No icon

bi-an-kinh-dich-p-que-can-vi-thien-va-quan-he-giua-thien-dao-voi-gia-dinh-cha-con-va-tien-bac

Bí ẩn Kinh Dịch (P.4): Quẻ ‘Càn Vi Thiên’ và quan hệ giữa Thiên Đạo với gia đình, cha con và tiền bạc

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, mỗi sinh mệnh khi mới sinh ra đều có phần tiên thiên tốt đẹp và thuần chính. Nếu các sinh mệnh cứ giữ mãi sự tốt đẹp như vậy, thì sẽ không có gì bất hạnh xảy ra cho nhân loại. Nhưng đáng tiếc thay, thuận theo thời gian tất cả đều biến đổi xấu đi, đó cũng là quy luật của vũ trụ. Trong quẻ “Càn Vi Thiên” của Kinh Dịch ẩn chứa nhiều bài học giúp chúng ta tu sửa bản thân, giảm bớt cái xấu, sống theo đúng Thiên Đạo để ngày càng trở nên tốt hơn.

Có 4 thứ dễ khiến con người ta biến đổi, sa đọa, chúng ta sẽ tập trung vào các bài học cho 4 thứ này. Đó chính là: Quyền lực, tiền bạc, gia đình và lợi ích cá nhân. 

Tiếp theo Phần 3

3. Gia đình

Thời đại kim tiền thế kỷ XXI là lúc mà nhân loại chứng kiến nhiều vấn nạn nhất về gia đình, khi con người không còn tâm pháp hay đạo đức để ước thúc hành vi của mình. Đối với nhiều người, gia đình trở thành gánh nặng, mệt mỏi và áp lực triền miên. Hậu quả là tỷ lệ ly hôn cao, nhiều người trẻ không muốn lập gia đình. Biết bao nhiêu đứa trẻ phải sống trong những gia đình đơn thân không có đầy đủ sự quan tâm của mẹ cha. Tất cả bi kịch của xã hội đều từ đây mà ra, vì gia đình chính là tế bào tạo thành xã hội.

Vì thế, giữ cho gia đình yên ấm hòa thuận, sống thuận tự nhiên và thịnh vượng lâu dài chính là vấn đề mà ai cũng quan tâm. Quẻ Càn Vi Thiên chứa đựng bài học đơn giản mà sâu sắc về gia đình.

Cha là Trời: Phải quang minh chính đại, giữ đạo đức

Quẻ Càn là cha, là Trời. Vậy người cha chính là “cột chống Trời” trong gia đình, là nguồn sống, là cầu nối của Thiên Đạo với tất cả thành viên trong gia đình. Nên người cha phải có tư cách của Trời, chính là phải chính trực, mạnh mẽ và lương thiện.

Nếu đạt đến tư cách đạo đức cao như vậy, chắc chắn gia đình đó sẽ thịnh vượng. Vì Càn thuộc Kim cũng chính là tượng của tiền bạc, nên người cha như thế sẽ nuôi sống gia đình đầy đủ.

Cha là Trời: Phải quang minh chính đại. (Ảnh: pinterest.com)

Con là tấm gương phản ánh đạo đức của cha

Người cha ra xã hội làm việc, dù làm lãnh đạo hay nhân viên bình thường đều phải nỗ lực hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình. Trong công việc không có gì khuất tất, không vụ lợi, không vì tình riêng. Có như vậy mới đủ tư cách để dạy dỗ con cái.

Cha là Càn, Trời, là Thái Dương; con cái, đặc biệt trưởng nam cũng là Trời trong gia đình tương lai của nó. Khi nó ở với mình nó chính là Thiếu Dương (cái Dương nhỏ), vì thế người cha làm gương để dạy con là quan trọng nhất, vì Thiếu Dương phải hấp thụ Dương khí (điều tốt, tích cực) mới thành Thái Dương được.

Dạy con quan điểm đúng về tiền

Ngày nay có câu “Con là cả bầu trời của cha mẹ”. Cùng với kinh tế phát triển, đầu tư cho giáo dục con cái trở thành một vấn đề đáng bàn đến.

