No icon

vi-sao-noi-den-thoi-mat-phap-dac-chinh-phap-con-kho-hon-len-troi

Vì sao nói đến thời mạt Pháp, đắc Chính Pháp còn khó hơn lên trời?

“Nếu đúng là như vậy, có được thân người ngày hôm nay quả là kỳ duyên thiên cổ. Nếu ai lại có cơ duyên tu luyện trong Đại Pháp của Ngài, cá nhân ấy quả là quá may mắn”.

Không đắc thân người, không được thọ Pháp

“Tây Du Ký”, hồi 64 “Núi Kinh Cức, Ngộ Năng gắng sức; Am Mộc Tiên, Tam Tạng làm thơ” kể rằng: Sau khi chia tay Vua Tế Trại, thầy trò Đường Tăng tiếp tục lên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh. Tới rằm tháng giêng thì đến núi Kinh Cức. Mấy thầy trò đi đến một miếu hoang, thì có một ông già chống gậy đi trước, theo sau là một con quỷ mặt xanh, nanh bạc, tóc đỏ, mình trần, đội mâm bánh, cùng quỳ xuống trước mặt Tam Tạng. Ông lão tự xưng là Thần Thổ Địa núi này, đoạn dâng mâm bánh phục linh cho đoàn thỉnh kinh.

Tôn Ngộ Không nghi ngờ yêu quái, vừa toan giá thiết bảng thì ông già đã cặp nách Tam Tạng hoá gió bay mất.

Đường Tăng được đưa đến Mộc Tiên Am, ông già ban nãy xưng là Thập Bát Công, thưa rằng trăng thanh gió mát, thỉnh Thánh tăng về cùng làm thơ cho vui.

Còn có thêm 3 vị “tiên nhân” xưng là Cô Trực Công, Lăng Không Tử, và Phất Vân Tẩu cùng ngâm thơ đàm đạo. Họ thỉnh cầu Đường Tăng giảng Phật Pháp cho thoả lòng ao ước bấy lâu. Đường Tăng cảm khái rằng:

“Thân người khó được,

Trung Thổ khó sinh,

Chính Pháp khó gặp,

Được cả ba điều,

May mắn lắm thay”

Họ thỉnh cầu Đường Tăng giảng Phật Pháp cho thoả lòng ao ước bấy lâu (Ảnh: youtube.com)

Đến khuya, Đường Tăng xin cáo từ ra về, thì 4 vị tiên ông giữ lại chơi thêm vài canh nữa. Đoạn có hai nàng thể nữ áo xanh xách cặp lồng đèn vào trước, một nàng tiên nữ theo sau; nàng tiên nữ cầm một nhành hoa bạch, cười chúm chím, thì ra là Hạnh tiên cô. Câu từ qua lại, Hạnh tiên cô ngỏ ý lả lơi trăng gió với Đường Tăng. Đường Tăng nổi giận thì con quỷ mặt xanh nanh bạc hét lớn, Đường Tăng kinh hãi, toan chạy trốn thì bị chúng nắm tay, xô đẩy, khóc la tới sáng.

Vừa đúng lúc Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh đến giải cứu sư phụ. Tôn Ngộ Không phát hiện ra bè lũ “tiên ông”, “tiên cô kia” là mấy cái cây thành tinh. Thập Bát Công là cây tùng, bởi chữ “thập” với chữ “bát” dính lại thành chữ “mộc”, thêm chữ “công” một bên là chữ “tùng”. Còn Cô Trực Công là cây bách, bởi cây trắc ngay thẳng luôn luôn. Còn Lăng Không Tử là cây cối, “lăng không” nghĩa là lấn mây, vì nó cao lắm. Còn Phất Vân Tẩu nghĩa là ông già quét mây, vì ngọn nó cao quá. Con quỷ sứ là cây chùm bao. Hạnh tiên là cây hạnh, hai con tỉ tấc mặc áo xanh là hai cây huỳnh mai.

Bát Giới nghe rõ nổi xung, vì đi kiếm thầy một đêm khổ lắm. Bát Giới vác đinh ba cuốc cả lũ cây đó, rồi kê mỏ ủi trốc gốc đứt rễ hết thảy; thấy máu chảy ròng ròng!

Không đắc thân người thì không được nghe Pháp, động vật cây cỏ dẫu có tu luyện thành tinh cuối cùng cũng bị Trời diệt. Kiếp này đắc thân người, được nghe Phật Pháp quả là hy hữu lắm!

