dự, hận thù, không liên hệ gì đến những gì của tôi, sở hữu của tôi, cho nên nhờ đó mà tôi phải sớm mà ra đi. Cái thông điệp vô ngã đó đã giúp cho họ mạnh dạn không tiếc nuối. Thông điệp vô thường khiến cái thọ phải chấp nhận ngày khai tử với năm, tháng, ngày, giờ đó là cái chết thực sự đã diễn ra với mình, không thể kháng cự nó, đi ngược lại với nó. Hai thông điệp này là nội dung quan trọng của các buổi cúng, cho nên việc hỗ trợ đó là rất cần thiết.
3. Thông qua những ngày cúng thất, phần lớn là nên tổ chức tại chùa, thân bằng quyến thuộc của hương linh có thể chưa phải là phật tử, nhờ sự tận tình của các thầy, các sư cô, mà họ dần dần thấy ra được đạo Phật là một tôn giáo vô thần, chủ trương chân lý và đạo đức tốt, có thể cải thiện đời sống của họ, giúp cho họ sống hạnh phúc hơn, cho nên họ trở thành phật tử, nhờ đó, vong nhập họ được cứu giúp. Cái mục đích thứ hai này là rất quan trọng, không nên bỏ qua. Cho nên, hãy tận dụng những ngày tang lễ, những ngày cúng thất, ta hướng dẫn và giúp cho người đó được quy y. “Mượn tử độ sinh” là một triết lý nhập thế.
4. Trong thời gian tang chế thì nỗi khổ, niềm đau làm cho con người dễ sợ liên luỵ đến mình. Một mặt là thương người ra đi, mặt khác cũng thương chính mình. Cái phần thương chính mình là phần ẩn, ít dám nói ra, nhưng trong lúc khóc người ta có thể gián tiếp thể hiện như “anh ơi, anh đi bỏ lại em sống với ai? Em khổ lắm, ai lo cho em?”, “Cha ơi/Mẹ ơi đi rồi con sống với ai?”. Thay vì mình tiếc nuối ngưởi ra đi, thì mình sợ rằng mình cô đơn, mình bị bỏ rơi, mình phải tự lực,…Cái tôi ích kỷ đó, nó ngấm ngầm trong mỗi con người, thì thời gian này, việc hướng dẫn đúng chánh pháp sẽ giúp cho họ đi một con đường rất hạnh phúc. Đó là thời gian dễ nhất trong việc làm quen với phật đạo.
Bây giờ đi vào việc trả lời câu hỏi.
Vậy tại sao vài chục năm mà người chết vẫn có thể nhập vào một người nào đó trong gia đình và nói việc này, việc kia, thì điều này có đúng hay không?
Câu trả lời là lệ thuộc vào các tình huống:
- Nếu các thông tin khi các sự kiện gọi là “nhập vào” có thể kiểm chứng được bằng những người thân, và các thông tin này mang tính đặc tả, tức là ai trong cuộc mới biết được. Lúc đó, chúng ta không thể phủ định hiện tượng là có thật.
- Nếu không kiểm chứng được hoặc, nội dung trong lúc “nhập” diễn ra là những thứ mà trong gia đình thành viên nào cũng biết và nhất là cái người mà được xem là “nhập” đó cũng biết, thì cái đó được gọi là “Rối loạn tâm thần đa nhân cách.”
Gia đình không nên hoang mang, sợ hãi, mà hãy đưa người bệnh đó đến trung tâm tâm thần, bệnh viện tâm thần, bác sĩ tâm thần điều trị, càng sớm, càng tốt.
Các thầy, các sư cô trong chùa cũng cần nên tham khảo về những kiến thức này để chúng ta không điều trị sai.
Phần lớn công việc các chùa sẽ làm là trì kinh, tụng chú, niệm Phật, để trục vong ra, để giải ma, để giúp cho ma được siêu thoát. Trong khi đó, người ấy là đang bị tâm thần, thì việc làm đó chỉ có cảm giác trấn an. Sự trấn an chỉ tồn tại được vài tiếng, hoặc nhiều nhất là vài ngày.
Người bị rối loạn đa nhân cách có cảm giác rằng ma đã thoát ra khỏi cơ thể mình, nên họ hết, họ rùng mình, họ giật giật, sau đó trở thành người bình thường, hỏi lại chuyện đã qua họ không biết, mình tưởng là ma đã ra.
