No icon

nguoi-dan-ba-chet-di-song-lai-ke-chuyen-duoi-am-phu

Người đàn bà “chết đi sống lại” kể chuyện dưới “Âm phủ”

Những huyền tích truyền miệng thật khó xác định hư thực về bức tượng đồng vô giá và người đàn bà từng xuống âm phủ nhưng lại giúp mỗi người chiêm niệm về cuộc sống, nhân sinh.

Bảo Long là ngôi cổ tự có niên đại gần 300 năm, cùng với đó là những giai thoại kì bí mà đến nay người trong vùng vẫn truyền tai kể cho nhau nghe. Chuyện tìm thấy bức tượng quý bằng đồng đen dưới lòng suối Bàu Sấu hay sự tích về người đàn bà “phiêu lưu xuống Âm phủ”. Những huyền tích truyền miệng thật khó xác định hư thực nhưng lại giúp mỗi người chiêm niệm về cuộc sống, nhân sinh.

Báu vật bằng đồng đen

Chùa Bảo Long nằm ở thôn Mỹ Quang, xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cách Quốc lộ 1A khoảng chừng 1km về hướng Tây. Tổ khai sơn của chùa là Hòa thượng Đạt Chiếu, hiệu là Thiệt Quang đời thứ 38 phái Lâm Tế khai mở vào cuối thế kỷ XVII thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chùa vẫn giữ được những nét cổ kính linh thiêng, cùng với đó là những bức tượng được xem là báu vật vô giá.

Sư cô Diệu Hạnh, trụ trì chùa Bảo Long cho biết: “Nhà chùa hiện còn lưu giữa được 11 pho tượng Phật bằng đồng đen rất cổ. Riêng pho tượng Phật Thích Ca ngồi trong tư thế kiết già có kích thước bằng người thật đường nét vô cùng tinh xảo”. Truyền thuyết về sự xuất hiện của pho tượng Phật Tổ này cùng vô cùng huyền bí.

chua Bao Long, nguoi dan ba chet di song lai, buc tuong quy bang dong den, chet di song lai, giai thoai chua Bao Long

Tương truyền, khi vùng đất Ninh Hòa còn hoang sơ, cây cối rậm rạp, hùm beo thường xuất hiện ngang nhiên giữa ban ngày. Nhà cửa thưa thớt nép bên những đầm chà là, dứa nước âm u, Hòa thượng Đạt Chiếu trong chuyến đi du hóa về Phật pháp đã dừng chân lại chốn này lập một thảo am nhỏ tu hành, lấy hiệu là Bảo Long tự. Không may sau đó một thời gian sau đó, nơi đây xảy ra một trận hồng thủy khiến chùa sập đổ, tượng Phật quý và bảo chung bằng đồng đen bị nước lụt cuốn trôi đi đâu không rõ.

Điều kì lạ là sau khi chiếc chuông quy mất tích, dòng Bầu Sấu chảy qua trước chùa thường xuất hiện những chuyện kì lạ. Những đêm Rằm hay mùng 1 đầu tháng, người dân sống ở gần đó thất kinh khi nghe thấy tiếng chuông tiếng mõ vọng lên từ dưới lòng suối. Kì lạ hơn, thỉnh thoảng khi chiều chạng vạng hay sáng sớm, nhiều người đi làm đồng còn sửng sốt khi thấy trên mặt nước có một chiếc chiếu, trên chiếc chiếu có 4 ông lão râu tóc bạc phơ lầm rầm như đang tụng kinh niệm Phật.

Nhiều ngày nghe tiếng chuông kì lạ vẳng lên từ lòng suối cộng thêm những chuyện ly kì đã khiến dân làng quyết định cử người lặn xuống sông tìm báu vật. Thế nhưng lạ thay hàng trăm người đã quần nát cả một đoạn sông lớn nhưng vẫn không thấy một chút dấu vết nào về cổ vật. Lạ hơn, dẫu không tìm thấy “thứ gì” dưới sông nhưng trong đêm khuya tĩnh mịch, dân chúng vẫn nghe thấy tiếng chuông vang lên đều đều trong thinh không. Dường như Trời Phật vẫn còn muốn thử lòng người dân nên vẫn chưa cho họ có cái “duyên” tìm gặp.

Câu chuyện về pho tượng Phật và báu vật đồng đen theo thời gian cũng không ai để tâm đến nữa. Nhưng đúng 40 năm sau, một người dân ở thôn Thuận Mỹ trong một lần chài lưới lại tình cờ phát hiện được tượng Phật dưới lòng Bàu Sấu. Sau khi tìm lại được tượng Phật, người làng thỉnh về chùa thờ phụng như cũ. Người dân thì vô cùng mừng rỡ cho đó là điềm tốt lành nên càng thêm tin tưởng vào sự linh thiêng của Bàu Sấu và rất tôn quý tượng Phật Tổ mà họ tin là của Trời Phật ban cho.

Sau khi phát hiện pho tượng Phật quý giá, dân làng vẫn nghe thấy tiếng chuông vọng lên từ dưới lòng sông. Tin rằng báu vật “đại hồng chung” vẫn nằm đâu đó nên họ lập hương án cầu khấn thần Phật cho vớt quả chuông lên. Quả nhiên, sau đó một người dân tìm thấy quả chuông được treo lủng lẳng trên một cành cây nhô ra dưới lòng suối Bàu Sấu. Vừa tìm thấy tượng Phật quý lại được cả chuông cổ. Đúng là “châu về Hợp Phố” khiến cho tiếng lành về ngôi chùa Bảo Long linh thiêng ngày càng vàng xa. Thời Pháp thuộc, Viện Bác Cổ Viễn Ðông từng đến chùa hỏi mua các tượng Phật cổ với một giá rất cao nhưng dân làng nhất định không bán.