Người cha có địa vị và việc làm chân chính ổn định, lối sống đạo đức và kinh tế khá chính là ứng với quẻ Càn bên trên trong quẻ Càn Vi Thiên.

Còn quẻ Càn bên dưới chính là tượng trưng cho con trai của anh ta, và cách mà anh ta chi tiêu nuôi nấng đứa con đó cũng như dạy nó tiêu tiền.

Nếu anh ta cho con quá nhiều tiền tiêu pha từ nhỏ, coi tiền như thứ quý giá nhất để cho con, dùng tiền để giải quyết mọi việc trong gia đình thì đã đi sai lệch với Đạo của Càn Vi Thiên. Lúc đó, quẻ trở thành hình tượng Kim tổn hại Kim. Khi 2 Kim xung phá nhau thì hậu quả là không tưởng tượng nổi, vì Kim chính là chết chóc, sát khí và thương tật.

Chưa hết, nếu người cha đó cật lực kiếm chác, làm ăn bất chính để có tiền để lại cho con và cho con mình tiêu xài phung phí thì gia đình sẽ bị Kim tổn hại Kim mà dẫn đến một số hậu quả như:

“Con bất hiếu, bất kính cha mẹ.

Con bị thương tật bất ngờ do tai nạn.

Con sinh ra bị dị tật bẩm sinh.

Con bị thương tàn, tổn hại tay chân. Hay bị thương bởi chiến tranh súng đạn, dao búa v.v.”

Ngoài ra, một số gia đình còn “vung tay quá trán” – đầu tư cho con cái quá mức mà không xem xét đến hoàn cảnh kinh tế gia đình. Đó cũng là đi sai với Đạo Trời của quẻ Càn Vi Thiên này. Vì lẽ Trời chính là “tùy kỳ tự nhiên” – hoàn cảnh thế nào thì chúng ta cư xử thế ấy chứ không nên cực đoan.

Vì lẽ Trời chính là “tùy kỳ tự nhiên” – hoàn cảnh thế nào thì chúng ta cư xử thế ấy chứ không nên cực đoan. (Ảnh: pinterest.com)

Ví như một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bình thường, không có đủ tiền để học trường quốc tế, thì chính là do mệnh của nó là thế. Nó nên được như thế, học trường bình thường như thế. Nhưng cha mẹ nó lại nỗ lực ghê gớm để đem đến cho nó điều kiện tốt hơn, gồng lên cho nó đi học trong khi cả gia đình nhiều khi còn phải chạy ăn ngày ba bữa.

Đó là việc làm tổn hại đến phúc đức tự thân của trẻ, nó được hưởng thụ cái nó không có trong mệnh, vậy nó phải lấy Đức của thân để bù vào. Điều này rất nguy hiểm, vì sau này khi thiếu Đức có thể nó sẽ bị tai nạn bất ngờ, làm ăn thất bại hay đoản mệnh v.v.

Nếu là cha mẹ tốt hãy ngẫm kỹ điều này: Điều kiện sống khó khăn vừa đủ mới chính là cái nôi rèn luyện nghị lực của con trẻ, tích Đức cho nó để làm thành sự nghiệp sau này. Đây cũng là lý do vì sao đa số vĩ nhân của thế giới đều có tuổi thơ không hề sung sướng.

Các gia tộc tỷ phú Do Thái, Đức hay Nhật, họ rất hiểu điều này, nên các thiếu gia của họ không hề được biệt đãi hay sống xa hoa từ nhỏ. Vì thế mà gia tộc của họ truyền thừa sự hưng vượng suốt hơn trăm năm. Còn như các nhà giàu mới nổi của Việt Nam và Trung Quốc, các cô cậu thiếu gia đốt tiền như rác, thì sau đời cha các thiếu gia cũng chẳng ai làm nên trò trống gì. Sự sung sướng thái quá sẽ hủy diệt tương lai đáng lẽ tốt đẹp của một đứa trẻ.

Thành công đến từ thái độ sống và đạo đức

Vậy chúng ta nên dạy dỗ con cái điều gì cho đúng với nội hàm của Càn Vi Thiên?