Trên thực tế, các rối loạn đa nhân cách làm cho người bị rối loạn đóng một vai mà trong vòng hai năm qua, nếu có một người thân trong gia đình mất, hay là nhiều chục năm trước có một người mất mà họ đã từng nghe kể các dữ liệu về người này, ở chỗ này hay chỗ kia, thì sự rối loạn đó sẽ làm cho họ đóng cái vai y hệt như người đã mất đó, nhưng trên thực tế là không phải, và đừng vì thế mà bị ngộ nhận.
Làm thế nào để chúng ta xác định được phải và không phải?
Có ba mẹo sau đây:
Mẹo thứ nhất: Đang khi sự kiện đó diễn ra mà ta không biết là bị nhập thật hay là các rối loạn tâm thần, thì quý vị chỉ cần đố, trong cái tủ mà cái người đang bị nhập đó chưa từng nhìn thấy trong đó có mấy ngăn có vật dụng gì. Hỏi tủ này có mấy ngăn, ngăn thứ hai, hay ngăn thứ ba có chứa vật dụng gì? Nếu là hương linh nhập vào thì không bị giới hạn bởi tường vách sẽ trả lời vanh vách và trúng phóc trong hai giây.
Mẹo thứ hai: Bỏ vài tiền giấy hoặc tiền đồng trong túi, xáo trộn nó đến chính mình không biết. Hỏi tờ tiền đầu tiên và tờ tiền cuối cùng là tờ mấy và sê ri trên tờ tiền giấy hay tiền đồng đó là số mấy. Nếu là hương linh nhập thật sẽ nói đúng liền.
Bằng không, thì cả hai tình huống này sẽ đánh trống lảng, trả lời trên trời, dưới đất, đánh lạc hướng vấn đề, hoặc con mắt của họ liếc qua, liếc lại suy nghĩ; lúc đó cái rối loạn tâm thần làm cho người ta phải suy nghĩ để đoán. Còn nếu là hương linh thật thì không có những biểu hiện này.
Mẹo thứ ba: Ta thử hỏi một cách cắc cớ rằng cái mộ bên trái của ông hay của bà cách hai mộ của ông/bà là mộ của ai? Ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất, mộ đó màu gì, xây dựng ra sao.
Nếu là hương linh chưa siêu thoát, họ sẽ nhớ rất rành những thứ đó. Cũng giống như nhà kế cạnh chúng ta, trong mối quan hệ văn hoá của châu Á, tên chủ nhà là gì, họ có nghề nghiệp gì, nhà họ sơn màu gì, cửa ra sao thì mình biết hết. Chỉ có người nào sống vô tư lắm thì mới không biết chuyện đó thôi. Rồi chúng ta cho người đi kiểm chứng, nếu là hương linh thật sẽ nói đúng, bằng không nói tầm bậy, tầm bạ.
Hoặc ta hỏi, người thân của họ là ai, địa chỉ như thế nào, số điện thoại là bao nhiêu. Hương linh chưa siêu thoát sẽ nhớ vanh vách những thứ đó. Còn hương linh giả, tức là bị tâm thần đa nhân cách hoặc tâm thần phân liệt sẽ trả lời đánh trống lảng “tôi chết lâu rồi, tôi không có nhà, không có cửa cũng không có mộ, tôi không có người thân”, ta biết rằng đây là tâm thần và nên đưa đến bệnh viện tâm thần.
Lúc ấy, những người bị rối loạn tâm thần này sẽ nói rằng “Ôi ông thầy này, sư cô này, cơ còn thấp lắm không trị nổi tôi đâu.” Thì ta biết đó là tâm thần hơi nặng nữa, phải đi sớm hơn.
Khi mà người đó tỉnh lại, có đi khám tâm thần cũng vô ích, khám não, khám mọi thứ cũng không phát hiện được; vì rối loạn tâm thần đa nhân cách là có điều kiện. Các điều kiện ở đây cần phải được nhận diện, cụ thể như sau:
Tình huống thứ nhất: Do sử dụng các kích thích tố bao gồm rượu bia, thuốc lá, đập đá, thuốc lắc, bồ đào và những chất ma tuý tổng hợp quá liều lượng hoặc thường xuyên. Uống rượu bia vào giờ khuya cho đến sáng thì phần lớn những người có suy nhược cơ thể và suy nhược thần kinh sẽ dẫn đến những rối loạn và họ sẽ đóng vai một người khác mà chính họ không biết.
