No icon

bi-an-cai-chet-cua-gia-cat-luong-va-cuon-sach-tien-tri-huyen-thoai-thoi-boi-do-p-

Bí ẩn cái chết của Gia Cát Lượng và cuốn sách tiên tri huyền thoại ‘Thôi Bối Đồ’ (P.2)

Dự ngôn là lời tiên tri mà các bậc cao nhân, Thánh giả để lại cho hậu thế. Có người thắc mắc: Đã là tương lai thì sao có thể đoán trước được? Nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu như một quyển sách có thể tiên đoán chính xác sự thay triều đổi đại trước đó cả ngàn năm, thì điều gì sẽ xảy ra?

Có người hồ hởi nâng niu cuốn sách ấy như vật báu, nhưng cũng lại có người tim đập chân run, mất ăn mất ngủ, muốn trừ bỏ cuốn sách đi mới có thể yên tâm. Và đó chính là vận mệnh của cuốn sách tiên tri “Thôi Bối Đồ”.

Hoàn thành sứ mệnh, truyền thụ dự ngôn

Sau này Gia Cát Lượng thu nhận hai tiểu đồng làm đồ đệ, ông đã đem hết kỹ năng ra truyền thụ. Một trong những điều mà ông truyền thụ cho hai tiểu đồng là “Mã tiền khóa”, bộ sách dự ngôn do đích thân Gia Cát Lượng viết, tiết lộ những biến cố sẽ xảy ra từ sau thời Tam Quốc đến ngày nay.

Nhị đồ đệ do tâm phàm chưa hết, nên không thể tu thành. Sau này luân hồi chuyển thế, có đời tu hành có đời không, nhưng thẳm sâu trong ký ức ông vẫn luôn luôn nhớ tới “Mã tiền khóa”. Trong bao đời bao kiếp, ông luôn “ngẫu nhiên” gặp lại bộ sách dự ngôn này. Cho đến giữa những năm đời Thanh, “Mã tiền khóa” lại được Thủ Nguyên hòa thượng nghiên cứu, cũng chính là nhị đồ đệ của Gia Cát Lượng chuyển sinh.

Đại đồ đệ là người có lai lịch, ông từng là trọng thần Bá Ích của vua Đại Vũ, cũng từng chuyển sinh thành Thánh Simon, một trong 12 tông đồ của Chúa Jesus. Trong một đời vị đại đồ đệ này chính là Gia Cát Kiều, vừa là cháu ruột lại vừa là con nuôi của Gia Cát Lượng, về sau Cát Kiều hy sinh trên chiến trường trong cuộc Nam chinh.

Mấy đời chuyển sinh sau đó, đại đồ đệ đều chuyên tâm tu hành, thăng hoa tầng thứ trong Đạo gia, cho đến triều Tùy thì chuyển sinh thành Lý Thuần Phong.

Hoàn thành sứ mệnh, truyền thụ dự ngôn
Mấy đời chuyển sinh sau đó, đại đồ đệ của Gia Cát Lượng đều chuyên tâm tu hành, thăng hoa tầng thứ trong Đạo gia, cho đến triều Tùy thì chuyển sinh thành Lý Thuần Phong. (Ảnh: newrank.org)

Lên 10 tuổi, Lý Thuần Phong di cư cùng với gia đình, nhân duyên đưa đẩy lại trở thành bạn chơi cùng Lý Thế Dân lúc ấy 13 tuổi.

Sau đó không lâu, Lý Thuần Phong được một vị Đạo sỹ thu làm đồ đệ, đến năm 16 tuổi đã cơ bản học thành tài, phụng mệnh phò tá Lý Thế Dân nhất thống thiên hạ, trở thành “Ký thất Tham quân” của Lý Thế Dân, thực tế là “Quân sư bí mật”.

Những ai nghiên cứu “Mã tiền khóa” và “Thôi bối đồ” sẽ phát hiện ra rằng, cả hai bộ sách rất giống nhau. Trong khi “Mã tiền khóa” vô cùng ngắn gọn, cô đọng, thì “Thôi bối đồ” lại là phiên bản mở rộng và khai triển từ “Mã tiền khóa”.

Trải qua 400 năm đặt định sau thời Tam Quốc, vào thời kỳ vàng son thời nhà Đường, văn hóa dự ngôn cũng đạt đến huy hoàng cực thịnh.

Lý Thuần Phong: nhà toán học, dịch học, thiên văn học và nhà thiên tượng học

Lý Thuần Phong không chỉ là nhà dịch học nổi tiếng nhất lịch sử Á Đông, ông còn là một trong số ít những nhà thiên văn học danh tiếng, đồng thời là nhà toán học, văn sử học nổi tiếng đời Đường.

