No icon

bac-tri-gia-cam-len-duoc-bo-xuong-duoc

Bậc trí giả “cầm lên được, bỏ xuống được”

Có câu nói rất hay rằng: “Trí giả cầm lên được, bỏ xuống được”, “cầm lên được” là năng lực, là trách nhiệm gánh vác, nhưng “bỏ xuống được” lại là trí tuệ, là sự thoải mái. Cho nên, trong cuộc đời khi nào cần gánh vác trách nhiệm thì nên gánh vác, khi nào cần buông bỏ thì đừng cố chấp nắm giữ. 

con người
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

Trong cuộc đời, dẫu chúng ta biết rằng, có những điều buông bỏ được thì sẽ nhẹ nhàng, thản đãng. Nhưng rất nhiều khi biết cần buông bỏ mà không thể buông bỏ được. Đó là nguyên nhân do đâu?

Có một câu chuyện nhà Phật kể rằng: Từng có một người thanh niên với vẻ mặt khổ sở đến hỏi một vị hòa thương già: “Thưa thầy, có một số thứ và một số người, tại sao con lại không thể buông bỏ được!”

Vị hòa thượng già nói: “Không có gì là không thể buông bỏ được!”

Người thanh niên trẻ kia lại nói: “Có những thứ và những người mà con hết lần này đến lần khác đều không buông bỏ được!” 

Vị hòa thượng già liền bảo người thanh niên trẻ kia cầm chiếc chén lên rồi ngài rót nước trà vào chén. Hòa thượng rót đến tận lúc nước trà trong chén đã tràn ra ngoài mà vẫn chưa dừng. Người thanh niên trẻ kia lập tức thấy nóng quá không chịu được liền buông tay và đặt chén trà xuống bàn.

Lúc này vị hòa thượng già lại nói: “Trên đời này không có gì là không buông bỏ được, chỉ cần con cảm thấy bị đau, con sẽ tự bỏ xuống được thôi.”

Quả thật, trong cuộc đời, khi chúng ta đã có công danh, thì liền thấy khó buông bỏ được công danh. Khi chúng ta đã có tiền tài, thì liền thấy khó buông bỏ được tiền tài. Khi chúng ta đã có tình yêu, thì liền thấy khó buông bỏ được tình yêu. Khi chúng ta đã có sự nghiệp, thì liền thấy khó buông bỏ được sự nghiệp.

Tất cả những điều này khiến chúng ta không buông bỏ được là bởi vì trong lòng chúng ta còn có suy nghĩ và mong tưởng về chúng, còn bị chúng hấp dẫn. Hay bởi vì hành vi của đối phương còn chưa động chạm đến ranh giới của sự chịu đựng. Nói chung là vì chúng còn chưa khiến bản thân chúng ta bị đau nhức đến mức phải buông bỏ. Đau đớn rồi thì sẽ buông bỏ được, nhưng bậc trí giả sẽ biết điểm dừng mà buông bỏ đúng lúc không để bản thân bị đau.

buông bỏ
(Hình minh họa: Qua indiafacts.org)

Những người thiếu quyết đoán thường hay nghĩ trước nghĩ sau nên cầm lên cũng chậm mà buông bỏ cũng chậm. Nếu như người đó trải qua một lần biến cố to lớn, hay khi cận kề cái chết sẽ có thể khiến họ thay đổi.

Khi chúng ta đối với một thứ hay một người nào đó, mà có cách suy nghĩ nhìn nhận thông thoáng hơn, xem nhẹ hơn thì việc buông bỏ cũng sẽ dễ dàng hơn. Chúng ta sở dĩ bị rơi vào đau khổ, là bởi vì trong lòng còn có nhiều dục vọng, ham muốn. Mỗi ngày, chúng ta đều phải suy nghĩ về những thứ dục vọng ấy thì đương nhiên là sẽ thấy mệt mỏi.

Cũng giống như việc chúng ta mua sắm đồ đạc cho một căn nhà mới vậy. Lúc ban đầu vì để thỏa mãn nhu cầu hay sở thích nên chúng ta đều muốn mua thật nhiều thứ. Nhưng nhiều năm sau này, chúng ta sẽ phát hiện thấy ngôi nhà này đã bị chồng chất quá nhiều thứ, thậm chí cả những thứ không sử dụng đến. Lúc đó, chúng ta có suy nghĩ rằng sẽ bỏ đi một vài thứ nào đó, nhưng, bỏ đi thứ gì đây? Cái gì cũng thấy có ý nghĩa, có kỷ niệm, vứt bỏ đi thứ gì cũng không đành nên rốt cuộc lại lưu giữ lại. Cuối cùng, cái nào chúng ta cũng không nỡ bỏ đi, thế là chúng ta đành phải chấp nhận sinh sống ở một không gian nhỏ hẹp, bức bối mà thôi.

Nhưng nếu như có một ngày nào đó, căn nhà của chúng ta bị mưa dột khiến những thứ đó bị ướt, hay chúng đã bị rách nát thì chúng ta lại dễ dàng vứt bỏ ngay. Điều này chính là “thật sự đau đớn thì sẽ tự nhiên buông bỏ!”.

Trong cuộc đời, có rất nhiều thứ chúng ta nên buông bỏ kịp thời, nếu như chúng ta cứ lưu luyến chúng thì sẽ khiến chúng trở thành một loại ràng buộc, trói buộc bản thân mình. Hãy dũng cảm buông bỏ để được tự do tự tại! Có thể buông bỏ được ấy chính là bậc trí giả.

An Hòa (dịch theo sự cho phép của tác giả)

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/van-hoa/bac-tri-gia-cam-len-duoc-bo-xuong-duoc.html

Comment