Càn Vi Thiên là 2 quẻ Càn chồng lên nhau còn gọi là Thuần Càn, nghĩa là một quẻ chân chính tượng trưng cho Trời, hoàn toàn thuần chính, không có gì nghiêng lệch. Vậy những gì dạy cho con cái tất phải thuần chính như vậy.

Con người là một trong tam tài Thiên Địa Nhân, vậy thứ thuần chính nhất là thứ dạy cho con người chuẩn mực làm người sao cho tốt nhất.

Các chuẩn mực này đã hình thành từ hàng nghìn năm qua trong văn hóa truyền thống của chúng ta. Người xưa chú trọng đạo đức, lấy nhân nghĩa làm gốc, không như ngày nay chỉ chú trọng vào kiến thức và khoa học kỹ thuật.

Gốc nhân nghĩa mới là cái đảm bảo cho chúng ta sống tốt đẹp và thịnh vượng lâu dài.

Quan trọng nhất là cha mẹ phải lấy mình làm gương giúp con hướng về các giá trị đạo đức nhân nghĩa vì đây là cuội nguồn của sinh mệnh. (Ảnh: pixabay.com)

Vậy nên, quan trọng nhất là cha mẹ phải lấy mình làm gương, dạy con cái các phép tắc, lễ nghi gia giáo trong gia đình, biết hiếu kính ông bà cha mẹ.

Sau khi đứa trẻ đó trở nên ngoan ngoãn hiếu kính, đạo đức tốt thì mới dạy cho nó các kiến thức khác trong đời. Nếu không có đủ đạo đức thì nó không thể thành công được. Thậm chí, nếu nó thành công vì lý do nào đó, thì sự thành công đó cũng sẽ đem lại tai họa cho người khác do sự vô đạo đức của nó.

Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ rõ rằng, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp chỉ chiếm 20% sự thành công. Phần còn lại đến 80% là kỹ năng ngoài chuyên môn như thái độ, cư xử, giao tiếp, ý chí, tư duy, phân tích, tổng hợp, thích ứng, văn hóa…

Các giáo trình dạy con trẻ hiện nay lại tập trung vào kiến thức chuyên môn mà bỏ lơ về đạo đức cá nhân. Đây là một nghịch lý lớn của giáo dục hiện đại.

Càn Vi Thiên là học Đạo đầu tiên, là học sự thuần chính và tốt đẹp. Vì “con cái là kết tinh của tình yêu thương trong gia đình”, hãy dạy dỗ chúng đúng Đạo để đem lại hạnh phúc lớn cho gia đình và tương lai tốt đẹp hơn cho xã hội.

2. Lợi ích cá nhân

Đây là bài học cuối cùng, cũng là bài học khó nhất trong quẻ này. Xưa có câu: “Kẻ địch mạnh nhất của mỗi người chính là bản thân họ”. Nếu chiến thắng nó thì sinh mệnh mới có thể thăng hoa lên cảnh giới cao hơn, tìm thấy hạnh phúc đích thực cho sự tồn tại của mình. Ý nghĩa chân chính của sự tồn tại đó thể hiện bằng quẻ Càn Vi Thiên, một sinh mệnh quang minh chính đại trường tồn tốt đẹp trong trời đất này.

Đây là bài học cuối cùng, cũng là bài học khó nhất trong quẻ này… (Ảnh: thisesotericlife.com)

Vậy vì sao chiến thắng bản thân mình lại khó đến như vậy? Vì cái gọi là “bản thân” thật ra lại không phải là chính mình, nó chính là cái Tôi giả, là “tâm ma” được hình thành bởi vô số quan niệm hậu thiên, các mối quan hệ, nghiệp báo hình thành trong quá trình sống. Nó trói buộc ta bằng vô số các quan niệm định nghĩa về bản thân, về sự tồn tại; nó che lấp cái “chân ngã” vĩnh hằng tốt đẹp ngang với Trời của chúng ta, để ta vĩnh viễn không thấy được chính mình, mãi mãi mê mờ. Nó khiến ta yêu, hận, ghen ghét, tranh đấu, bực tức, buồn bã, tủi thân, hổ thẹn, trầm cảm và dần dần trở nên trơ lì, vô đạo đức rồi đi đến hủy diệt. Nó khiến ta vì chút sĩ diện bản thân mà lao vào nguy hiểm, vì chút lợi cá nhân mà làm hại người khác, vì tiền mà vứt bỏ bản thân. Bạn nói xem nó có đáng sợ không? Và quan trọng nhất, nó được nuôi sống trong cái vỏ bọc mà không phải ai cũng dám cởi bỏ: Lợi ích cá nhân.