Tình huống hai: Khi cơ thể bị mệt và kiệt quệ thì não trở nên có vấn đề, chỉ cần một nỗi buồn nho nhỏ, một sự quở mắng nho nhỏ, căng thẳng nhỏ, mất ngủ nhỏ, hay là bị oan ức thì trạng thái xuất hiện này dễ diễn ra.
Tình huống ba: Khi đến một chỗ quá đông đúc, ô xy ít, khói hương nghi ngút, cái mệt diễn ra trên não làm cho các rối loạn xuất hiện, và điều này rất dễ bị lý giải mê tín rằng là người đó đã bị nhập vì họ đang ở đình, chùa, miếu, đền. Do đó, đừng nên để các ngộ nhận và mê tín lạc dẫn mình.
Chúng tôi chuyên trị bệnh ma nhập đến nay là hai chục năm, và nghiên cứu về tâm thần học, tiếp xúc với các bệnh nhân tâm thần là vài chục ngàn trường hợp. Đọc về tâm lý học cũng khá nhiều, giảng dạy về duy thức học tức là tâm lý học phật giáo. Những kiến thức tổng hợp này giúp cho chúng tôi có được trực quan rất mạnh, ai là nhập thật, ai là tâm thần phân liệt, ai là tâm thần đa nhân cách, ai là tâm thần hoang tưởng, và do đó, có thể có những hướng dẫn cho người thân và người bệnh chọn đúng con đường.
Vì vậy, cũng rất mong các thầy, các sư cô đừng nên đánh giá quá hời hợt về việc người ta nhờ mình điều trị ma nhập. Nếu mình không có chuyên môn về vấn đề này, cũng như các bác sĩ mà không có bằng hành nghề mà vẫn chữa bệnh thì việc hành nghề như thế là phạm pháp. Bởi vì các chuẩn đoán của chúng ta có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng mà chúng ta không biết. Nhiều nơi còn hướng dẫn cúng dường trai tăng vài chục triệu, tốn tiền, dĩ nhiên là được phước nhưng mà không giải quyết được vấn nạn mà người đau khổ đang bị vướng vào.
Còn thầy bùa, thầy ngải, thầy pháp, tướng số, phong thuỷ, địa lý, đồng bóng, nhà ngoại cảm, khi được hỏi về điều này người ta nói ma này nặng lắm, khó lắm phải tốn vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ. Nhiều gia đình giàu vẫn ráng mà làm để mong người bệnh hết được bệnh. Không ngờ, càng làm càng nặng hơn, vì đó là một loại tâm thần mà không uống thuốc thì làm sao hết. Cho nên phải hỗ trợ, giúp cho người đó được thoải mái, tương tác xã hội, nâng đỡ tình cảm của người thân, giũ bỏ nỗi lo, nỗi buồn, nỗi giận, nỗi sợ, các oan trái, các nỗi khổ, niềm đau trong quá khứ, xem phim hài, nghe nhạc vui giúp tinh thần phấn chấn. Tập thể dục, thể thao, ăn uống, ngủ nghỉ làm việc thích hợp đừng quá sức, từ bỏ các thói quen tiêu thụ các độc tố, để người đó có khả năng tái phục hồi sức khoẻ, và đừng nên mặc cảm về việc uống thuốc điều trị bệnh tâm thần thì mới có thể có khả năng thoát khỏi bệnh tâm thần.
Do đó, vì câu hỏi là quá chung chung, ta chưa chứng kiến tình trạng đó cho nên việc giải đáp là tổng quát như vừa nêu thôi.
Theo Phật học thì không có tình trạng chết vài trăm năm,vài chục năm mà lại nhập vào trong cơ thể, chuyện đó không có thật. Phần lớn là do rối loạn đa nhân cách. Khi có những tình trạng như vậy, quý sư cô cứ hướng dẫn đến gặp chúng tôi tại chùa Giác Ngộ. Trung bình mỗi một ngày chúng tôi tiếp khoảng bốn trường hợp, và dĩ nhiên việc giúp cho họ phải mất nhiều thời gian, giải thích làm sao cho họ thông được, chứng minh làm sao cho họ cảm thấy bị thuyết phục được thì họ mới nghe theo lời khuyên được. Xin sang ý kiến khác.
Nguồn: Sưu tầm
TAMTHUC
Comment