Người trở về từ cõi âm

Dòng suối Bàu Sấu không chỉ linh thiêng với câu chuyện tượng Phật, chuông đồng mà còn huyền bí bởi gắn liền với sự tích về người đàn bà trở về từ cõi âm. Tương truyền rằng ở làng Thuận Mỹ có người đàn bà tục gọi là bà Xã Mập. Một hôm bà Xã thấy một con trâu lạ dẫm vào ruộng phá lúa. Nổi giận đùng đùng, bà Xã chạy lại nắm đuôi trâu đuổi đánh ra phía bờ suối. Không ngờ khi đến con suối Bàu Sấu, con trâu kéo theo bà xuống lòng suối rồi cả hai cùng biến mất.

Sau đó, gia đình bà Xã đã thuê người lặn tìm trên khúc suốt suốt một trăm ngày nhưng đến một cọng tóc của người quá cố cũng không tìm thấy. Đoán chắc bà đã chết, người nhà lập bàn thờ để nhang khói. Nhưng kì lạ thay, 4 tháng sau bà Xã đột ngột trở về nhà. Thấy kinh ngạc, mọi người lũ lượt kéo đến hỏi thăm, nhưng bà Xã Mập vẫn một mực chối lắc đầu nói: “Nếu muốn sống thì chuyện cõi âm nhất quyết không được phép nói với người cõi dương”.

Thời gian trôi qua, trong một lần tò mò, người chồng thủ thỉ đòi vợ kể cho nghe những chuyện kì lạ mà vợ đã trải qua. Không chối từ được lời khẩn khoản của chồng, bà Xã Mập liền nói với chồng: “Vậy thì ông hãy chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ mời bà con đến đây để chung vui trước khi tôi tạ thế”. Tưởng người vợ chỉ nói chơi chứ làm gì có thật, nên người chồng giết lợn gà làm tiệc mời bà con đến như lời vợ đã nói. Trong bữa tiệc, bà Xã Mập đã kể lại câu chuyện.

Theo đó, lúc bà nắm đuôi trâu để đuổi đánh thì con trâu bất ngờ kéo bà theo, đến lúc định thả đuôi trâu ra thì tay bị dính chặt không tài nào cử động nổi nên bà chỉ còn biết nhắm mắt chờ chết. Nhưng kì lạ thay, khi bà vừa mở mắt ra thì thấy mình đứng trước một lâu đài nguy nga tráng lệ. Đang bần thần lo sợ thì trước mắt bà xuất hiện hai người lính thị vệ. Bà sợ quá toan bỏ chạy, nhưng hai người này đã kịp nắm lấy tay bà kéo vào bên trong lâu đài. Đó là lâu đài lộng lẫy và đẹp vô cùng, chưa một lần nào bà được nhìn thấy cả.

Hai người lính dẫn bà đi ngang qua tiền đình, rồi qua một sân rộng đầy hoa thơm cỏ lạ. Sau cùng đến một cung điện hào quang sáng chói cả mắt. Trên điện có một vương gia đội thiên miện, mặc long bào, râu dài, mặt sáng, ngồi trên một chiếc ngai vàng rực rỡ bằng thảm ngọc trai. Vừa nói đến đây thì bà Xã Mập đột nhiên lăn ra tắt thở trước sự kinh ngạc của mọi người dân làng. Bấy giờ người chồng của bà Xã Mập mới bàng hoàng đau đớn và ân hận vì lời của vợ mình là thật chứ không phải chuyện chơi.

Câu chuyện người về từ cõi chết không biết hư thực nhưng đã được người dân nơi đây truyền miệng qua bao thế hệ. Tương truyền rằng, con suối Bàu Sấu từ đó trên bề mặt xuất hiện vô số cá sấu hung dữ, ai làm điều thất đức, độc ác khi đi qua suối này sẽ bị cá sấu nuốt chửng. Thiết nghĩ câu chuyện xưa cũng là lời nhắc nhở chúng sinh ăn ngay, ở lành, làm chuyện phúc đức sẽ được hưởng phúc lành. Trong khuôn viên chùa Bảo Long hiện giờ còn có một cây đa cổ thụ và điện thờ Nữ thần Thiên Y A Na có niên đại gần 200 năm.

Trụ trì chùa Bảo Long, Tỳ Kheo Thích Nữ Diệu Hạnh chia sẻ: “Phải có cơ duyên lắm thì hai bảo vật của chùa Bảo Long đã mất tích mới có thể “trùng phùng”. Đức Phật luôn độ trì cho những người có tâm hướng về chân thiện mỹ nên Ngài mới tạo cơ duyên như vậy. Cơn đại hồng thủy của tự nhiên hay chính là cơn hồng thủy trong lòng người. Khi con người không hướng về cõi Phật làm điều lành, tránh điều ác thì tượng Phật, chuông quý cũng bị bỏ không tựa như bị chìm sâu dưới lòng nước vậy”.

Theo: Câu chuyện pháp luật

TAMTHUC

Comment