No icon

hoa-thach-he-lo-nam-cuc-tung-co-thoi-la-rung-nguyen-sinh

Hóa thạch hé lộ Nam cực từng có thời là rừng nguyên sinh

Các nghiên cứu hóa thạch tại Nam cực chỉ ra khu vực này từng được bao phủ bởi rừng rậm. Các loài thực vật ở đây có thể tồn tại trong điều kiện chiếu sáng liên tục hoặc không có ánh sáng trong nhiều ngày do đặc điểm chiếu sáng theo mùa của vùng cực.

Các mẫu hóa thạch cho thấy, khoảng 260 triệu năm trước, Nam cực được bao phủ bởi rừng nguyên sinh. Khu rừng này phủ khắp siêu lục địa Gondwana nối liền Nam cực với các lục địa khác ở Nam bán cầu, Sciencealert hôm 15/11 đưa tin.

Loài thực vật chủ yếu trong khu rừng trên là rêu, dương xỉ và một số cây thân gỗ loại nhỏ. Chúng phát triển mạnh trong kỷ Pecmi trước khi bị vùi lấp dưới lớp băng tuyết của Nam cực.

Hóa thạch lá dương xỉ phát hiện tại Nam Cực (Ảnh: Sciencealert)

 

Hiện các nhà khoa học thuộc Đại học Wisconsin–Milwaukee đang tìm kiếm thêm các mẫu khoáng vật ở vùng núi Transantarctic để tìm hiểu nguyên nhân tiêu diệt khu rừng khổng lồ này.

Từ tháng 11/2016 đến 1/2017 giáo sư Gulbranson và Dr John Isbell đã tìm kiếm dọc theo sườn núi McIntyre Promontory của dãy núi Transantarctic. Họ đã tìm thấy 13 mẫu khoáng vật từ cuối kỷ Pecmi, trước kỷ Juras. Giáo sư Gulbranson phỏng đoán “những loài cây này có lẽ sinh trưởng theo chu kỳ thức và ngủ giống như một công tắc bóng đèn.” Ông tiếp lời “chúng tôi biết chúng ngủ suốt mùa đông, nhưng chúng tôi chưa biết chúng hoạt động ra sao trong mùa hè, và liệu chúng có thể chuyển sang trạng thái ngủ khi trời sáng.”

Dãy núi Transantarctic, nơi các nhà khoa học đang tìm kiếm hóa thạch

Thông qua việc nghiên cứu vân gỗ, các nhà khoa học đã phát hiện ra những cây này chuyển rất nhanh từ trạng thái hoạt động sang trạng thái ngủ, có lẽ trong vòng một tháng. Để thực hiện việc chuyển đổi tương tự, các loài cây ngày nay phải mất vài tháng. Chúng cũng dự trữ nước bằng cách tạo ra thức ăn vào ban ngày và nghỉ ngơi vào ban đêm. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa biết việc chiếu sáng liên tục trong nhiều tháng ảnh hưởng như nào đến chu kỳ ngày đêm của thực vật.

Kỷ Pecmi kết thúc 251 triệu năm trước đây với sự tuyệt chúng của hầu hết các loài thực vật cổ đại do không thích nghi được với hiện tượng khí hậu ấm lên. Sự kiện này đã hủy diệt hơn 90% hệ thực vật cổ đại, bao gồm cả những khu rừng ở hai địa cực.

Nghiên cứu các mẫu hóa thạch từ kỷ Pecmi sẽ giúp sáng tỏ nhiều điều

Nhiều nhà khoa học cho rằng, hiện tượng trái đất nóng lên là tác nhân gây ra sự hủy diệt thực vật ở kỷ Pecmi-Triat. Trong khoảng 200.000 năm một lượng lớn khí nhà kính như CO2, Metan được giải phóng vào không khí gây nên hiện tượng khí nhà kính làm nhiệt độ toàn cầu tăng dần.

Tiến sĩ Gulbranson cho biết: “nghiên cứu về thời đại này cho ta hình dung về cuộc sống trước sự tuyệt chủng, điều này có thể giúp chúng ta hiểu rõ điều gì đã gây ra sự kiện này.”

Vào thời kỳ Pecmi, Nam cực ấm hơn và ẩm hơn so với hiện nay. Các lục địa trên thế giới, như chúng ta biết, gắn liền với nhau trong hai lục địa khổng lồ – một ở phía bắc và một ở phía nam.

Siêu lục địa Gondawana khi chưa bị chia cắt

Nam Cực là một phần của Gondwana, siêu lục địa trải dài trên bán cầu Nam, bao gồm cả Nam Mỹ, Châu Phi, Ấn Độ, Úc và bán đảo Ả-rập.

Tiến sĩ Gulbranson cho biết: “Nhóm thực vật này phải có khả năng sống sót và phát triển trong nhiều môi trường khác nhau. Rất hiếm hoi, thậm chí ngày nay, cho một nhóm thực vật xuất hiện trên toàn bán cầu”.

Tiến sĩ Gulbranson giờ đây tìm kiếm các dấu tích từ sự tuyệt chủng hàng loạt để xem liệu ông có thể xác định chính xác cách thức các loài thực vật phản ứng với lượng khí CO2 tăng lên.

Nhật Minh

Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/hoa-thach-he-lo-nam-cuc-tung-co-thoi-la-rung-nguyen-sinh.html

Comment