1. Cải tiến Hỗn thiên nghi

Hỗn thiên nghi là dụng cụ thiên văn dùng để đo sự vận hành của Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao. Hỗn thiên nghi cổ đại mà chúng ta thấy ngày nay là hỗn thiên nghi vòng tròn có 3 lớp đan xen, được xem là cải tiến phát minh của Lý Thuần Phong dựa trên kết cấu 2 lớp vòng tròn của Trương Hành. Đây là khí cụ cơ bản và chính xác nhất thời cổ đại để quan trắc thiên tượng.

Lý Thuần Phong: nhà toán học, dịch học, thiên văn học và nhà thiên tượng học
Một máy Hỗn thiên nghi còn tồn tại cho đến ngày nay tại Bắc Kinh (Ảnh: commons.wikimedia.org)

Người cổ đại cho rằng, nhật thực là điềm báo chẳng lành đối với thiên tử, hơn nữa cũng không ai có thể dự báo được. Nhưng theo ghi chép trong sử sách, Lý Thuần Phong từng hiệu chỉnh thành lịch mới rồi tâu lên Thái Tông rằng sắp có nhật thực.

Đường Thái Tông tỏ vẻ không vui, nói: “Nếu không có nhật thực, ái khanh, khanh sẽ xử lý thế nào?”.

Lý Thuần Phong thưa: “Nếu không có nhật thực, thần xin chịu tội chết”.

Đến ngày dự tính, Thái Tông chờ đợi ở sân cung đình, nhìn không thấy dấu hiệu của nhật thực nào cả, bèn nói đùa với Lý Thuần Phong rằng: “Ta cho khanh về nhà vĩnh biệt vợ con”.

Lý Thuần Phong nói: “Vẫn còn sớm một khắc (tức 15 phút)”. Ông chỉ vào bóng kim của nhật quỹ (khí cụ đo bóng mặt trời) và nói: “Đến đây thì nhật thực”. Quả nhiên, nhật thực đúng như lời nói, không sai một ly.

Ngày nay nếu dùng phần mềm máy tính phục dựng lại thiên tượng cổ đại, kết hợp với khảo chứng sử liệu, đã có thể xác định chính xác thời gian nhật thực lúc đó là ngày 3 tháng 9 năm 639 (năm Trinh Quán thứ 13). Đây là lần nhật thực gần như toàn phần quan sát được ở Trường An vào những năm Trinh Quán.

2. Nhà toán học lỗi lạc

Lý Thuần Phong chủ trì biên tập, chú giải 10 bộ sách chuyên ngành toán học như “Chu bễ toán kinh”, “Cửu chương toán thuật”, “Hải đảo toán kinh”, “Tôn Tử toán kinh”, “Ngũ Tào toán kinh”, v.v.

Sau khi được ông diễn giải chi tiết, các kinh điển toán học cổ đại thâm sâu, mù mờ, khó hiểu đã trở nên dễ học dễ hiểu, sau đó đã trở thành giáo trình của Viện toán học của Quốc tử giám đời Đường.

Những bộ kinh điển toán học do Lý Thuần Phong chú giải có ảnh hưởng lớn đến đương thời và hậu thế. Tiến sỹ Joseph Needham, học giả nước Anh đã ca ngợi ông là: “Nhà trước tác, chú thích toán học vỹ đại nhất trong toàn bộ lịch sử Trung Quốc”.

Lý Thuần Phong: nhà toán học, dịch học, thiên văn học và nhà thiên tượng học
Lý Thuần Phong vốn là người tu đạo nên những nhận thức và hiểu biết của ông cũng có nội hàm rất lớn. (Ảnh: pinterest.com)

3. Chuyên gia văn sử học

Tu sửa sử sách luôn được coi là thành tựu lớn nhất của các văn nhân thời cổ đại. Triều đại Đường Thái Tông đã tu sửa, hiệu đính và biên soạn một lượng sử sách rất lớn. Lý Thuần Phong cũng tham gia vào đại sự này, ông chỉnh lý viết cuốn “Thiên văn chí” và “Tấn thư” trong “ Ngũ đại sử”, và viết “Luật lịch chí”, “Ngũ hành chí”, đồng thời tham gia biên soạn phần thiên văn của “Lương thư”, “Trần thư”, “Bắc Tề thư”, “Chu thư”, “Tùy thư”.

4. Tác phẩm chuyên ngành thiên văn học và dịch học: “Ất tỵ chiêm”

Sách “Ất tỵ chiêm” của Lý Thuần Phong lưu truyền đến nay là một trước tác chuyên ngành dịch học và thiên văn học cổ đại.

Sách miêu tả chi tiết kết cấu của Hỗn thiên nghi, đồng thời còn tính toán chính xác trị số vận hành (tương đối so với trái đất), như mặt trời chuyển động nhanh hơn vào mùa đông và chậm đi vào mùa hè. Công trình của ông sớm hơn cả nhà thiên văn học nổi tiếng Tăng Nhất Hạnh. Cũng nhờ cuốn sách mà lần đầu tiên người ta xác định được cấp gió.

