phat-hien-hoa-thach-khung-long-bien-khong-lo-o-an-do
Phát hiện hóa thạch ‘khủng long biển’ khổng lồ ở Ấn Độ
- bởi tamthuc --
- 26/10/2017
Một bộ xương hóa thạch của loài cá Ichthyosaur vừa mới được tìm thấy bên ngoài ngôi làng Lodai, tỉnh Gujarat, miền tây Ấn Độ.
Đây là hóa thạch đầy đủ nhất của loại cá được mệnh danh là “khủng long biển” sống vào khoảng 150 triệu năm trước, với kích cỡ to lớn như một chiếc thuyền. Hóa thạch được lưu giữ tốt sẽ giúp các nhà cổ sinh vật học hiểu về sự phát triển và phổ biến của loài cá cổ địa trong thế giới cổ đại, National geographic hôm 25/10 đưa tin.
Xương hóa thạch được phát hiện trong một bụi cây rậm rạp ở miền tây bắc Ấn Độ.Đó là một bộ xương gần như nguyên vẹn của một con Ichthyosaur, thuộc nhóm bò sát biển khổng lồ sinh sống cùng thời kỳ với khủng long. Những con vật này hung dữ như cá mập, đôi mắt to, hàm hẹp, và những chiếc răng hình nón sắc nhọn. Thức ăn của chúng chủ yếu là cá.
Cá Ichthyosaur sống cách đây 152 đến 157 triệu năm, là quái vật biển thời kỳ Jura đầu tiên được phát hiện trong khu vực, chúng có hình dạng như loài cá heo hiện tại nhưng da thô sần và có màu đen. Hóa thạch này sẽ giúp các nhà cổ sinh vật học hiểu rõ hơn cách thức loài cá Ichthyosaur phát triển và thống trị đại dương như thế nào trong thời cổ đại.
Steve Brusatte, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Edinburgh, cho biết: “Đây là một khám phá tuyệt vời, đây là bộ xương Ichthyosaur tốt nhất từng được tìm thấy ở Ấn Độ. Các hóa thạch Ichthyosaur thường dễ tìm thấy ở lục địa phía Bắc, nhưng rất hiếm ở phía nam”.
Ông cũng cho biết thêm: “Trên toàn cầu, nhiều hóa thạch từ nhóm này cho đến nay đã được tìm thấy ở Bắc Mỹ và châu Âu. Vì vậy, bộ xương mới có thể tiết lộ nhiều bí mật về sự tiến hoá của Ichthyosaur về mặt sinh học”.
Bộ xương hóa thạch của Ichthyosaur bị chìm vào trong lớp đá trầm tích, việc khai quật của nó là công việc nặng nhọc, cực kỳ khó khăn trong khu vực khí hậu khô cằn và khắc nghiệt, với nhiệt độ trên 35 độ C.
Sau 1.500 giờ đào xới, đội nghiên cứu đã phát hiện bộ xương được bảo quản trong tình trạng còn nguyên vẹn. Khối xương sống của Ichthyosaur vẫn thẳng không bị đứt gãy, và đầu mũi trái của nó vẫn giữ hình dạng vốn có như khi còn sống.
Nhà cổ sinh vật học Guntupalli V.R. Prasad thuộc Đại học Delhi, Ấn Độ cho biết : “Phát hiện này đã gây bất ngờ lớn. Trước đây tôi ít nghiên cứu nhiều về các hóa thạch các loài có xương sống trong khu vực, bởi rất ít khi tìm thấy chúng”.
Nhưng ông nhanh chóng phát hiện ra tầm quan trọng của lần khám phá này. Không chỉ là phát hiện ra một bộ xương hóa thạch đầy đủ mà còn là việc tìm thấy loại cá Ichthyosaur ở Ấn Độ- loài động vật cổ từ thời kỷ Jura đầu tiên được phát hiện ở quốc gia này. Prasad nói rằng tất cả các phát hiện trước đây đều là các loài trước thời kỳ Jura khoảng 50 triệu và chỉ tìm thấy được những chiếc răng hoặc vài đốt sống riêng lẻ.
Khi cá Ichthyosaur còn tồn tại, khu vực này của Ấn Độ được bao phủ bởi biển nhiệt đới, nơi có một loài bò sát dài tới gần 5 m. Nứt kẽ răng bị mòn đã chứng tỏ thức ăn của nó là những con mồi có trúc cơ thể rất cứng. Phát hiện ra Ichthyosaur ở Ấn Độ còn chứng tỏ sự phát triển toàn cầu của loài “khủng long biển” thời kỷ Jura.
Cùng với các bằng chứng hóa thạch, việc tìm thấy Ichthyosaur còn gợi ý rằng đã từng tồn tại một eo biển khổng lồ vượt qua lục địa Gondwanaland cổ đại, cắt ngang qua mảnh đất bây giờ chia thành miền tây Ấn Độ, Madagascar và Nam Mỹ.
Nếu đây là sự thật thì nó có thể giúp các nhà cổ sinh vật học định hình và hiểu biết thêm về cuộc sống của các loài sinh vật trong môi trường biển trải rộng như thế nào trong kỷ Jura.
Brusatte cho biết: “Tìm kiếm này giúp cho chúng ta thấy được loài Ichthyosaur phát triển trên toàn cầu trong thời khủng long. Chúng dường như đã sống ở khắp mọi nơi trên đại dương trên toàn thế giới, cùng thời với những loài khủng long khổng lồ khác”.
Sơn Tùng
Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/phat-hien-hoa-thach-khung-long-bien-khong-lo-o-an-do.html
Comment