Thứ gọi là “lợi ích cá nhân” này là thuốc độc mà ai cũng thích uống, dù nó giết mòn mỗi người và lây lan rất nhanh. Chẳng phải cả thế gian này ai cũng hô hào phải bảo vệ lợi ích cá nhân là gì?

Quay lại quẻ Càn Vi Thiên, đây là 2 quẻ Càn chồng lên nhau: Càn cũng thuộc Kim, tượng trưng cho tiền, vàng, của cải. Vậy tiền xếp trên tiền là núi tiền, núi vàng. Vô số tiền bạc châu báu của cải.

Càn là Trời, tượng trưng cho lãnh đạo, cũng là quyền. Quyền xếp lên trên quyền, quyền lực to lớn, quyền lực tối thượng.

Hai thứ quyền và tiền vô hạn cùng một chỗ với nhau, nó có hàm ý gì?

Chiến thắng tâm ma để quay về

Như đã nói ở trên, tiền và quyền chính là thuốc thử hữu hiệu để phân biệt chính – tà, ngay – gian, người tốt – kẻ xấu, nhờ ở hành xử của họ đối với 2 thứ này khi nắm trong tay. Nó chính là 2 thứ to nhất thể hiện được lợi ích cá nhân khi sống trên đời.

Nó cũng để xem bạn có vượt qua mà trở về với chân ngã sáng trong minh bạch như Trời kia không, hay là vẫn quẩn quanh trong vòng danh lợi.

Sống trong cuộc đời, ai ai cũng có xu hướng tranh đấu ngược xuôi để có tiền quyến, danh lợi, đây cũng là để xem bạn có vượt qua mà trở về với chân ngã sáng trong minh bạch kia của mình hay không? (Ảnh: cnn.com)

Có người khi có trong tay vô số tiền bạc và quyền lực vô hạn nhưng vẫn chẳng để nó trong tâm, vẫn coi nhẹ và khi cần có thể vứt đi như một cái áo rách, vẫn cư xử đúng mực với đầy đủ đạo đức. Anh ta dùng quyền của mình để làm điều tốt cho mọi người, làm cái đúng, trừ khử những cái xấu, cái ác trên đời. Anh ta dùng tiền trong tay để làm những việc lớn lao, giúp người khác hành Thiện tích Đức. Làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, vì tất cả mọi người, không hề vì bản thân anh ta. Đó chính là các bậc Thánh Vương trong quá khứ. Từ Ashoka đại đế hay vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ đều không vì mình mà trị vì thiên hạ.

Hoặc cũng có khi anh ta buông bỏ hết quyền tiền trong một đêm, quyết tâm tu luyện, để rồi đắc Đạo cứu độ thế nhân, khiến cho đạo đức nhân loại hồi thăng, nhân tâm quy chính. Đó chính là các Thánh nhân như Khổng Tử, Lão Tử, Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus…

Khi đó, người này đã mở ra cánh cửa siêu thường mà quay về với chân ngã tiên thiên, thăng hoa sinh mệnh của bản thân mình. Họ đã đồng hóa mình với tượng quẻ Càn Vi Thiên, đồng hóa vào Trời Đất, có thể Đắc Đạo mà quay về.

Đó cũng là bài học cuối, quan trọng nhất mà các Giác Giả, Thần Phật luôn mong chờ con người hiểu được, để có lựa chọn đúng cho bản thân, đem lại sự tốt lành nhất nơi trần thế như quẻ Càn Vi Thiên đã triển hiện. Thật đúng là:

“Càn Khôn tạo Chính Pháp

Vi Diệu tân vũ trụ

Thiên Địa hữu nhân tâm”

Quang Chấn – Tĩnh Thuỷ

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/bi-an-kinh-dich-p-4-que-can-vi-thien-va-quan-he-giua-thien-dao-voi-gia-dinh-cha-con-va-tien-bac.html

Comment