Một lượng lớn nội dung về chiêm tinh bói toán, âm dương, dự đoán học của “Ất tỵ chiêm” từng bị thời cận đại coi là “cặn bã”, kỳ thực, đó chính là một trong những tinh hoa của văn hóa Thần truyền. Chính nhờ những giá trị tinh túy này, Lý Thuần Phong đã tính toán chính xác thời khắc nhật thực xuất hiện, ông cũng nghiên cứu đặt ra lịch pháp và dự đoán tương lai.

Sự chuẩn xác văn hóa thiên tượng là đỉnh cao mở đường cho văn hóa dự ngôn

Nếu như mọi thành tựu khoa học của Newton là để mở đường cho ông nghiên cứu Thần học sau này, thì cảnh giới học thuật của Lý Thuần Phong cũng là để trải thảm cho kiệt tác dự ngôn “Thôi bối đồ”.

Dự ngôn trong “Thôi bối đồ” đã chỉ rõ về các biến động lịch sử và sự thay triều đổi đại, lại được kiểm nghiệm chứng thực qua hàng ngàn năm, nó chính xác đến mức khiến người thống trị của các triều đại đều e dè sợ hãi, do đó mà liệt vào sách cấm.

Hãy thử tưởng tượng, có những đế vương phải trải qua muôn vàn gian nan khổ cực mới lên ngôi hoàng đế, nhưng ngôi báu ngự chưa lâu thì đã có người thấy trước triều đại của mình sẽ kết thúc như thế nào rồi… Cảm giác đó như thế nào? Thiên hạ còn có nỗi sợ nào ám ảnh hơn việc này? Chính vì thế mà bộ sách tiên tri “Thôi bối đồ” đã bị các đế vương tìm cách tiêu huỷ.

Sự chuẩn xác văn hóa thiên tượng là đỉnh cao mở đường cho văn hóa dự ngôn
Sự chuẩn xác của dự ngôn trong “Thôi bối đồ” làm cho người đời sau không khỏi kinh ngạc và sợ hãi. (Ảnh: tinhhoa.net)

Lại do tham vọng làm hoàng đế, nhiều kẻ có ý phản nghịch đều có cùng suy nghĩ: “Làm vua thay phiên nhau, năm tới đến lượt ta”. Có người ngày nào cũng đối chiếu quyển sách này, quan tâm xem lúc nào mình có thể làm hoàng đế. Vì vậy, “Thôi bối đồ” càng cấm thì lưu truyền lại càng rộng rãi. Thời Bắc Tống, cuốn sách được lưu truyền đến mức nhà nào cũng có.

Cuốn “Thỉnh sử” của nhà sử học đời Nam Tống là Nhạc Kha, cháu nội của Nhạc Phi đã ghi chép câu chuyện “Thôi bối đồ” bị triều đình làm giả như sau: Khi Tống Thái Tổ cấm sách sấm, trong dân gian vẫn còn cất giữ rất nhiều, không thể cấm được. Triệu Phổ dâng tấu rằng: “Người cất giữ ‘Thôi bối đồ’ quá nhiều, người bị kết tội và bị vạ lây cũng quá nhiều”.

Thái Tổ nói: “Không cần phải cấm đoán, chỉ cần làm sách giả trộn lẫn vào là được rồi”. Thế là, Thái Tổ hạ lệnh đem sách gốc “Thôi bối đồ” ra, trừ những chỗ đã ứng nghiệm, thì đảo lộn trật tự các tượng các phần sau đó, chế tác ra trăm bộ sách giả đem ra lưu truyền.

Sau đó mọi người không biết đâu là bản thật nữa, cũng có người xem sách “Thôi bối đồ” thấy không còn linh nghiệm, nên không cất giữ nữa.

Sách “Thôi bối đồ” lưu truyền rộng rãi nhất hiện nay chính là sách mà Kim Thánh Thán của hoàng thất nhà Thanh bình chú, đó cũng là cuốn đảo lộn gần với sách thật nhất. Nếu có thể quy chính lại trật tự thì có thể thấy được những dự ngôn cho hiện tại và tương lai.

Nhưng chỉ sau khi những sự kiện ứng với dự ngôn xảy ra, mọi người mới có thể đọc hiểu được dự ngôn trong sách. Cũng có nghĩa là, quy chính trật tự có thể là “Gia Cát Dự” mà thôi, ai có thể quy chính trước khi sự việc xảy ra được đây?

Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/bi-an-cai-chet-cua-gia-cat-luong-va-cuon-sach-tien-tri-huyen-thoai-thoi-boi-do-p-2.html

Comment