Kiếp này đắc thân người, mà còn được nghe Phật Pháp thì quả là quá may mắn! (Ảnh minh họa: ybox.vn)

Được nghe Pháp rồi, nhưng không phải ai cũng nghe Pháp nhập tâm, hành trì tinh tấn

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại tịnh xá Kỳ Hoàn, có 500 thiện tín đến xin Ngài giảng pháp. Ðức Thế Tôn không hề phân biệt giai cấp dòng họ sang hèn. Với ai, Ngài cũng giảng dạy bình đẳng như nhau, giống như nước mưa rơi từ không trung xuống thấm nhuần ngàn cây nội cỏ một cách vô tư.

Nhưng dù Ngài ân cần giảng dạy, mấy người kia ngồi nghe Pháp một cách lơ đãng. Ông thì ngủ gục; ông lấy tay gõ hoài trên mặt đất; người cứ lay mãi một nhánh cây; kẻ ngó mông lung trên trời; chỉ có một người chăm chú nghe. Tôn giả A Nan đứng quạt hầu Phật, ngạc nhiên về cử chỉ của năm ông khách nên khi họ vừa ra về, Ngài liền hỏi Phật:

– Bạch Thế Tôn, thời pháp của Ngài giảng như sấm rền vang không trung, mà chỉ có một người chăm chú nghe, còn mấy người kia đều lơ đãng hết sức.

– Này A Nan, ông chưa biết rõ về năm người ấy?

– Bạch Thế Tôn, không.

– Người đầu tiên đã làm thân rắn 500 đời, thường khoanh tròn nằm ngủ nên đến kiếp này hắn cũng còn giữ cố tật ấy, chẳng có lời nào của ta lọt vào tai hắn.

– Bạch Thế Tôn. Những kiếp ấy xảy ra liên tiếp hay có xen kẽ?

– Khi thì hắn mang thân người, lúc mang thân trời, khi khác làm rắn. Không thể nào kể được những kiếp luân hồi của hắn. Nhưng có 500 kiếp liên tiếp, hắn làm rắn và thường ngủ li bì.

Người dùng tay gõ gõ trên mặt đất, đã 500 đời làm mối kết tổ trong lòng đất nên kiếp này hắn vẫn còn giữ thói quen ấy.

Người cứ lay động nhánh cây, là 500 đời làm khỉ quen leo trèo nên bây giờ hắn không tài nào ngồi yên một chỗ.

Người hay nhìn mông lung trên trời, đã từng làm chiêm tinh 500 đời, nên bây giờ vẫn còn thói quen.

Người chăm chú nghe lời ta, đã từng đọc tụng kinh Vệ Đà 500 đời nên quen chăm chú cần mật như lúc nghe mật chú.

– Nhưng Bạch Thế Tôn, lời Ngài dạy, con thấy thấm tận xương tủy, mà tại sao họ lại lơ là?

– A Nan, bộ ông tưởng giáo lý của ta dễ nghe lắm sao?

– Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ Ngài cho nó khó nghe?

– Ðúng thế.

– Tại sao?

– Này A Nan, những người này trong vòng luân hồi đã trải qua nhiều kiếp chưa từng nghe đến tên Tam Bảo, cho nên bây giờ họ không thể thâm nhập giáo pháp. Ra vào cuộc tử sanh vô tận, họ chỉ quen nghe tiếng nói của súc sanh. Hơn nữa, họ còn tiêu phí gần hết thì giờ trong việc ăn uống, vui chơi, múa hát, và không thể nghe theo lời ta giảng.

Gặp được Phật Pháp đã khó “ngộ càng khó” (Ảnh minh họa: jooinn.com)

“Tây Du Ký” hồi thứ 100 “Kính hồi Đông Thổ, Ngũ thánh thành chân” có đoạn bốn thầy trò Đường Tăng được Phật Như Lai thụ phong. Khi đó Phật Như Lai nói: “Thánh tăng, kiếp trước con nguyên là đồ đệ thứ hai của ta, tên gọi là Kim Thiền Tử. Bởi vì con không nghe giảng Pháp, khinh mạn lời giảng Đạo của ta, cho nên bị đọa chuyển sinh nơi Đông Thổ”.

