No icon

ngam-khu-den-angkor-wat-thoi-hoang-kim-qua-video-do-hoa-song-dong

Ngắm khu đền Angkor Wat thời hoàng kim qua video đồ họa sống động

Dự án mang tên Digital Angkor đã tái hiện đền Angkor Wat cùng các khu vực xung quanh bằng những video với độ chi tiết cao, mang đến cho người xem cái nhìn về cuộc sống quanh khu đền cổ từ hàng thế kỉ trước.

Một ngôi đền nhỏ nằm ở khu vực xung quanh Angkor Wat (ảnh: Tom Chandler và Brent McKee/Monash University)
Một ngôi đền nhỏ nằm ở khu vực xung quanh Angkor Wat (ảnh: Tom Chandler và Brent McKee/Monash University)

Hiện những thước phim này đang được chiếu 3D theo thời gian thực lên một bức tường ở thư viện đại học Monash, Australia để du khách ngắm nhìn cho đến cuối tháng 6/2017.

Dự án tái hiện Angkor cổ đại

Một nhóm “mọt sách” về hoạt hình đã thực hiện dự án tái hiện Angkor bằng đồ họa. Tháng trước, Tom Chandler, sinh viên cao học tại ĐH Monash, Australia đã công bố những đoạn phim sống động về Angkor.

“Chúng tôi có 25.000 “nhân viên” – chúng là những nhân vật máy tính có thể tự ra quyết định về hành động của mình mỗi ngày. Ví dụ, bạn sẽ lập trình hành vi tương tác của người Mỹ hay Italy khác với người Nhật. Và khi bạn nhìn vào một đám đông, những sự khác biệt nhỏ này thực sự tạo ra thay đổi lớn,” anh Chandler chia sẻ với ABC News về dự án tham vọng này.

Xưởng làm đá thời kì đầu Angkor. (Ảnh: Tom Chandler và Brent McKee - ĐH Monash)
Xưởng làm đá thời kì đầu Angkor. (Ảnh: Tom Chandler và Brent McKee – ĐH Monash)

Những cảnh 3D lấy tư liệu từ nhiều nguồn khảo cổ và lịch sử

Dự án này đã bắt đầu như thế nào? Chandler đã “mượn” nhiều nghiên cứu và bản đồ từ các nhà khảo cổ nổi tiếng nhất và phát triển các cảnh quan 3D: con người, động vật, các ngôi đền và cây cối như trong thời cổ đại.

Với chuyên ngành nghệ thuật và khảo cổ, Chandler đã liên tục cải thiện thế giới ảo này bằng cách thay đổi dữ liệu đầu vào của máy tính, ví dụ như màu sắc của ngôi đền, để tạo ra một thế giới giống thật và chính xác theo lịch sử tối đa có thể.

“Có rất ít bằng chứng về màu sơn trên các ngôi đền. Mọi người đều đồng ý rằng chúng có màu sắc nhất định, nhưng cũng như trường hợp của khủng long, chúng ta không biết là màu gì. Tôi không cố tạo ra cái gì đó cố định, nhưng chúng tôi thử và áp dụng cho đến khi đồng thuận được các ngôi đền có thể có màu gì,” anh nói với ABC News.

Tuy nhiên, Angkor Wat ảo này vẫn chưa phải là sản phẩm cuối cùng, mà giống một nơi đang liên tục phát triển để phản ánh những khám phá khảo cổ mới.

Có người xem đây là một công cụ giáo dục trong tương lai, có người lại suy nghĩ sâu xa hơn và cho rằng các nhà khảo cổ có thể nhìn ngắm kĩ hơn và xem xét lại những kiến thức họ đã biết về thế giới cổ đại này, và đặt ra những câu hỏi mới.

Những khó khăn

Đối với một số người, dự án này có vẻ giống một trò chơi video, nhưng mọi thứ đều là vấn đề khó khăn với Chandler và nhóm cộng sự. Một trong những vấn đề khó nhất là có thể đưa các cánh đồng lúa vào cảnh quan rộng lớn.

“Chúng tôi không thể làm được cánh đồng lúa, vì nó liên quan tới hàng triệu hàng triệu chiếc lá. Chúng làm cho máy tính bị đứng liên tục,” Chandler chia sẻ.

Vì vậy nhóm của anh đã nhờ chuyên gia tư vấn xem loại cây nào đã mọc ở thời đó, rồi bay đến tận nơi và chụp ảnh để về dựng hình của cây trên máy tính.

Về âm thanh, anh ghé thăm những ngôi làng xa xôi và ghi lại âm thanh môi trường ở đó. Đây là điều khá khó vì Campuchia đang phát triển công nghệ rất nhanh, như điện thoại di động, xe máy… làm cho ô nhiễm âm thanh tăng cao.

Cuối cùng, anh Chandler có vẻ tự tin rằng dự án này sẽ tiếp tục phát triển trót lọt, vì có rất nhiều thông tin mới về các cuộc khai quật trong khu vực mà anh có thể đưa vào.

“Tôi nghĩ rằng mục tiêu luôn là cố gắng và tạo ra cả thành phố Angkor, nhưng chúng tôi không muốn làm quá sức và chạy quá nhanh. Đó là một thành phố lớn, và cần làm từng bước một. Tất cả là phụ thuộc vào thời gian và sức xử lý của máy tính, và các thông tin khảo cổ chính xác tới đâu.”

Theo Ancient-Origins.net
Sơn Vũ biên dịch

TAMTHUC

Nguồn:https://trithucvn.net/khoa-hoc/ngam-khu-den-angkor-wat-thoi-hoang-kim-qua-video-hoa-song-dong.html

Comment