Kim Thiền Tử bị đọa sang Đông Thổ Đại Đường liền bắt đầu trải qua kiếp nạn. Vừa mới sinh ra đời thì cha đã bị giết, mới vừa đầy tháng mẹ cậu bé đã phải thả cậu lên bè trôi sông, suýt chút nữa thì bị chết đuối. Lớn lên đi tìm họ hàng báo oan chẳng hề dễ dàng, về sau trên con đường phản bổn quy chân đi Tây Trúc thỉnh kinh phải trải qua muôn ngàn sóng gió, trải qua 81 nạn mới trở về lại được Phật quốc.

Vậy mới thấy, ác nghiệp gây ra do tội coi thường Phật Pháp mới to lớn nhường nào. Pháp đắc rồi lại không biết trân quý, để có lại cơ duyên thật khó lắm thay!

Đến thời Mạt Pháp, đắc Chính Pháp còn khó hơn lên trời

Theo Kinh Phật, thời đại chúng ta đang sống là thời Mạt Pháp. Thời nay, để được nghe và tu luyện trong Phật Pháp có lẽ còn khó hơn lên trời.

Kinh Pháp Diệt Tận có viết: “Lúc Phật Pháp sắp diệt người nữ phần nhiều tinh tấn, ưa tu những công đức. Trái lại, người nam phần nhiều kém lòng tin tưởng, thường hay giải đãi khinh mạn, không thích nghe Pháp, không tu phước huệ, khi thấy hàng Sa môn thì rẻ rúng chê bai, xem như đất bụi. Lúc ấy, do nghiệp ác của chúng sanh, mưa nắng không điều hòa, ngũ sắc hư hao, tàn tạ, bệnh dịch lưu hành, người chết vô số. Thời bấy giờ, hàng quan liêu phần nhiều khắc nghiệt tham ô, lớp dân chúng lại nhọc nhằn nghèo khổ, ai nấy đều mong cho có giặc loạn. Trong thế gian lúc ấy khó tìm được người lương thiện, còn kẻ ác thì nhiều như cát ở bãi biển, đạo đức suy đồi, chư thiên buồn thương rơi lệ”.

Tuy nhiên, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng để lại những lời tiên tri về sự đản sinh của một vị Phật tương lai. Kinh Phật ghi lại: “Long Hoa tam hội nguyện tương phùng, sau năm mươi ức năm, Phật Di Lặc hạ thế, giảng Pháp tam biến, độ hết tất cả chúng sinh hữu duyên”.

Quyển 8 kinh “Huệ Lâm Âm Nghĩa” có nhắc tới sự đản sinh của một đức Phật Như Lai hay một đức Chuyển Luân Thánh Vương. Sự đản sinh của Ngài sẽ đi cùng dấu hiệu nơi thế gian là những bông hoa Ưu Đàm Bà La, một loài thiên hoa nhỏ li ti trắng muốt, thân hoa mỏng như sợi tơ, trong suốt, sắc trắng như tuyết, xung quanh tỏa ra vầng sáng nhàn nhạt, có khả năng mọc trên bất kỳ chất liệu nào như đồng, sắt thép, thủy tinh, keo dán, trái cây, thực vật, hoa tươi hàng năm không phai tàn.

Hoa Ưu Đàm (Ảnh: tinhhoa.net)

Theo Kinh Phật, Đức Chuyển Luân Thánh Vương là ‘Lý tưởng Vương’, trị vì thế giới bằng cách xoay chuyển Pháp Luân để chính lại Pháp dựa trên chính nghĩa thay vì vũ lực. Dù là người của tôn giáo nào – Phật giáo, Cơ Đốc giáo hay các tôn giáo khác – bất cứ ai có thể lấy từ bi để đối đãi với người khác sẽ có cơ hội được gặp Đức Chuyển Luân Thánh Vương.

Từ những năm 90 đến nay, hoa Ưu Đàm Bà La lần lượt khai nở khắp nơi trên thế giới. Phải chăng vị Phật Di Lặc của tương lai, Đức Chuyển Luân Thánh Vương đã hạ thế độ nhân? Nếu đúng là như vậy, có được thân người ngày hôm nay quả là kỳ duyên thiên cổ. Nếu ai lại có cơ duyên tu luyện trong Đại Pháp của Ngài, cá nhân ấy quả là quá may mắn.

Đoàn Phạm

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/vi-sao-noi-den-thoi-mat-phap-dac-chinh-phap-con-kho-hon-len-troi.html

Comment